Lọc Truyện
Từ ngày 12/7/2024: Metruyenhot sẽ chuyển sang dùng tên miền metruyenhotmoi.com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ chúng mình và nhớ tên miền mới này nhé!

Ai Đó (Mỗ Mỗ)

Thịnh Vọng và Giang Thiêm mua vé máy bay vào sáng ngày 24, vừa hạ cánh thì nhận được tin nhắn wechat của Thịnh Minh Dương bảo là buổi sáng ông đi ăn uống, hai đứa cứ về nhà nghỉ ngơi trước đi, cơm tất niên buổi tối đã đặt sẵn rồi.

Dạo xưa bất kể bận rộn đến đâu, Thịnh Minh Dương chắc chắn sẽ để trống ngày hôm nay – 30 tết. Năm nay tự dưng đi ăn uống, không cần nghĩ cũng biết đang tránh mặt.

Ông nửa mong mỏi hai đứa Thịnh Vọng có thể về đón năm mới, nửa thấy mất mặt. Căn nhà trong ngõ Bạch Mã là một sự tồn tại đặc biệt, chứng kiến hai gia đình, bốn người bên nhau rồi chia ly. Đứng ở nơi đó nhìn Thịnh Vọng và Giang Thiêm cùng nhau trở về, ông thật sự không biết phải nói câu gì đầu tiên.

Đồng chí già khôn khéo hơn nửa đời người, giỏi nói những lời có cánh, cuối cùng người duy nhất không đối đáp được lại là con trai mình.

Đương nhiên Thịnh Vọng hiểu suy nghĩ của ông, nên chỉ im lặng nhận định vị nhà hàng mà ông chia sẻ, không hề vạch trần.

Lúc chờ hành lý, Thịnh Vọng nhận được một cuộc gọi. Giang Thiêm nghe cậu và người ta xác nhận phương hướng và khu vực đỗ xe thì hỏi: “Ai gọi thế?”

Thịnh Vọng đáp: “Chú Tiểu Trần.”

Đã lâu rồi Giang Thiêm không nghe thấy danh xưng này, đờ người một lúc mới hoàn hồn, Thịnh Vọng đã đẩy hành lý tới. Cậu duỗi tay ra trước mặt Giang Thiêm vỗ thành tiếng và bảo: “Hồi hồn.”

Giang Thiêm ấn bàn tay quậy phá của cậu xuống: “Chú ấy đến rồi à?”

“Ò, đang ở bãi đỗ xe.”

Giang Thiêm vô thức nhìn biển báo chỉ đường đến bãi đỗ xe trên đầu, nhưng Thịnh Vọng kéo hắn đi tới thang cuốn: “Anh nhìn biển báo làm gì, nhìn em là được rồi.”

Giang Thiêm mới chỉ bay ở đây đúng 1 lần, còn Thịnh Vọng mấy năm nay đi đi lại lại vô số lần, lần nào về cũng vội vội vàng vàng, duy chỉ có lần này là ngoại lệ.

Nom cậu chủ nhỏ vui tươi hí hửng lắm, điệu bộ như Hoàng Đế đi tuần, chém gió phần phật ngay trước mặt anh cậu: “Chỗ khác thì không nói chứ sân bay em thuộc nằm lòng, em có thể làm công cụ chỉ đường sống cho anh, miễn phí luôn.”

Giang Thiêm đẩy xe hành lý đáp “Ừ”: “Của rẻ là của ôi.”

“Đệt.” Thịnh Vọng chìa tay bảo: “Thế anh trả tiền công cũng được.”

Giang Thiêm móc điện thoại trong túi quần ra đặt vào tay cậu, rồi chợt nhấc lên ngay trước khi cậu nắm lấy: “Chứng minh đi đã.”

“Chứng minh cái gì?”

“Đáng đồng tiền bát gạo.”

“Anh hỏi đê, hỏi bất cứ hàng quán nào em cũng chỉ cho anh được.”

Giang Thiêm lại “Ừ”, hỏi: “Tây là hướng nào?”

Thịnh Vọng: “…”

Xong, toang rồi bu em ạ.

Cậu chủ nhỏ tung hành ngang dọc bấy lấu, đi khắp nẻo đường đất nước, nhưng vẫn không phân biệt được Đông Tây Nam Bắc như xưa. Công cụ chỉ đường sống vừa mới bán đã tịt ngòi, không lừa được một cắc nào.

Trong dịp Xuân vận [1] người người nhà nhà vội vã, bãi đỗ xe chật kín chỗ, dịch vụ đặt xe online rồng rắn nhau, không nhận ra nổi ai vào với ai. Thịnh Vọng gọi điện cho chú Tiểu Trần và bắt đầu cách thức hỏi đáp giằng co bằng một câu “Rốt cuộc xe ở đâu”.

[1] Xuân vận là từ dùng để chỉ hành trình về quê nghỉ Tết Nguyên Đán của người Trung Quốc, được biết đến như “cuộc di cư lớn nhất lịch sử nhân loại”.

Tiểu Trần thay đổi đủ kiểu miêu tả, cuối cùng sup sụp nói: “Ngay đằng sau cái ô tô màu trắng, đang nháy pha.”

Thịnh Vọng nói: “Chú à, chỗ này phần lớn là xe trắng, có cái nào không nháy pha? Hay chú nói khu vực đỗ đi, bọn cháu tự tìm đường.”

Tiểu Trần đáp: “Phía Bắc khu K.”

Thịnh Vọng im lặng vài giây, lén lút đưa điện thoại cho anh cậu: “Anh nghe đi, em chỉ biết trái phải trước sau thôi.”

Anh cậu vẫn không quên hỏi: “Em là công cụ chỉ đường sống cơ mà?”

“Sập tiệm rồi.”

Kết quả Giang Thiêm chỉ tốn 2 phút đã tìm được xe, công cụ chỉ đường sống từ sập tiệm biến thành tự kỉ.

Tiểu Trần chẳng thay đổi gì, tóc vẫn cắt kiểu đơn giản nhất, trang phục mùa này vẫn là áo khoác ngắn cổ bẻ tỉ năm như một. Chú bước xuống xe xách hành lý giúp, lúc thấy Giang Thiêm bước chân khựng lại, sau đó mỉm cười bùi ngùi bảo: “Cao hơn rồi, mà vẫn đẹp trai ngời ngời nhỉ?”

*

Có những điều vô cùng đơn giản như một người, một con đường, một tòa nhà có thể khiến người ta mơ về thời niên thiếu. Giang Thiêm ngồi ở ghế sau trên xe Tiểu Trần, nhìn Thịnh Vọng tựa vào cửa sổ gà gật, bỗng có cảm giác ấy. Bởi thế mà thoáng khi ấy, hắn thậm chí muốn xắn tay áo lên tới khuỷu, như thể hắn vẫn mặc đồng phục xanh trắng trên người.

Tiểu Trần vẫn còn việc khác, chở họ về đến cửa nhà trong ngõ Bạch Mã rồi rời đi theo con đường khác. Giang Thiêm đứng trước cửa nhìn Thịnh Vọng nhập mật khẩu, hắn phát hiện bao năm qua thế mà những con số ấy chẳng hề thay đổi, vẫn là dãy số hắn được biết. Sau khi mở cửa, mùi nước tẩy thoang thoảng trong nhà hệt như năm nào.

Mấy năm nay, mỗi lần Giang Thiêm nhớ đến căn nhà này thì chóp mũi luôn vấn vít mùi hương ấy. Đó là kí ức cuối cùng của hắn về nơi đây, chẳng tốt đẹp gì cho cam. Thế nên chỉ cần ngửi thấy là hắn vô thức cảm giác mình vừa chạy mấy cây số liền.

May mà cái người lần trước tìm khắp nẻo chẳng thấy nay đã đứng kế bên, cười cười nói nói và chạm vào được, vì thế mùi hương ấy dịu dàng hơn hẳn, không còn trống trải quạnh quẽ nữa.

Giây phút hắn nắm tay Thịnh Vọng, rốt cuộc thấu tỏ rằng họ sắp có trong tay một quãng thời gian rất rất dài, dài đến mức đủ để che mờ tháng năm xa cách, buồn thương và trống trải.

*

Nhà lầu hứng sáng tốt, nhưng chỉ cần quét dọn gọn gàng mà mãi chẳng có ai ở thì trong nhà sẽ trở nên lạnh lẽo. Thịnh Vọng y hệt trước kia, cởi giày phát là bắt đầu tìm điều khiển ngay, vừa đi vừa bật điều hòa. Không cần biết người khác ở đâu, cứ phải bật hết lên không sót cái nào. Mùa hè phải lạnh tới mức đắp chăn, mùa đông phải ấm đến mức mặc áo mỏng, chẳng biết học ở đâu ra cái thói ấy.

Giang Thiêm đi theo sau lưng cậu, cảm giác lạ lẫm ban nãy ngoài cửa dần dần biến mất sạch theo từng hành động nhỏ của ai đó.

Cậu chủ nhỏ chạy thẳng lên tầng hai như bắt trộm, mở cửa phòng ngủ Giang Thiêm thò đầu vào và bảo: “Em biết ngay mà!”

“Gì đấy?” Giang Thiêm hỏi.

“Em đã bảo là dọn một phòng thôi đủ rồi.” Thịnh Vọng mở rộng cửa, hất hất cằm vào bên trong và nói: “Đấy —– đồng chí già chả chịu phối hợp gì cả, cứ bảo thím Tôn dọn cả 2 phòng.”

Hồi thiếu niên cậu nghĩ Thịnh Minh Dương chẳng bao giờ chịu lắng nghe cậu nói. Giờ nhìn thấy những hành động này, cậu chỉ buồn cười mà thôi.

Thịnh Minh Dương bộc lộ rõ nét sự chu đáo mà một doanh nhân nên có, dù không được vui cho lắm nhưng trong chuyện dọn dẹp phòng ngủ của Giang Thiêm vẫn thể hiện đầy đủ sự rộng lượng của bậc bề trên. Ga giường vỏ chăn mới tinh tươm, không hề bảo thím Tôn thay qua loa cho xong chuyện, chí ít đã được phơi nắng, thơm tho và ấm áp.

Đương nhiên, suy nghĩ muốn Giang Thiêm ngoan ngoãn ngủ ở phòng bên cạnh cũng rõ rành rành.

Thịnh Vọng tiếp tục mở cửa phòng mình, kết quả càng buồn cười hơn.

Bởi vì trên giường đặt hai bộ chăn gối dở ông dở thằng, nom không phải thói quen dọn dẹp của thím Tôn. Cậu vẫy vẫy tay với Giang Thiêm, xoay người điều tra góc cạnh của hai cái chăn, sau đó túm một góc chăn nói: “Nhìn thấy chưa, chả cần nói, cái kiểu lồng vỏ chăn không kéo căng, móp mọp thế này chỉ có bố em làm thôi.”

Từ đó suy ra ban đầu thím Tôn trải một tấm chăn ở phòng bên này, Thịnh Minh Dương ngẫm nghĩ thấy không ổn – nhỡ đâu hai đứa nó cứ quyết phải chung phòng thì sao? Thế là ngang ngược cho thêm cái chăn nữa. Thịnh Vọng nhìn thấy cơn giãy giụa tâm lý của đồng chí già từ góc chăn bị móp.

Cậu vịn vai Giang Thiêm cười mãi, sau đó cầm điện thoại chụp cái góc chăn, mở wechat gửi cho Thịnh Minh Dương.

[Tôi không cần cái tay này nữa: Bố, bố làm đấy à?]

Một lát sau, Thịnh Minh Dương trả lời: Bố lấy đâu ra cái tài ấy.

[Tôi không cần cái tay này nữa: Ồ]

[Tôi không cần cái tay này nữa: Thế để con hỏi thím Tôn, mới một năm không gặp mà sao kĩ thuật của thím đã tụt lùi thế này]

Nhờ hai câu nói này mà chút ít mặt mũi và gượng gạo của đồng chí già hoàn toàn vỡ nát. Thịnh Vọng vừa nhắn xong, ông bèn gọi điện đến, giọng nói vô cùng bất đắc dĩ: “Về đến nhà rồi à?”

“Con vừa vào cửa.” Thịnh Vọng nói.

“Bên bố không đi ngay được, buổi trưa các con tự lo lấy.” Thịnh Minh Dương do dự chốc lát, rốt cuộc chủ động nhắc tới một người khác: “Đừng gọi đồ ăn ngoài. Bố nhớ Tiểu Thiêm biết nấu cơm nhỉ? Trong bếp có thức ăn đấy. Hoặc là các con gọi điện cho chị Tôn.”

Nghe thấy tiếng gọi “Tiểu Thiêm” từ miệng ông, Giang Thiêm vô cùng ngạc nhiên.

Thịnh Vọng chớp chớp mắt với anh cậu, nói vào điện thoại: “Lát nữa bọn con đến Ngoài rặng ngô đồng, hôm qua ông Đinh về nhà rồi, chắc buổi trưa cũng ăn ở đó.”

“Được rồi, phòng riêng bố đặt buổi tối có đủ chỗ. Nếu ông cụ đồng ý thì ăn với nhau bữa cơm tất niên.” Thịnh Minh Dương đã quá quen xử lý tình huống, chuyện khác không bàn chứ lễ phép và sĩ diện cần có chưa bao giờ rơi rớt.

Thịnh Vọng “À” lên, rồi nói thêm vài câu nữa. Trước khi cúp máy, cậu mới bổ sung như đang giở trò xấu xa: “Đúng rồi bố —-”

Thịnh Minh Dương tưởng cậu có việc gì: “Hả?”

“Ban nãy con vẫn bật loa ngoài suốt.”

“Con…”

Thịnh Minh Dương im lặng hai giây, thẳng tay cúp máy.

*

Lúc hai người thu dọn xong và đến Ngoài rặng ngô đồng thì đã gần trưa, trong con ngõ sâu vảng vất mùi thức ăn, có cả các ông các bà nắm tay cháu trai cháu gái về nhà. Khi thấy Giang Thiêm, họ đều giữ hắn lại nói: “Mấy năm không gặp mà con đã lớn tướng rồi!”

Có lẽ cả đời Giang Thiêm chưa từng chào hỏi nhiều đến thế, nhưng các ông các bà cứ hỏi tới hỏi lui mấy câu y chang nhau, hắn bị ép thành cái đài radio lặp đi lặp lại. Thịnh Vọng thì cứ đút tay trong túi áo xem trò hay, đã không giúp thì thôi lại còn cố tình khơi gợi cho các cụ hỏi hắn nhiều hơn.

Họ ì ạch trong con ngõ thẳng tắp mất nửa tiếng đồng hồ, vất vả lắm mới đi đến cuối, mặt tiến sĩ Giang tê liệt luôn rồi. Hắn lườm ai đó, hỏi: “Sướng không?”

“Sướng.” Trong mắt Thịnh Vọng đong đầy nụ cười.

Nhưng chẳng bao lâu cậu không cười nổi nữa, vì cậu vừa bước vào căn nhà nhỏ cũ kĩ, thì ông cụ đang đứng trước bồn hoa cắt tỉa tưới tắm bỗng quay đầu lại.

Lúc cụ Đinh căng mặt, nếp nhăn khóe miệng xụ xuống, trông khó gần và hung dữ lắm. Nhưng cụ vừa thấy Thịnh Vọng, hai nếp nhăn thẳng tắp lập tức cong cong, ôn hòa và hiền lành hơn nhiều. Cụ gỡ cặp kính lão, đặt cây kéo cũ mèm xuống, bàn tay gầy guộc như cành khô túm lấy Thịnh Vọng.

Giây phút ấy, Thịnh Vọng tưởng cụ sẽ gọi “Tiểu Vọng à”, hoặc gọi nhầm thành “Tiểu Thiêm”, sau đó bùi ngùi nói “Mấy năm không gặp mà con đã lớn tướng rồi” giống như các ông các bà gặp trong ngõ ban nãy, tiếp đó trò chuyện đôi câu.

Ai ngờ ông cụ chỉ bóp bóp bả vai cậu, nói một cách không vừa lòng: “Sao con mặc ít thế này! Đi học không lạnh à?”

Thịnh Vọng ngơ ngác.

Giang Thiêm cúi đầu ghé sát tai cậu thì thầm: “Ông cụ không sao cả, nhưng nhận thức thời gian hơi lộn xộn.”

…Có lẽ cụ vẫn nghĩ ngày nào chúng ta cũng đến.

Thịnh Vọng “À” lên, nắm ngược tay ông cụ. Cậu cúi đầu chớp mắt thật nhanh, mãi tới khi vơi hết hơi nóng trong mắt mới trả lời ông cụ: “Con ổn mà ông, trong lớp có điều hòa, ông xem tay con nóng lắm luôn.”
Nhấn Mở Bình Luận