Nước mắt ông rơi trên tấm ảnh của mẹ mình, ông ôm chặt vào lòng lại nức nở nói.
- Con thật là một thằng tồi phải không mẹ? Yêu mà không dám nói, làm mà không dám nhận. Chỉ biết có trốn chạy và chạy trốn. Để rồi con lại một lần nữa ân hận khi biết một thời gian sau, Thiện Nghĩa lại tàn nhẫn với cô ấy như thế nào? Con rất muốn đánh nó, hỏi nó tại sao lại đối xử với mẹ con cô ấy như vậy? Nhưng con không thể. Con lấy tư cách gì đây? Làm anh của nó hay làm cha Bảo Trâm đây?
- Nếu làm anh thì đó chỉ là chuyện gia đình của nó, chỉ có thể khuyên không thể xử. Còn làm cha... ha ha... còn mặt mũi mà trách nó sao? Lấy vợ của nó, bắt nó nhận con của mình là con. Thì có tư cách oán nó sao? Trách nó vứt bỏ hai mẹ con sao? Ha ha... mẹ ơi! Tất cả là oan nghiệt con gây ra. Tất cả là tại con! Đứng trước mặt con mà không thể gọi con. Còn nỗi đau nào hơn chứ? Làm cha mà không ra cha, khiến mẹ con phải khổ sở. Con còn mặt mũi nào nhận lại họ chứ? Mẹ ơi! Con phải làm gì đây? Phải làm gì bây giờ hở mẹ? Mẹ cho con biết đi! Mẹ ơi!
Tiếng nức nỡ trong căn phòng rộng lớn trống vắng, không một ai hiểu cũng không ai có thể nghe thấy. Chỉ mình ông chìm đắm trong nỗi cô đơn hối hận, và nỗi đau xé lòng mà ông tự dày vò bao năm qua.
Ngày hôm sau, Bảo Trâm cũng đi học như bình thường, vẫn là Trí Bảo đưa đón. Mẹ Bảo Trâm cũng vậy, đến nhà ông Ân cũng đồng thời mang cho ông món quà lưu niệm mà bà đã hứa. Cũng như thường lệ, ông hỏi gì thì bà đáp náy thôi. Dù xem ông ta như anh trai, nhưng bà vẫn giữ một khoảng cách nhất định đối với ông. Điều đó khiến ông Ân vô cùng đau xót, người thương trước mặt mà không thể ôm vào lòng âu yếm thương yêu. Cảm giác còn khó chịu hơn bị người ta đâm vào người từng nhát.
Ông bèn hỏi về chuyện của Bảo Trâm.
- À... con gái cô sắp tốt nghiệp cấp ba rồi. Nó có dự định thi vào trường nào không?
Bà Lệ đáp.
- Dạ! Cảm ơn anh đã quan tâm. Tôi nghe nó nói hình như là nó muốn thi vào đại học y dược. Sau này làm bác sĩ.
Ông Ân vui mừng nói.
- Vậy thì tốt quá! Như vậy... à sẽ có tương lai hơn.
Ông định nói là "Như vậy cha con sẽ cùng làm bác sĩ" nhưng ông đã kịp thời nói lại. Mẹ Bảo Trâm chỉ cười cười rồi nói.
- Học tài thi phận. Cũng chưa chắc có thể thi đậu. Nhưng dù có đậu học ra làm bác sĩ thì đã sao? Tôi chỉ hi vọng con bé được bình an hạnh phúc suốt đời là tôi vui rồi. Còn nó học ngành gì hay sau này ra làm gì, đối với tôi cũng không quan trọng.
Ông Ân cũng cười cười nói.
- Làm cha mẹ thì luôn như vậy mà. À! Mà chắc con bé có kể cho cô nghe việc tôi đã mạo mụi đến nhà chứ?
Bà Lệ gật đầu.
- Dạ! Con bé có nói.
Ông lại gật đầu nói.
- Ừ! Tôi cũng đã gặp ba người bạn của con bé. Tôi thấy chúng nó đều rất tốt, có tài lại giàu có. Vậy cô có nghe nói con bé thích ai trong số ba đứa nó không? Con bé cũng đã 18 tuổi rồi còn gì?
Trí Bảo thì khỏi phải nói, bà Lệ đã rõ. Còn Chương Dương và Ngọc Hải thì bà chỉ gặp vài lần thông qua Trí Bảo giới thiệu. Nhưng bà cũng đã biết mặt hai người, đúng như lời ông Ân đã nói đều đẹp trai, có tài và giàu có. Bà ngẫm ngẫm một hồi rồi lắc đầu nói.
- Con bé không thích đứa nào cả. Càng có khả năng là hoàn toàn không ưa chúng. Ban đầu tôi cũng sợ con bé bị lệch lạc giới tính nhưng lâu ngày quan sát cũng không thấy biểu hiện gì bất thường. Nên tôi nghĩ nó chỉ đơn giản là không thích ba đứa chúng nó thôi.
Ông lại thắc mắc.
- Cô đã biết con bé không thích. Vậy tại sao còn để chúng qua lại với nhau, còn nhận Trí Bảo làm con nuôi nữa xem cậu ta như con?
Bà cười đáp.
- Tuy con bé không thích nhưng không có nghĩa là ba đứa nó không thích con bé. Tôi từng tuổi này không lẽ không nhận ra chúng nó đối với con bé là như thế nào sao? Tình cảm là không thể khống chế được. Chỉ cần con bé giữ vững lập trường thì cho dù có nhiều hơn đứa con trai theo đuổi nó, tôi cũng sẽ không ngăn cản. Còn về phần Trí Bảo là bởi vì tôi thương nó có cha mẹ mà cũng như không. Dù họ có cung cấp đầy đủ cho nó, nhưng họ lại ở xa, nhiều khi đêm hôm thằng bé có sốt cao hay cảm lạnh thì đâu có ai săn sóc. Thằng bé bình an mà lớn lại không sa đọa hư hỏng đã là phước đức ông bà để lại rồi. Tôi vì thương điều đó nên mới nhận nó làm con nuôi. Chứ không có ý nghĩ gì khác. Còn tình cảm nó dành cho con bé thì phải do con bé quyết định. Làm mẹ chỉ có thể quan tâm, che chở chứ đâu thể làm chủ thay nó được!
Ông Ân tươi cười nói.
- Cô đúng là một người mẹ tuyệt vời đấy!
Bà Lệ khiêm tốn nói.
- Anh quá lời! Bất cứ người mẹ nào trên thế giới cũng đều như vậy thôi. Cũng giống như mẹ nuôi tôi khi xưa vậy! Dù chỉ là mẹ nuôi nhưng bà lại chẳng khác nào mẹ ruột. Hết lòng thương yêu tôi. Đáng tiếc... người tốt không sống thọ.
Ông Ân cũng biết là bà đang nói tới ai. Nhưng vờ như không biết lại hỏi thêm, vì ông muốn bà tâm sự nhiều hơn với ông.
- Mẹ nuôi à? Cô có thể kể cho tôi nghe về bà ấy không?
Bà gật đầu đáp.
- Dạ được! Nếu anh không chê chuyện của tôi dài dòng!
Ông tươi cười nói.
- Dĩ nhiên là không? Anh luôn muốn nghe em nói chuyện mà!
Bà Lệ cũng không có để ý cách xưng hô của ông đã thay đổi. Bà đang âm thầm nhớ lại chuyện cũ. Bà kể.
- Nhớ khi xưa tôi chỉ là một đứa trẻ bị bỏ rơi trước cô nhi viện. Vì tôi khóc hoài nên được đặt tên là Lệ. Năm lên bốn tuổi tôi được một cặp vợ chồng nhận nuôi. Thời gian đầu họ cũng thương tôi nhưng đến khi họ sinh ra một đứa con trai thì họ bắt đầu hành hạ, đánh đập tôi tàn nhẫn. Đến năm 9 tuổi, vì không chịu nỗi sự hành hạ nên tôi đã bỏ nhà trốn đi, lang thang khắp đầu đường xó chợ xin ăn. Đi đâu cũng đều bị người ta xua đuổi đánh đập.
- Nhưng cho đến khi tôi gặp được mẹ nuôi tôi. Tôi mới biết đời còn hi vọng. Bà ấy ngày nào cũng cho tiền tôi, hoặc là cho tôi đồ ăn. Nhưng tôi thích bà ấy cho tôi đồ ăn hơn vì có cho tiền tôi cũng bị mấy đứa khác cướp sạch, tôi chỉ có một mình làm sao đánh lại chúng. Bà thấy tôi như vậy nên sau này đa phần là bà sẽ cho tôi thức ăn. Hôm nào không thấy tôi bà ấy liền đến gầm cầu chổ tôi hay ngủ tìm tôi. Thấy tôi bị bệnh bà ấy liền đưa tôi đi khám rồi mua thuốc cho tôi uống. Lúc đó tôi ước gì tôi có thể được trở thành con bà, dù chỉ một ngày tôi cũng mãn nguyện.
- Mà hình như trời cao đã nhìn thấu lòng tôi. Một hôm đi trên đường tôi thấy bà bị hai tên cướp giật đồ, khi bà truy hô thì một tên đã rút dao ra định đâm bà. Tôi hoảng sợ vội la lên rồi chạy lại ôm bà, giúp bà đỡ nhát dao đó. Lúc đó tôi chỉ nghĩ là không để bà bị nguy hiểm thôi. Giờ nhớ lại tôi vẫn còn sợ hãi. Nhưng mà nếu thời gian có quay lại lúc đó tôi cũng sẽ làm thế.
- Sau khi con dao đâm vào người tôi. Thì tôi không còn biết gì nữa, khi tĩnh lại thì thấy mình đang ở trong nhà thương rồi. Bà cũng ở cạnh chăm sóc tôi. Sau khi tôi khỏi hẳn bà đã nhận tôi làm con nuôi và dẫn về nhà. Tuy là người con trai lớn của bà không thích tôi mấy, nhưng không sao! Chỉ cần được ở bên bà thì dù sau lưng bà tôi có bị nhục mạ như thế nào đi chăng nữa tôi vẫn cam lòng. Chỉ là đáng tiếc... tôi và bà chỉ có duyên mẹ con được 6 năm. Năm tôi 18 tuổi thì bà đã bị đột quỵ mà qua đời. Từ đó, tôi cũng ra sống tự lập luôn. Không trở về nơi đó nữa.
Ông Ân ngậm ngùi hỏi.
- Sao cô biết người con trai lớn bà ấy lại không thích cô? Biết đâu... ông ta cũng rất thương cô thì sao?
Bà nhẹ nhàng đáp.
- Vì ngày đầu tiên bà dẫn tôi về nhà ánh mắt anh ta nhìn tôi đã không có thiện ý. Tối đến tôi cũng tình cờ nghe được anh ta nói chuyện với bà nên tôi biết anh ta không ưa gì tôi. Cho nên từ đó hễ thấy anh ta là tôi sẽ cố gắng tránh xa, không thì cố gắng biến mình như không hề tồn tại. Coi như tôi vì khao khát chút tình mẫu tử mà mặt dày ở lại đi. Nếu không vì luyến tiếc chút tình thân đó thì có lẽ tôi đã ra đi trong đêm đó rồi. Cũng sẽ không vì lưu luyến tình cảm ấy mà đồng ý lấy ba của Bảo Trâm. Đáng lẽ tôi nên hiểu anh em họ đều giống như nhau chứ. Đều xem thương tôi cả. Chỉ có mình mẹ nuôi là vĩnh viễn thật lòng yêu thương tôi thôi.
Đã trải qua rất nhiều năm nên bà Lệ khi kể lại đã vô cùng nhẹ nhàng, bà đã không còn hận, cũng không còn yêu. Nhưng từng câu từng lời của bà như là một mũi kim đâm vào tim của ông Ân vô cùng đau đớn. "Lệ ơi! Anh xin lỗi em! Ngàn lần triệu lần anh xin lỗi em! Nếu năm xưa anh can đảm vứt bỏ đi cái tôi của mình thì có lẽ em đã không lạnh lùng như bây giờ đúng không? Cả bé Trâm cũng sẽ không phải tự lập quật cường như vậy phải không? Tất cả là lỗi ở anh cả, là anh hèn nhát. Anh ích kỹ!" Ông nghẹn ngào thốt lên.
- Xin lỗi...
Nghe hai từ đó, bà Lệ cũng chỉ nghĩ là chắc ông nghĩ là đã làm bà khơi lại chuyện buồn, nên lắc đầu cười nói.
- Có gì anh phải xin lỗi ạ! Chuyện đã qua lâu rồi. Giờ nhắc lại cũng xem như là kể lại một câu chuyện cổ tích thôi. Tôi cũng chẳng thấy buồn gì nữa. Ngược lại tôi phải cảm ơn anh. Đã có thể ngồi nghe tôi trút những nỗi lòng đã chôn dấu bao nhiêu năm qua. Nhờ vậy mà tôi biết mình đã không còn hận cũng không còn thương nữa. Hoàn toàn trút bỏ được hết thảy đau lòng lúc trước rồi.
Nhìn trời đã xế bóng bà bèn đứng dậy chào ông.
- Mà cũng đã trễ rồi! Tôi phải về đây. Anh nghĩ ngơi sớm. Mai tôi lại đến.
Rồi gật đầu chào ông mà ra về. Ông cũng lại nhìn theo bóng bà khuất dạng mà không thể nào mở miệng kêu lên được. Cũng giống như năm xưa, ông đã chết lặng khi nhìn bà xách vali ra khỏi nhà mà ông cũng không thể nào lên tiếng được. Ông thều thào.
- Vì sao vậy? Vì sao mãi cũng không thể nào mở miệng gọi em trở lại được? Anh quá hèn nhát phải không? Không thể nào đối mặt với em được! Lệ ơi! Anh xin lỗi! Anh xin lỗi em!