Lâm Xuân Tư và Kỷ Ca xuống xe bò, phóng tầm mắt vượt bờ đèo ngắm non xanh chìm trong sương. Mặt đường nhựa ẩm ướt bọt tuyết chưa tan, dính bùn đất loang lổ. Độ ẩm không khí cao, cảm giác trên gò má cứ như lăn một que kem lạnh.
"Trời trong nắng ấm, xe máy bãi công, hôm qua có hai vị anh hùng cuốc bộ đường dài vinh quy bái tổ, nay lại tiếp tục trèo đèo lội suối đi chợ cho mẹ." Kỷ Ca thở phì phò, ngửa mặt lên trời than thở.
Lâm Xuân Tư cầm máy ảnh nhỏ của bố Kỷ quay lại cảnh quan dưới sườn núi, thấy trên một đốt tre có cột dây lụa, tò mò hỏi: "Cái gì đây?"
Kỷ Ca nhìn vào: "Chỗ này mới có người chết."
Hắn chỉ xuống dưới đất, cau mày: "Dây lụa là để cột hoa đây này. Không biết đứa thất đức nào phá hoa. Không sợ âm hồn về vật chết hay sao?"
Nói rồi Kỷ Ca ngồi xổm nhặt các bông hoa chưa bị dập, Lâm Xuân Tư cất máy, nhìn quanh rồi đi ngắt vài đóa cúc dại. Hai chàng trai nhét hoa vào dây lụa, chắp tay rồi đi tiếp.
Kỷ Ca vẫn bực tức: "Người dân tộc tâm linh lắm, tao nghe nói ai giật dây lụa xuống thì sẽ bị linh hồn người chết về siết cổ đấy. Đứa nào phá hoa thì đêm ngủ lo che kín cổ đi."
Cả hai trèo hết đèo là đã mệt hết hơi, lết đôi chân nặng trịch ghé vào một sạp trà uống miếng nước, nhai đậu phộng nhìn kẻ qua người lại. Chợ dân tộc ngày nay đã được đầu tư trưng dụng vì mục đích du lịch nên không còn thuần túy như trước. Chất lượng hàng hóa có thể không chênh lệch nhiều nhưng giá cả thì cùng một mặt hàng mà chỗ này khác, chỗ kia khác. Lâm Xuân Tư và Kỷ Ca đi vòng vèo mặc cả cả tiếng vẫn chưa mua được đủ đồ.
Kỷ Ca nhìn khách du lịch thử đồ dân tộc, nghĩ đến hình ảnh Tần Mộ mặc thổ cẩm, muốn qua xem thử. Lâm Xuân Tư thấy đông người, bèn kéo hắn qua cửa hàng khác: "Bên đây vắng hơn."
Kỷ Ca thò đầu vào nhìn ngó: "Sao chả thấy ai bán thế này?"
Mặt tiền cửa hàng chỉ rộng hơn ba mét, bề sâu ngắn, vải vóc, quần áo treo dày đặc, nhìn thoáng qua có vẻ bừa bộn. Song Lâm Xuân Tư phát hiện chúng được sắp xếp theo trật tự màu sắc. Các nếp gấp ngay hàng thẳng lối. Trông rất mãn nhãn.
Cậu tinh mắt thấy một chiếc mũ đan nhấp nhô dưới quầy, đi tới gọi: "Chủ hàng ơi?"
"Au!" Người đó đụng đầu vào góc bàn, lò dò nhổm dậy: "Có khách hả?"
Lâm Xuân Tư sửng sốt: "Anh Ôn!"
"Sao đi đâu cũng gặp cậu vậy?" Ôn Dữ cũng kinh ngạc.
"Anh đang quay chương trình thực tế ạ?" Cậu hoàn hồn, lúng túng hỏi: "Có máy quay ẩn ạ? Em có nên ở đây không anh?"
"Không, không, không. Đây là cửa hàng của nhà tôi." Ôn Dữ chỉ lên biển hiệu: "Tôi đang nghỉ Tết, quay quýt cái gì."
Lâm Xuân Tư nhìn bộ đồ dân tộc trên người anh, sực nhớ ra: Ôn Dữ là người dân tộc.
Anh bỏ mũ, cười nói: "Vào đi. Các cậu muốn xem gì?"
Lâm Xuân Tư và Kỷ Ca cởi giày vào xem các kiểu trang phục. Chợt nghe tiếng chó sủa, một cục vàng hớn hở nhào ra. Paris liếm láp tay cậu, vẫy đuôi tít mù: "Gâu!"
"Thấy cậu là nhóc lại muốn đi chơi rồi đấy." Ôn Dữ vỗ mông chú cún.
Lâm Xuân Tư làm Paris dịu xuống, hiếu kì hỏi: "Anh đích thân buôn bán thế này thì có bị paparazzi làm phiền không?"
Ôn Dữ mở điện thoại cho cậu xem: "Chuyện này tôi công bố lâu rồi. Mỗi năm đều tiên hạ thủ vi cường* cập nhật trước. Vả lại, cửa hàng này là làm bình phong thôi."
* Ra tay phủ đầu để chiếm ưu thế.
Kỷ Ca cũng tò mò: "Vậy còn fan? Anh không sợ bị người hâm mộ quấy rối sao?"
"Tập thể fan của tôi khá trật tự, phòng làm việc cũng quản lý tốt. Trường hợp quá khích thì ai ngại chứ tôi không ngại báo cảnh sát." Ôn Dữ thản nhiên cười, phẩy tay: "Dù sao tôi cũng an lành qua mấy năm nay."
Cửa hàng bình phong tức là cửa hàng phục vụ cho mục đích trưng bày hàng hóa là chính, bán ra ít. Lâm Xuân Tư và Kỷ Ca tranh thủ tham quan, trò chuyện từ nam ra bắc.
Sau đó, Lâm Xuân Tư được diện kiến chú mèo London khó ở, thích thú đưa tay tính vuốt thì nó gào lên: "Méo!"
Ôn Dữ vội kéo mèo lại: "Nó chẳng chịu cho người lạ vuốt ve đâu. Cẩn thận nó cào đấy."
London khó chịu kêu 'meo meo', không biết Paris phiên dịch ra cái gì mà cũng nhảy lên, phấn khích sủa to.
"Làm gì mà ồn ào vậy?" Một bóng người đi xuống cầu thang sau buồng, vén rèm bước ra. Một tay y cầm bàn tính, một tay chỉnh gọng kính, sững sờ nhìn hai khách hàng.
Lâm Xuân Tư tròn xoe mắt, ngơ ngác: "Anh Nguyễn? Anh với anh Ôn là... người thân ạ?"
"À, chúng tôi là..."
"Chúng tôi là chú cháu." Nguyễn Ngụy Chi liền đánh gãy lời Ôn Dữ.
"Nhưng không phải ruột thịt, không bị quan hệ pháp lý ràng buộc." Ôn Dữ nói leo còn nhanh nhẹn hơn, quyết đoán hơn: "Có thể kết hôn."
Nguyễn Ngụy Chi phang bàn tính xuống. Ôn Dữ tránh được, nét tươi cười không đổi.
Kỷ Ca đột nhiên nhận thấy bản thân là người đàn ông 'thẳng' nhất ở đây, ngồi thẳng lưng lên.
"Các cậu vừa mắt món nào?" Nguyễn Ngụy Chi ném bàn tính cho Ôn Dữ, bế London lên. Con mèo duỗi chân khều sợi dây kính.
Ôn Dữ lại nói leo: "Tôi chưa giới thiệu cho các cậu, tất cả sản phẩm thêu thùa này đều do chú Nguyễn làm cả đấy."
Hai cậu trai ghé vào xem các hoa văn trên thổ cẩm. Quả thật là những người mù tịt nữ công cũng cảm thấy được sự khéo léo, tinh tế trong từng mũi kim. Những hình thù, họa tiết trừu tượng tựa hồ được thổi hồn sinh động.
"Wow." Lâm Xuân Tư trầm trồ: "Anh Nguyễn tài thật."
Ôn Dữ đắc chí thay: "Đúng vậy. Dệt vải, thêu thùa, may vá cái gì chú ấy cũng biết cả, so với khuê nữ tam tòng tứ đức cổ xưa chẳng hề thua kém!"
Nguyễn Ngụy Chi đá vào lưng thằng cháu, lấy sách mẫu thiết kế ra: "Nếu hai cậu không vừa mắt món nào ở đây thì có thể đặt làm theo yêu cầu."
"Tôi chụp lại để về nhà suy nghĩ được không?" Kỷ Ca hỏi.
"Được."
Lâm Xuân Tư mua một chiếc tổ bện từ lá chuối và kim tuyến, bên trong có một con ngỗng bằng len. Cậu nghĩ Phó Yến sẽ thích.
Lúc cả hai tạm biệt, Paris lại ăn vạ. Chú ta cắn ống quần Lâm Xuân Tư không nhả, đè hai chân trước lên giày cậu, cứ nằm ì trên đất rên ư ử.
Nguyễn Ngụy Chi ngồi trên ghế mây vuốt mèo nhìn đồng hồ quả lắc, bảo Ôn Dữ: "Tôi trông cửa hàng. Cậu dắt nó đi dạo với hai cậu này cho đã ghiền đi. Có gì giúp họ mua đồ, đỡ bị chặt chém."
Ôn Dữ làm dấu OK, lấy khẩu trang đeo vào, đội mũ.
Lâm Xuân Tư dắt Paris, cười hỏi: "Em thấy anh là người thích yên lặng, vậy tại sao anh chọn nghề diễn viên vậy?"
"Chậc, tôi có truyền kỳ vào nghề đấy." Ôn Dữ nháy mắt: "Hồi tôi mười bảy tuổi, có một đoàn làm phim lên đây quay cảnh chợ dân tộc. Tôi đứng gần đó xem, thấy đạo diễn la lối NG* liên tục. Lúc họ đang nghỉ ngơi thì đạo diễn tự dưng trỏ vào mặt tôi, gọi vào nói chuyện. Ổng bảo tôi chịu quay cảnh này thì cho tiền. Tôi là người đơn thuần, việc nhẹ có tiền liền OK. Nhưng cái lão ấy thâm độc lắm, hỏi địa chỉ liên lạc rồi ứng tôi tiền trước, hôm sau mới quay.
* Thuật ngữ "no good": cảnh quay chưa đạt.
"Hôm sau tôi giữ chữ tín tới thì mới té ra là ổng bảo tôi quay cảnh thích khách giả làm vũ nữ để ám sát kẻ thù. Thanh niên trai tráng tôi lần đầu tiên trong đời mặc váy, trang điểm trước mặt nhiều người như vậy. Tức suýt hộc máu bỏ mình. Nhưng rồi phải cắn răng diễn cho xong. Sau khi phim phát sóng thì cả làng đều biết là tôi diễn cái vai xấu hổ đó. Tôi ôm mối thù này thi vào trường điện ảnh, quyết chí trở thành diễn viên để tìm ông đạo diễn kia báo thù."
Lâm Xuân Tư nhịn cười: "Có kết quả chưa anh?"
"Lão đạo diễn đó là người quay bộ phim khiến tôi nổi tiếng." Ôn Dữ chán nản nhìn trời xanh: "Thù này dằng dặc biết thuở nào phai?"
"Em tìm thấy đoạn cut lịch sử đen tối của anh rồi." Kỷ Ca cười cười đưa cho Lâm Xuân Tư xem.
Cậu thấy trong clip, đúng là Ôn Dữ mặt non choẹt trong tạo hình vũ nữ. Anh mặc váy lụa mỏng và áo ngắn, do còn thiếu niên nên dáng người không quá thô. Mảnh khảnh lả lướt. Ấn tượng nhất là ánh mắt anh lúc ám sát kẻ thù, cực kỳ ác liệt.
Kỷ Ca lướt qua trang tiếp theo. Lâm Xuân Tư không kìm được cười ra tiếng.
"Cái gì đấy?" Ôn Dữ ghé vào dòm, co rút khóe miệng.
Đó là ảnh chụp hậu trường: anh ở trong tạo hình vũ nữ rườm rà, nét mặt sầm sì ngồi dạng chân, hai khuỷu tay gác lên lưng ghế. Bộ dạng 'yang lake' lố bịch, hài hước hơn hề ở rạp xiếc trung ương. Tiêu đề của bức ảnh là: Đảo Nhỏ yêu dấu, nhan sắc thần tiên cũng không cứu nổi dáng vẻ này (cười ngất xỉu).
Ôn Dữ cười hằn học, bảo Kỷ Ca gửi anh account của đằng ấy rồi chia sẻ về tường nhà: Fans tôi nói thương tôi mà chỉ toàn dìm tôi (trái tim tan nát), (từ giã nhân gian).
Sau đó anh xuống phần bình luận tag Lâm Xuân Tư vào: Cậu cười rất lớn... (phẫn nộ).
Lâm Xuân Tư vô tội: "Em có làm chi đâu?"
Ôn Dữ duỗi chân dài đá cả hai cậu trai, liếc xéo: "Cười người khác là nghiệp. Bớt tạo nghiệp."
Nhờ anh, hai chàng trai thuận lợi sắm sửa mọi thứ cần thiết. Lúc chia tay, Paris không lăn lộn ăn vạ mà chỉ buồn tiu nghỉu nhìn theo Lâm Xuân Tư.
Trên đường xuống đèo, Kỷ Ca bảo: "Tao có hai cảm nhận."
Lâm Xuân Tư phác cử chỉ 'mời nói'.
"Thứ nhất: minh tinh không hổ là minh tinh, đẹp trai thật. Thứ hai, cho tao xin phép hỏi: là thế giới này quá cong hay là tao sống quá thẳng?" Hắn u sầu ôm ngực.
Lâm Xuân Tư hắng giọng: "Chính trực tại lòng, cái bên ngoài người ta gọi là mềm dẻo."
Kỷ Ca: "... Hợp lý một cách phi lý!"
Tới chỗ thân tre cột dây lụa, hai người bỗng thấy một đứa trẻ đang giật hoa xuống. Động tác của nó rất hung tợn, hoa lá bị tuốt cho trụi lủi, tứ tung. Kỷ Ca nóng máu quát: "Này!"
Nó giật mình, trừng mắt nhìn bọn họ rồi xoay lưng chạy trốn. Lâm Xuân Tư đặt đồ xuống đất đuổi theo: "Này nhóc!"
Cậu là người lớn, sải chân dài, rất nhanh đã bắt kịp nó. Song thằng nhóc đột ngột bẻ ngoặt xông vào rừng. Lâm Xuân Tư sửng sốt, đang đà, không kịp nghĩ kỹ liền chạy vào theo. Đứa trẻ này nhìn chỉ mới tám, chín tuổi. Cậu không nghĩ nó dám chạy lung tung, sẽ có hai trường hợp: hoặc là nó biết đường về nhà, hoặc là nó thấy lạ nước lạ cái thì sẽ phải dừng lại.
Nhưng thực tế đập tan suy nghĩ đó, Lâm Xuân Tư thấy thằng nhóc không hề có ý định dừng lại hay quan sát xung quanh. Địa hình dưới chân có xu hướng dốc xuống. Cõi lòng bất an, hồi chuông cảnh báo trong tâm trí cậu reo vang. Tốc độ dần chậm lại, trơ mắt nhìn thân hình nhỏ bé biến mất sau tán cây.
"Dừng lại!"
Thình lình, một bàn tay to dày tóm chặt vai Lâm Xuân Tư. Mồ hôi lạnh tuôn ra, nhịp tim dồn như nhảy khỏi ngực. Trong một thoáng, cậu cho là mình bị mắc mưu, trở thành con mồi của cướp núi.
"Này! Cậu có ổn không?" Hắn ta bước lên lay vai cậu: "Không bị thương chứ?"
Lâm Xuân Tư mạnh mẽ ép mình bình tĩnh lại, nhất thời không lên tiếng, nhìn chằm chằm vào đối phương. Hắn to cao, mặc áo thun, quần rằn ri, đeo máy ảnh Canon. Khuôn mặt có nét châu Âu, ánh mắt điềm tĩnh, minh bạch.
Cậu gạt bỏ suy nghĩ về cướp núi, vùng này là khu du lịch, an ninh không tới nỗi chừa cơ hội cho cướp núi táo tợn giữa ban ngày ban mặt.
Thấy cậu cứ nhìn mình, hắn giơ hai tay lên lùi lại, trầm ổn nói: "Tôi không phải cướp. Tôi là nhiếp ảnh gia kiêm phóng viên tự do. Đây là máy ảnh của tôi, tập tốc ký và bộ đàm... Hãy tin tôi, được chứ?"
Lâm Xuân Tư đột ngột hỏi: "Anh có biết chuyện gì vừa xảy ra không? Đứa trẻ đó... anh có thấy không? Tôi đã chạy chậm lại vì nhận ra địa hình thay đổi. Nếu tôi tiếp tục lao về phía trước thì chuyện gì sẽ xảy ra?"
Hắn ngạc nhiên, có vẻ không ngờ cậu sẽ bình tĩnh phân tích vấn đề như vậy. Song đề phòng đây là 'phần đệm' cơn sang chấn của cậu, hắn cẩn thận đáp: "Phía trước là một thảm thực vật trơn trượt, cậu có thể sẽ trượt ngã."
"Và rơi xuống núi?"
Hắn không ứng khẩu.
Lâm Xuân Tư thở hắt ra, cắn môi mở điện thoại: "Tôi phải về."
"Tôi sẽ đưa cậu về." Hắn mở bộ đàm: "Minh, tôi tìm thấy một người đi lạc. Cậu thế vào vị trí của tôi, tôi phải đưa người lên. Hết."
Người tên Minh đáp lại: "Rõ thưa anh Tề. Hết."
Anh Tề đưa tay ra: "Cần dìu không?"
Lâm Xuân Tư lắc đầu, trầm mặc theo sau hắn, ra đến đường nhựa mới có thể dỡ bỏ tảng đá trên ngực. Anh Tề tiếp tục đi với cậu tới khi thấy Kỷ Ca đang trông đồ.
"Tinh Tinh!" Sắc mặt trắng bệch, Kỷ Ca chạy tới kiểm tra cậu, âm lượng lớn: "Mày có sao không? Mẹ nó! Mày bị ngu à? Tự nhiên lao vào rừng? Tao suýt gọi cứu hộ với kiểm lâm đấy!"
Lâm Xuân Tư trấn an hắn: "Ảnh đã giúp tao."
Bỗng có tiếng chụp ảnh. Anh Tề cười cười: "Tôi chỉ muốn lưu lại khoảnh khắc của hai người bạn."
"Cảm ơn anh đã giúp thằng con ngu ngốc của tôi." Kỷ Ca bắt tay hắn.
"Cảm ơn anh." Lâm Xuân Tư chân thành cúi đầu.
"Không có gì. Lần sau đừng chạy lung tung trong rừng nữa."
Lâm Xuân Tư tiếp tục xách đồ, cùng Kỷ Ca đi về. Tâm trí vẫn quẩn quanh hình dáng đứa trẻ biến mất trong rừng, rồi nghĩ đến bóng lưng thẳng tắp và những bước đặt chân vững vàng của anh Tề...
Cậu đột ngột ngoảnh đầu, thấy anh Tề đúng lúc hạ máy ảnh xuống.
Hắn ta vừa chụp ảnh bóng lưng hai cậu sao?
Buổi tối, cậu kể lại chuyện đã xảy ra với bố Kỷ. Ông từng làm kiểm lâm, nghe vậy thì nhíu mày, trách cứ cả hai đứa lỗ mãng rồi bảo: "Ở các khu vực này, nạn buôn lậu và vận chuyển chất cấm vẫn hoành hành. Bọn chúng có khi đi băng đường rừng, đường núi, trả tiền để người dân tộc dẫn đường. Mấy đứa trẻ cũng thường bị lợi dụng làm điều đó, do bố mẹ chúng nhận tiền mà không biết hoặc là người làm bố mẹ cố tình kêu con cái dẫn đường để trốn trách nhiệm nếu lỡ bị bắt."
Bố Kỷ vỗ vai hai đứa: "Ngày xưa thì ghê gớm lắm, hiện tại đỡ nhiều rồi. Lần này tụi bây đúng là gặp xui, lần sau đừng có lỗ mãng như vậy nữa."
Nằm trên giường, Kỷ Ca bảo: "Ê, hay là mai mày đi chùa với tao? Từ năm ngoái đến nay mày cứ như bị vận rủi ám vậy."
Lâm Xuân Tư ôm đàn, qua loa đáp: "Muốn đi thì đi."
Cậu vẫn đang nghĩ về đôi mắt đứa trẻ. Đen thẳm, trong veo, mà lại tàn nhẫn. Cậu tự hỏi: cái gì đã khiến trẻ con trở nên ác độc?
Lâm Xuân Tư có thôi thúc muốn gặp lại đứa trẻ đó.
Muốn biết, nó đã chạy đi đâu? Có sơ sẩy ngã xuống không? Có bình an không? Muốn biết, người nó hận là ai?
Niềm thôi thúc này giống như một búi tơ vò vươn từng sợi ra cắm rễ vào lòng dạ cậu. Mãnh liệt đến mức dạ dày quặn đau vì mải suy nghĩ về nó.
Kỷ Ca nhổm dậy: "Sao vậy?"
"Đau dạ dày." Lâm Xuân Tư lấy vỉ thuốc ra. Đây là đơn thuốc lần trước Phó Yến mua chưa dùng hết. Cậu uống thật nhiều nước, rồi lại trèo lên giường nghịch đàn.
Kỷ Ca đang xem các mẫu thiết kế đã chụp, chốc chốc lại liếc bạn thân, rốt cuộc hỏi: "Mày có ổn không đấy?"
"Hả?"
"Từ lúc về nhà, mày cứ như mất hồn."
"Hôm nay đi bộ nhiều nên tao hơi mệt thôi."
"Thế đừng ôm đàn nữa, ngủ đi. Nãy giờ tiếng đàn của mày u uất quá làm tao mệt tâm."
Lâm Xuân Tư cất cây đàn rồi trùm chăn nằm xuống, nhắn tin: Anh ơi, thích quà em mua không?
Phó Yến: Đáng yêu.
- Đáng yêu giống ai?
- Giống em.
Lâm Xuân Tư bật cười, hỏi: Anh lên giường đắp chăn chưa?
Phó Yến gửi ảnh. Trong ảnh chỉ có một góc quai hàm, cần cổ và đường cong bờ vai mảnh mai, hõm xương đòn lấp ló dưới viền áo ngủ.
Tinh Tinh: (Che kín mắt) Anh đang quyến rũ em.
Lâm Xuân Tư lưu ảnh rồi nhắn tiếp: Em muốn hôn anh.
Phó Yến gửi một voice chat.
Lâm Xuân Tư đặt loa vào tai. Tiếng nói của anh có chút biếng nhác, mang theo giọng mũi, "Bé Tinh Tinh ngoan... Chụt."
Một tiếng hôn nhỏ tựa gió thoảng lại làm cho khuôn mặt Lâm Xuân Tư nóng rực như phơi giữa trưa hè.
- Anh quyến rũ em.
Phó Yến lại gửi voice chat: "Ừm... quyến rũ em về sớm."
Lâm Xuân Tư dứt khoát đạp văng chăn, ra ngoài gọi điện cho anh.
Phó Yến khẽ gọi: "Tinh Tinh."
"Anh nhớ em sao?"
"Ừm, rất nhớ em.". harry potter fanfic
"Làm sao đây? Em muốn ôm anh quá."
Phó Yến gửi một bức ảnh chụp mặt trời lặn trên núi, các tầng lớp mảng màu đỏ, cam, vàng hòa trộn tuyệt đẹp, dịu dàng nỉ non: "Hiếm gặp được hoàng hôn đẹp thế này, hi vọng hoàng hôn thay tôi ôm em."
Lâm Xuân Tư mỉm cười: "Đã được ôm."
"Lần sau em sẽ để anh viết ca từ cho bài hát của em..."
Hàn huyên hồi lâu, rốt cuộc cậu cũng không kể lại sự việc đã xảy ra.
Lâm Xuân Tư nằm trên giường nhìn đêm buông xuống ngoài cửa sổ, bất giác nghĩ đến ánh mắt đứa trẻ kia.