Sau những ngày trú ngụ ở Thận phủ thì cũng đã đến lúc được triệu gọi vào Cung. Vì ngày hôm nay mà Chỉ Ni đã chuẩn bị rất kỹ từ dáng vẻ bên ngoài và cả tinh thần. Không biết Hoàng đế là người ra sao. Nhưng chắc chắn khi đối mặt thì đương nhiên bị khí thế đó áp đảo.
Ở Ngọ Môn quan dẫn vào Đại nội có ba lối đi được chia thành ba cửa chính. Ở giữa là Ngọ Môn dành cho Hoàng đế, hai cửa Tả - Hữu Giáp Môn để cho các bậc quan hai ban văn võ theo hầu đoàn ngự đạo. Còn hai cửa Tả - Hữu Dịch Môn được dựng ở hai bên dành cho quan binh, lính lát.
Chỉ Ni là một thường dân nên được vào Cung bằng Hữu Dịch Môn, cửa này cũng khá lớn nên một chiếc xe ngựa hoàn toàn có thể đi vừa.
Một thái giám đưa Chỉ Ni từ Minh Chánh Điện đến Trường Thọ Cung. Ở Minh Chánh Điện vừa rồi đã gặp được Hoàng đế. Không ngờ Hoàng đế ở thực bên ngoài hoàn toàn khác xa với những gì mà nàng thường tưởng tượng. Vẻ ngoài đạo mạo, ánh mắt thâm sâu, phong thái nho nhã. Tất cả mọi thứ dường như khiến người khác vừa e dè lại vừa có cảm giác đang bị thao túng. Hoàng đế có chất giọng trầm ổn, ôn nhu, chỉ cần nhìn cách ăn nói nhỏ nhẹ và cử chỉ từ tốn thì cũng đã quá khác biệt với người thường.
Trường Thọ Cung được xây dựng ở phía Tây Minh Chánh Điện, không ở trong Đại nội nên thường dân như Chỉ Ni có thể vào được, đương nhiên cũng cần sự cho phép của Hoàng đế.
Trước mắt Chỉ Ni là Trường Thọ Môn, lối vào chính của cung Trường Thọ. Phía trước có hai thái giám canh gác còn cung nữ thì ra vào liên tục, làm việc không ngơi tay.
Bỗng bên trong có một cung nữ đi ra, y phục trông thật khác với những cung nữ còn lại.
Tên thái giám dẫn đường thấy quản vụ cung nữ đi ra thì lập tức niềm nở nói:
- Cô Sen!
Đỗ Thị Sen đưa mắt nhìn Chỉ Ni rồi ôn tồn hỏi:
- Đây là Lưu cô nương sao?
- Dạ phải!
Chỉ Ni khẽ cúi người:
- Cô Sen!
- Được rồi, Đức bà đang ở chính điện, ta sẽ đưa cô vào.
Vị thái giám kia nép sang một bên để Chỉ Ni đi theo Đỗ Thị Sen vào bên trong, còn phần hắn thì vẫn đứng đợi ở bên ngoài.
Bên trong sân Trường Thọ Cung trồng khá nhiều cây cối, còn có hòn non bộ bên một chiếc hồ nhỏ. Tuy không được trang hoàng lộng lẫy như các nơi mà nàng từng thấy nhưng phần nào cũng phản ánh được tâm tư cùng tính cách của Hoàng thái hậu.
Đỗ Thị Sen để Chỉ Ni đứng bên ngoài còn mình thì vào trong bẩm báo. Chẳng bao lâu sau quay lại, cung nữ nhìn nàng rồi khẽ gật đầu.
- Đức bà cho truyền cô vào trong.
- Dạ!
Chỉ Ni hít thở một hơi thật sâu rồi theo sau Đỗ Thị Sen đi vào bên trong chính điện. Giữa điện là bảo toạ được dát vàng sáng chói, hai bên có tượng đôi phụng cũng được đúc bằng vàng. Phía bên trái là một trang thờ Phật còn phía bên phải là một cái sập gỗ bóng loáng dài hơn một trượng, dày không đến một thước.
Ngồi trên sập gỗ, Hoàng thái hậu nhàn nhã ăn trầu, bên cạnh có vài cung nữ, người vừa têm còn người vừa quạt.
Đỗ Thị Sen cúi đầu nói:
- Bẩm Đức bà, Lưu cô nương đến rồi.
Chỉ Ni vội quỳ xuống hành lễ:
- Thần nữ Lưu Chỉ Ni, người ở làng An Hạ, châu Liêu Trúc, xin bái kiến Đức bà.
Hoàng thái hậu đưa tay che miệng, nhả trầu vào một cái chậu sứ. Khi súc miệng xong, lấy chiếc khăn tay trắng lau miệng sạch sẽ rồi mới đưa mắt nhìn nàng.
- Miễn lễ!
- Tạ ân Đức bà!
Chỉ Ni đứng dậy, đầu vẫn cúi gằm không dám ngẩn.
Cầm lấy chuỗi tràng hạt, Hoàng thái hậu khẽ cong môi mỉm cười:
- Là ân nhân của Định tức là ân nhân của lão thân, không cần phải gò bó như vậy. Người đâu, ban toạ.
- Thần nữ tạ ân Đức bà.
Chỉ Ni cúi đầu rồi ngồi xuống chiếc ghế được thái giám mang đến.
Khi nàng đã an toạ rồi thì Hoàng thái hậu mới tiếp lời:
- Tài cán của con ra sao lão thân đều đã nghe Định nói cả rồi. Không ngờ rằng vẫn là một vị cô nương còn quá trẻ tuổi.
Nàng khiêm tốn đáp:
- Thần nữ chỉ chữa một số bệnh vặt thôi, cũng nhờ thân phụ ở nhà chỉ dạy cả.
- Chữa được bệnh vặt nhưng nhận ra Định đã trúng độc thì cũng rất là giỏi rồi. Nào! Hãy ngước mặt lên để lão thân tỏ dung nhan đôi chút.
Từ từ ngẩng đầu lên. Chỉ Ni không dám mạo phạm nên từng hành động, cử chỉ đều rất từ tốn. Dẫu Hoàng thái hậu không làm khó mình nhưng ở trước mặt một người có quyền uy lớn như vậy, tự bản thân cũng thấy sợ hãi vạn phần.
Hoàng thái hậu nhìn gương mặt mỹ miều muôn phần kiều diễm mà không khỏi tấm tắc cảm thán trong lòng. Không ngờ thời gian qua lại có một nữ nhân đẹp nghiêng nước nghiêng thành như thế này ở bên cạnh Lê Dực Định. Không bàn đến tài hoa, chỉ cần nhìn dung nhan này thôi thì cũng đủ khiến đối phương rối rắm tơ lòng. Thảo nào đứa cháu kia lại mang lòng mến mộ.
Gật gù vài cái, Hoàng thái hậu cảm thán:
- Ôi! Quả thực dung nhan tuyệt sắc. Nhưng nhìn con có vẻ không giống người ở Qui Nam.
Chỉ Ni thành thật:
- Bẩm Đức bà, từ nhỏ thần nữ đã sống ở Liêu Trúc cùng thân phụ ạ. Ai cũng nói thần nữ giống với người Thành Vu nhưng thần nữ chưa từng đến Thành Vu nên không tỏ có đúng như vậy hay không.
- Không sao! Dù sao đi chăng nữa thì đã sống ở Qui Nam tức là con cháu đất Qui Nam. Tuổi trẻ tài cao, Qui Nam có nhiều thiếu niên thiếu nữ như con thì lão thân đã an tâm rồi. Nào! Hãy kể cho lão thân nghe, làm sao con có thể gặp được Định khi chiến tranh loạn lạc như vậy.
Chỉ Ni thành thật kể lại tất cả mọi thứ. Hai người nói chuyện được một lúc thì có cung nữ đi vào, trên tay còn bưng một chiếc khay chứa rất nhiều bức hoạ.
- Bẩm Đức bà, theo lệnh của Đức bà, những bức hoạ của các tiểu thư danh môn quan quyến được tuyển cho vị trí Đại vương phi của Khiêm Hòa Đại vương đều được Nội vụ phủ gửi đến đây. Mời Đức bà xem qua.
Đưa mắt nhìn vô số bức hoạ trên tay cung nữ, Hoàng thái hậu ôn tồn đáp:
- Mang vào bên trong đi, lão thân sẽ xem sau vậy. Mà nhớ, luận thế gia không luận dung mạo, ai có xuất thân tốt thì đặt riêng một bên, ta sẽ xem trước.
- Dạ!
Hoàng thái hậu mỉm cười rồi lại nhìn sang Chỉ Ni. Những gì người nói hôm nay, mong rằng một thiếu nữ thông minh như nàng có thể hiểu.
- Con cũng thấy rồi đó, Định tuy đã lớn nhưng chẳng thể tự mình quyết định chuyện chi, đến cả lập Đại vương phi cũng phải để bà già này lo liệu. Nhắc đến là nó cứ nói chọn ai cũng được. Thật đau cả đầu!
Chỉ Ni không rõ Hoàng thái hậu có biết chuyện giữa nàng và Lê Dực Định hay không. Dù vô tình hay cố ý thì những lời này đã đánh rất mạnh vào tâm trí của nàng.
Hai tay đan chặt vào nhau, từ đầu đã biết rõ cả hai sẽ không có kết quả tốt nhưng Chỉ Ni lại quá cố chấp. Bấy giờ đã biết chuyện mà Lê Dực Định đã làm sau lưng mình thì nàng đã xem như lương duyên hoàn toàn chấm dứt.
- Đại vương nói như vậy tức là rất tin tưởng Đức bà, mong Đức bà có thể chọn được Đại vương phi công dung ngôn hạnh, dẫu có tài cán bao nhiêu thì hậu phương cũng cần người tề gia giỏi, nâng đỡ chuyện nhà.
- Quả nhiên là khéo ăn nói.
Hoàng thái hậu bật cười rồi nhìn Đỗ Thị Sen khẽ gật đầu một cái. Hiểu ý của người, Đỗ Thị Sen đi vào bên trong lấy ra một chiếc hộp gỗ được phủ bằng vải gấm.
Đưa trước mặt nàng, Đỗ Thị Sen nói:
- Đây là quà Đức bà đã chuẩn bị từ lâu, nay ban thưởng cho Lưu cô nương vì đã kịp thời cứu mạng Đại vương.
Nhận lấy chiếc hộp từ tay Đỗ Thị Sen, Chỉ Ni quỳ xuống khấu đầu cảm tạ:
- Thần nữ tạ ân Đức bà ban thưởng.
- Nào! Mau ngồi đi. Xem có thích quà mà ta tặng hay không.
Sau khi ngồi ngay ngắn trên ghế thì Chỉ Ni mới cẩn trọng mở chiếc hộp theo ý của Hoàng thái hậu. Bên trong là một vòng tay được xâu bằng các hạt ngọc trai trắng, còn có một dây tuyến treo cẩm thạch được chạm khắc thành hình hoa mai.
Khá ngạc nhiên với món quà quá đắt giá, nhưng Chỉ Ni chưa nói được gì thì Hoàng thái hậu đã cất lời:
- Đây là vòng tay xâu bằng ngọc trai được đánh bắt ở biển Đông, để tìm được nó phải đến tận phía Nam hơn hai ba trăm dặm, cũng không dễ dàng chi. Cứu được Định một mạng tức là ân nhân của lão thân, món quà nhỏ này mong rằng con sẽ thích.
Nàng vội nói:
- Xin Đức bà đừng nói như vậy, thần nữ rất thích vòng tay này. Món quà này thực sự là quá lớn. Hôm nay thần nữ được bái kiến Đức bà và Thánh thượng đã là phúc đức mấy đời của thần nữ rồi.
- Con thích là được!
Hoàng thái hậu gật gù. Môi mỉm cười tươi tắn nhưng trong lòng lại có vô số suy tính riêng.
Lê Dực Định từ nhỏ đến giờ chỉ biết đến chú tâm đến nghiệp binh tướng khô khan, không thường xuyên tham dự yến hội, không tiếp xúc với nữ nhân quá nhiều. Vậy nên có một người tài hoa, lúc nào cũng điềm tĩnh như Lưu Chỉ Ni ở bên cạnh chắc chắn sẽ bị lấn lướt không ít. Tuyệt đối không thể tác thành cho mối lương duyên này. Chưa kể xuất thân thường dân không thể nào chạm tay vào vị trí Đại vương phi, ngay cả đặt chân vào môn phủ cũng không xứng.
Phủ Tường Quận công.
Đường Hoa Hoài nằm trên trường kỷ gỗ, một tay chống lên đỡ lấy đầu, một tay mân mê mảnh vải đã lấy được từ tay của Chỉ Ni.
Càng ngắm càng thấy cây vải này quả thực là tuyệt tác, không thể tìm được loại thứ hai ở trên đời. Nếu như Chỉ Ni thừa sức đề mua nó vậy thì thế gia cũng không hề tầm thường. Phải để mắt sát sao hơn mới được.
Thị nữ đi từ bên ngoài vào, trên tay còn bưng một chiếc khay chứa chén chè hạt sen. Đặt nó xuống bàn, thị nữ nói:
- Chè đã được nấu xong rồi. Mời tiểu thư dùng ạ!
Không để ý đến lời của nàng ta, Đường Hoa Hoài vẫn không rời mắt khỏi mảnh vải không ngừng óng ánh.
- Trong Cung không có tin gì hay sao?
- Dạ bẩm, Đức bà hàn huyên cùng Lưu Chỉ Ni rất lâu, còn bật cười không ngớt.
Càng lúc càng siết chặt lấy mảnh vải. Không ngờ Chỉ Ni lại dễ dàng lấy được lòng của Hoàng thái hậu như vậy. Đường Hoa Hoài ôm biết bao ấm ức mà nói:
- Không sao! Đức bà trước giờ vẫn như vậy, cũng chẳng có chi lạ cả. Còn chuyện ta căn dặn ngươi thì sao?
- Dạ, nô tì đã tra được người mua cây trâm ấy ở Hồng Hoa Lâu, chính Khiêm Hòa Đại vương đã mua nó, để có được thông tin này thì tiêu tốn cũng không ít tiền.
- Khiêm Hòa Đại vương!?
Đường Hoa Hoài nhếch môi cười khẩy, mạnh tay kéo mảnh vải ném đi khiến cả cây vải đều đổ ngã. Nhìn cây vải trước mắt không khác gì nhìn thấy Chỉ Ni, nàng ta tức giận nghiến răng nghiến lợi:
- Mang thứ này đi đốt cho ta. Phải đốt thành tro cho đến khi không thể nhận ra nữa.
- Dạ! Nô tì đi ngay.
Nữ tì vội vã ôm cây vải chạy đi mất, để lại một mình Đường Hoa Hoài ở lại với cơn giận khôn nguôi.
Không ngờ bản thân chỉ vừa suy luận đôi chút mà đã không sai một li nào. Quả nhiên bọn họ có điều bất ổn. Thảo nào lại thân thiết với nhau, ngay cả Dĩnh Linh Quận chúa cũng vậy.
- Được lắm! Là chàng đã ép ta. Đã vậy thì đừng trách ta âm mưu thủ đoạn.