Hà Điền còn tưởng hôm sau có thể mang theo mấy cái bánh ra ngoài, lại không ngờ cái tên Dịch Huyền háo ăn này lại thả rông bụng mà ăn, mười cái bánh trung thu chỉ còn lại ba cái, đoán chừng sáng mai cũng chỉ đủ để anh no lửng bụng mà thôi.
Tối qua ăn bao nhiêu là bánh trung thu quên trời quên đất, lúc ngủ anh còn hừ hừ ôm bụng kêu no, Hà Điền phải xoa bụng cho thì anh mới ngủ được. Lần xoa này xoa mãi xoa miết, xoa đến nỗi có chuyện luôn.
Khẩu vị của người trẻ tuổi rất tốt, sáng sớm hôm nay, cái người háo ăn này lại tung tăng vui vẻ, ăn được uống được.
Đầu tiên anh uống một chén cháo kê mới nấu với đồ ăn kèm gồm dưa leo và củ cải ngâm, sau đó nhìn ba chiếc bánh trung thu trên dĩa, hỏi Hà Điền: "Trưa nay chúng ta ăn gì?"
Hà Điền bất mãn liếc anh một cái, quay sang bếp bĩu môi nói: "Bánh nướng."
Trong nhà còn rất nhiều bột mì, Hà Điền luôn lo lắng nó sẽ bị hỏng nên sau mùa hè, cô đã làm rất nhiều mì và phơi khô, tuy nhiên, sau mùa thu, thời tiết chuyển lạnh và khoai tây cũng đã bắt đầu thu hoạch được rồi, nên mì cũng được ăn ít lại.
Theo nhận thức của Hà Điền, bột mì và gạo luôn là "hàng hóa cao cấp", nếu không, mấy con vật trong nhà sẽ không được đặt tên là Lúa Mì và Gạo.
Dịch Huyền nghe cô nói đến hàng hóa cao cấp thì cũng chỉ cười cười, anh vẫn muốn hỏi, vậy, chỉ ăn bánh nướng thôi sao?
Hà Điền chỉ cần nhìn thôi là cũng biết anh đang nghĩ gì: "Yên tâm đi, không để anh gậm bánh khô đâu, bánh nướng này có kẹp thịt."
Sau khi thu hoạch kê, Hà Điền cảm thấy nhiệm vụ trồng trọt trong năm nay đã hoàn thành hơn phân nửa. Cô đem số hạt kê đã chà cho vào vò rồi cất ở trong hầm và kho. Số lượng vò kê đã tăng gấp đôi năm ngoái, lo lắng ban đầu đã hoàn toàn biến mất, bởi vì số lương thực chính này đủ để họ ăn rồi.
Hơn nữa, ngoài kê còn có đậu nành, khoai tây và khoai lang, tất cả đều có thể làm lương thực chính, rồi lại đến đồng cỏ ven hồ hái một ít lúa dại ( hoang) và yến mạch nữa, mùa đông năm nay sẽ có đủ lương thực.
Ăn sáng xong, Dịch Huyền ra vườn hái rau, Hà Điền lấy bánh nướng ra khỏi khay nướng, rồi lấy nồi thịt hầm ra, gắp một miếng thịt hầm đặt lên thớt, cắt thành từng miếng nhỏ. Cô dùng dao rạch một đường nhỏ ở giữa bánh nướng, cho thịt và chang nước hầm vào.
Khi Dịch Huyền trở về, Hà Điền chọn hai quả ớt xanh lớn, rửa sạch rồi cắt thành sợi, cũng cho vào ổ bánh nướng.
Mang theo bữa trưa và dẫn theo Gạo và Lúa Mì, họ đi đến khu rừng vân sam ở bên kia sông.
Trước khi trời đổ tuyết, Dịch Huyền muốn thay thế tấm ván gỗ của cầu dây. Nếu không, họ sẽ phải đợi đến mùa xuân năm sau sau khi băng tan mới làm được.
Không ai có thể đảm bảo được rằng sau khi băng tan và nước dâng cao vào mùa xuân năm sau, số ít cây cối bị đổ trên bờ sẽ vẫn còn ở đó.
Khi họ đi qua khu rừng, khung cảnh khác hẳn với khi họ đến nhà nghỉ săn bắn một tuần trước.
Lá của rất nhiều cây đã chuyển sang màu đỏ, lá màu đỏ cam trôi theo dòng suối róc rách, rừng cây phản chiếu dưới mặt nước lộng lẫy như gấm như vóc; màu đỏ, màu vàng, màu xanh lá mạ, đều là màu của lá, nhìn từ xa dường như có thể thấy được mây trắng và bầu trời xanh đang từ từ chuyển động trong dòng suối đầy màu sắc này.
Dịch Huyền và Hà Điền vừa đi vừa thu thập không ít lá đỏ tuyệt đẹp.
Điểm khác biệt là Hà Điền lần lượt bẻ các cành cây, còn Dịch Huyền thì nhặt từng lá từng lá một.
Cô tò mò hỏi anh: "Em mang về nhà phơi khô rồi cấm vào bình, còn anh sao lại nhặt những thứ này? Anh làm kẹp sách hả?"
Mỗi chiếc lá Dịch Huyền nhặt lên đều được lựa chọn rất cẩn thận, anh còn mang theo một chiếc hộp tre để đựng những chiếc lá đỏ này.
Anh cười nhìn Hà Điền: "Tạm thời không nói cho em biết được."
Tiết trời se lạnh, những bông hoa dại trên núi cũng như ve sầu đều dần dần biến mất, chỉ còn những bông cúc dại là vẫn còn khoe sắc.
Hà Điền lại hái vài bông hoa cúc dại màu vàng, màu tím: "Sau khi phơi khô thì có thể cấm chúng vào bình, hoặc cột thành chùm rồi treo lên mái nhà."
Đến rừng vân sam, vẫn để Lúa Mì trông chừng Gạo như cũ, Hà Điền và Dịch Huyền đeo dụng cụ trên lưng trèo xuống dốc núi, đi ra sông.
Đầu tiên hai người gỡ bỏ một số cọc gỗ cố định mà lần trước họ đã làm, để hai cây ở trên cùng lăn xuống, rồi lại đóng cọc cố định lại.
Họ lần lượt cưa bỏ cành của hai cây, chỉ để lại thân gỗ trơ trụi, dài chừng sáu bảy mét.
Đến trưa, cả hai khúc gỗ đều đã được cưa xong, Hà Điền và Dịch Huyền ngồi ở trong rừng vân sam ăn trưa.
Lúc này nước hầm cũng đã làm cho bánh nướng mềm đi, cắn một miếng, lớp vỏ bên ngoài của bánh vẫn còn cứng nhưng bên trong thì lại mềm giống như bọt biển, tất cả đều là vị của nước thịt mặn mặn đậm đà. Thịt hầm trong nồi này chủ yếu là thịt đầu heo, vì có nhiều da nên nó đặc biệt béo, thêm vào đó là ớt xanh cắt sợi giòn, có thêm chút cay cay, dù để lạnh nhưng vẫn rất thơm, ăn vào bụng cũng thấy ấm áp.
Sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi xong, Hà Điền và Dịch Huyền đã đẩy hai khúc gỗ xuống sông, để chúng trôi xuôi dòng.
Bây giờ họ đang quay trở lại bên cạnh cầu dây.
Quay lại cầu dây và đợi một lúc, hai khúc gỗ lần lượt trôi và bị một tảng đá lớn trên sông cách cầu dây vài mét chặn lại.
Dịch Huyền ném sợi dây thừng có gắn móc sắt ra, móc sắt cắm sâu vào gỗ, hai người cùng Gạo kéo gỗ lên bờ.
Sau đó, gỗ sẽ được xẻ thành các đoạn có chiều rộng tương đương với mặt cầu.
Sau khi cưa xong một khúc gỗ, đã hơn bốn giờ chiều, trời cũng bắt đầu trở nên âm u.
Hà Điền và Dịch Huyền đã chặt tại chỗ hai cây nhỏ để làm rào chắn chắn khúc gỗ lại.
Công việc của ngày hôm nay phải kết thúc.
Cho dù có là một thợ săn đầy kinh nghiệm thì việc băng qua rừng sau khi trời tối cũng rất nguy hiểm.
Rạng sáng ngày hôm sau, họ quay lại và tiếp tục hoàn thành công việc của ngày hôm qua.
Hà Điền dạy Dịch Huyền dùng đầu gỗ để làm cái nêm, sau đó đặt một đoạn gỗ nằm ngang trên mặt đất, sau khi chém một đường thì cắm cái nêm vào đường chém đó, đảo ngược lưỡi rìu và dùng mặt sau của rìu gõ vào đường chém, gỗ sẽ dựa theo vết nứt tự động tách ra.
"Tấm ván làm bằng cách này tương đối bằng phẳng, nên không cần cưa, tiết kiệm được rất nhiều công sức. Nếu dùng để làm đồ đạc thì cần phải dùng đến bàn bào, nhưng tấm ván làm cầu thì không cần quá nhẵn."
Dịch Huyền đã xem kỹ và làm thử, tưởng chừng như dễ nhưng làm rất khó.
Hà Điền ở một bên quan sát, cẩn thận chỉ dẫn cho anh.
So với bện giày rơm thì xẻ gỗ dễ hơn rất nhiều. Sau khi Dịch Huyền thành thạo kỹ năng mới này, hai người họ cùng nhau làm, đến hơn hai ba giờ chiều thì cũng đã xẻ xong một cây.
Tấm ván được xẻ dọc theo thớ dọc của gỗ, trên đó có những vân gỗ dài và sâu, khi đặt tấm gỗ nằm ngang trên mặt cầu, còn có tác dụng tăng cường độ ma sát.
Bọn họ lại tốn thời gian một ngày để thay thế toàn bộ ván tre trên cầu thành ván gỗ.
Cầu dây cũng đã được sửa xong.
Danh sách những việc cần làm của Hà Điền lại có thêm một việc bị gạch bỏ.
Cầu dây vừa sửa xong thì trời lại đổ mưa.
Cơn mưa này kéo dài đến hai ngày.
Sau khi trời quang mây tạnh, trời lại trở nên lạnh hơn.
Khi Hà Điền và Dịch Huyền ra ngoài lần nữa, họ phải mặc quần áo dày vào.
Con người có thể mặc quần áo khi trời lạnh, nhưng vịt và thỏ thì lại không có quần áo để mặc. Cô chỉ có thể đặt thêm cỏ khô vào ổ của chúng mỗi đêm.
Ba con rùa thì sống sót dễ dàng hơn nhiều, chúng đào các lỗ trong vòng đá, lần lượt trốn vào các lỗ để ngủ đông.
Mỗi buổi sáng Lúa Mì thường chạy đến nằm trên bức tường đá để nhìn rùa. Ngày nào mà không thể nhìn thấy chúng, nó sẽ gấp đến độ sủa gâu gâu lên.
Họ lại chèo thuyền, chở Gạo và Lúa Mì đến vùng đất ngập nước ở các nhánh sông. Phong cảnh xung quanh không được đẹp cho lắm.
Cỏ xanh giờ đã chuyển sang màu xanh vàng, có một số cây phần gốc vẫn còn xanh, lá đã héo vàng, cũng có một số thì ngược lại, phần gốc đã ngả sang màu vàng đất, hòa quyện với đất cát bên dưới, nhưng ngọn lá thì vẫn còn một mảng xanh cuối cùng của mùa hạ.
Cỏ dại lúc này không còn ngon ngọt như mùa hè, sau khi Gạo dạt vào bờ, nó liền tìm kiếm những thứ ngon hơn trong cỏ, chẳng hạn như lúa dại, yến mạch hoặc là quả của các loại cây cỏ khác.
Giống như lần mang Gạo vào rừng tìm rau dại lúc mùa xuân, hôm nay Hà Điền và Dịch Huyền mang nó đến cũng là vì mục đích này.
Gạo đáng thương tìm được một mảnh yến mạch hoang, còn chưa kịp nhai vài miếng thì đã bị người chủ tàn nhẫn đuổi đi.
Hà Điền chỉ cho Dịch Huyền: "Anh nhìn này, hạt yến mạch có giống như đuôi chim én không?"
Các hạt yến mạch chưa bóc vỏ có màu xanh lam, ở phía dưới đuôi hạt có một cái nĩa giống như đuôi chim én.
Yến mạch cũng ra bông giống như kê, lúa và lúa mì, nhưng một cây chỉ có vài nhánh, và mỗi nhánh chỉ có năm hoặc sáu hạt.
Hà Điền không quan tâm đến những thứ này, dù sao nó cũng chỉ là yến mạch mọc hoang dã, cô không cần phải chăm sóc, nên sao cũng được.
Gạo lại tìm thấy một mảnh yến mạch lớn, cô mừng rỡ đuổi nó đi, cùng Dịch Huyền đeo một cái giỏ vào ngang hông, tuốt yến mạch bỏ vào giỏ.
Tuy gọi lúa dại là lúa nhưng thực chất lúa dại là một loại cỏ, nhìn bề ngoài gần giống với gạo đã xát vỏ, đánh bóng, nhưng hạt của nó lại dài, mỏng và có màu nâu sẫm. Ưu điểm lớn nhất của nó là có thể ăn trực tiếp mà không cần chế biến như bóc vỏ, chà này nọ.
Lúa dại rất khó nấu, phải ngâm qua đêm mới được, lúa dại sau khi nấu chín sẽ tách ra từ giữa, lộ ra phần thịt màu trắng, vị hơi giống quả hạch, vỏ dai, bên trong mềm.
Vì các loại hạt khác khi nấu với lúa dại cũng sẽ bị nhiễm màu tím sẫm hoặc nâu đỏ, nên Hà Điền rất thích dùng lúa dại để làm cơm nắm.
Đã có Gạo dẫn đường, Hà Điền và Dịch Huyền tiết kiệm được rất nhiều việc. Họ không cần phải tìm kiếm lúa dại và yến mạch, chỉ cần thu hoạch chúng là được.
Dịch Huyền biết cây yến mạch, ở chỗ của anh có ruộng trồng yến mạch, nhưng chúng không phải dành cho người ăn, mà được sử dụng làm cỏ nuôi ngựa.
Anh không ngờ là yến mạch cho ngựa ăn sẽ được nghiền và nướng rồi thêm vào trong bánh mì, bánh ngọt, cháo và cơm mà anh ăn thường ngày, còn khá ngon nữa.
Sau một ngày bận rộn, đến chạng vạng tối, yến mạch và lúa dại đều đã đầy giỏ, Dịch Huyền ước lượng, mỗi loại có thể nặng khoảng hai ba ký.
Ngoài yến mạch và lúa dại, họ cũng đi theo sau Gạo thu thập hạt của một số loại cỏ dại khác. Hà Điền không thể gọi tên chúng, người không thể phân biệt được ngũ cốc như Dịch Huyền thì thôi khỏi nhắc đến. Một loại sau khi bóc vỏ có hạt tròn màu trắng, loại còn lại thì có hình thuôn dài với một chấm vàng nhạt ở một đầu.
Hai loại này cô vẫn thường hay ăn, loại trước nấu cháo ăn khá dai, loại sau thì Hà Điền từng gói bánh ú, dẻo và ngọt.
Về đến nhà, Hà Điền dắt Gạo về chuồng, vuốt đầu nó, lấy một nắm bông yến mạch trong túi vải bỏ vào máng.
Lúc này bầu trời đầy mây hoàng hôn, thật ra chưa tới sáu giờ, nhưng sắc trời đã chuyển sang màu xanh xám rồi.
Thừa dịp trời vẫn còn có ánh sáng, Hà Điền và Dịch Huyền đi đến kho thịt xông khói, chọn một xâu lạp xưởng mang về nhà.
Ngay sau khi hoàn thành phần ruột và treo lên cọc tre để hong khô, Dịch Huyền đã háo hức muốn làm lạp xưởng ngay khi thịt heo vẫn còn tươi.
Tất nhiên là anh chỉ có thể mô tả bề ngoài và mùi vị của lạp xưởng, anh không biết làm thế nào để làm ra nó cả.
Sau khi thảo luận với Hà Điền, đầu tiên anh chọn một số thịt mỡ băm nhỏ làm nhân thịt, rồi thêm gia vị như muối, đường và nước tương. Dịch Huyền đưa ngón tay vào nhân thịt, sau đó cho vào miệng nếm thử: "Đáng tiếc không có rượu. Xem ra vẫn còn thiếu một chút hương vị."
Hà Điền suy nghĩ một chút, mở hũ mận ngâm mật ong ra, đổ một ít nước chua ngọt vào: "Tạm thời mình cứ làm thử vậy đi. Đừng dùng hết vỏ ruột một lúc. Lần sau chúng ta lại chỉnh lại gia vị. Hoặc là xuống núi mua một chút rượu về."
Dịch Huyền khuấy nhân bánh xong. Hà Điền kêu anh bỏ thịt băm vào hầm sau một ngày đêm rồi hẳn lấy ra. Thịt băm chuyển sang màu đỏ sẫm và có mùi rất thơm, nhưng theo trí nhớ của anh, nó vẫn còn thiếu một chút gì đó.
Dịch Huyền nảy ra một ý tưởng khác, anh nói: "Hay là đổ một ít nước mứt hoa hồng vào thử? Những cây lạp xưởng anh từng ăn đều có màu đỏ."
Hà Điền gãi gãi mặt: "Vậy thì thêm một ít vào đi. Nhưng mà lạp xưởng anh từng ăn có thể là có thêm bột màu."
Dịch Huyền cảm thấy Hà Điền đang tiết mứt hoa hồng của mình: "Đảm bảo với em, món lạp xưởng này sau khi làm xong sẽ rất ngon."
Hà Điền thở ra một hơi: "Anh thật đúng là tự tin."
Tự tin hay không tự tin cũng được, dù sao thì cũng đã thêm vào rất nhiều nguyên liệu ngon, hơn nữa còn có thịt heo rừng siêu tươi rất hiếm, bỏ ra nhiều nguyên liệu nấu ăn như vậy, Hà Điền cũng không thể để cho nó hỏng bét được.
Cô chưa từng nhìn thấy hay ăn lạp xưởng, nhưng sau khi nghe Dịch Huyền mô tả, cô nghĩ rằng có hai loại lạp xưởng, một loại không trải qua quá trình hong khô, và đây là xúc xích ăn sáng mà Dịch Huyền nói, xào với cà chua và nấm thái miếng vừa ăn, sau đó dùng với bánh mì lát và nước trái cây; loại còn lại thì giống như thịt xông khói, thịt muối, sau một thời gian xông khói và phơi khô trong không khí, nó sẽ trở nên cứng và có thể cắt lát xào rau hoặc là hấp chín ăn với cơm.
Thịt được thêm mứt hoa hồng có mùi thơm hơn, lên màu đẹp hơn.
Hà Điền lấy cái phễu, đổ thịt vào bên trong, Dịch Huyền cầm ruột bọc quanh miệng phễu, dùng đũa nhấn thịt từ từ vào trong phần ruột heo.
Lúc đầu, ruột bị rách ngay hoặc có không khí bên trong, sau vài lần thử, cả hai đã thành thạo phương pháp và càng làm ra lạp xưởng đẹp hơn. Dịch Huyền tự nhận tay nghề của anh cũng không hề kém gì với tay nghề của mấy người thợ trong cửa hàng lạp xưởng cả.
Một đoạn ruột dài hơn một mét đã được sử dụng hết, Hà Điền để lại bốn cái và treo trên xà nhà, những chiếc còn lại thì được đưa vào kho xông khói như thịt.
Sáng hôm sau, cô lấy lạp xưởng trên xà nhà xuống, đem chiên cùng với trứng rùa và cà chua tươi, nhét đầy vào trong những lát bánh mì vuông*.
*Bánh mì làm sandwich.Dịch Huyền hô to thành công rồi, anh và Hà Điền cách bàn ăn đập tay với nhau.
Cả hai đều cười tươi rói, Hà Điền cũng rất đắc ý: "Món ngon gì chúng ta cũng đều làm được hết!"
Sau khi thu hoạch yến mạch về nhà, Hà Điền đếm ngày, lạp xưởng xông khói đã treo được mấy ngày, cô lấy một cây xuống nhìn thử.
Trên thực tế, lạp xưởng vẫn chưa đạt đến thời điểm tốt nhất, nhưng Hà Điền và Dịch Huyền cũng đã khá hài lòng.
Lạp xưởng cắt ra thật sự trông giống như đá cẩm thạch đỏ và trắng mà Dịch Huyền đã nói, mỡ trở nên trong mờ, thịt nạc thì trở nên đỏ, đem xào với ớt xanh, vỏ đậu Hà Lan và hành lá, mùi thơm tỏa ra bốn phía.
Sau vài ngày xông sấy, vị ngọt trong lạp xưởng càng nhiều, hương hoa hồng cũng đậm hơn.
Trước khi đi ngủ, Hà Điền ngâm một nắm lúa dại mà hôm nay thu hoạch được, chuẩn bị để trưa mai nấu cơm với lạp xưởng.
Toàn bộ con heo chỗ nào cũng quý báu hết! Hay là sang năm họ cũng nuôi heo? Hà Điền vừa nghĩ vừa tiến vào mộng đẹp.