Tất nhiên là không rồi. Em nói với anh ta: “Thế anh và lợn cùng cố gắng đi.”
Tiệc chia tay của Lư Yên được đặt hẹn tại Tụ Tương Duyên, một nhà hàng chuyên món Hồ Nam gần sát sân bay. Lư Yên là khách quen ở đây, ca trực hôm Giao thừa cô còn gọi bọn họ ship đồ ăn tới tháp chỉ huy. Cô quê ở Hồ Nam, vậy nên tiệc tiễn cô đương nhiên phải chọn quán cô thích.
Thành phần tham gia buổi tiệc này cũng rất kỳ lạ.
Bình thường, tiệc của phi công sẽ không bao giờ xuất hiện bóng dáng của kiểm soát viên không lưu, bọn họ về cơ bản đều nói chuyện ai lại bị hạn chế luồng bay rồi. Mà tiệc của bên không lưu thì cũng toàn nói xấu phi công nên chẳng có phi công nào góp mặt cả.
Thế nhưng, Lư Yên quan hệ rất rộng. Từ bạn học Đại học Hàng không Dân dụng tới đồng nghiệp quen biết ở sân bay Đại Hưng, chỉ cần có quan hệ tốt với cô thì đều được mời tới. Kết quả trong mười mấy người góp mặt, một nửa là phi công, một nửa là kiểm soát viên.
Bên phía không lưu có Vương Nguyên tốt tính thuộc Trung tâm kiểm soát đường dài; còn có Sở Di Nhu do một tay Lư Yên đào tạo ba năm trước, hiện tại đã là một kiểm soát viên thạo nghề có thể trực độc lập được rồi. Lư Yên cũng rất chu đáo, gọi cả Phương Hạo tới.
Nhóm phi công có mặt cũng đều là những nhân vật nổi danh của các hãng hàng không top đầu. Trong số đó đương nhiên có vị cơ trường có quan hệ thân thiết với Lư Yên – Trần Gia Dư; có đồng nghiệp ở Air China của anh – Trịnh Hiểu Húc; còn có Chu Kỳ Sâm – một vị cơ trưởng rất sôi nổi của hãng Hải Nam; Ngô Việt – cơ trưởng của hãng Tứ Xuyên; cùng với một nữ phi công tóc ngắn, trông gọn gàng, thanh lịch của hãng Sơn Đông tên Túc Lê. Cô cũng là bạn học cũ của Lư Yên.
Trần Gia Dư vừa ngồi vào chỗ đã bật cười: “Ê Yên, bà tập hợp Air China, Sơn Đông, Hải Nam, Tứ Xuyên thế này, bọn tôi đủ Đông Nam Tây Bắc có thể chơi mạt chược được rồi đó.”
Mấy vị cơ trưởng đều cười nắc nẻ.
Để tổ chức được một buổi tiệc có sự góp mặt của mười mấy kiểm soát viên không lưu cùng phi công thật sự rất khó. Tất cả mọi người đều không có giờ giấc làm việc cố định, phải bỏ phiếu mấy lần trong nhóm Wechat thì cuối cùng mới vất vả chọn được một tối thứ Sáu đông đủ nhất. Trần Gia Dư và Trịnh Hiểu Húc vừa xuống máy bay một cái là phi thẳng từ sân bay tới đây. Hơn nữa lịch bay của Trần Gia Dư tuần này là thứ Hai, thứ Ba, thứ Sáu, thứ Bảy, vậy nên sáng mai anh vẫn phải tới sân bay.
Trịnh Hiểu Húc đứng lên rót cho Trần Gia Dư một chén trà: “Anh Gia, anh nói xem, chúng ta làm cùng công ty mà sao hơn tháng nay rồi em không được gặp anh nhỉ.”
Trịnh Hiểu Húc bay chặng đường dài quốc tế. Hai người vốn cũng từng bay chung mấy chuyến. Dạo gần đây, anh ta chủ yếu bay chặng Bắc Kinh – Los Angeles, làm cùng công ty nên Trịnh Gia Dư biết.
“Một tuần cậu về có một lần nên không có dịp.” Trần Gia Dư cảm ơn anh ta.
Trịnh Hiểu Húc nói: “Ừm. Lần này khó khăn lắm mới có dịp gặp nhau, chúng ta phải làm ly.”
Trần Gia Dư nâng chén trà trong tay: “Sáng mai còn có chuyến, để anh lấy trà thay rượu vậy.”
Ngành hàng không có quy định cấm rượu bia rất nghiêm ngặt, trong vòng mười hai tiếng trước giờ khởi hành không được chạm vào dù chỉ một giọt. Mọi người ở đây đều biết điều này.
Lư Yên nghe thấy vậy thì quay sang nhìn anh: “Mai ông bay à? Sớm biết thế thì đã hẹn sang thứ Bảy để tối nay có thể không say không về.”
Trần Gia Dư cười lắc đầu, nói đùa với cô: “Tiệc của bà mà, bà không say không về là được rồi.”
Khi Phương Hạo bước vào, lọt vào mắt anh là khung cảnh kiểm soát viên không lưu cùng phi công vui vẻ hòa thuận. Ban đầu không ai nhìn thấy anh, anh đứng đó hai giây, chợt có một suy nghĩ rất đỗi không thực tế là muốn xoay người ra về. Trong số những người ngồi ở đây, anh chỉ quen Lư Yên, Sở Di Nhu cùng anh chàng Vương Nguyên đeo kính, to con bên Kiểm soát đường dài. Ngoài ra thì có Chu Kỳ Sâm bên hãng Hải Nam là từng tiếp xúc, nếu nói quá lên thì Trần Gia Dư cũng có thể tính là có quen. Những người khác, anh hoàn toàn không biết ai với ai.
Thế nhưng, Sở Di Nhu rất nhanh đã nhìn thấy Phương Hạo. Cô vẫy tay với anh: “Phương Hạo tới rồi. Anh nhanh qua đây ngồi đi.”
Lư Yên cũng gọi anh lại: “Nào nào nào, mấy người nhích sang bên một chút.”
Bên phải Lư Yên là cô bạn thân, nữ phi công Túc Lê; ngồi bên trái, cách cô hai ghế là Trần Gia Dư. Lúc Sở Di Nhu tới, cô nàng đương nhiên ngồi vào chỗ bên tay trái Lư Yên. Hiện tại chỉ còn lại vị trí bên trái Sở Di Nhu, bên phải Trần Gia Dư.
Phương Hạo nhìn mấy người phi công mặc đồng phục ngồi đó. Bản thân anh vì hôm nay không phải trực nên mặc đồ thường ngày, áo phông trắng cùng áo len cashmere màu xanh lam và quần bò sẫm màu, trông có chút lạc lõng.
(Cashmere: loại vải len dệt từ lông dê, được làm hoàn toàn bằng thủ công nên có giá thành khá đắt đỏ)
Song Lư Yên hiển nhiên không hề để ý chuyện này, thậm chí còn khen áo khoác của Phương Hạo đẹp lúc anh ngồi vào chỗ.
Phương Hạo chào Lư Yên: “Chị Yên, đường hơi tắc nên em tới muộn, thật ngại quá.”
Lư Yên không khách sáo với anh, trêu: “Nhà cậu cách đây có mười lăm phút đi đường. Như này phải tự phạt một chén rồi, ha ha.”
Phương Hạo lúc này lại rất ngoan ngoãn, gật đầu, “Vâng ạ.”
Anh vừa dứt lời, Trần Gia Dư đã rót cho anh một ly rượu đầy.
Chu Kỳ Sâm kinh ngạc: “Vãi, như này luôn? Thế phải coi sếp Phương của chúng ta rồi.”
Phương Hạo cầm ly rượu, hướng về phía anh ta: “Anh Sâm, lâu ngày không gặp.”
Anh nhấp một ngụm rồi lại đặt xuống. Bụng đang rỗng, Chu Kỳ Sâm có chọc nữa thì Phương Hạo cũng không thể lập tức cạn chén được. Sau khi ngồi vào chỗ, đến lúc này Phương Hạo mới liếc mắt sang bên trái, nhìn thấy Trần Gia Dư đang ngồi đó rất chi là thư thái. Anh ta dựa cả lưng vào chiếc ghế trong phòng ăn, bộ dạng cực kỳ thoải mái, khoanh tay nhấc mắt nhìn Phương Hạo.
Phương Hạo không ngờ anh ta lại nhìn mình một cách công khai như vậy, có hơi ngại ngùng, chỉ đành lên tiếng chào hỏi: “Trùng hợp ghê, cơ trưởng Trần.”
Trần Gia Dư nở nụ cười với chút ý xấu: “Xa cách thế. Chúng ta tốt xấu gì cũng là đàn anh đàn em cùng trường, đều ngồi ăn chung bàn mà.”
Phương Hạo đương nhiên hiểu ý anh ta. Dù ngày thường có tranh chấp gì thì anh cũng không muốn phá hỏng bữa tiệc của Lư Yên, bèn thuận theo ý Trần Gia Dư, gọi: “À, anh Gia.”
Trong lòng Trần Gia Dư lúc này rất khoái chí.
Anh nhìn Phương Hạo rồi chợt hỏi: “Cậu biết từ khi nào?” Đương nhiên là chuyện Lư Yên chuyển đi.
Phương Hạo đáp: “Từ hai hôm trước.” Sau đó anh nhấp một ngụm rượu: “Khá đột ngột.” Rồi như chợt nhớ ra điều gì đó, Phương Hạo quay sang nhìn Trần Gia Dư: “Chắc anh biết chuyện trước bọn tôi.”
Trần Gia Dư gật đầu, không phủ nhận.
Phương Hạo cũng hiểu. Dù sao Trần Gia Dư cũng là bạn thân chí cốt nhất của Lư Yên, không như các mối quan hệ lợi ích kiểu đồng nghiệp. Anh nghĩ một chút rồi bảo: “Song mọi người thì vẫn có cơ hội gặp thường xuyên, nếu hạ cánh tại Phố Đông.”
Chu Kỳ Sâm tiếp lời: “Đúng rồi, Yên. Sau này chúng ta hẹn gặp trên tần số Đài kiểm soát Phố Đông nhé. Dạo này tôi bay tới Phố Đông suốt, phải làm phiền bà chiếu cố rồi.”
Lư Yên cũng rất quen thân với anh ta, không ngại bông đùa: “Ở Bắc Kinh đã chiếu cố rồi, giờ phải bảo kê ông tới Phố Đông luôn.”
Chu Kỳ Sâm nói: “Tất nhiên rồi. Bọn em lăn hay ngừng đều phải nhìn sắc mặt chị mà.”
Chu Kỳ Sâm là một người rất hài hước, da mặt siêu dày, đối đáp cũng nhanh nhạy. Thật ra anh ta không phải bạn đại học của Lư Yên hay Trần Gia Dư, chỉ thuần tuý là hai năm nay ở Đại Hưng nói chuyện hợp rơ với Lư Yên nên thành ra thân thiết và lập thành một nhóm. Người ngoài không biết có lẽ sẽ không tài nào đoán được anh ta từng là phi công lái máy bay căn cứ trên tàu sân bay của Hải Quân, thuộc hàng đỉnh chóp của đỉnh chóp. Ba năm trước anh ta chuyển sang bay dân dụng, là tốp cuối cùng có giấy giới thiệu của Hải Quân. Kể từ đó, Chu Kỳ Sâm luôn là nhân viên gương mẫu của hãng Hải Nam, là một trong những phi công có tổng số giờ bay hàng năm cao nhất trong khu vực Bắc Kinh, thêm năm nữa là có thể thăng chức cơ trưởng rồi.
(tàu sân bay: hay còn gọi là hàng không hạm mẫu, là một loại tàu chiến được thiết kế để triển khai và thu hồi lại máy bay, cho phép lực lượng hải quân triển khai không lực ở các khoảng cảnh lớn mà không phụ thuộc vào một căn cứ nào trên đất liền)
Nói tới công việc kiểm soát không lưu, Ngô Viên chợt nhắc: “Thấy mọi người bảo KLM thứ Sáu tuần trước bị nổ bánh lốp thì phải. Chuyến cơ trưởng đầu tiên trên tàu A330 của Lang Phong ấy.”
Nghe nhắc đến chuyện này là Phương Hạo lại thấy đau đầu. Anh nhớ tới vụ Trần Gia Dư đối đầu với mình trên kênh radio hôm đó. Cũng may ở đây chỉ có Lư Yên là biết sơ qua còn nhưng người khác đều không biết đã từng có chuyện như vậy. Hai tháng nay, mặt đất Đại Hưng không xảy ra sự vụ gì, sóng yên biển lặng chẳng có gì thú vị để bàn tán, chỉ có độc một tin lớn là vụ nổ lốp của KLM.
Hai ngày nay Chu Kỳ Sâm không tới Đại Hưng nên giờ mới nghe chuyện. Anh ta vừa nghe nhắc tới Lang Phong, tai lập tức dựng đứng: “Nổ lúc cất cánh hay hạ cánh? Không bốc cháy nhỉ? Đây là tin lớn đấy.”
Cả bàn tiệc lặng đi trong giây lát. Bọn họ không ai có mặt ở hiện trường lúc đó, đều chỉ hóng được tin.
Bấy giờ Phương Hạo mới lên tiếng: “Lúc cất cánh. Cũng may động cơ cùng thiết bị cất hạ cánh đều không bị hư hại gì. Trước mắt vẫn chưa rõ nguyên nhân, dẫu sao cũng không nhặt được gì trên đường cất hạ cánh cả. Về tàu bay của KLM thì chắc trong hai tuần tới bọn họ sẽ cho người tới điều tra.”
Lư Yên hất cằm về phía Phương Hạo: “Cũng hên là Phương Hạo của chúng ta có hỏa nhãn kim tinh. Lên Đài kiểm soát dạo một vòng, kết quả lại dùng kính viễn vọng nhìn thấy được.”
Đến lúc này Sở Di Nhu mới rõ nguồn cơn sự việc. Cô quay sang, nhìn Phương Hạo đầy ẩn ý: “Hóa ra là vậy. Hôm đấy Lang Phong tới tìm anh, đáng nhẽ ra anh nên bảo anh ta mới toàn thể kiểm soát viên chúng ta đi ăn một bữa.”
“Ô, Lang Phong biết nói tiếng Trung à.” Chu Kỳ Sâm không hề giấu diếm sự hâm mộ.
Phương Hạo đáp: “Ừm, cũng khá trôi chảy.”
Chu Kỳ Sâm trêu chọc: “Phương Hạo, sau bữa này cậu có thể giới thiệu tôi làm quen không. Vốn tôi còn lo gặp rào cản ngôn ngữ, nhưng nếu cậu ta nói được tiếng Trung thì không còn vấn đề gì nữa rồi.”
Bạn bè xung quanh đều biết xu hướng tính dục của anh ta. Lư Yên chọc anh: “Ở Hải Nam ông không luyện tiếng Anh à. Hơn nữa, vì sao Phương Hạo lại phải giới thiệu cho ông.”
Chu Kỳ Sâm cũng rất phối hợp mà cười cười. Anh ta nâng ly, nói: “Được rồi. Chúng ta làm ly nữa nào sếp Phương. Vì việc cậu đã… cứu giúp đóa hoa của đất nước.”
Đóa hoa của đất nước đương nhiên là chỉ Lang Phong. Tất nhiên Chu Kỳ Sâm cũng chỉ nói đùa. Dù sao da anh ta vốn dày, chẳng ngại tạo đề tài cho mọi người bàn tán lúc trà dư tửu hậu.
(trà dư tửu hậu: chỉ những lúc rảnh rỗi, ngồi nói chuyện suông với nhau)
Lư Yên mỉm cười, rút ra một điếu thuốc dài mảnh dành cho nữ giới. Lọn tóc xoăn dài của cô buông rủ sau vai. Dù như nào thì cô cũng là một đại mỹ nhân sáng sủa, xinh đẹp với đường nét ngũ quan nổi bật.
Phương Hạo lấy bật lửa châm thuốc cho cô một cách rất tự nhiên. Một lúc sau, anh hỏi: “Còn không?”
Lư Yên gật đầu, lấy một điếu Nam Kinh đưa Phương Hạo. Anh bèn cúi đầu tự châm thuốc cho mình.
Phương Hạo tay kẹp điếu thuốc, không vội hút luôn mà kéo chủ đề câu chuyện trở về đúng hướng: “Nổ lốp thật ra cũng chỉ là chuyện nhỏ, viết báo cáo là xong. Xử lý không ổn mới thành chuyện lớn.”
Chu Kỳ Sâm nhìn anh rồi nói: “Lợi hại, lợi hại. Sếp Phương, chúng ta cạn nào.”
Phương Hạo cũng bị anh ta chọc cho bật cười. “Gì vậy chứ. Anh Sâm uống trước đi.”
Trần Gia Dư cũng nhân cơ hội đó giục Chu Kỳ Sâm: “Tự ông nhanh lên. Hô hào người khác cả nửa ngày, bản thân thì chưa động giọt nào.”
Chu Kỳ Sâm cười đánh trống lảng: “Ầy, đồ nguội tôi còn chưa ăn được mấy miếng mà. Không dám, không dám.”
“Đấy là trong cái rủi có cái may.” Trần Gia Dư vẫn chưa từ bỏ chủ đề này, trầm giọng nói, “Cũng may là không đụng phải các bộ phận khác.”
Bánh lốp tàu bay không giống lốp ô tô. Chúng phải chịu áp lực lên tới hàng vạn tấn từ thân tàu bay nên vật liệu dùng để sản xuất cũng khác. Sau khi bánh lốp bị nổ vào thời điểm cất cánh, bộ phận hư hỏng sẽ bị văng ra với tốc độ cực kỳ cao. Nếu những bộ phận ấy va đập vào những bộ phận khác như động cơ hay thùng nhiên liệu thì có khả năng cao sẽ phát sinh những vấn đề nghiêm trọng hơn nữa.
Chu Kỳ Sâm thấy hứng thú: “Sao, anh Gia từng nổ lốp rồi hả?”
Trần Gia Dư rất bình thản: “Ừ, từng rồi.”
Lư Yên nhìn anh đăm đăm rồi nói: “Ông mấy năm nay đúng thật là… Hầy.”
Lư Yên không nói thẳng nhưng phần lớn những người ngồi đây đều nghe hiểu. Nếu nói tới sự cố và trục trặc tàu bay, Trần Gia Dư không chỉ có một vụ ở Hồng Kông. Có những phi công thương mại bay cả đời, tới hàng chục ngàn giờ bay mà tất cả mọi chuyến bay đều an toàn. Thế nhưng Trần Gia Duy mấy năm gần đây, không những bị nổ lốp, hỏng đèn cất hạ cánh, gặp trục trặc một bên động cơ, buộc phải chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay khác mà anh còn gặp đủ các loại tình huống như có hành khách đột nhiên lên cơn suyễn trên chuyến bay, hệ thống vô tuyến điện không hoạt động… Vậy nên, năm đó khi động cơ xảy ra sự cố trên chuyến bay từ Jakarta tới Thượng Hải, anh chỉ hoảng hốt trong chốc lát rồi lập tức bắt đầu thực hiện kiểm tra như đã hình thành ký ức cơ bắp. Phải sau này, theo thời gian trôi, anh mới dần nhận ra đó có lẽ là tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất anh từng gặp phải. Trần Gia Dư nghĩ mãi mà cũng không biết nên xót cho cái số gặp vận rủi liên tiếp của mình hay nên cảm ơn số mệnh đã khiến anh luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
“Anh Gia năm đấy bị nổ lốp ở sân bay Hồng Kiều[2], động cơ còn bốc cháy, lúc đó cũng chỉ biết cắn răng mà điều khiển tàu bay cất cánh,” Trịnh Hiểu Húc bổ sung, “Lần ấy có lên cả “Phát sóng tin tức”.”
(Phát sóng tin tức: tên tiếng Trung là “新闻联播 – Tân Văn Liên Bố” là chương trình thời sự của Đài CCTV. Vào giờ phát sóng chính thức, chương trình này được chiếu trên tất cả các đài truyền hình địa phương và trung ương của TQ)
Trần Gia Dư mỉm cười: “Ừ, có hành khách của tàu bay khác quay lại toàn cảnh, nói cái gì mà đi máy bay biến thành đi tên lửa.”
Chu Kỳ Sâm nói: “Hóa ra anh Gia là khách quen của “Phát sóng tin tức”.”
Lư Yên chêm thêm: “Giờ chẳng có gì có thể làm khó được thiếu gia Trần nữa rồi.”
Trần Gia Dư thấy mọi người đều nói về mình, bèn chuyển mục tiêu, nói với Chu Kỳ Sâm: “Không phải ông cũng từng bị chim tấn công sao, hơn nữa còn rất kích thích, trực tiếp nhảy dù luôn.”
Chu Kỳ Sâm bật cười: “Ừ, chuyện đó không nói được.”
Sự cố đó xảy ra lúc Chu Kỳ Sâm đang diễn tập trong quân đội nên đương nhiên không có báo chí đưa tin mà cũng không thể kể chi tiết. Thế nhưng, những vết gãy xương đã được đinh cố định và phẫu thuật điều trị trên cơ thể thì không thể nói dối.
Lư Yên vẫn chưa chịu buông tha cho Trần Gia Dư. Cô bỗng hỏi anh: “Tôi nghe đồn hai hôm trước có đạo diễn muốn tìm ông quay phim tài liệu về vụ hạ cánh khẩn cấp ở Hồng Kông hả?”
Trần Gia Dư gật đầu: “Ừ, mà tôi không đồng ý.”
Lư Yên hỏi: “Quay phim tài liệu không tốt sao? Quảng bá cho ngành hàng không dân dụng. Quay phim chiếu rạp thì tôi chắc chắn sẽ mua vé xem.”
Trần Gia Dư đáp: “Không sắp xếp được thời gian. Hơn nữa phi công trước giờ đã xuất hiện trước mặt công chúng bao nhiêu lần rồi,” Anh ngừng một chút, nhìn mấy vị kiểm soát viên đang ngồi đây, “Theo tôi thấy thì nên tuyên truyền về mọi người ấy, những người bảo vệ bầu trời đất nước, đúng chứ.”
Đôi mắt anh ánh lên nét cười. Câu cuối còn y hệt như đọc lời thoại tuyên truyền, khiến Lư Yên cũng phải xấu hổ.
Mấy lời vừa rồi của Trần Gia Dư đã thành công chuyển chủ đề từ phía phi công sang bên kiểm soát viên không lưu. Nhóm phi công kêu bên kiểm soát viên cũng kể một vài tình huống đặc biệt đã gặp trong thời gian công tác.
Vương Nguyên bên Kiểm soát đường dài Bắc Kinh kể về một lần bên quân sự có hoạt động mà không thông báo cho bên Đường dài khiến có hai tàu bay suýt nữa thì va chạm trên không trung. Khi ấy Phương Hạo đang làm việc tại cơ sở Tiếp cận của sân bay Thủ Đô, anh gật đầu lia lịa. Đó quả thực là một sự cố nghiêm trọng. Nếu máy bay dân dụng mà như vậy thì tất cả phi hành đoàn có liên quan đều sẽ lập tức bị sa thải.
Khi tới lượt Phương Hạo, anh hắng giọng, bắt đầu kể chuyện: “Mấy tháng trước tôi có chỉ huy một máy bay chở hàng từ Bắc Kinh tới Hải Nam cất cánh. Tôi nói: “Phía sau có người xếp hàng, các anh nhanh chóng nâng mực bay lên 6000”; sau đó phi công bên kia bảo: “Mực bay đó quá xóc, có thể lên 6200 hoặc xuống 5800 không?”. Thời điểm đó đang trong kỳ nghỉ, lưu lượng hành khách ở mức cao điểm, thật sự không điều chỉnh được. Vậy nên tôi bèn bảo anh ta: “Không được, anh cố gắng đi. Hai mực bay kia đều có xung đột”.”
Tới đây, Phương Hạo ngừng lại một chút, từ tốn hút một hơi thuốc rồi kể tiếp: “Cuối cùng bên kia bảo: “Bắc Kinh, máy bay tôi chở toàn lợn giống, nhỡ bị xóc hỏng là khách hàng phải đền tiền đó”.”
Chu Sở Di đã bắt đầu phá lên cười trước tiên. Có điều đúng là có đủ loại hàng hóa được vận chuyển hàng không, động thực vật cũng không hiếm.
Ly Yên đã đoán được phần nào kết quả, nhưng cô vẫn gợi chuyện: “Sau đấy thì sao? Cậu có cho anh ta chuyển mực bay không?”
Phương Hạo nghiêm mặt, tiếp tục kể chuyện rất nghiêm túc: “Tất nhiên là không rồi. Em nói với anh ta: “Thế anh và lợn cùng cố gắng đi.”.”
Cả bàn tiệc cười ngả nghiêng. Phương Hạo nhanh chóng cười cười bổ sung thêm: “Xin phép sửa lại chút. Em có điều chỉnh đường bay cho anh ta rồi để anh ta hạ độ cao. Chứ không nhỡ sau này thịt lợn Hải Nam tăng giá lại trừ vào tiền lương của em.”
Trần Gia Dư cũng bật cười. Anh nhìn bộ dạng nghiêm túc kể chuyện cười của Phương Hạo ngồi bên phái mình, cảm thấy rất bất ngờ. Ấn tượng ban đầu của anh về người này là một người rất cứng nhắc, chỉ hận không thể khắc dòng chữ “nội quy, quy định” lên trán mình. Sau lần tiếp xúc này, anh chợt nhận ra hình như không phải vậy.
Bữa tiệc này ai nấy cũng thấy chơi chưa đủ đã.
Tới gần cuối buổi, Phương Hạo đã uống cùng Chu Kỳ Sâm ba chén rượu. Tuy nhiên anh có ăn một chút nên cảm thấy vẫn ổn.
Lư Yên đề nghị: “Chúng ta chuyển địa điểm nhé. Đi uống thêm chút nữa?”
Phương Hạo đáp: “Chị Yến muốn đi đâu, bọn em sẽ tháp tùng.”
Mấy cơ trưởng và kiểm soát viên có gia đình thì ra về trước. Vốn dĩ hôm này Trần Gia Dư đang bị cấm rượu bia, không được chạm vào một giọt nào, theo lý mà nói thì anh tới quán bar cũng chẳng có gì thú vị. Thế nhưng lúc Lư Yên hỏi, anh như bị ma sai quỷ khiến mà đồng ý tham gia.
Vì suy nghĩ cho những người ngày mai vẫn phải đi làm, bọn họ vẫn kết thúc cuộc vui trước 0 giờ.
Phương Hạo ngà ngà say. Anh đếm được chừng năm chén nhưng cũng không rõ lắm, chắc vẫn ở mức ngủ một giấc là có thể hồi phục.
Khi ra về, Phương Hạo ôm Lư Yên một cái: “Chị Yên, hôm khác em sẽ tới Thượng Hải gặp chị với anh Lỗi nhé.”
Lư Yên đáp: “Phương Hạo, cậu cũng phải chăm sóc bản thân cho tốt đấy. Không chỉ việc điều hành bay đâu, cậu hiểu ý chị mà.”
Lư Yên nói rất nghiêm túc. Phương Hạo không thật sự nhạy bén trong các mối quan hệ công sở, trước đây làm việc cứng nhắc đã từng đắc tội với cấp trên. Mặc dù anh cực kỳ có năng lực, thăng chức rất nhanh, thế nhưng ở tháp chỉ huy đông người như vậy, có không ít thấy ngứa mắt với anh.
Lúc trước khi Lư Yên chuyển đi, vì cô có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, lại quen biết rộng nên vẫn có thể nói thay Phương Hạo ở mọi nơi. Cô chuyển đi rồi, Phương Hạo sẽ chỉ còn có thể dựa vào bản thân mà thôi. Phương Hạo đương nhiên hiểu ý Lư Yên muốn nói.
Chu Kỳ Sâm đã say tới mức bò lăn và được nhóm Trịnh Hiểu Húc đưa về rồi. Phương Hạo sau khi chào tạm biệt Lư Yên thì mở app điện thoại, bắt đầu gọi xe. Anh nhìn qua khóe mắt thầy Trần Gia Dư và Lư Yên đang nói lời tạm biệt.
Lư Yên nói: “Gia Dư, có câu này tôi không muốn hỏi trước mặt người khác. Hồi ấy ông với Nghiêm Vũ, rốt cuộc có chuyện gì vậy?”
Nghiêm Vũ là bạn gái cũ của Trần Gia Dư. Anh là bisexual, từng thích nam mà cũng từng thích nữ. Vì vậy nên trong ngành có rất nhiều lời đồn đại về anh, cũng có không ít tiếp viên cả nam lẫn nữ đứng ra nói mình từng hẹn hò với anh. Phần lớn trong số đó đều là giả, sự thật chỉ có hai người, Nghiêm Vũ là một trong hai người đó. Cô từng là tiếp viên hàng không cùng hãng với anh, thế nhưng không lâu sau vụ hạ cánh khẩn cấp ở Hồng Kông, hai người họ đã chia tay.
Trần Gia Dư có chút khó nói: “Tôi không có ý giấu bà đâu, để hôm khác nói đi. Tôi cũng không biết nên bắt đầu từ đâu nữa.”
Lư Yên gật đầu, không dồn ép anh. Cô quá hiểu Trần Gia Dư rồi: “Tôi cũng không muốn nhắc lại chuyện cũ. Chẳng qua hai hôm nay cô ấy có tìm tới một người bạn của tôi để nghe ngóng chuyện của ông, tôi thấy ông nên biết.”
Trần Gia Dư hơi sững người. Chuyện này anh chưa từng nghĩ tới: “Ừ, tôi biết rồi.”Chú thích[1] Sân bay Hồng Kiều: Sân bay quốc tế Hồng Kiều Thượng Hải, nằm ở phía Tây Thượng Hải. Trước khi sân bay Phố Đông được đưa vào hoạt động, đây là sân bay chính của thành phố Thượng Hải