Lọc Truyện
Từ ngày 12/7/2024: Metruyenhot sẽ chuyển sang dùng tên miền metruyenhotmoi.com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ chúng mình và nhớ tên miền mới này nhé!

Đếm Ngược Thời Gian Sống Sót

Hoắc Kinh Đường vào nhà, nhìn thấy Triệu Bạch Ngư đang nằm trên tháp ngoài phòng khách nhỏ đọc sách, rồi hắn liếc nhìn sắc trời, tự hỏi vì sao hôm nay người nọ lại về nhà sớm như vậy.

Bước tới chỗ Triệu Bạch Ngư mà không hề gây ra một tiếng động nào, Hoắc Kinh Đường chỉ vừa mới nâng tay lên định đặt lên bả vai của Triệu Bạch Ngư thôi đã nghe thấy tiếng y vang lên như bắt quả tang: "Hôm nay được thả đi sớm vậy?"

Hoắc Kinh Đường cảm thấy hơi không vui, ôm vai Triệu Bạch Ngư chen lên tháp nằm, nửa thân trên dính vào người y sát rạt, "Hôm nay đá rớt mấy kẻ mà trung cung nhét vào, người ta vào thẳng cung tố cáo, nói ta thiên vị, dùng việc công báo thù riêng, bệ hạ triệu ta vào tra hỏi đủ điều."

Triệu Bạch Ngư: "Không phải gần đây trung cung an phận rồi à? Sao bây giờ lại làm chỗ dựa cho một tên tiểu tốt trong thao trường vậy?"

Hoắc Kinh Đường nhắm mắt nghỉ ngơi, nghe vậy thì chế nhạo: "Người không an phận nhất là Hoàng hậu, toàn tộc Tư Mã thị đã bị vứt bỏ rồi, bà ta cũng phải sốt ruột chứ?"

Triệu Bạch Ngư thả quyển truyện xuống, xoa huyệt thái dương cho tiểu quận vương: "Nghe như có ẩn tình?"

Hoắc Kinh Đường: "Hoàng hậu hay đố kỵ, thích cậy thế lộng quyền, những năm trước trung quỹ hậu cung không nằm trong tay bà ta là vì con cờ của bà ta nằm vùng khắp nơi, còn âm thầm đưa người vào hậu trạch phủ quận vương, chọc giận bệ hạ nên trung quỹ mới bị tước đoạt. Vất vả lắm năm ngoái mới tìm được lỗi sai của quý phi, lấy lại được kim ấn tỷ thụ rồi nên không kịp chờ đợi nữa mà giở trò cũ... Có nhớ thị nữ vào buổi sáng ngày hôm sau đại hôn của hai ta không?"

Triệu Bạch Ngư nhớ lại: "Là người đã giúp chàng thắt đai lưng sao?"

Hoắc Kinh Đường mở mắt, đôi con ngươi màu lưu ly chất chứa ý cười: "Một khuôn mặt thôi mà, tiểu lang nhớ rõ vậy à?"

Triệu Bạch Ngư: "Cô ta rất xinh đẹp mà."

Câu trả lời không như trong lòng mong đợi, Hoắc Kinh Đường nắm cằm Triệu Bạch Ngư, cúi đầu nhích lại gần cho y nhìn rõ một chút: "So với vi phu thì sao?"

Triệu Bạch Ngư vỗ nhẹ lên cánh tay của Hoắc Kinh Đường, không nhịn được bật cười: "Dù gì cũng là đại tướng quân bình định Tây Bắc, sao lại không biết xấu hổ so sánh nhan sắc với một cô gái vậy chứ?"

Hoắc Kinh Đường thuận thế buông tay, tìm một tư thế dễ chịu để nằm xong thì lười biếng đáp: "Không phải so xấu đẹp với một cô gái, ta so sức nặng trong lòng tiểu lang mà. Ta thường thấy tiểu lang mê mẩn nhìn ta, nhất định là yêu khuôn mặt ta hơn tấm lòng và tài hoa của ta rồi, người ta thường nói sắc suy ái trì*, ta phải thường xuyên xác nhận mới được, làm sao ta biết trong lòng tiểu lang, vi phu có phải xấu xí nên bị em chê bai rồi hay không?"

(*) Câu này dùng để chỉ một người được ưu ái bởi sắc đẹp, đến khi dung mạo già nua xấu xí thì sẽ bị bỏ rơi

"Bớt lắm lời đi." Triệu Bạch Ngư nhớ đến đám thi thể bị đưa ra khỏi phủ quận vương mấy năm trước, thế là nói ra suy đoán: "Đều là thủ đoạn của Hoàng hậu sao?"

Hoắc Kinh Đường chơi đùa đầu ngón tay xinh xắn đều của Triệu Bạch Ngư: "Không chỉ Hoàng hậu. Khi đó ta vừa hồi kinh, rất nhiều người muốn lôi kéo, tin vào lời đồn, cho rằng ta vừa xấu xí lại tàn bạo, nhất định là có sở thích đặc biệt gì đó." Nhắc đến những chuyện phiền lòng, hắn không khỏi thở dài: "Thủ đoạn nhiều vô số kể, cũng may vi phu dẫu có chết cũng không phục, nếu không khó mà giữ được trong sạch, làm sao có thể sánh đôi với tiểu lang đây?"

Cuối cùng Triệu Bạch Ngư cũng không nhịn được nữa, cười đến nỗi hai vai run lên, vỗ bẹp bẹp lên mu bàn tay của Hoắc Kinh Đường: "Chàng đừng lảm nhảm nữa, đứng đắn chút đi được không hả? Học làm dáng ra vẻ ở đâu vậy?"

Hoắc Kinh Đường nhìn Triệu Bạch Ngư cười cong đôi mắt đẹp, ngón tay vuốt ve chân mày đã chịu giãn ra của y, không hề hỏi đến một câu về đôi mày phiền muộn và khói mù lo âu nơi đáy mắt mà hắn bắt gặp được lúc vừa mới về nhà.

Triệu Bạch Ngư chỉ ra bàn nhỏ nói: "Mua cho chàng cua ngâm rượu đấy, mới vừa ngâm vào nước đá... Ấy chết! Ta quên cua đồng cũng là đồ tươi sống, chàng có ăn được không?"

"Ăn được."

Hoắc Kinh Đường há miệng cắn lên cần cổ của Triệu Bạch Ngư, tâm trạng vui vẻ nhìn dấu răng nhạt màu lưu lại trên da thịt trắng nõn, sau đó ôm lấy y lèo nhèo hồi lâu mới hài lòng dời gót đến bàn ăn.

"Nghe nói tiểu lang đoạt lại hai mươi ba nghìn lượng thương thuế thủy vận chỉ trong một ngày?"

Triệu Bạch Ngư tò mò: "Sao chàng biết được?"

Con số tiền thuế nhập sổ rất bí mật, ngoại trừ Nha môn và bên có liên quan thì sẽ không ai được truyền ra ngoài, y cũng chưa từng nói chuyện này với Hoắc Kinh Đường.

"Đỗ Công Tiên cố ý biểu tấu chuyện này, bệ hạ có vẻ rất vui."

Triệu Bạch Ngư mang giày xuống tháp rồi rảo bước đến bên cạnh bàn, vừa mới ngồi xuống liền được nhét cho một miếng thịt cua tươi đã được lột vỏ, thịt tươi kèm theo hương rượu Thiệu Hưng tinh khiết như tan ra trong miệng, nháy mắt tiếc nuối vì đã không quay lại mua thêm hai con nữa.

"Chuyện này thì có gì tốt mà biểu tấu?" Triệu Bạch Ngư dở khóc dở cười: "Đỗ đại nhân quan tâm Thuế Vụ ty quá rồi."

"Ông ta để ý thủy vận thiên hạ thì có."

Triệu Bạch Ngư: "Sao nghe như chàng đang oán giận Đỗ đại nhân vậy?"

"Ta là người rộng lượng, sao có thể oán giận người khác?"

Hắn chỉ ăn miếng trả miếng ngay tại chỗ thôi.

Hoắc Kinh Đường lóc hết thịt cua để vào khay nhỏ, vừa ăn vừa đút Triệu Bạch Ngư ăn, mặt không đổi sắc nói: "Ông ta là Dạc Chi sứ, suốt ngày đụng vào tiền bạc, khó tránh khỏi để ý đến thương thuế thủy vận. Có tiền nhập sổ quốc khố, cũng làm giảm bớt nỗi lo của ông ấy khi bị các Nha môn dưới đáy đuổi theo đòi tiền."

Triệu Bạch Ngư cười, "Cũng đúng."

Hoắc Kinh Đường: "Tiểu lang đấu pháp với những thương nhân xảo quyệt ngoan cố ngoài kia, bắt người ở bến thuyền, ra giữa sông thu thuế... Rất nhiều câu chuyện được truyền ra khắp phủ Kinh Đô, mấy tên tân binh ngoài thao trường thật sự coi em là thanh thiên trong thoại bản tái thế, cứ có thời cơ là đến hỏi ta bình thường em kết án thế nào, đọ sức với đại thần văn võ ra sao, còn hỏi em làm cách nào mà kéo được An Hoài Đức ngã ngựa —— phiền chết đi được, ta phạt bọn chúng chạy hai mươi vòng thao trường, chừng nào mệt thở không nổi nữa thì thôi, thế là không tên nào dám đến nói nhảm với ta nữa."

Triệu Bạch Ngư nghe kể say sưa.

Hắn lại đẩy một miếng thịt cua tươi rói vào miệng Triệu Bạch Ngư, "Có điều vẫn có mấy tên Lăng Đầu Thanh không phục, nói vài lời bôi bác em."

(*) Lăng Đầu Thanh, là một từ thường dùng nói về người làm việc không có đầu óc, hoặc không động não, chưa bao giờ phân tích, phán đoán tình hình nội dung, tính chất, đúng sai, phải trái vân vân của sự việc đã hành động mù quáng, gây ra mâu thuẫn với tình hình phát triển của sự việc, cuối cùng vấn đề nhỏ không đáng để mắt tới thành ra vấn đề lớn hậu quả nghiêm trọng, chuyện tốt biến thành chuyện xấu

Triệu Bạch Ngư nhíu mày, như thể có thần giao cách cảm đoán được câu sau của Hoắc Kinh Đường: "Là người vào cung tố cáo chàng thiên vị đó sao?"

"Người hiểu ta chỉ có tiểu lang thôi." Hoắc Kinh Đường hỏi: "Tiểu lang có trách ta nhân tư ngộ công* không?"

(*) Ý nói vì tình riêng / việc của cá nhân mà gây hại đến tập thể / việc công.

"Những kẻ đến cả cái gì nên nói, cái gì không nên nói, lãnh đạo trên cao là ai mà cũng không rõ nữa thì nên tránh xa quan trường sớm cho rồi, miễn cho đến ngày đầu rơi xuống đất rồi cũng chẳng biết bản thân vì sao mà chết." Vẻ mặt Triệu Bạch Ngư bình tĩnh, hiển nhiên là không hề đồng tình chút nào với đám người cứ thích nhắm vào Hoắc Kinh Đường. "Huống chi có tên còn chưa từng ra chiến trường, cũng chưa từng tham gia thi cử, trong người không có phẩm cấp gì, nói chi đến ngộ công?"

Hoắc Kinh Đường rất thích được Triệu Bạch Ngư yêu thương bao che và đứng về phía mình, hắn vén sợi tóc trên gò má Triệu Bạch Ngư, bỗng nhiên lên tiếng hỏi: "Có muốn đến thăm Tây Bắc không?"

Triệu Bạch Ngư ngạc nhiên: "Chàng phải về Tây Bắc sao?"

Hoắc Kinh Đường: "Đột Quyết đã sẵn sàng gươm ngựa, Đại Hạ cũng không ngừng làm chuyện mờ ám, chúng cứ liên tục âm thầm lui tới với Nam Cương, không lâu sau nữa ta sẽ phải quay về Tây Bắc. Cứ coi như em là quân sư tuỳ tùng, khi ấy ta phóng ngựa đưa em đi xem phong cảnh đại mạc."

Nói nghe như không phải đi đánh giặc, mà là đi du lịch ấy.

Triệu Bạch Ngư: "Trong người ta có chức quan, không có kinh nghiệm hành quân đánh giặc, cũng chưa từng đọc qua quyển binh thư nào, sao có thể nói làm quân sư tùy tùng là thuyên chuyển ngay được? Không gây trở ngại đã là tốt lắm rồi."

Hơi dừng chốc lát, y nhíu mày: "Thật sự phải đi đánh trận hửm?"

Hoắc Kinh Đường lại vươn tay xoa chân mày của Triệu Bạch Ngư: "Không hẳn, đừng lo lắng cho ta." Hắn chần chừ một lát, lại hỏi: "Đông cung đã đến tìm em phải không?"

Triệu Bạch Ngư: "Chàng biết?"

"Đoán thôi. Đông cung không thể bỏ Nha môn Thủy vận, không lay động được em thì sẽ tự động hẹn gặp riêng để thương lượng với em, là điều dễ thấy thôi mà."

"Nếu như ta thỏa hiệp với Đông cung, thì có được tính là hai chân đã lún vào vũng lầy chưa?"

Triệu Bạch Ngư bỗng nhiên tò mò, Hoắc Kinh Đường suy nghĩ thế nào về việc y có thỏa hiệp chuyện đó hay không, có khi nào hắn cảm thấy y không thấu đáo, không cao thượng như người hắn từng biết không?

"Dù tiểu lang của ta có đưa ra bất cứ quyết định gì, thì từ đầu đến cuối ta vẫn luôn tin tưởng y là vì trăm họ chứ không phải vì lòng riêng." Hoắc Kinh Đường mân mê bàn tay Triệu Bạch Ngư, "Không thẹn với trời đất, không thẹn với lòng, tiểu lang của ta là người sạch sẽ nhất trên đời này."

Triệu Bạch Ngư rướn người đến: "Hoắc Kinh Đường, vì sao chàng lại thích ta?"

Vì sao lúc nào cũng cảm thấy tất cả những gì thuộc về ta đều tốt đẹp?

Hoắc Kinh Đường chỉ híp mắt cười: "Không phải thích, là yêu. Ta yêu tiểu lang."

Mũi Triệu Bạch Ngư chua xót, ngũ vị tạp trần*, không thể miêu tả được hiện giờ mình đang có cảm xúc gì: "Tại sao?"

(*) Ngũ vị tạp trần (五味杂陈): miêu tả cảm xúc phức tạp không rõ ràng.

Trên đời kiếm đâu ra lắm yêu thương vô duyên vô cớ như vậy?

Hoắc Kinh Đường: "Tiểu lang muốn vi phu cho em lý do, ta có thể đưa ra rất nhiều. Bởi vì em chính là tiểu lang quân của ta, là nhân duyên mà ta đã ký kết, là người sẽ cùng ta trải qua trăm năm bạc đầu, tình cảm mà ta cho đi là chuyện đương nhiên biết bao. Cũng bởi vì em là người xinh đẹp nhất ta từng thấy, nội tâm của em mềm mại, rất sạch sẽ, rất dũng cảm, bởi vì em cao quý kiêu ngạo tựa như tiên hạc trong mây, chính trực không a dua, luôn lên tiếng vì trăm họ... Em thử nói xem, em có nhiều lý do đáng để ta yêu như vậy, dựa vào cái gì mà em cho rằng ta sẽ không phải lòng em?"

Hắn cũng nghiêng người về phía trước, nói khẽ như thở than: "Em là Bồ Tát từ bi nhất trong lòng ta, là Phật trong lòng ta..."

Hoắc Kinh Đường dịu dàng hôn lên cánh môi Triệu Bạch Ngư, liên tục ma sát mút mát, dường như hắn có thể cảm nhận được giờ phút này người trong lòng đang vô cùng yếu ớt và mờ mịt, vậy nên mới cẩn thận trấn an, chỉ sợ mình vô tình làm Triệu Bạch Ngư đang bất lực lập tức sụp đổ.

Triệu Bạch Ngư giải bày: "Thật ra ta đã có thể thỏa hiệp với bộ Hộ, cũng chẳng phải đứa con nít chưa từng nhìn thấy cảnh đời, không biết nhân thế hiểm ác, ta biết quan trường phức tạp, hơn nữa nếu như có bộ Hộ kiểm soát sẽ lợi nhiều hơn hại, cho nên không cảm thấy quá tủi thân... Thật đấy."

Hoắc Kinh Đường chống cằm nhìn y cười: "Nhưng ta tủi thân thay tiểu lang đây này."

Triệu Bạch Ngư: "Không cần phải —— "

Hoắc Kinh Đường: "Bởi vì ta muốn bao che khuyết điểm." Hắn thở dài, "Bụng dạ vi phu hẹp hòi lắm, cảm xúc cá nhân nhiều nên thường thiên vị một phe, cho nên mới cần tụng niệm Phật pháp mỗi ngày, để cầu sớm ngày nhìn chúng sinh bình đẳng, không thể đối xử ngang nhau là do chưa tu hành đủ... Đợi hôm nào tìm thời gian rảnh giúp Thái tử dãn gân cốt vậy, mấy năm rồi không đánh, chỉ biết được nước làm tới thôi."

Triệu Bạch Ngư được dỗ dành, khói mù trong lòng đã hoàn toàn tiêu tan, mũi chân nghịch ngợm nhẹ nhàng đá vào bắp chân của Hoắc Kinh Đường: "Trữ quân một nước đấy, nói đánh là đánh, chàng cũng tự cao quá rồi." Y quở trách nhưng lại không nén nổi tò mò: "Trước đây chàng thường đánh Thái tử lắm sao?"

Hoắc Kinh Đường đáp: "Lúc nhỏ Thái tử rất thích làm bộ làm tịch, một bụng đầy ý xấu, ta không ưa gì hắn nên thích đánh hắn. Lớn hơn chút nữa thì lười so đo với hắn, về sau ta bị đưa ra khỏi cung, mười mấy năm không gặp mặt, hắn đã càng ra vẻ hơn trước, chắc là đã quên mất cơn đau năm đó bị đánh rồi."

Triệu Bạch Ngư bỗng nhiên có hứng thú: "Nói thêm mấy chuyện lúc chàng nhập ngũ nữa đi, như là ban đầu được đi Tây Bắc, vì sao về sau lại chuyển đến Định Châu?"

Hoắc Kinh Đường: "Hai chi quân đội đánh tan lẫn nhau, sau đó tái tổ hợp, ta chỉ là lình quèn, mặc cho người ta sắp xếp, chẳng biết kiểu gì mà bị chuyển đi Định Châu, lại còn là hỏa đầu quân. Có một lần, ban đêm ta phát hiện ra một tên do thám Đột Quyết chui vào lều trại, kẻ đó là dân du mục, cách cầm đao phóng đao khác hẳn Trung Nguyên ta..."

Hoắc Kinh Đường kể rất nhiều chuyện, Triệu Bạch Ngư cũng nghe đến nhập tâm, nhanh chóng quên béng nỗi phiền muộn trong lòng, bây giờ y có muốn chỉnh đốn Lưỡng Giang cũng không thể nói đi là đi ngay được, dù Nguyên Thú đế có ý định cầm đao trên tay chỉ thẳng về Lưỡng Giang, cũng không nhất thiết phải là chỉ chính y đi.

Huống chi Nguyên Thú đế cũng chẳng có ý này, hết thảy chẳng qua chỉ là ý kiến của thầy...

Mà thôi, thuyền đến đầu cầu tự nhiên thẳng*.

(*) Nguyên văn 既来之则安之- ký lai chi tắc an chi: thành ngữ "ký lai chi, tắc an chi" có nghĩa sơ khai nhất là dân đã đến rồi, nhất định phải làm cho họ được sống yên ổn, phải an dân. Ngoài ra còn có nghĩa là mình đã đến một nơi nào đó rồi thì phải thấy thoải mái, bình tâm lại mà yên ổn sinh sống. Hay còn có thể hiểu theo một nghĩa khác nữa đó là chuyện gì đến cũng đã đến, phải bình tĩnh đối mặt với nó.

***

Nha môn Thủy vận Thuế Vụ ty thỏa hiệp với bộ Hộ, bộ Hộ muốn quản ba thành thương thuế trong phủ, nhượng bộ bằng cách cam kết các trạm thu thuể ở cửa cống, bến thuyền không cản trở Nha môn làm việc, hơn nữa còn phải duy trì việc thu các loại thương thuế trong phủ Kinh Đô cho ổn định, ngăn chặn tình trạng quan sau dưới đáy tùy tiện lập các danh mục thuế mới, đảm bảo cho thương nghiệp phát triển mạnh mẽ.

Như thế, vụ án thương thuế thuyền hàng ồn ào huyên náo chấm dứt sau đúng một tháng Triệu Bạch Ngư nhậm chức.

Sổ sách ở Nha môn Thủy vận Thuế Vụ ty không còn thiếu hụt nữa, cấp trên còn phân phát xuống một số kinh phí, có tiền thuê nhiều người làm Công sứ hơn, bên cạnh đó tu sửa lại Nha môn. Chỉ trong vòng mấy ngày ngắn ngủi, Nha môn Thủy vận liền đổi mới rực rỡ hẳn lên, dán giấy tường mới, sơn phết lại tất cả mọi thứ, đến cả nền gạch bị nứt cũng được thay mới, rốt cuộc cũng nhìn ra được khí thế của một Nha môn dưới chân Thiên tử.

Triệu Bạch Ngư ngày ngày đến điểm mão, vừa hết ca trực là chạy về nhà, thi thoảng đi dạo chợ đêm cùng Hoắc Kinh Đường, vừa vui thích vừa ấm áp, vô cùng nhàn hạ.

Đến tiết Thượng Tỵ mùng 3 tháng 3, núi tuyết sông băng dần tan, nước xuân ấm lên, rừng đào mười dặm ở ngoại ô, hoa mai trong phủ chen chúc đua nở, đâu đó một nhóm các thiếu nữ xinh đẹp hoạt bát tung tăng ra khỏi rừng hoa hạnh mùa xuân, mà bên dốc nước cong cong có một tốp thiếu niên phong lưu tuấn mỹ ngâm xướng thơ ca, liếc mắt đưa tình với những cô nương nọ, có lẽ một đoạn nhân duyên tuyệt vời nào đó đã chớm nở từ dạo ấy.

Triệu Bạch Ngư cưỡi ngựa chầm chậm băng qua rừng cây hạnh, gió xuân phảng phất làm rối tung vài lọn tóc mai, dây lụa buộc tóc màu xanh cùng với vạt váy dài thêu hạc bay bay theo gió, có quả hạnh rụng theo ngọn gió vụt qua trước mắt, Triệu Bạch Ngư nhắm mắt lại theo bản năng, y phất tay áo lên, lơ đãng đụng phải cành cây cong rũ xuống như lông quạ, thế là một tràng hoa hạnh lả tả bay như mưa rơi.

Khí phách thiếu niên phút chốc lan tỏa khắp đoạn đường, các cô gái xinh đẹp vừa ra khỏi rừng hạnh thoáng chẳng còn hứng thú gì với bọn con trai bên kia nữa, cô nào cũng quay sang thám thính xem thiếu niên đang cưỡi tuấn mã kia là con trai nhà ai, ấy vậy mà lại là người đã kết hôn rồi.

Chỉ tiếc người như kinh hồng, còn chưa kịp đáp lời đã không thấy bóng dáng đâu nữa, biến mất chỉ để lại nuối tiếc.

Triệu Bạch Ngư giục ngựa đi xa khỏi rừng hạnh, ôm một bụng nghi ngờ chạy đến Văn miếu, sáng sớm nay cấp trên Đỗ Công Tiên đến Nha môn Thủy vận, nói là đặc biệt cho phép y nghỉ hai ngày, bảo y cứ để việc đó mà về nhà đi.

Sau đó y về phủ quận vương, kết quả người làm bảo Hoắc Kinh Đường đang ở Văn miếu chờ y, nói là có việc gấp.

Triệu Bạch Ngư cũng không tìm thấy mấy người Hải thúc, Ngụy bá, Tú ma ma và Nghiên Băng đâu, Hoắc Kinh Đường thì đã chẳng thấy bóng dáng từ sáng sớm, y hoàn toàn không biết gì hết.

Rốt cuộc cũng đến Văn miếu, Triệu Bạch Ngư vừa xuống ngựa đã bị Tú ma ma và Lý Ý Như đón đưa vào một căn phòng nhỏ, không ai nói lời nào mà chỉ giúp y thay sang thâm y, sau đó bị đẩy đến Linh Tinh môn trong Văn miếu, Hoắc Kinh Đường đang chờ y sau cửa.

"Mấy người đang làm gì thế? Cứ giấu giấu giếm giếm, không nói cho ta biết gì hết." Triệu Bạch Ngư đi đến chỗ Hoắc Kinh Đường.

Hoắc Kinh Đường dắt tay y vào trong miếu, đầu tiên chuẩn bị lễ vật tế trời đất, sau đó cáo lễ, cuối cùng chương chúc, mà Triệu Bạch Ngư chỉ mơ màng như cái tượng gỗ lắc lư đi theo hắn, mãi đến lúc nghe thấy Hoắc Kinh Đường nói: "Em trai của Hoắc Kinh Đường, Triệu bạch Ngư, năm nay đã lớn, lấy ngày mùng ba tháng ba làm lễ gia quan*, xin dùng..."

(*) Lễ Gia Quan đánh dấu sự trưởng thành của người con trai trong gia đình. Trong lễ Gia Quan, người con trai đi giày vuông, đội mũ tròn. Trong ngày đó, người con trai được lấy tên tự. Ví dụ, Phan Bội Châu tự là Sào Nam. Tên tự như là ý niệm chủ đạo trong cuộc đời con người. Đây là đặc trưng của Nho gia.

Gia Quan?

Triệu Bạch Ngư chần chừ giơ tay sờ lên đỉnh đầu, hoảng hốt nhớ ra năm nay y đã hai mươi rồi, là năm nhược quán*, con trai nhà người ta đều được cha mẹ đứng ra làm lễ Gia Quan cho.

(*) Thời xưa gọi thanh niên khoảng 20 tuổi là nhược quán

Lễ Gia Quan bình thường sẽ được cử hành tại gia miếu, sẽ do cha hoặc anh cả thay mặt tiến hành.

Chắc chắn là Triệu Bá Ung và là ba anh lớn nhà họ Triệu không bao giờ thực hiện nó cho y, nhưng dù gì thì linh hồn của Triệu Bạch Ngư cũng là người hiện đại, không có khái niệm đến hai mươi tuổi phải làm lễ Gia Quan, y vốn còn chẳng nghĩ đến nó, càng không ngờ lại có người giúp y tổ chức như thế này.

Triệu Bạch Ngư vẫn còn lơ tơ mơ, tay chân luống cuống, không biết đáp lại thế nào.

"Ta nên làm cái gì dây?" Triệu Bạch Ngư hỏi nhỏ.

Hoắc Kinh Đường đáp: "Không làm gì cả, cứ giao cho ta là được rồi."

Việc đầu tiên trong trình tự lễ là phải về gia miếu cáo với trời đất và tổ tiên, nghiêm túc mà nói thì hai người bọn họ đều không có gia miếu, cho nên Hoắc Kinh Đường mới chọn Văn miếu.

Kế tiếp chính là đội mũ và lấy tự, cần phải mời chính tân đến làm.

Theo như thường lệ, người lớn trong nhà sẽ mời trưởng lão đức cao vọng trọng có mối quan hệ tốt thay mặt đội mũ, trước đó còn cần phải hoàn thành thêm một vài thủ tục khác nữa, tất nhiên những việc này không cần Triệu Bạch Ngư phải nghĩ nhiều.

Hoắc Kinh Đường đưa Triệu Bạch Ngư về phủ quận vương, chính tân đã được mời đến phủ quận vương từ ba ngày trước.

Triệu Bạch Ngư vẫn còn mặc thâm y, bị Hoắc Kinh Đường đẩy tới đại sảnh, nhìn thấy nụ cười hiền từ trên Trần Sư Đạo thì lòng chợt ấm áp: "Thầy ơi..."

Trần Sư Đạo không đáp lời y, nhìn về phía Khang vương đang chờ việc ở cửa, người sau ngầm hiểu ý, tự mình đưa Triệu Bạch Ngư đi theo quy trình, dạy y từng lễ nghi thủ tục một. Các ma ma trong phủ bưng các lễ vật dành cho lễ nhược quán trước sau ra ngoài để Trần Sư Đạo làm lễ đội mũ cho Triệu Bạch Ngư, đầu tiên là khăn quán, sau là mũ, cuối cùng là khăn vấn đầu, còn có cả y sam phù hợp, ủng đen và thắt lưng da, ý nghĩ là kể từ hôm nay y có thể làm quan văn, đảm tướng võ, đã đủ khả năng san sẻ gánh nặng cho gia đình, không còn là đứa trẻ cần được gia đình che chở nữa.

"Trên đầu có bụi này." Trần Sư Đạo nhẹ nhàng phủi tóc cho Triệu Bạch Ngư, cười một tiếng hiền hòa: "Từ hôm nay trở đi, con có thể nói cho tất cả mọi người biết con xuất sư Trần Sư Đạo này, là học sinh xuất sắc nhất trong đời thầy, là đệ tử mà thầy tự hào nhất."

Thần sắc Triệu Bạch Ngư hơi thay đổi.

"Không có gia miếu thì có Văn miếu. Không có tổ tiên thì có Thánh nhân lắng nghe. Không có cha anh thì có tiểu quận vương chủ trì cho con. Có ta, cả Khang vương điện hạ, còn có người trước kẻ sau bôn ba bên cạnh con nhiều năm, chúng ta đã chuẩn bị cho lễ Gia Quan này từ rất lâu rồi, cả bè bạn ở trời năm đất bắc cũng gửi thư đến tha thiết chúc mừng con."

Nghiên Băng nhỏ giọng chen vào một câu: "Có thư và quà mừng của sư huynh ngài và Trần gia đại lang, còn có cả thư của Kỷ đại nhân và Hạ đại nhân ở Từ Châu nữa."

Triệu Bạch Ngư thấp giọng hỏi lại: "Sao bọn họ đều biết vậy?" Đến y còn không biết nữa là.

Nghiên Băng liếc về phía Hoắc Kinh Đường ở phía sau bên trái, không huỵch toẹt ra cũng hiểu.

Hoắc Kinh Đường bước lên, bỏ thiếp hồng vào trong lòng bàn tay Triệu Bạch Ngư: "Theo lý thì phải để chính tân lấy tự cho em, nhưng dù sao tiền triều đã từng phế bỏ lễ Gia Quan một lần, đến nay tuy có đại nho khởi xướng khôi phục lễ nghi của thánh hiền, thì văn nhân đương thời vẫn không đủ coi trọng, thủ tục lễ nghi về sau đều bị giảm bớt dần, vậy nên ta cũng đã tự ý tranh quyền lấy tự..."

Giọng hắn trầm thấp, chỉ có mỗi Triệu Bạch Ngư nghe thấy: "Lòng đố kị của vi phu lớn lắm, dù người lấy tự cho em có là thầy đi chăng nữa, ta thật sự chẳng muốn tiểu lang dùng tự không phải do ta chọn đến hết đời sau của mình đâu."

Anh trai cáo lễ chương chúc, cha lấy tự, làm anh, làm cha, làm tri kỷ, Hoắc Kinh Đường vẫn luôn thực hiện từng lời hứa mà hắn từng hứa vào ngày đại hôn hôm ấy.

Triệu Bạch Ngư mở thiếp hồng ra, nhìn thấy trước mắt một kiểu chữ ngay thẳng, đường nét cứng cáp.

Vô Miên.

Triệu Vô Miên.

"Cúi xuống cửa son, nhìn kẻ thao thức, chẳng nên ân hận." Triệu Bạch Ngư nhỏ tiếng trả lời: "Là lấy từ câu này sao?"

(*) Nằm trong Thủy điệu ca đầu – Trung thu (Tô Thức) (thivien.net)

Phiên âm: Đê ỷ hộ, chiếu vô miên, bất ưng hữu hận

Hoắc Kinh Đường khẽ đáp: "Ừm."

Triệu Bạch Ngư: "Ta cứ nghĩ là sẽ lấy chữ 'Mộ Quy'," y giương mắt, sóng nước gợn lên: "Thanh thoa hoàng nhược thường y, hồng tửu bạch ngư mộ quy*."

(*) Ét ô ét gặp lại câu này lần 2 rồi mà vẫn chưa chế được thơ nên xin thông cảm cho mình tạm giữ nguyên phiên âm ạ TvT

"Em biết sao?" Hoắc Kinh Đường bật cười, trái lại chẳng cảm thấy lạ: "Mộ quy, quy mộ, thật ra không xuôi tai lắm, nghe cứ già cỗi giống như mặt trời sắp lặn núi tây vậy."

Triệu Bạch Ngư: "Hoàng hôn trở về nhà, vốn từ người ta khoát đạt như vậy, chàng nói vậy là mê tín."

Hoắc Kinh Đường: "Nhũ danh là đại tự, phải thật cẩn thận, mê tín chút cũng không sao. Tiểu lang vẽ công xuất sắc, nếu thật sự thích hai chữ 'Mộ Quy' đó thì ra ngoài cứ gọi là Mộ Quy thôi, chỉ là còn cần phải tìm ý nghĩa hay hơn mới được."

Triệu Bạch Ngư bật cười: "Hay thế nào?"

Tuy vốn từ hết sức khoát đạt, nhưng câu kia đúng là có hơi sầu não thật.

"Hay như "chẳng nên ân hận", hy vọng tiểu lang cả đời không tiếc, trăm năm không lo, mãi mãi bình an."

Triệu Bạch Ngư khẽ chớp mắt, người khác lấy tự gửi gắm rất nhiều chí nguyện to lớn, nếu không phải là khao khát tài hoa hơn người thì cũng mong cho bản thân có được đại tác, trái lại Hoắc Kinh Đường thì đi theo lối riêng*, chỉ mong y bình an không tiếc là tốt rồi.

(*) Nguyên văn là "Lánh ích hề kính" (另辟蹊径) thường dùng để hình dung những phương pháp mới thoát ra hẳn những lề thói, quan niệm cố hữu.

"Khụ!" Trần Sư Đạo cau mày: "Tên ấy, tên thì phải ăn khớp với tự chứ, Bạch Ngư với Vô Miên thì khớp chỗ nào? Còn chẳng hay bằng bạch ngư nhập chu, bạch ngư đăng chu* nữa." Giọng ông cụ mang ý trách móc: "Quận vương điện hạ, ban đầu ngài lằng nhằng ở chỗ ta mấy ngày, ta thấy ngài có thành ý nên mới giao phó cho ngài đảm nhiệm, kết quả ngài lại lấy chữ đó... Khang vương điện hạ, ngài nói xem chữ này được không?"

(*) Hai câu này đều chỉ điềm lành

Khang vương suy nghĩ rồi đáp: "Ý nghĩa rất tốt, dù thật sự không quá liên quan đến tên. Chẳng qua dù có là đăng chu hay nhập chu gì cũng đều mang ý dụng binh bất khả chiến bại, nhưng cháu ngoại nhỏ của ta là văn thần kia mà!"

Trần Sư Đạo ngoan cố nhưng cũng cảm thấy không ổn, vuốt râu trái lo phải nghĩ, cùng đám người Khang vương, Ngụy bá chụm đầu suy nghĩ xem có thể nào tìm đổi một cái tự khác hợp hơn hay không.

Triệu Bạch Ngư không ngờ lại thành ra như vậy, thoáng chốc bắt gặp ánh mắt của Hoắc Kinh Đường, hai người chỉ đành nhìn nhau cười bất lực.

Chờ bọn họ thương lượng xong xuôi đưa ra kết quả, Triệu Bạch Ngư đã quyết định rồi, vẫn chọn tự là Vô Miên.

Trần Sư Đạo dù không hài lòng nhưng cũng đã hết cách, không phải ông không nghĩ ra tự xứng với Triệu Bạch Ngư, đầu óc ông cụ vẫn còn rất tỉnh táo, nhớ quyền thêm tự của học sinh ông thuộc về tiểu quận vương.

Từ lúc tiểu quận vương mời ông đến phủ quận vương chỉ vì để tranh quyền thêm tự cho Triệu Bạch Ngư, thậm chí đến phòng ông tĩnh tọa một ngày một đêm, Trần Sư Đạo đã không thể không thỏa hiệp rồi.

... Ai mà chịu nổi lệ khí và mùi máu tanh vô hình quanh quẩn khắp người tiểu quận vương chứ, đã vậy cái khuôn mặt vô cảm đó còn cứ nhìn ông chằm chằm không ngơi!

Trần Sư Đạo bị dọa cho gặp ác mộng cả đêm, đến giờ vẫn còn mơ màng lắm, không ngừng lẩm bẩm trong lòng, Lâm An quận vương quả thật đối xử với Triệu Bạch Ngư rất tận tâm tận sức, đến cả lễ nhược quán cũng tự mình sắp xếp, một tay chuẩn bị mọi việc.

Suy nghĩ này khiến ông cụ cảm động rơi nước mắt, than thở đúng là tri kỷ khó tìm.

... Chỉ là vẫn thấy hơi không phù hợp.

Trần Sư Đạo vẫn còn đang nghĩ xem không hợp chỗ nào, vừa nghiêng đầu đã nhìn thấy tiểu quận vương và Triệu Bạch Ngư đang sóng vai nhau dưới tàng cây nhỏ, hai người tựa gần vào nhau, có cánh hoa rơi xuống đậu trên đầu và vai Triệu Bạch Ngư, tiểu quận vương bèn thuận tay phủi nó xuống, sắc mặt của Triệu Bạch Ngư vô cùng tự nhiên, dường như hành động đó không phải là lần thứ nhất ——

Tuy nói kẻ sĩ chết vì tri kỷ, nhưng quan hệ giữa hai người bọn họ có chăng còn thân mật hơn cả tri kỷ nữa?

Trần Sư Đạo cảm thấy lạ lùng, lặng yên không tiếng động đến bên cạnh Khang vương, "Vương gia."

Khang vương bối rối chắp tay: "Tiên sinh, gọi tên học sinh là được rồi."

Khang vương cũng từng là học sinh của Trần Sư Đạo, đã ba bốn mươi tuổi đầu rồi mà vẫn còn sợ hãi tiên sinh từ trong xương.

Trần Sư Đạo: "Chuyện cũ không đáng kể, nhiều năm rồi, vương gia không cần câu nệ."

Dường như ông cụ cũng không quá muốn nhớ đến chuyện mình có một người học sinh như vậy.

Trần Sư Đạo bày ra vẻ mặt hòa ái, hỏi: "Nghe nói vương gia giao hữu khắp thiên hạ, tri kỷ đầy giang hà, dù cho thân phận giàu nghèo, từ vương công cho đến du hiệp đều có thể làm bạn, còn có một đoạn tình hữu nghị nhiều năm với nội thị Cao đô giám, thường xuyên chong đèn tâm sự suốt đêm khuya, nhiều người ca tụng... Lão hủ không có ý gì khác, chỉ là muốn hỏi một câu, vương gia có vì tri kỷ mà làm lễ Gia Quan, lấy tự, phủi hoa rơi trên vai, hay là đi sóng vai nhau không chừa lại khe hở nào hay không?"

Khang vương im lặng chốc lát, "Đâu chỉ có thế. Ta cùng Cao đô giám mới gặp mặt mà như đã quen từ lâu, chỉ hận không thể cùng ăn cùng ở, cùng ngủ chung giường thôi."

Biểu cảm của Trần Sư Đạo rõ ràng rất chấn động, dường như thốt lên: "Đó cũng là tri kỷ sao?"

Khang vương gật đầu, giọng trầm lại: "Đúng vậy. Đó là tri kỷ!"

Đáng thương thay Trần Sư Đạo đi qua hai triều đại, đã từng tiếp thu dân tình cởi mở của tiền triều, nhưng ông là người nghiêm túc thẳng thắn, không nhìn ra được điểm khác nhau giữa bạn bè tri kỷ và người yêu, bây giờ trong lòng mới mơ hồ thấy lạ, lại còn bị Khang vương thuyết phục, cũng đã nghĩ đến lời đảm bảo mà tiểu quận vương từng nói với ông, rằng là sau khi cưới đợi mấy năm nữa hai người sẽ hòa ly.

Giằng co phải trái trong lòng, rối rắm hồi lâu, cuối cùng vẫn dùng "quan hệ tri kỷ" để phong quang đại táng chút "cảm giác không hợp" kia.

Lễ Gia Quan hoàn tất cũng là lúc hoàng hôn chậm rãi buông xuống, tất cả mọi người được giữ lại phủ quận vương tham gia tiệc rượu, bữa tiệc được tổ chức linh đình, cười nói vui vẽ, cơm nước xong, ai nấy đều cầm nhánh đào hoặc nhánh hoa hạnh ra chợ đêm, đi dạo Kinh Đô.

***

Cùng lúc đó, tại gia miếu Triệu phủ cũng đang cử hành lễ gia quan cho Triệu Ngọc Tranh, Triệu Bá Ung đặc biệt mời đại nho đức cao vọng trọng trong triều, người đã từng dạy dỗ cho Đông cung và các hoàng tử đến làm chính tân, cử hành lễ Gia Quan cho con trai nhỏ.

Tứ lang được Tế chấp cưng chiều nhất làm lễ Gia Quan, tự nhiên có vô số kẻ nghe tiếng mà động, gửi quà đến chúc mừng, Nguyên Thú đế, Thái hậu và Hoàng hậu cùng mấy người trong cung cũng sai người đến đưa quà, biểu đạt một phần tấm lòng.

Triệu Ngọc Tranh mặc thâm y, đeo ngọc quan xuất hiện giữa một đám khách mời, bên cạnh là Triệu Bá Ung, Tạ thị và hai vị anh lớn tài giỏi như long phượng, chính tân và khách mời trước sau trái phải nếu không là đại thần đương triều thì cũng là đại nho đời này, còn có cả quà cáp của Đông cung, có thể thấy Triệu Bá Ung vẫn là tể tướng quyền thế mạnh mẽ nhất, quyền hành ngút trời.

Từ lúc hoàng hôn xuống đến lúc màn đên phủ đầy trời, phủ Tế chấp đèn đuốc rực rỡ, tân khách ai nấy đều vui mừng.

Có người đi đến chỗ Triệu Ngọc Tranh truyền tin, nói là Đông cung đang ở ngoài chờ hắn.

Triệu Ngọc Tranh bèn hào hứng chạy đến ôm cánh tay Tạ thị nũng nịu, "Mẹ, con muốn đi ra ngoài..."

Tạ thị dịu dàng nhìn Triệu Ngọc Tranh, vươn tay phớt nhẹ qua ngọc quan trên đỉnh đầu hắn, lòng bà vừa mềm mại vừa đau nhói, đây là đứa trẻ mà bà thiếu nợ, bị cha mẹ làm liên lụy mà nửa đời bệnh yếu không chịu nổi.

Đều nói con cái là nợ, sao đến lượt nhà bà lại là cha mẹ thiếu nợ con thế này.

Tứ lang từ một đứa bé nhỏ xỉu, giờ đây đã thành thiếu niên tuổi đôi mươi rồi, thiếu niên ấy phong thái đẹp đẽ sáng chói như tạ đình lan ngọc, nhưng bà chưa từng cầu con phong hầu bái tướng, chỉ mong cả đời cậu được bình an vô sự.

"Để các anh đi theo bảo vệ con."

Lễ đã đến hồi cuối, chỉ còn các trưởng bối ở lại tiếp đãi tân khách, Tạ thị không đành lòng từ chối yêu cầu nho nhỏ của con trai, mềm lòng dung túng cậu.

"Cảm ơn mẹ, mẹ thương tứ lang nhất!"

Vui vẻ reo lên một tiếng, Triệu Ngọc Tranh xoay người chạy nhanh ra phủ.

==

Tác giả muốn nói:

Thật ra lúc viết đến đoạn người nhà họ Triệu yêu thương Triệu Ngọc Tranh, tui còn muốn viết cho đã tay cơ kkk, bởi vì tất cả lòng yêu thương của bọn họ hiện tại dành cho Ngọc Tranh ngang bằng với việc không thèm quan tâm tới Tiểu Ngư, đến lúc sự thật được phơi bày, nó sẽ trở thành lưỡi dao cắt vào máu thịt bọn họ.
Nhấn Mở Bình Luận