Nhìn thấy ba Hưởng vẫn rất tích cực chọc ngoáy Phạm Sáng, Trúc bất lực đấm nhẹ vào người cậu, nhắc nhở cậu hãy im lặng xem thôi, đừng trỏ mũi vào chuyện nhà người ta nữa. Nào ngờ ba Hưởng nhanh nhẹn trở tay bắt lấy tay cô, xoa nắn mấy cái rồi kéo lên miệng hôn nhẹ, nhỏ giọng nói lời bùi tai: "Tính ra tôi cũng phải nói tiếng cảm ơn với cậu ta, nếu không có cậu ta thì tôi làm sao cưới được em về nhà cơ chứ."
Trúc không chỉ không cảm động, mà ngược lại còn đánh thêm mấy cái, trừng mắt nói: "Giữa chốn đông người, mình chú ý một chút đi."
Dỗ vợ không thành còn bị xem là làm chuyện mất mặt, ba Hưởng uất ức không chịu được, chỉ biết đem hai tay đặt ngay ngắn trên đầu gối, mắt hướng về phía sân khấu, thầm nghĩ có nên châm dầu vào lửa để gia đình ông Vĩnh chấm dứt vở kịch này sớm hay không, lúc ấy cậu sẽ có thể ôm vợ trở về, hâm nóng lại bầu không khí tối qua!1
Nghĩ là vậy, nhưng dưới cái nhìn ba phần cảnh cáo bảy phần răn đe của Trúc, ba Hưởng không dám hé răng nói năng bậy bạ thêm nữa.
Mà bên kia, Phạm Sáng ôm tâm trạng cá chết lưới rách, khàn giọng mà kêu gào: "Ông không có tư cách phê phán việc làm của tôi! Tôi là học theo ông đó đa! Ông ngủ với biết bao nhiêu người, có cả đống con riêng bên ngoài. Vậy ông đã từng thật lòng yêu ai trong số đó hay chưa?"
Dáng người ông Vĩnh vẫn thẳng tấp, đĩnh đạc như núi, không chút chột dạ trả lời: "Tao ngủ với ai, đều là đôi bên tình nguyện, tao cũng không bày mưu bắt ép bất kì người nào!"
Lúc này, bà Hạnh vẫn luôn im lặng bỗng nhiên bật cười sằng sặc, bà ta chỉ tay về phía ông Vĩnh, gương mặt lộ rõ mỉa mai, châm chọc: "Ông ta không có được người mình thương, thì ngủ với ai cũng như nhau cả thôi."
Hướng đi câu chuyện bắt đầu rẻ sang ngã khác, khiến đám đông lúc này như ngồi trên đống lửa. Vài người nhanh nhẹn đứng dậy viện cớ rời đi, bọn họ có gan ngồi coi đấu đá nhà đại gia Vĩnh, nhưng tuyệt không dám nghe ân oán tình thù liên quan đến nhà Tỉnh trưởng.
Dân không đấu với quan, bọn họ vẫn biết dừng lại đúng chỗ.
Bấy giờ trong sảnh chỉ còn lại cả nhà ông Vĩnh, cùng với những người trong dòng họ Phạm, và ba khách đến từ nhà Tỉnh trưởng - phía vừa bị kéo vào cuộc cãi vả chẳng mấy vui vẻ.
Không chỉ Trúc, mà ngay cả Thanh Trà lúc này cũng nghiêm mặt không vui nhìn thẳng lên sân khấu. Má bọn họ đã mất lâu rồi, đâu ai thích việc người ta cứ lôi má mình vào những cuộc tranh cãi vẩn vơ! Cũng bởi vì thế mà Trúc quyết định ngồi lì ở đây, để xem bọn họ còn định đem má cô ra làm trò như thế nào nữa!
Mà cô ở đây, đương nhiên ba Hưởng và Thanh Trà cũng một bước không rời. Huống hồ Thanh Trà còn chưa nói chuyện được với Gia Minh, sao cậu có thể cam lòng rời đi.
Ba Hưởng lật đật rót cho vợ một ly trà nóng, lần này còn đặc biệt tốt bụng rót luôn phần của ông anh vợ.
Ngó chừng khách khứa đã lục đục về gần hết, ông Vĩnh cũng không đứng nữa, ông tìm một chỗ gần đó ngồi xuống, sau đó nhìn chằm chằm vào bà Hạnh hồi lâu, cuối cùng bất đắc dĩ thở dài, trầm giọng nói: "Bà biết mình thua ở chỗ nào không? Đó là bản thân bà đã đạt được những thứ mình muốn, nhưng lại cứ thích so đo thắng bại cùng một người đã khuất!"
Những lời này như chọc cười bà Hạnh, bà ta vỗ ngực cười to, mắt đỏ hoe đáp: "Đạt được những thứ tôi muốn? Ông không phải là tôi, làm sao ông biết được tôi muốn thứ gì!"
Ông Vĩnh nhìn thẳng vào bà, chậm rãi gằn từng chữ như muốn nhắc lại cho bà nhớ: "Bà còn nhớ cái ngày ba má bà dắt bà sang nhà tôi xem mắt hay không? Ngay tại lúc đó, tôi đã nói thẳng với bà là đời này tôi không thể cho bà một tình yêu đúng nghĩa, hỏi bà vẫn còn muốn gả cho tôi chứ? Lúc ấy bà trả lời thế nào, bà còn nhớ không hả, Hồng Hạnh?"
Bà Hạnh lặng người đứng đó, ánh mắt đờ đẫn nhìn ông Vĩnh, tựa hồ như đang hồi tưởng lại chuyện xa xưa.
Ông Vĩnh không chờ bà đáp lời, đã nói thay: "Bà bảo chỉ cần gả cho tôi là vui rồi. Bà biết trong lòng tôi có người khác, sẽ không tranh đua tình cảm với người đó. Bà chỉ muốn giúp tôi quán xuyến việc nhà cửa, chăm sóc con cái. Chỉ cần tôi cam đoan không thương bà thì tuyệt đối không được thương ai ngoài người đó, không cưới thêm bà hai, bà ba, không đón con riêng vào nhà. Mỗi một việc tôi đều làm được, còn bản thân bà thì sao, hả?"
Nước mắt bà Hạnh lăn dài, cuối cùng nghẹn ngào bật thốt: "Nhưng thứ tôi muốn là trái tim của ông!"
Ông Vĩnh không hề bị lung lay, lạnh lùng lần nữa đập nát hi vọng của bà: "Đó là thứ ngay từ đầu tôi đã nói không thể cho bà!"
"Đúng vậy, tôi biết!" Bà Hạnh lau mạnh giọt nước mắt trên mặt, chỉ tay về phía ông Vĩnh, cười như mếu nói: "Tôi biết từ khi người đàn bà đó chết, ông cũng đã đem tim mình chôn cùng với bà ta rồi! Chỉ là tôi không cam tâm, bà ta chiến thắng thì sao chớ, cuối cùng cũng còn mạng để hưởng phúc đâu, người còn sống tới tận bây giờ là tôi! Là tôi!"
Nghe đến đây máu trong người Trúc bỗng soi sùng sục, cô chẳng còn nghĩ được gì nữa, chỉ muốn đứng lên chạy lại cho người đàn bà sắp hoá điên đó một bạt tay thật mạnh. Và rồi cô đã thật sự làm như vậy, chỉ là cô vừa mới bước được nửa đoạn đường, tiếng âm thanh chát chúa đã văng vằng bên tai.
Bà Hạnh ôm mặt, vẻ mặt khó tin nhìn ông Vĩnh: "Ông vì người đàn bà đó mà đánh tôi?"
Từ lúc bà ta gả đến nhà này, trong tối ngoài sáng làm biết bao điều quá quắc, nhưng ông Vĩnh trước nay đều mắt nhắm mắt mở cho qua. Ngần ấy năm trôi qua, một câu nặng lời to tiếng bà cũng chưa từng nghe được, huống chi là một cái tát tay đau đớn thế này.
Sắc mặt ông Vĩnh vẫn bình tĩnh như thường, chậm rãi nói tiếp: "Ngày đó tôi cũng nói với bà, giữa chúng ta chỉ là sự phù hợp, không hề tồn tại tình yêu. Chính bà gật đầu chấp nhận, thì bây giờ không có lí do gì để kêu ca và oán trách tôi cả! Kết cục của hiện tại, không phải từ đầu bà đã sớm nhìn rõ được hay sao?"
Bà Hạnh rũ bỏ vẻ cao sang trên người, xịu lơ ngồi bệt ra đất, thẩn thờ như xác không hồn. Ông Vĩnh nói không sai, bà đã lường trước sẽ có kết quả này, nhưng vẫn tự tin cho rằng mình có thể thay đổi tất cả, bao gồm tình cảm của người đàn ông này! Để rồi đến hôm nay, thứ bà nhận được là những năm tháng phí hoài thanh xuân, chôn vùi cả đời vào một nơi không thuộc về mình. Truyện Tổng Tài
Gió cứ thổi, thời gian vẫn lặng lẽ trôi, tiếng cười bất lực cùng tiếng oán than của người đàn bà thê lương vang lên: "Tôi sống với ông hơn hai mươi năm, không có công lao cũng có khổ lao! Ông tưởng làm bà chủ cái nhà này sung sướng lắm sao? Một bên vun vén cái gia đình sứt sát này, một bên phải căng mặt đối phó với đám họ hàng tham lam. Vậy mà bây giờ ông ở trước mặt người ngoài làm bẽ mặt tôi, ông muốn ép tôi tới bước đường cùng có đúng không?"
Ông Vĩnh nghe thế bật cười, hỏi ngược lại: "Bây giờ bà muốn kể công có đúng không? Được rồi, tôi cho bà toại nguyện!" Nói đoạn, ông Vĩnh kéo Gia Minh đến trước mặt bà Hạnh, giọng điệu gay gắt nói rằng: "Bà nhìn đi, đây chính là đứa con gái bà đứt ruột đẻ ra, sao đó tàn nhẫn đem đi vứt bỏ! Đã cất công sanh, tiếc chi công dưỡng! Bà đã phá nát cuộc đời của hai đứa nhỏ vô tội, trong đó có con ruột của mình! Bà có từng ăn năn, hối hận hay không hả?"