Lọc Truyện
Từ ngày 12/7/2024: Metruyenhot sẽ chuyển sang dùng tên miền metruyenhotmoi.com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ chúng mình và nhớ tên miền mới này nhé!

Kế Hoạch Hôn Nhân

Tôi ngước đôi mắt hoảng loạn nhìn lên, toàn thân chợt như đông cứng lại. Hoàng lại một lần nữa xuất hiện trước mặt tôi, không những thế một tay anh còn nắm lấy bàn tay nhỏ bé của Hiếu. Không biết có phải trùng hợp hay không mà bố con anh đều mặc chiếc áo len cổ lọ màu trắng bên trong, bên ngoài khoác chiếc áo măng tô dáng dài. Có một sự thật tôi không thể phủ nhận hai người khi đứng cùng nhau không khác gì một bản chính và một bản sao. Trước kia tôi đã từng tưởng tượng nếu như một ngày anh gặp lại Hiếu thì tôi sẽ như thế nào, vậy mà giờ đây tôi lại không biết phải làm sao, chỉ biết rằng trái tim vừa đau nghẹn vừa thổn thức vừa uất ức vì chút tàn dư của quá khứ để lại. Mãi một lúc sau tôi mới như bừng tỉnh, vội vàng tiến về phía anh kéo lấy con về bên mình:

– Phải, đây là con của tôi.

Ánh mắt Hoàng chợt dừng lại ở khuôn mặt Hiếu, ánh mắt trầm tư như đang phảng phất một nỗi buồn gì đó. Thấy anh nhìn kỹ con như vậy tôi vội vàng bế con lên trên tay mình. Anh cũng hướng mắt nhìn đi nơi khác rồi nói:

– Con của cô…rất đáng yêu, rất đẹp trai, chắc giống bố nó.

Tôi cười nhẹ gật đầu:

– Đúng rồi, cháu giống bố Thịnh của cháu.

Tôi cũng không hiểu sao mình lại nói câu đó một cách trơn tru như vậy. Nói xong tôi cũng không muốn đối diện với anh thêm nữa mà bế con vào trong taxi. Ô tô lặng lẽ chuyển bánh, vô thức tôi liếc mắt nhìn Hoàng qua gương chiếu hậu lần cuối. Anh vẫn đứng nguyên một chỗ, chỉ là cách tôi mỗi lúc một xa, hình bóng ngày càng mơ hồ.

Tôi cúi xuống ôm chặt lấy Hiếu trong lòng, hôn lên mái tóc, lên trán con như thể sợ con sẽ rời xa tôi ngay lúc này. Tôi không biết nữa, nhưng từ lúc thấy anh nắm tay Hiếu là tôi đã có một dự cảm chẳng lành, tôi sợ anh sẽ nhận ra Hiếu là con mình, sợ anh sẽ dùng quyền lực mang con rời xa tôi. Mãi đến khi ôm con đã rồi tôi mới nhẹ nhàng lên tiếng hỏi con:

– Hiếu! Sao con lại nắm tay người lạ thế hả?

– Tại con thấy chú ấy giống bố con.

Tôi chưa bao giờ nói cho con nghe về bố, càng không cho con xem ảnh của Hoàng bao giờ nên khi nghe con trả lời tôi kinh ngạc tròn xoe mắt hỏi lại:

– Con đã nhìn thấy bố con rồi sao?

– Con năn nỉ dì An mãi dì ấy mới cho con xem ảnh bố con.

– Bởi vậy khi con nhìn thấy chú kia, con đã chạy ra gọi bố?

– Dạ vâng ạ. Đó có phải bố con không mẹ?

Tôi nhìn con sống mũi bất chợt cay xè, đặc biệt là khi nhìn vào ánh mắt thơ ngây đó tôi thật sự không nỡ lòng nào muốn nói dối con. Chỉ có điều…càng lúc tôi càng cảm thấy sợ hãi tột cùng. Cuối cùng tôi đành cho con một câu trả lời tàn nhẫn nhất:

– Không, chú ấy không phải bố con. Bố của con hiện tại đang ở một nơi rất xa, khi nào Hiếu lớn bố mới về thăm Hiếu được.

– Dạ vâng mẹ.

– Mẹ không muốn Hiếu tự tiện đến gần người lạ như vậy nhé.

– Dạ, con biết rồi. Con xin lỗi mẹ Linh.

– Được rồi, con có mệt không, tựa vào người mẹ ngủ lúc đi, chừng nào về đến nhà ông bà ngoại mẹ gọi con dậy nhé.

– Dạ vâng ạ.

Suốt đoạn đường từ sân bay về đến nhà tôi chỉ ôm chặt lấy con với một đống suy nghĩ ngổn ngang trong đầu. Tôi không có tâm trạng nhìn ngắm đường phố, nhìn những thay đổi của Hà Nội sau 3 năm xa cách. Khi về đến nhà tôi gửi đồ đạc và valy của mình bên nhà cô Ba hàng xóm, còn mình và Hiếu bắt taxi đi đến thẳng viện bố tôi đang nằm. Lúc đến cổng viện tôi gọi cho mẹ biết bao nhiêu cuộc bà không nghe máy, cuối cùng mẹ con tôi phải hỏi thăm lòng vòng mãi mới đến phòng bố tôi đang nằm.

Bố tôi nằm trên giường bệnh, thở bằng lớp mặt nạ oxy, xung quanh còn một số máy móc bên cạnh. Khoảnh khắc nhìn thấy bố tôi đã không thể kìm nén được nữa mà bật khóc nức nở. Tôi mở cánh cửa phòng bệnh, tay nắm chặt lấy tay Hiếu đi vào, vừa khóc vừa nghẹn ngào nói:

– Bố, con đưa cháu ngoại của bố về rồi đây.

Nói xong tôi quay sang bảo con:

– Hiếu, đây là ông ngoại của con.

Hiếu nghe vậy liền ngoan ngoãn nói:

– Con chào ông ngoại.

Tôi kéo ghế ngồi xuống bên giường, mới mấy ngày trước qua màn hình nhỏ tôi vẫn còn nghe thấy giọng nói của bố, nụ cười của bố. Vậy mà giờ đây bố đã nằm bất động một chỗ, gương mặt hốc hác gầy đi nhiều, khung xương nổi rõ. Càng nhìn bố lòng tôi càng đau xót đến đau buốt, tôi run run đưa tay mình chạm nhẹ lên mu bàn tay nổi đầy gân xanh của bố:

– Bố ơi…con và cháu ngoại đã về. Bố phải sớm tỉnh lại nhé. Bố không được quên lời hứa của bố với cu Hiếu và con đâu đấy.

Tôi ngồi đó, dù không biết bố có thể nghe thấy không nhưng tôi nói chuyện với bố rất nhiều. Hiếu ngồi bên cạnh tôi, thằng bé ngoan ngoãn không phát ra một tiếng động, thỉnh thoảng còn hiểu chuyện đến mức đưa bàn tay nhỏ xinh lau đi những giọt nước mắt đang rơi trên má mẹ. Một lúc sau thì mẹ tôi về, giọng mẹ khàn đặc vọng ra:

– Linh…Hiếu..hai mẹ con con về khi nào vậy?

Tôi nhìn mẹ, giọt nước mắt gần khô lại một lần nữa tuôn rơi xối xả như thủy triều ập đến. Gia đình gặp nhau sau hơn 3 năm xa cách, có rất nhiều điều muốn nói, có rất nhiều câu chuyện muốn kể, vậy mà giờ đây lại trùng phùng trong hoàn cảnh này khiến mọi chuyện như ứ lại trong cổ họng, chỉ biết nghẹn ngào khóc nức nở.

Mãi đến khi tôi bình tĩnh lại được mới hỏi mẹ:

– Sao tự nhiên bố lại bị như vậy hả mẹ? Dạo gần đây bố có làm việc gì quá sức không?

Lúc này mẹ mới chậm rãi kể hết sự thật cho tôi biết, thực ra đã 3 năm trôi qua nhưng bố tôi chưa thực sự buông bỏ được chấp niệm một ngày nào đó sẽ khôi phục lại được công ty. Bởi vậy trong suốt 3 năm nay ông đã âm thầm làm rất nhiều việc, cố gắng tạo dựng nhiều mối quan hệ để hi vọng sẽ mua lại được cổ phần công ty. Còn tôi cứ tưởng sau khi công ty phá sản thì đã biến mất hẳn trên thương trường, không ngờ qua lời kể của mẹ tôi mới biết đã có một người dùng số tiền rất lớn để mua lại công ty, bù lỗ tổn thất cho công ty. Và hiện tại công ty chỉ mình người đó sở hữu, không cần bất kỳ sự góp vốn của cổ đông nào cả. Đặc biệt tên công ty vẫn để tên “Vũ Gia”, tên dòng họ nhà tôi.

Tôi ngạc nhiên hỏi mẹ:

– Vậy bố mẹ có biết người đó là ai không ạ?

– Không, vì người đang đứng tên cũng không phải ông chủ thực sự.

Tôi thắc mắc mãi, không biết là ai đã bỏ ra số tiền lớn để hồi phục công ty nhà tôi như vậy. Nhưng càng nghĩ câu trả lời của tôi càng đi vào ngõ cụt. Cuối cùng tôi quyết định tạm thời gạt hết mọi chuyện sang một bên, việc quan trọng nhất bây giờ là bố tôi được bình an khỏe lại.

Cả ngày hôm ấy tôi ở viện trông bố, còn mẹ tôi đưa Hiếu về nhà nghỉ ngơi. Đến 6 giờ tối mẹ đến bảo tôi đi về, tôi nói tôi sẽ ở lại đây nhưng mẹ không chịu vì sợ tôi mệt, lại mới bay chặng đường xa nữa. Trên đường từ bệnh viện trở về, suốt cả quãng đường tôi đều im lặng nhìn ra cửa sổ, nhìn từng hàng cây bên đường vụt qua, nhìn phố phường của thành phố Hà Nội sầm uất. 3 năm trôi qua, Hà Nội vẫn không thay đổi nhiều, vẫn lộng lẫy và nhộn nhịp như ngày nào. Hoá ra, thứ duy nhất thay đổi cuối cùng cũng chỉ là lòng người. Khi chiếc xe chạy qua con đường quen thuộc, con đường về ngôi nhà tôi và Hoàng từng chung sống gần 2 năm, bỗng nhiên tôi lại cảm thấy vô cùng hoài niệm quá khứ, nhớ khoảng thời gian chung sống trước kia, dù không hạnh phúc nhưng cũng trở thành kỷ niệm khó phai trong lòng.

Tôi về đến nhà tắm rửa ăn tối xong cũng 8 giờ 30 phút tối. Lúc cầm đến điện thoại có rất nhiều cuộc gọi nhỡ của cái An gọi về. Ngay sau đó tôi liền nhấn máy gọi lại cho nó, giọng cái An vọng ra:

– Hai mẹ con mày về đến nhà lúc mấy giờ? Sao không gọi cho tao.

– Tao về hồi sáng nay, lu bu quá nên quên mất ấy.

– Thế Hiếu đâu rồi? Thằng bé có bị say hay mệt gì

không?

– Trộm vía ngoan mày ạ. Về đến nhà ăn ngoan ngủ ngoan.

– Ừ, vậy là tốt rồi. Tao chỉ lo lần đầu thằng bé đi máy bay, lại đi đường dài sẽ bị mệt. Mà bố mày sao rồi?

– Hiện tại vẫn đang hôn mê chưa tỉnh. Bác sĩ bảo giờ cũng chỉ biết theo dõi thêm thôi.

– Đến khổ, mong trời Phật thương cho ông sớm tỉnh lại. Số mày cũng lận đận, hết chuyện này tới chuyện khác.

– Ừ. Anh Phong và mọi người có nói gì đến tao không?

– Mày về đột ngột thế ai cũng ngạc nhiên. Nhưng khi biết lý do thì ai cũng thương và hiểu cho mày. Nên yên tâm, anh Phong cho mày nghỉ phép dài hạn đó.

– Tao tính về hẳn An ạ. Vì tao nghĩ bố mẹ giờ cũng có tuổi rồi, tiền kiếm ở đâu cũng được nhưng thời gian qua đi rồi không thể mua được sức khỏe của ông bà, cũng không thể mua lại được khoảng thời gian rời xa ông bà. Niềm vui của tuổi già chắc chắn ai cũng mong được ở bên con cháu.

Cái An nghe xong cũng đồng tình:

– Ừ, mày nghĩ như vậy là đúng đấy, vì giờ bố mày như thế rồi cũng chẳng biết thế nào. Nên cho Hiếu ở cùng ông bà, biết đâu ông bà vui sẽ khoẻ hơn nhiều đấy. Mày về thì tao cũng thu xếp tết rồi về hẳn.

– Ừm tao biết rồi. Ở một mình bên đó nhớ ăn uống đầy đủ.

– Ừ, tự nhiên muốn về Việt Nam luôn quá.

– Cố lên, hơn tháng nữa là tết rồi.

– Tao biết rồi, thế Hiếu đâu?

– Thằng bé chắc mệt nên ngủ sớm rồi. Mà này, mày cho Hiếu xem ảnh bố nó à?

– Ơ, sao mày biết? Đã bảo bí mật rồi lại còn.

Tôi lúc này mới chầm chậm kể cho nó nghe chuyện ở sân bay. Cái An nghe xong thở dài đáp:

– Tao cho nó xem cũng lâu rồi, có một lần duy nhất mà không ngờ nó nhớ thế. Tao nói thật mày đừng buồn nhé, trong thâm tâm đứa trẻ con nào cũng cần cả bố và mẹ đó. Hiếu nó cũng khao khát được gặp bố nhưng thằng bé quá hiểu chuyện sợ mày buồn mới không dám nói thôi.

Tất nhiên rồi, chuyện này tôi làm sao mà không biết, ngược lại biết rất rõ. Tôi mệt mỏi tựa đầu vào ghế sofa, trong một phút giây bỗng thấy mọi thứ mông lung quá. Những hình ảnh quá khứ lại ùa về, nó như một cây kim găm sẵn ở vết thương đau đớn nhất, khiến tôi không đủ dũng khí để bước qua nó. Tôi nói:

– Bố thằng bé, là ai cũng được nhưng chắc chắn không phải là anh ta.

– Ừ, thôi ngủ sớm đi, mai còn có sức vào viện chăm bố.

– Ừ. Bye mày nhé.

Một tuần tiếp theo lại trôi qua, trong suốt tuần này thì ban ngày tôi ở bệnh viện, tối về nhà chơi cùng con một lúc rồi đi ngủ sớm. Cũng không có gì đặc biệt xảy ra, chỉ là bệnh tình bố tôi vẫn thế, vẫn không tiến triển gì tốt hơn, bác sĩ cũng chỉ biết khuyên chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi. Vì cái quan trọng nhất bây giờ là cho ông “thời gian”. Tôi cũng thuê riêng cho bố một cô y tá chăm sóc chính nên lúc tôi và mẹ ở bệnh viện cũng không phải làm gì nhiều, ngoài ngồi bên cạnh trò chuyện với ông, kích thích ý thức của ông cho ông sớm tỉnh lại.

Buổi tối khi tôi chuẩn bị ra về thì bất ngờ Thịnh đi tới, trên tay anh còn cầm theo một giỏ trái cây. Anh bảo:

– Anh mới biết chú nằm viện, cũng mới biết mẹ con em về Việt Nam.

– Dạ vâng, lu bu nhiều chuyện nên em không thông báo cho nhiều người ạ.

– Tình hình chú sao rồi em?

– Bố em vẫn thế anh ạ. Bác sĩ bảo giờ phải chờ cho đến khi bố em tỉnh lại thôi.

– Ừ em. Cố gắng lên nhé, anh tin chú sẽ sớm tỉnh lại thôi.

– Dạ vâng, em cảm ơn anh.

Thịnh ngồi nói chuyện với tôi và mẹ thêm một lúc thì anh chủ động đưa tôi về nhà. 3 năm nay vì Thịnh thường xuyên sang thăm Hiếu, tựa hồ như đắp những khoảng trống trong con nên khi Hiếu thấy Thịnh thì vui lắm, liền ôm chầm lấy anh giống kiểu người con ôm người cha vậy. Tối đó trời cũng không lạnh lắm nên anh ngỏ lời đưa tôi và Hiếu đi chơi. Mới đầu tôi cũng không muốn đi nhưng nghĩ lại từ ngày con về Việt Nam chưa được đi đâu ngoài từ nhà đến bệnh viện rồi từ bệnh viện về nhà. Cuối cùng tôi gật đầu đồng ý. Hiếu vui mừng reo lên:

– Thích quá! Con muốn đi ăn gà rán.

Thịnh cười nhẹ đáp:

– Được, chỉ cần Hiếu thích thì đi đâu cũng được.

Sau đó Thịnh chở tôi và Hiếu đi đến một quán gà KFC nổi tiếng Hà Nội. Anh gọi gà rán và nước uống cùng một số món ăn vặt của quán. Suốt quá trình ăn Thịnh không ăn miếng nào cả, từ đầu đến cuối anh ngồi xé gà cho Hiếu, chăm sóc con tận tình đến nỗi khi ai nhìn vào cũng tưởng anh là người bố vĩ đại. Tôi bảo Thịnh:

– Anh cứ kệ thằng bé, anh ăn đi.

– Anh không muốn ăn. À em có muốn ăn kem dâu tây không, ở quán bên cạnh có bán kem vị dâu tây ngon lắm. Anh chạy sang mua cho em nhé.

– Dạ thôi không cần đâu anh ạ. Em không muốn ăn.

– Đợt này về Việt Nam, em về hẳn chứ?

– Dạ em về hẳn anh ạ.

– Vậy em đã tính làm gì chưa? Nếu chưa thì em hãy nghĩ đến việc quay trở lại công ty làm việc đi. Ở đó luôn có một chỗ dành cho em.

Thực ra mới đầu tôi cũng nghĩ đến việc sẽ quay trở về công ty cũ làm việc, dù sao tôi cũng làm ở đó đã lâu, đồng nghiệp đều thân thiện nên khi quay trở về cũng dễ sống hơn. Có điều mấy hôm nay sau khi tìm hiểu về những gì bố tôi đã trải qua trong suốt 3 năm nay, một ý nghĩ lại loé lên trong đầu tôi, tôi muốn làm việc tại chính công ty cũ nhà mình, tôi thực sự muốn biết người mua lại công ty nhà mình là ai. Dù tôi biết với kinh tế của bản thân không thể một chốc một lát mua lại được công ty, nhưng chỉ khi làm việc ở đó tôi mới có hi vọng. Đời mà, đâu ai đánh thuế ước mơ, có đúng không?

Tôi chầm chậm trả lời Thịnh:

– Em cảm ơn ý tốt của anh. Nhưng em đã có lựa chọn mới của riêng mình rồi ạ. Em sẽ nộp hồ sơ xin việc ở công ty cũ nhà em, công ty Vũ Gia.

– Vũ Gia? Anh biết giám đốc bên đó. Cậu ấy từng là bạn học hồi cấp 3 của anh. Nhưng anh nghe nói cậu ấy chỉ được thuê lại để quản lý thôi. Còn ông chủ thực sự thì anh không biết.

– Dạ, em cũng nghe mẹ em nói qua. Em cũng không ngờ lại có người hứng thú dùng một khoản tiền lớn để xây dựng lại một công ty mục nát không còn gì.

– Ừ, nhiều lần anh tính nói với em nhưng lại sợ em buồn nên thôi. Hiện giờ trong giới xây dựng thì công ty cũ nhà em là một công ty lớn mạnh đó. Cho thấy người đứng sau nó không hề đơn giản. Người đó cũng thực sự làm anh rất tò mò, có điều tìm hiểu mãi không ra tin tức gì của người đó.

– Dạ vâng.

Tối đó 10 giờ thì Thịnh đưa mẹ con tôi về đến nhà. Sau khi cho con ngủ xong, tôi cũng lên thử google tìm hiểu xem có bài báo nào viết về công ty cũ nhà tôi không. Trên đó có rất nhiều bài báo, đa số là viết về hành trình từ một công ty phá sản cho tới ngày hôm nay, chứ không có bài nào nói về chủ nhân của nó. Nằm tìm hiểu chán chê thì tôi cũng thiếp vào giấc ngủ. Đến sáng hôm sau tỉnh dậy tôi nói với mẹ chuyện tôi sẽ đi làm lại và gửi Hiếu đến trường. Tuy nhiên tôi sẽ tìm một trường mầm non tư thục để có thể quan sát con thường xuyên qua camera, và nếu trường đó dạy montessori càng tốt.

Tôi mất 4 ngày tìm trường cho con mới tìm được trường ưng ý, thấy trên fanpage ở facebook được các phụ huynh đánh giá rất tốt, tuy mức phí hơi cao so với các trường khác nhưng các cô nhiệt tình, thực đơn ăn uống cũng đa dạng, lại dạy hệ montessori theo đúng ý tôi mong muốn. Sau khi ổn định được chỗ học cho con thì tôi cũng đi nộp hồ sơ vào công ty Vũ Gia. Mới có 3 năm thôi mà công ty có nhiều thay đổi quá, mở rộng ra rất nhiều, thậm chí lớn đến mức tôi suýt chút nữa không nhận ra đây cũng từng là công ty gia đình mình. Về ngành xây dựng tôi không có nhiều kinh nghiệm, thấy công ty báo thiếu 1 vị trí kế toán nên tôi nộp hồ sơ vào vị trí đó. Mới đầu tôi tưởng ít nhất vài ngày sau người ta mới trả lời, ai ngờ tôi nộp buổi sáng thì buổi chiều đã có người gọi đến hỏi:

– Xin chào, tôi gọi từ phòng nhân sự công ty Vũ Gia. Cho hỏi cô phải là Vũ Tuệ Linh không?

– Dạ vâng, chào chị, tôi là Vũ Tuệ Linh ạ.

– Vâng, tôi gọi cho cô để thông báo cô đã trúng tuyển vị trí trợ lý giám đốc công ty Vũ Gia nhé. Ngày mai 7 giờ 15 phút chị có mặt tại công ty để nhận việc nhé.

Nghe chị ấy nói vậy, nhất thời tôi ngơ người mất vài giây vì rõ ràng tôi nhớ tôi nộp hồ sơ vào vị trí kế toán, sao bây giờ lại thành vị trí trợ lý giám đốc thế này? Thế nhưng tôi không suy nghĩ nhiều, dù sao được vào làm tại công ty là tốt rồi, tôi nhanh chóng trả lời:

– Dạ vâng. Cảm ơn chị.

Sau khi tắt điện thoại xong tôi cứ nghĩ mãi. Tôi không có kinh nghiệm gì trong việc làm trợ lý nhưng tôi sẽ cố gắng, với lại nghĩ làm trợ lý cũng tốt, càng dễ cho việc tiếp cận tới vị tổng giám đốc thực sự kia.

Vì tôi mới về Việt Nam, thời tiết khác so với bên Thuỵ Điển nên tôi phải sắm lại quần áo toàn bộ từ đầu. Thế là chiều hôm đó tôi tranh thủ đi mua vài bộ đồ công sở. Lúc đang ngắm nghía ở trung tâm thương mại, bất ngờ tôi thấy Hoàng ở đối diện mình. Nhưng lần này không chỉ có mình anh, bên cạnh còn có một cô gái rất xinh đẹp, nhưng không phải Trúc. Có lẽ nào…đây là vợ anh?
Nhấn Mở Bình Luận