Tôi từng vẽ giấc mơ của mình về thời sau chiến tranh, cái thời mà gạo không đủ ăn, áo không đủ mặc. Tôi nhìn thấy bóng dáng ai đó tần tảo trong sương khói lượn lờ sớm ban mai; ai đó cặm cụi giữa tầng tầng lớp lớp cây cối rậm rạp trên núi cao; ai đó xoa xoa thái dương trên ghế lái phà giữa con sông dài rộng trong đêm tối; ai đó nhọ nhem bẩn thỉu giữa bãi than, bị chửi, bị đánh, bị đẩy ngã. Tôi không biết vì sao lại mơ thấy những khung cảnh đó, mỗi lần nhìn lại bức tranh kia, tôi chỉ cảm thấy lồng ngực nhức nhối, cảm thấy bản thân thấp bé như sâu bọ. Nhưng tôi vẫn giữ lại nó. Mặc cho nó luôn nhắc nhở tôi rằng: "Cố gắng cũng vô dụng. Có cố gắng đến chết thì mày cũng không xứng đâu."
**
Đến lúc Huyền thấp thỏm quay về lớp muốn tìm Vũ, cậu cũng đã không còn ở đó nữa. Con bé tìm khắp nơi, hỏi ra mới biết Vũ đã tự đi bộ về nhà rồi. Cô giáo đã gọi điện cho ba mẹ Vũ, họ sẽ sớm đón được cậu trên đường đi.
Huyền ngơ ngác. Con bé còn chưa kịp tiết lộ chuyện thú vị cho Vũ, cậu đã về mất rồi.
Thầm nghĩ hôm sau sẽ nói với cậu, ai ngờ hôm sau con bé vẫn không thấy Vũ đâu. Cậu nghỉ liền tù tì mấy ngày, Huyền cực kì sốt ruột.
Biết được cách trốn khỏi trường đi xem hoa, nhưng Vũ lại không đến trường, xem kiểu gì giờ?
Huyền ngơ ngác nhìn tán hoa gạo đỏ rực, lắc lắc cánh tay bà ngoại, sốt sắng hỏi:
- Bà ơi bà, bao giờ thì hoa rụng hết ạ?
Bà ngoại có khuôn mặt hiền từ phúc hậu, mái tóc dài điểm hoa râm được búi gọn phía sau, nét xinh đẹp thời trẻ còn đọng lại trên những vết chân chim, đôi mắt hơi híp lại vì cười. Bà xoa đầu con bé, dịu dàng nói:
- Cây này năm nào cũng nở muộn, phải hơn hai tuần nữa mới bắt đầu tàn.
- Hai tuần có lâu không ạ?
- Nếu con muốn ngắm hoa mỗi ngày thì là nhanh. Còn nếu con chỉ muốn ngắm một lần thì là lâu.
Huyền ngoan ngoãn "dạ" một tiếng, tự nhủ nhất định phải đưa Vũ đến đây ngắm hoa một lần. Bà ngoại nhìn con bé, đôi con người đã có chút mờ đục tựa hồ sáng lên, nắm tay con bé, móm mém cười:
- Lại đây, bà chỉ cho con cái này hay lắm.
Huyền nối gót bà đến ngồi dưới gốc cây gạo. Thân cây trải qua năm tháng bị nắng gió bào mòn, lớp gai trở nên tròn xoe, một số chỗ còn nhẵn thín. Con bé tựa người vào thân cây, cảm giác lớp gai tròn nhấp nhô kia chọt chọt vào lưng mình, nhồn nhột.
Bà ngoại cầm một bông gạo mới rụng trên đất, phủi phủi rồi bóc từng cánh hoa ra. Huyền chăm chú nhìn, nghe bà hỏi:
- Con đã ăn hoa gạo bao giờ chưa?
Con bé lắc đầu khẽ nói chưa ạ, hiếu kỳ nhìn những cánh hoa trên tay bà. Bà ngoại đưa sang cho nó một cánh hoa, hiền hiền nói:
- Con ăn thử xem.
Huyền nửa tin nửa ngờ, cuối cùng vẫn đưa lên cắn một ngụm. Cánh hoa gạo hơi nhơn nhớt, vị dua dúa nhè nhẹ tản ra trong khoang miệng. Con bé khẽ chau mày, toan mở miệng chê, bà ngoại đã cười cười:
- Không ngon tí nào đúng không?
Huyền gật đầu, "vâng" một tiếng. Bà ngoại xoa xoa đầu nó, rời tầm mắt khỏi người con bé, nhìn về phía xa xa, sợi tóc mai đang dần chuyển bạc bên tai bay bay trong gió xuân. Cây gạo này con bé cũng không biết đã ở đây bao nhiêu năm, do ai trồng. Cây mọc ở mấp mé triền đê, bốn bề là đồng lúa bát ngát, màu xanh mơn mởn của lúa thì con gái trải rộng bao la hút tầm mắt, tựa như chạy tít tắp đến tận chân trời xa thẳm. Hương lúa thơm mát bao phủ cả không gian, tràn cả vào lòng người.
Huyền nghiêng đầu nhìn sang hai cái lò gạch cũ kĩ cách cây gạo vài bước chân, thừ mặt ra.
Một lúc sau, bà ngoại đang trầm mặc bỗng lên tiếng:
- Ngày xưa nhà mình nghèo nhất làng.
Huyền hồi thần, vội tập trung vào lời bà ngoại đang nói. Bà chỉ dừng ba giây rồi lại tiếp tục:
- Ông con đi làm ở bến phà, tiền kiếm về có vài chục đồng. Bà ở nhà làm ruộng, cũng chỉ làm ra chưa đến mười đồng. Ngày đấy không khá hơn năm bốn lăm là bao, ông bà còn có bốn đứa con, cực kì vất vả.
Huyền tuy rằng không hiểu hết toàn bộ nhưng vẫn hiểu được đại ý, hai bàn tay nhỏ bó gối hơi xòe ra rồi lại nắm vào. Bà ngoại vẫn hướng ánh mắt ra xa, tựa như đang nhìn về thời quá khứ cực nhọc lam lũ.
Bà kể lại thời xưa, khi chiến tranh trong miền Nam còn chưa dứt, miền Bắc rối ren trong sự tàn phá nặng nề của bom đạn. Những năm 1950, ông là bộ đội từng lái xe tăng ra trận, thời hậu chiến xin được một chân lái tàu ở bến phà, công việc căng thẳng áp lực. Bà ở nhà lo việc đồng áng vườn tược, thức khuya dậy sớm. Cả gia đình sống trong mái nhà vách đất lụp xụp, bữa đực bữa cái, hoàn cảnh khổ cực trăm bề. Ông bà dành dụm được bao nhiêu đều để cho con đi học, mong con mình có tri thức, có cơ may đổi đời. Có những ngày đói kém không có cả sắn để ăn, bà phải đi bộ xa thật xa, vào sau mùa gặt còn có thể mót ít lúa sót lại ở đồng ngoài, không vào mùa gặt chỉ có thể đi vay gạo, có lúc vay không được còn bị đánh. Bác cả hơn mẹ mười tuổi, cùng ông ngoại ra bến phà học lái tàu, bốc vác. Bác hai theo ông trẻ đi buôn than cho người Pháp, bác ba đi chăn trâu cho người ta trên sườn núi chênh vênh. Mẹ lên bốn tuổi đã phải đi cuốc nương, lên năm tuổi theo bà ra chợ bán sắn, lên bảy tuổi gánh hai xảo dứa lớn đi bộ sáu cây số đến bán ở chợ ngoài, lên tám tuổi đi gặt thuê cho người ta, lúc ở nhà lại cùng các anh thay phiên nhau chẻ củi, nấu nước, băm bèo, nấu cháo lợn, duôi sắn, chăn bò... Làm đủ loại việc như thế mới miễn cưỡng đủ tiền cho cả bốn anh em đi học. Năm mẹ lên sáu, thời bao cấp chấm dứt, chính sách thưởng cho bộ đội thời kháng chiến chống Pháp - Mỹ của Nhà nước được thực hiện ở làng ông ngoại, cả gia đình chuyển từ quê bà ngoại đến quê ông, được cấp một căn nhà gạch son ngói đỏ khang trang. Ông được hưởng trợ cấp của quân nhân, tuy rằng ít ỏi nhưng cũng trang trải tốt hơn cho gia đình.
Cho đến năm mẹ mười hai tuổi, cả làng bỗng mất mùa. Khi trước có phiếu thịt, sổ gạo, ít ra mỗi tháng có thể có vài ngày được ăn gạo trắng. Nhưng mất mùa rồi, ruộng vườn của gia đình tan hoang, công việc làm thuê làm mướn sau mùa thu hoạch không còn, giá lương thực lại tăng chóng mặt. Từng đồng từng đồng tích cóp trong bao nhiêu năm nhanh chóng vơi dần, tiền lương của bác cả và ông bà không đủ nuôi sống sáu miệng ăn và cho ba đứa trẻ đi học. Mẹ lúc đó là học sinh giỏi nhất cả xã, làng trên làng dưới không ai bằng, thế nhưng học xong lớp chín liền bỏ học.
- Năm mẹ con học lớp tám, có một thời gian bà đổ bệnh nặng. Tiền thuốc thang cho bà làm cả nhà phải nhịn đói hai ngày, sau đó ăn sắn thay cơm mấy tháng. Lúc nào cũng ăn không đủ no, thế nên một bông hoa gạo nhạt nhẽo nhớt nhát cũng được coi là sơn hào hải vị. Mẹ con sau đó nói, nó đi làm thuê làm mướn còn kiếm được nhiều hơn tiền thưởng, thà nghỉ học cho đỡ vất vả.
Giọng bà ngoại có chút chua xót, không biết là chua xót vì cả bốn đứa con chỉ có một đứa không được học cấp ba, hay chua xót vì con gái tuổi còn nhỏ đã phải bươn chải lo nghĩ cho gia đình. Hoàng Gia Tâm quả thực có một tuổi thơ cực nhọc đến đau lòng, nhưng xét cho cùng trong cái thời bấy giờ, những đứa trẻ phải trưởng thành, hiểu chuyện sớm như vậy không hề ít. Tuy nói sau năm 1975 là thời kì Đổi mới, đất nước như thay da đổi thịt; con người lại vẫn sống khổ sở, chật vật như thế. Đến hai mươi năm sau khi chiến tranh kết thúc, cuộc sống của nhiều người vẫn tăm tối mù mịt. Hoàng Gia Tâm là thành quả của hoàn cảnh túng quẫn đói nghèo thời hậu chiến, quan điểm về cái khổ đã ăn sâu bén rễ trong tiềm thức, chẳng trách mẹ lại khắt khe như vậy trong việc giáo dục con gái.
- Thế nên Huyền à. - Bà ngoại quay đầu nhìn Huyền, đưa đôi tay thô ráp khẽ sờ mặt con bé - Mẹ con sống khổ quen rồi. Từ khi ba tuổi mẹ con đã khổ, nên mẹ con mới yêu cầu con nhiều như thế. Đừng trách mẹ con, cố gắng làm hài lòng mẹ, làm mẹ vui và yêu mẹ thật nhiều nhé.
Huyền "dạ" một tiếng, hơi nghiêng đầu dụi dụi vào tay bà ngoại, âm thầm ghi nhớ những lời bà nói. Bà ngoại cong cong mắt, nụ cười hiền từ như Bụt:
- Mẹ con có làm ra hành động gì cũng đều có lý do không dễ nói, dù mẹ có làm gì, con cũng đừng trách mẹ con, được không?
Thấy cháu gái gật đầu, ánh mắt bà ngoại ánh lên một tia đau lòng. Bà cúi đầu cụng trán con bé, giọng nói hơi nghẹn ngào:
- Huyền ngoan, cháu gái ngoan của bà. Mẹ con thương con nhiều lắm, nhiều gấp trăm ngàn lần bà thương con. Dù mẹ có làm gì cũng đừng oán trách mẹ, mẹ lúc nào cũng thương yêu con hết. Ba con cũng thương con, ba mẹ con đều yêu thương con...
#Hnld