Lọc Truyện
Từ ngày 12/7/2024: Metruyenhot sẽ chuyển sang dùng tên miền metruyenhotmoi.com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ chúng mình và nhớ tên miền mới này nhé!

Cái nắng oi ả tháng sáu càng làm cho không gian phiên tòa xử hôm nay ngột ngạt vô cùng. Phiên tòa này rất đặc biệt, nó khác xa những phiên tòa khác bởi người nhà của bị hại lẫn bị cáo đều chẳng có một ai, nhưng lại có rất đông người đến dự khán bởi tính chất nghiêm trọng của vụ án. Khi vị thẩm phán ổn định hội trường thì phiên xử bắt đầu.

Dưới hàng ghế bị cáo, là một thanh niên khoảng mười chín, hai mươi tuổi dáng người cao ráo, điển trai, gương mặt chưa hề vương nét bụi đời nhưng lại là một kẻ sát nhân máu lạnh. Hắn đưa mắt khắp hội trường mong tìm kiếm một bóng dáng người thân nhưng rồi lại tuyệt vọng cụp đôi mắt xuống. Có lẽ giờ này người thân của hắn cũng đang xấu hổ nhục nhã lắm. Họ chẳng dám đến dự phiên tòa vì sợ phải chứng kiến cảnh đau lòng, cũng có thể họ sợ ánh mắt nghi kỵ, khinh rẻ của người đời.

Bên dưới hàng ghế dành cho những người đến dự, hàng loạt tiếng xì xào vang lên:

--Khiếp quá, nhìn trẻ tuổi như thế mà giết người dã man nhỉ? Lại giết chết ông nội của mình thì đúng là kinh khủng thật.

--Mất hết tương lai rồi còn đâu? Dại dột quá!

Sau khi vãn hồi trật tự, bị cáo được dẫn giải lên trước vành móng ngựa và chủ tọa phiên tòa bắt đầu đọc cáo trạng. Trong suốt thời gian nghị án, khi được nói lời bào chữa cho mình, Thắng (Tên bị cáo) vẫn một mực nói rằng mình làm đúng, rằng người bị hắn giết không xứng đáng là ông nội vì hành vi bại hoại của mình.

Thẩm phán đã phân tích cho hắn thấy việc đoạt mạng người khác là vi phạm pháp luật, xét về đạo lý là mất tính người. Nếu bị hại có những hành vi trái với thuần phong mỹ tục thì hắn có thể làm đơn trình báo để cơ quan pháp luật xử lý, chứ không thể hành động theo kiểu xã hội đen giết người đoạt mạng như vậy được.

Hắn không thuê luật sư nên được tòa chỉ định luật sư bào chữa, sau khi đưa ra mọi lý lẽ nhằm giảm nhẹ tội cho bị cáo, xét thấy hắn vừa mới bước qua tuổi thành niên được một năm, bình thường cũng là một người tử tế, chưa từng có tiền án, tiền sự gì, nên khi nghiên cứu kỹ lưỡng và áp dụng hình phạt ở khung thấp nhất thì hắn vẫn phải nhận mức án 20 năm tù cho tội giết chết ông nội của mình.

Phiên tòa kết thúc với sự vỗ tay đồng thuận của tất cả mọi người. Một vài tiếng xì xào vang lên tiếc cho hắn còn quá trẻ mà đã dấn thân vào vòng lao lý. Nhìn gương mặt đẹp trai và cái dáng cao ráo rất cân đối của hắn, chẳng ai nghĩ rằng hắn lại phạm tội giết người. Được dẫn giải ra xe đặc chủng, đi giữa hai người công an, hắn cúi gằm không dám ngẩng mặt lên nhìn ai. Khi chuẩn bị bước lên chiếc xe thùng bít bùng thì chợt một tiếng khóc xé lòng vang lên:

--Ối giời ơi là giời ôi! Khổ thân cho cháu tôi, Thắng ơi! Chờ bà với con ơi….bà đã đến muộn rồi.

Chân hắn khựng lại, một chút gì nghẹn đắng trong cổ họng, một chút gì cay cay nơi khóe mắt. Đó chẳng phải là tiếng của bà ngoại sao? Đúng vậy, đó chính là bà ngoại hắn, tưởng rằng hết hy vọng vì không gặp được người thân nhưng đến phút cuối thì bà đã xuất hiện, bà đã an ủi phần nào những tia hy vọng đang lụi dần trong hắn.

Người đàn bà khoảng gần sáu mươi tuổi, gạt đám người ra rồi lập cập lao tới. Đến trước hai anh công an bà đưa đôi mắt ầng ậng nước nói không ra hơi:

--Tôi xin các chú….mấy phút….tôi đến muộn…cho tôi nói chuyện….với cháu nó một chút được không? Tôi cầu xin….các chú….

Hai anh công an đưa mắt nhìn nhau rồi một anh chạy đến báo cáo chỉ huy, lát sau quay lại gật đầu nói:

--Bà chỉ có mười năm phút thôi ạ. Chúng tôi phải giải phạm nhân đến trại giam, bà nhanh lên nhé.

Ôm chặt lấy đứa cháu vẫn còn đang bị còng tay, bà cứ thế khóc mùi mẫn. Hắn cứng rắn là thế, suốt cả phiên tòa không hề rơi lệ, vậy mà lúc này đây những giọt nước mắt lại rơi trên gò má vì cảm động. Nó cảm thấy có lỗi với bà ngoại, để bà từng này tuổi còn phải suy nghĩ về hắn. Bà cứ vừa ôm vừa đưa tay đập vào lưng hắn mà khóc:

-- Con dại quá con ơi! Tự con phá hỏng tương lai của mình rồi, người ta có tội thì pháp luật sẽ xử, tòa án lương tâm cũng chẳng để yên. Con làm như vậy thì bà biết sống sao đây? Hu…hu…

--Bà nín đi bà, con có lỗi với bà…con đáng chết….pháp luật đã làm đúng…bà đừng lo cho con…

Hai bà cháu cứ vừa nói vừa khóc như thế, song chợt nhớ ra điều gì bà ngẩng lên hỏi cháu:

--Con được đưa đến trại giam nào? Nói cho bà biết để bà đến thăm, mọi người có thể ghét bỏ con nhưng với bà thì con mãi mãi là một đứa cháu ngoan ngoãn, đáng thương của bà.

Anh cán bộ đứng giám sát cạnh đấy nói nhanh cho bà biết tên trại giam và quy định thăm nom. Bà gật đầu cảm ơn, rồi lại quay sang thằng cháu hỏi:

--Họ xử con bao nhiêu năm?

--Dạ, hai mươi năm bà ạ.

Bà bấm đốt ngón tay rồi mặt bừng lên tia hy vọng:

--Vậy là vẫn có ngày về, con còn trẻ vào đó cải tạo cho tốt. Bà còn khỏe ngày nào, bà sẽ tranh thủ lên thăm con. Nhớ nhé, vào đó đừng gây gổ đánh nhau, cố gắng nhẫn nhịn con nhá.

--Dạ, bà ở nhà cố gắng ăn uống giữ gìn sức khỏe đợi con ra tù bà nhé? Con sẽ nghe lời bà, bà yên tâm đừng lo cho con. Con thương bà lắm!

--Dạ, đã hết giờ. Xin bà lùi ra cho chúng tôi dẫn giải phạm nhân.

Tay bà vẫn đang nắm chặt tay đứa cháu tội nghiệp không muốn rời. Vậy là bà phải cố sống để chờ nó trở về. Hai mươi năm, một khoảng thời gian dài, coi như hết cả tuổi trẻ rồi còn đâu, hy vọng nó phấn đấu tốt để được giảm án.

--Bà ơi! Ai đưa bà đến đây? Bà về đi, con đi đây, bà nhớ giữ gìn sức khỏe nhé.

--Ừ…bà nhờ chú Tiến chở đi. Bà sẽ lên thăm con, cải tạo cho tốt nhé để nhanh về với bà.

Chiếc xe từ từ lăn bánh ra khỏi sân tòa án, vậy là bà phải xa hẳn thằng cháu mà bà luôn kỳ vọng. Nước mắt lăn dài, chiếc xe đã khuất xa mà bà vẫn đứng chơ vơ ở sân tòa, chân không muốn bước nữa. Từ xa một chiếc xe máy phóng lại, một người đàn ông tuổi chừng gần bốn mươi gọi bà:

--Bác Cải ơi! Về thôi, lên xe con chở về nào!

Trên xe đặc chủng, Thắng nhắm mắt lại dù không thể nhìn được ra ngoài nhưng hắn vẫn nhắm lại theo như một phản xạ có điều kiện. Hắn biết giờ này bà ngoại hắn đang tuyệt vọng lắm. Cả đời bà chỉ thương nhất hắn vì bà bảo hắn mới mấy tuổi đầu đã sớm thiếu thốn tình cảm của cha, đã vậy lại luôn phải chịu đòn roi và sự ghẻ lạnh của mẹ.

Nhưng hắn rất ngoan và nghe lời bà nội, chỉ có bà là hiểu hắn cần gì và muốn gì, chỉ tiếc rằng thời gian không quay trở lại và bà đã ra đi quá sớm, may là hắn vẫn còn bà ngoại, người thứ hai cũng yêu thương hắn vô bờ bến. Nếu cho hắn một điều ước hắn sẽ ước được sinh ra trong một gia đình tử tế, có đủ cha đủ mẹ bên cạnh và hắn vẫn muốn được là cháu của hai bà. Giờ đây bà ngoại như một người mẹ thứ hai của hắn, còn người mà hắn gọi là mẹ thì lại không được như vậy.

Hai cán bộ dẫn giải nhìn hắn, một anh cất tiếng:

--Tôi nhìn cậu thấy mặt mũi cũng sáng sủa vậy mà sao lại ra tay tàn độc đến thế?

Hắn im lặng không nói gì, anh công an bên cạnh liền cảnh tỉnh:

--Về trại này cẩn thận đấy, cậu mà cứng đầu quá là chúng nó tẩn cho không tiếc tay đâu. Cái án này cũng khá là dài, cố gắng cải tạo cho tốt thì còn nhanh đến ngày ra.

Sau mấy tiếng đồng hồ thì xe cũng về đến trại giam, bước xuống xe đã thấy hai cán bộ cầm giấy tờ tiếp nhận chờ sẵn ở đó. Nhìn hắn xong, họ trao đổi với nhau một hồi rồi một anh quản giáo rất trẻ, có lẽ vừa mới ra trường dẫn hắn về phòng giam. Một cuộc sống mới với môi trường hoàn toàn mới mẻ bắt đầu mở ra trước mặt hắn.

Khi nghe anh quản giáo dặn dò và phát cho hắn quần áo và chăn màn rồi chỉ vào chỗ nằm bảo hắn đi thay đồ, đoạn anh lên giọng giáo huấn bọn tù nhân cũ một hồi về quy định ứng xử với phạm nhân mới rồi mới đi ra. Bây giờ mới thực sự là thử thách đối với hắn.

Tối hôm đó, khi hắn vừa đi đánh răng xong, đang đi đến chỗ nằm chợt một bàn chân của người nào đó chìa ra ngáng đường. Suýt thì hắn đã ngã sấp mặt, đưa đôi mắt như dò hỏi, thì một tiếng nói lạnh lùng rít qua kẽ răng:

--Mẹ mày, mới vào mà không có phép tắc gì cả? Mắt mày mù hả thằng ranh? Có biết bố mày là ai không? Chúng mày mở mắt cho nó đi!

Vậy là không kịp để cho hắn kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì liên tục ba, bốn thằng lao vào cứ cùi trỏ thúc liên tục vào người hắn. Mà bọn này cũng khôn, chúng toàn đánh đấm vào chỗ kín chứ tuyệt nhiên không đánh vào mặt mũi. Thắng ôm người chịu trận nhưng chẳng thèm kêu la một tiếng. Thằng hồi nãy ra lệnh có vẻ là trưởng buồng cất tiếng:

--Dạy dỗ nó vậy được rồi, lôi nó đến đây!

Thắng được mấy thằng kia túm cổ kéo đến chỗ thằng đàn anh giới thiệu:

--Đây là anh Hoàng cá mập là đại ca ở đây, may cho mày là được anh thương đấy. Mau đến tạ ơn đại ca đi....

Nhấn Mở Bình Luận