Lọc Truyện
Từ ngày 12/7/2024: Metruyenhot sẽ chuyển sang dùng tên miền metruyenhotmoi.com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ chúng mình và nhớ tên miền mới này nhé!

Lẽ Nào Mình Vẫn Còn Yêu - Hoàng Chinh

Chương 21.

Thanh nói đến đâu chân tay tôi bủn rủn đến đấy. Thường ngày bố tôi thiên vị mẹ con cô ta nhất. Vậy mà đến lúc nguy cấp, cô ta còn có tâm trạng đi thử vai. Đúng là gia môn bất hạnh. Tôi nói:

- Mày không đi cùng bố vào viện cũng được. Nhưng mày phải đợi khi nào xe cấp cứu đến, hỏi xem người ta đưa bố vào viện nào, rồi nhắn địa chỉ cho tao.

- Sao mày phiền phức thế?

Nói mãi mà con dở hơi kia vẫn cứ lằng nhằng, tôi bực mình quá quát lên:

- Mày im đi. Người bị đột quỵ là bố mày, chứ không phải ai khác đâu.

- Con điên. Tự nhiên mày nổi cáu với tao làm gì? Tao có làm bố đột quỵ đâu? Mày giỏi thì lết xác về đây luôn đi.

- Giờ tao về. Mày không phải lắm mồm.

Cúp máy xong người tôi run lẩy bẩy còn suýt nữa ngã ngửa ra đằng sau. Cái Hoài ngồi bên cũng nhận ra điểm khác thường. Nó vội đứng dậy đỡ lấy tôi:

- Chị Linh chị sao thế?

Miệng tôi há to hết cỡ, ấp úng mãi mới nói thành câu:

- Chị…phải đi về. Bố chị…bị đột quỵ rồi. Đang đưa đi cấp cứu.

- Vậy để em gọi taxi cho chị. Chị bình tĩnh đã, đừng cuống quá.

Tôi gật đầu:

- Ừ. Em gọi hộ chị với. Để chị đi xin chị Trang.

Nói xong tôi cố đứng dậy lấy lại thăng bằng cơ thể, đi tìm chị Trang xin về. Cái Hoài cũng vội vã gọi taxi cho tôi. Xuống cổng công ty, tôi chỉ chờ thêm khoảng 5 phút là đã có xe tới. Ngồi trên xe, lòng tôi nóng như lửa đốt. Tuy mối quan hệ giữa tôi và bố không còn được thân thiết như lúc nhỏ, nhưng dù sao đấy cũng là người đẻ ra tôi. Vào những lúc ốm đau như này, tôi không thể để ông ấy một mình. Tôi cuống cuồng xin bác tài xế lái nhanh hơn một chút. Nhưng hiện tại đường đang rất đông, có muốn lái nhanh cũng không được. Ngồi trên xe tầm 10 phút thì con Thanh nhắn tin cho tôi:

- Tao đưa bố vào viện X cấp cứu rồi. Mày ngủ ở đâu mà giờ còn chưa thấy mặt mũi?

Đọc xong tin nhắn của con Thanh, biết được địa chỉ bệnh viện bố tôi đang nằm. Tôi định không trả lời nó, nhưng sợ nó không thấy tôi nhắn lại, tưởng tôi không đến rồi lên cơn bỏ bố tôi một mình ở viện thì khổ.

Tôi miễn cưỡng nhắn lại:

- Tao sắp đến rồi. Mày chờ thêm chút nữa đi. Đừng để bố ở viện một mình.

Nhắn xong tôi tiếp tục quay qua bác tài xế xin xỏ:

- Bác ơi…Bố cháu đang nằm cấp cứu trong bệnh viện. Bác đi nhanh hộ cháu với.

- Tôi cũng muốn đi nhanh lắm, nhưng đường đông thế này không đi được đâu. Bố cô nằm viện nào?

- Bố cháu nằm viện X ạ.

- À viện X thì tôi có biết một lối đi khác, để tôi rẽ vào đường đấy đi cho nhanh.

- Vâng. Vâng. Bác giúp cháu với.

Bác tài xế gật đầu rồi rẽ vào một con đường khác. Đường này đỡ đông người, nên tốc độ đi cũng nhanh hơn. Tầm 15 phút sau, tôi đã đến cổng bệnh viện X. Thanh toán tiền taxi xong, tôi chạy thẳng vào khu cấp cứu. Thấy con Thanh đang ngồi nghịch điện thoại ở hàng ghế chờ. Tôi hỏi:

- Bố thế nào rồi?

Nghe tiếng tôi, con Thanh mới chịu rời mắt khỏi màn hình điện thoại:

- Còn thế nào nữa? Mày ngu à? Bác sĩ đang cấp cứu.

Tôi nhìn bộ dạng thờ ơ của con Thanh chỉ muốn cho nó một bạt tai, bố bị đột quỵ mà mặt nó cứ nhơn nhơn ra. Thế nhưng bây giờ đang ở trong bệnh viện, tôi mà ra tay đánh nó lại ảnh hưởng đến việc khám bệnh của các bác sĩ, nên tôi cố nhịn. Con Thanh đứng dậy bỏ điện thoại vào túi xách rồi quay qua tôi nói:

- Mày ở lại đây với bố nhé. Tao đi thử vai đây. Nếu không có chuyện gì quan trọng thì đừng làm phiền tao.

- Bố đang nằm trong kia mà mày vẫn chưa từ bỏ ý định đi thử vai à? Lương tâm mày để đâu?

- Tao không phải bác sĩ. Ở lại cũng chẳng giúp được gì. Mày hay nói đạo lí lắm cơ mà, có giỏi ở lại đây luôn đi. Còn không, từ lần sau tao cấm mày mở mồm ra nói mấy lời đạo lí với tao. Nghe buồn nôn lắm.

Dứt lời con Thanh lù lù bỏ đi trước, để mình tôi ngồi chờ ngoài cửa phòng cấp cứu. Ngồi yên một chỗ lâu quá, tôi sốt ruột không chịu được thì đứng dậy đi đi lại lại. Hơn hai tiếng sau, cửa phòng cấp cứu vừa mở, bác sĩ từ bên trong bước ra. Tôi chạy đến hỏi han không ngừng:

- Bác sĩ ơi. Tình hình bố cháu sao rồi ạ? Có bị ảnh hưởng đến tính mạng không ạ?

- Bệnh nhân có khối máu đông ở tim sau đó di chuyển lên não, nhưng do khối máu tụ quá lớn nên bị tắc, dẫn đến hiện tượng vỡ tĩnh mạch. Hơn nữa do bệnh nhân không được đưa đến bệnh viện kịp thời, chúng tôi đã làm hết sức để ông ấy vượt qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên khi nào tỉnh lại thì phải theo dõi thêm.

- Dạ vâng. Cháu cảm ơn bác sĩ.

Nghe tin bố đã vượt qua cơn nguy kịch, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Bác sĩ để bố tôi theo dõi trong phòng cấp cứu thêm vài tiếng nữa, rồi chuyển ông ấy xuống phòng chăm sóc đặc biệt. Tôi tranh thủ thời gian này đi làm thủ tục nhập viện cho bố. Vừa làm xong thì Bảo tới.

- Chị Linh ơi. Bố sao rồi? Vừa nãy chị Thanh mới gọi điện cho em. Em chạy đến khoa cấp cứu, thấy bác sĩ bảo bố được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt rồi.

Tuy tôi ghét cay ghét đắng Thanh và mẹ cô ta, nhưng đối với người em trai cùng cha khác mẹ này tôi lại không có cảm giác đấy. Chỉ là thái độ của tôi với cậu ta cũng không được thân thiện lắm. Tôi nói qua loa về tình hình của bố cho Bảo nghe. Bình thường tôi và Bảo rất ít khi chạm mặt nhau. Bởi vì tôi mới về nước được gần một năm, lại đi lấy chồng luôn. Còn Bảo thuê nhà trọ học đại học bên ngoài. Nói chung chúng tôi nước sông không phạm nước giếng. Cậu ta không động đến tôi, tôi cũng không chạm tới cậu ta...

Đến khoảng 6 rưỡi tối, tự nhiên tôi thấy Bảo mang vào hai hộp cơm, đưa cho tôi một hộp:

- Chị ăn cơm đi cho nóng, em vừa mua đấy.
Thực ra bụng tôi đã kêu òng ọc từ lúc nãy, mà không dám bỏ bố một mình đi ăn cơm nên cố nhịn đói. Giờ Bảo đưa cho hộp cơm, tôi cũng chẳng giả vờ giả vịt làm gì cho tốn công.Cứ thế nhận lấy hộp cơm trong tay Bảo, cảm ơn cậu ta một tiếng rồi ăn ngon lành.

Ăn xong nhìn ra ngoài trời đã nhá nhem tối, tôi quay sang Bảo nói:

- Cậu về đi. Để mình tôi ở lại đây với bố là được rồi.

Thế nhưng Bảo lại từ chối:

- Em là con trai, khoẻ mạnh hơn chị. Chị để em ở lại đây cho.

Tôi không yên tâm để một mình Bảo ở lại đây, nhưng nói mãi mà cậu ta vẫn chẳng chịu về. Cuối cùng tôi đành mặc kệ cậu ta, rồi lấy điện thoại nhắn tin báo cho Dương biết tối nay tôi không về nhà. Đến 8 giờ sáng hôm sau, thì bố tôi tỉnh lại. Sau một hồi kiểm tra, bác sĩ gọi tôi ra nói chuyện riêng:

- Mặc dù bố cháu đã tỉnh nhưng di chứng để lại là suy giảm khả năng nói, đọc và lĩnh hội ý tưởng của người khác.

- Vậy bố cháu phải làm sao đây chú? Chú có cách gì để bố cháu nói lại được không?

Bác sĩ lắc đầu bảo:

- Cái này phải đợi ông ấy hồi phục rồi gia đình dành thời gian giúp ông ấy tập luyện, cộng thêm trị liệu ngôn ngữ may ra mới nói lại được.

Chỉ cần một tia hy vọng tôi cũng sẽ không bỏ cuộc. Tôi đã mất mẹ rồi, giờ không thể mất thêm bố nữa.

Nhìn bố nằm yên trên giường bệnh, mắt cứ hướng về phía tôi như muốn hỏi: “Tại sao bố lại nằm đây? Tại sao bố không nói được?” làm tôi không kìm lòng nổi, mà rơi nước mắt. Mới sáng hôm qua ông ấy còn nói chuyện bình thường, vậy mà chỉ sau một ngày đã thành ra thế này.Đời người đúng là có quá nhiều chuyện không thể nói trước được. Chiều hôm đó bà Hồng đi du lịch về mới vào viện thăm bố tôi. Thấy tôi bà ta như thấy kẻ thù:

- Giờ tao về rồi, để tao chăm sóc ông ấy. Mày biến về đi cho khuất mắt tao.

- Đây là bệnh viện không phải nhà bà. Bà lấy quyền gì đuổi tôi?

- Mày đừng tưởng tao không biết trong đầu mày đang suy nghĩ chuyện xấu xa gì?

- Bà biết thì bà nói đi.

- Mày không phải thách tao. Mày nhân cơ hội chăm bố mày được vài ngày, để mấy nữa mày lấy cớ đòi ông ấy chia thêm cổ phần đúng không? Tao nói cho mày biết, tao còn sống 1 ngày thì sẽ không để mày được thêm 1% nào đâu.

Tôi cười nhạt, không kiêng kị nói:

- Con gái đến bệnh viện chăm sóc bố bị đột quỵ, lọt vào tai bà sao đã trở thành một âm mưu tranh giành tài sản rồi?

- Chẳng lẽ tao nói sai cho mày? Mày đúng là đồ độc địa, rắn rết.

Bà Hồng có chửi thế nào tôi cũng không rời khỏi bệnh viện. Ban đầu, tôi còn tưởng bà ta yêu thương bố tôi nên mới ở lại chăm sóc ông ấy. Ai ngờ sự thật không phải như vậy. Chẳng qua bà ta sợ bố chia cho tôi thêm cổ phần nên mới ở lại giám sát chặt chẽ. Con Thanh láo toét nhưng không thâm hiểm, đối phó với nó chẳng cần tốn nhiều công sức. Thế nhưng bà Hồng thì khác hoàn toàn. Bà ta đeo trăm nghìn chiếc mặt nạ, cộng với diễn xuất không hề giả trân. Muốn tìm ra điểm yếu chí mạng của bà ta, cũng vô cùng khó khăn. Bố chuyển nhượng cho tôi 10% cổ phần, cộng với thời gian vừa qua, tôi cố tìm cách thu mua của mấy cổ đông khác được thêm 3%. Tổng cộng bây giờ tôi có tất cả 13%. Con số này vẫn còn rất nhỏ, chưa thể làm nên việc gì lớn.

Hôm ấy tôi ở lại viện với bố đến tận 5 giờ chiều mới về nhà. Vì bà Hồng đã thuê được hộ lí chăm sóc riêng cho bố tôi, nên đêm nay tôi không phải ở lại viện với ông ấy nữa. Về nhà, tôi biết Dương không ưa bố tôi. Khúc mắc trong quá khứ giữa hai người bọn họ tuy không ai nói gì, nhưng tôi đoán trong lòng Dương vẫn còn rất để tâm. Vì chẳng ai có đủ bao dung tha thứ cho một người từng muốn giết chết mình. Có điều bố vợ bị đột quỵ, mà tôi lại không nói gì với chồng thì cũng không ổn lắm, nên tôi quyết định nói qua loa về tình hình của bố cho Dương nghe. Nghe xong, cơ mặt anh ta vẫn bất biến không chút thay đổi, chỉ lạnh nhạt “ừ” một tiếng, một câu hỏi thăm bố vợ cũng không có.

****

Những ngày tiếp theo, tôi đã quay trở lại công ty làm việc. Khi nào có thời gian rỗi thì sẽ vào bệnh viện thăm bố, nhưng mỗi lần tôi vào bà Hồng đều ngồi kè kè bên cạnh. Bà ta chỉ sợ mình sơ sẩy không để ý một chút thôi, là tôi lại xin bố thêm cổ phần. Con người sống chỉ biết đến tiền, nên lúc nào cũng nơm nớp lo sợ hết cái này đến cái kia. Tình trạng của bố tôi cứ thế kéo dài cho đến hơn một tháng sau, thì có tiến triển mới. Ông ấy đã bắt đầu thực hiện trị liệu ngôn ngữ. Tuy chưa nói được nhiều, nhưng cũng được vài ba từ đơn giản. Bác sĩ cũng xác nhận, kết quả phục hồi của bố tôi khá tốt.

Công ty Hồng Thiện bây giờ đang được điều hành dưới sự chỉ đạo tạm thời của chú Nguyên phó giám đốc. Cũng là người bạn thân lâu năm của bố tôi. Mọi việc sẽ không có gì đáng nói nếu như trưa hôm ấy, tôi đang say sưa làm nốt phương án tiêu thụ sản phẩm. Lúc ngẩng đầu lên thì mọi người trong phòng làm việc đều đi ăn cả rồi.

Tôi vươn vai thở dài một hơi, định mở ngăn kéo lấy chiếc bánh mì ra ăn tạm, thì anh Đức xách một hộp cơm đến, đặt trước mặt tôi nở nụ cười tươi tắn:

- Anh mua cơm cho nhân viên xuất sắc nhất phòng kinh doanh đây. Cơm gà đấy. Em ăn đi cho nóng.

Nhận lấy hộp cơm trong tay anh Đức, mới chỉ động vào vỏ hộp thôi nhưng hơi ấm ở đó đã truyền sang tay tôi:

- Em cảm ơn sếp nhé. Sếp quan tâm em thế này, em phải cố gắng hơn gấp đôi mới được.

- Thôi. Anh xin em. Em mà cố gắng hơn gấp đôi nữa, thì công ty không có tiền trả lương cho em đâu.

- Trước giờ em thấy mỗi mình anh là trưởng phòng mà bảo nhân viên làm ít thôi. Anh không sợ bị giám đốc phê bình à?

- Không. Phòng kinh doanh có một nhân viên nữ là “nóc nhà” của sếp nên anh sợ gì?

- Nhưng “nóc nhà” này không có quyền lực, nên không “bảo kê” được cho anh đâu.

- Sao lại không có quyền lực?

Tôi cười nhạt không muốn trả lời. Anh Đức cũng không nói gì thêm chỉ lặng yên nhìn tôi. Cái nhìn thật sự rất khó hiểu. Tôi không đoán được ý trong ánh mắt đó, nên giả vờ quay mặt sang hướng khác. Mãi một lúc lâu sau, anh ấy mới mở miệng khẽ hỏi:

- Em sống với sếp không hạnh phúc à?

- Không. Em với anh Dương…hạnh phúc lắm.

- Hạnh phúc của em đánh đổi bằng tự do và nước mắt đúng không?

Câu hỏi đột ngột của anh Đức nhất thời khiến cơ mặt tôi cứng ngắc, không còn chút tự nhiên. Máu trong cơ thể muốn đông cứng cả vào. Khóe miệng giật giật, cố vẽ ra nụ cười méo xệch:

- Không…phải như thế đâu. Anh đừng nghe cái Giang nói lung tung.

Anh Đức định nói thêm câu gì đó với tôi, nhưng đúng lúc Dương đi qua nên cả hai đều im bặt không nói ai nói thêm gì nữa. Chuông điện thoại của tôi reo lên phá vỡ không khí ngột ngạt trong phòng. Là bà Hồng gọi đến. Tôi nghĩ bà ta muốn thông báo tình hình của bố, nên không ngần ngại ấn nút nghe:

- Alo.

Đầu dây bên kia tôi không nghe thấy âm thanh trả lời của bà Hồng, nhưng lại có những tiếng nấc nhẹ. Tự nhiên tôi thấy bất an trong lòng:

- Alo. Bà làm sao thế?

- Bố…Bố mày…mất rồi.

Lời bà Hồng nói như tiếng sét to đánh ngang tai tôi, làm sống lưng tôi lạnh buốt. Não bộ không thể tiếp nhận nổi thông tin. Hai hàm răng va đập vào nhau kêu lách cách. Tôi lắp bắp:

- Bà nói gì? Tôi không nghe rõ.

- TAO NÓI BỐ MÀY MẤT RỒI. Mày nghe rõ chưa hả con bất hiếu?

Mặc kệ tiếng mắng nhiếc của bà Hồng ở đầu dây bên kia, tôi bị như ai đó rút cạn hết sức lực. Hô hấp dồn dập, phải mở miệng hít lấy không khí từ bên ngoài rồi khó khăn nói:

- Bố…Bố tôi đang ở đâu?

- Tao đưa ông ấy về nhà làm tang rồi. Mày có đến gặp mặt ông ấy lần cuối thì gặp.

Sau khi tiếp nhận sự thật, chiếc điện thoại trong tay tôi rơi thẳng xuống đất vỡ tan tành. Mặt tôi trắng bệch, không còn một tia máu. Anh Đức đứng bên vội đỡ lấy tôi hỏi han:

- Bác trai xảy ra chuyện gì rồi? Bình tĩnh nói anh nghe xem nào?

Tôi nhìn Đức rồi lại nhìn ra phía ngoài cửa, nơi Dương đang đứng. Thấy anh ta cũng đang nhìn tôi. Nỗi tủi thân trong lòng tự dưng lại dâng cao:

- Bố…Bố em mất rồi.

- Em bình tĩnh đừng kích động, để anh đưa em về.

Anh Đức vừa dứt lời, thì Dương từ bên ngoài đi vào không nói không rằng cầm tay tôi kéo về phía anh ta:

- Đi về.

Bình thường ở công ty Dương chẳng bao giờ tỏ vẻ thân mật với tôi. Nhưng giây phút tay tôi chạm vào bàn tay to lớn của Dương, và khi nghe được hai từ “đi về” thốt ra từ miệng anh ta, cảm giác sợ hãi trong lòng tôi bỗng vơi đi một nửa. Dương kéo tôi đi qua người anh Đức, trước khi đi còn không quên nói thêm một câu:

- Người mất là bố vợ tôi, chứ không phải bố vợ cậu. 

Nhấn Mở Bình Luận