Chương 22.
Ngồi trên xe chưa tới 20 phút, Dương đã chở tôi về nhà. Tôi vội vã mở cửa xe bước xuống chạy như bay vào bên trong. Vì chạy nhanh quá tôi còn vấp ngã mấy lần, đầu gối xước xát chảy máu tôi cũng chẳng quan tâm. Ý niệm duy nhất trong đầu tôi lúc này là được vào gặp bố. Nhìn bố nằm im lìm trên giường, tôi không thể kiềm chế nổi cảm xúc nước mắt cứ thế chảy dài trên má, nghẹn ngào gọi hai tiếng:
- Bố ơi…Bố ơi…
Bà Hồng đi qua nhìn tôi ngứa mắt giằng tay tôi ra khỏi người bố:
- Mày câm mồm lại cho ông ấy ra đi thanh thản. Khóc lóc om sòm tao tống cổ đấy.
Tôi ngẩng đầu nhìn bà ta đầy căm phẫn. Bố tôi mất chẳng lẽ tôi không được khóc à? Rõ ràng chiều qua tôi vào thăm bố, bác sĩ bảo tốc độ hồi phục của ông ấy khá nhanh. Vậy mà hôm nay bố tôi đã mất rồi. Chuyện này càng nghĩ càng thấy không đúng lắm.
Tôi hỏi bà Hồng:
- Tại sao bố tôi lại mất? Bà nói đi. Nói ngay cho tôi.
Bà Hồng bị tôi gào vào mặt như thế cũng không chịu để yên mà hét to hơn:
- Ý mày là sao? Mày không nghe bác sĩ nói à? Bố mày bị đột quỵ, không thể nói trước được điều gì. Tao mà biết được vì sao ông ấy chết, thì tao đã chẳng đứng đây.
- Bà nói dối.
- Việc quái gì tao phải nói dối mày? Giờ mày có để yên cho tao làm tang bố mày không? Hay mày muốn phá đám để bố mày chế.t cũng không được nhắm mắt?
Nghe bà Hồng nói vậy tôi cũng không làm loạn lên nữa, để bà ta làm tang cho bố tôi. Rõ ràng lúc nãy mặt bà Hồng và con Thanh cứ trơ ra như khúc gỗ. Vậy mà khi khách khứa đến, hai mẹ con bọn họ lại thi nhau gào khóc thật to.
Hai ngày lo tang lễ cho bố chỉ có Dương ở bên cạnh tôi. Con Giang, cái Hoài, anh Đức và mấy chị đồng nghiệp ở phòng kinh doanh có đến viếng bố tôi một lúc rồi cũng ra về. Khi mọi người trong công ty đến, Dương tránh mặt đi chỗ khác nên bọn họ vẫn chưa phát hiện ra chúng tôi là vợ chồng. Tối hôm đó sau khi mọi việc đã xong xuôi, Dương đưa tôi về nhà trong tình trạng mệt nhoài. Tôi khóc nhiều quá giọng khàn cả đi, hai mắt đau nhức, môi nẻ toác chỉ khẽ nói cũng đau đến bật máu. Vậy là tôi chính thức trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mồ côi ở độ tuổi nào thì cũng là mồ côi. Nỗi đau ấy không ai có thể vượt qua một cách dễ dàng...
Dương nhìn bộ dạng lôi thôi, lếch thếch của tôi anh ta không nói không rằng đi thẳng vào bếp lạch cạch xoong nồi một hồi. Tầm 15 phút sau mang ra cho tôi một bát mì nóng hổi, còn bỏ cả trứng gà vào trong đó:
- Ăn đi.
- Tôi không ăn.
- Không ăn thì cô định hít không khí để sống à? Hai ngày nay cô được hạt cơm nào vào bụng chưa?
Trong người tôi đã bức bối khó chịu lắm rồi, mà Dương còn nói với tôi những lời vô nghĩa này làm tôi nổi cáu. Thế là tôi trút hết giận dỗi, đau đớn lên đầu anh ta:
- Tôi được hạt cơm nào vào bụng hay chưa liên quan gì đến anh? Anh nghĩ bố tôi mất thì tôi còn nuốt nổi cơm à?
Tự nhiên tôi mất khống chế gào lên như con dở hơi, mặc dù biết rõ Dương không liên quan gì đến cái chết của bố tôi. Tôi đúng là bị điên thật rồi. Bước chân tôi tiến về phía trước, muốn rời khỏi phòng khách, muốn trốn tránh ánh mắt thương hại của Dương. Nhưng vừa bước được hai bước, anh ta đã cầm cổ tay tôi kéo lại. Sau đó ấn người tôi ngồi xuống ghế:
- Người mất cũng mất rồi. Giờ cô có nhịn đến chết thì bố cô cũng không sống lại được đâu. Tốt nhất là cô hãy sống cho đàng hoàng, để ông ấy yên tâm nhắm mắt.
Câu nói thẳng thắn của Dương làm tôi bừng tỉnh. Phải rồi. Tôi không thể cứ trượt dài trong nỗi đau để mẹ con bà Hồng đắc ý. Tôi phải mạnh mẽ sống, như cái cách tôi vẫn tồn tại bao nhiêu năm qua. Cúi đầu nhìn bát mì tôm trứng vẫn còn đang bốc hơi nghi ngút, tôi cầm đũa ăn từng miếng, đến khi mì trong bát chẳng còn lại bao nhiêu tôi mới tạm dừng lại. Đêm hôm đó dù tôi rất mệt, nhưng chẳng tài nào chớp mắt nổi. Dương nằm bên cạnh nhìn tôi cứ ngoáy như con sâu, anh ta không chịu được mà vươn tay kéo tôi vào lòng.
- Ngủ đi.
- Tôi không ngủ được.
Tựa đầu vào lồng ngực ấm áp rộng lớn của ai kia, trái tim tôi như có một dòng nước ấm chảy qua, xua tan bao nhiêu mịt mù u tối. Tuy nhiên tôi vẫn không thể ngừng suy nghĩ lung tung. Dương biết điều đó nên nhẹ giọng nói:
- Nhắm mặt lại. Đừng nghĩ ngợi nhiều.
Tôi khẽ ngước mắt thì thầm hỏi anh ta một câu:
- Anh ghét bố tôi lắm đúng không?
Hai mắt Dương nhắm nghiền, không nói gì nhưng vẫn ôm chặt lấy tôi. Tôi đợi một lúc lâu không thấy anh ta không trả lời, định hỏi câu tiếp theo thì Dương bỗng lên tiếng:
- Chuyện bố cô làm không liên quan đến cô.
Dương không trực tiếp trả lời câu hỏi của tôi, nhưng tôi cũng hiểu đại thể ý anh ta là những chuyện trong quá khứ bố tôi gây ra cho anh ta không liên quan gì đến tôi. Tôi lảm nhảm nói chuyện với Dương đến khi hai mắt nặng trĩu, trước khi chìm vào giấc ngủ câu cuối cùng tôi hỏi anh ta là:
- Anh định bao giờ li hôn với tôi?
Sau đó Dương trả lời thế nào tôi cũng không rõ, chỉ nghe mang máng câu:
- Tôi không li hôn.
Sáng sớm hôm sau vừa mở mắt tỉnh dậy, điện thoại của tôi đã phát ra âm thanh báo hiệu có cuộc gọi đến. Tôi mơ mơ màng ấn nút nghe:
- Alo.
Đầu dây bên kia giọng bà Hồng lanh lảnh:
- Tối qua luật sư của bố mày gọi điện thông báo, hôm nay ông ta sẽ sang nhà công bố di chúc bố mày để lại. Mày sang mà nghe cho thủng. Không đến lúc lại bảo tao chiếm đoạt tài sản là không xong với tao đâu.
Ngày trước khi bố tôi còn sống, tôi chưa bao giờ nghe thấy ông ấy nhắc đến việc làm di chúc. Thế nhưng bà Hồng đã nói thế thì tôi không thể không về. Dù sao đó cũng là tài sản cả một đời bố mẹ tôi vất vả gây dựng lên. Tôi không thể trơ mắt đứng nhìn nó rơi vào tay mẹ con bà ta. 8 giờ sáng, Dương lấy xe chở tôi về nhà, ngồi trên xe tầm nửa tiếng là tới nơi. Tuy nhiên nhà tôi hôm nay lại có vẻ náo nhiệt hơn mọi khi. Ngoài cổng có ba chiếc xe ô tô đứng nối đuôi nhau. Nhìn vào bên trong tôi thấy có mấy người xăm trổ đầy mình, tướng tá hung dữ nhìn giống hệt mấy tên du côn đứng kín hai bên cửa phòng khách.
Khi tôi còn chưa hiểu chuyện gì, bà Hồng đã thò đầu ra quát:
- Con kia. Mày có bước nhanh cái chân lên không? Bao nhiêu người đang chờ mày đấy.
Nhìn vẻ mặt hớn hở mong chờ của bà Hồng hôm nay khác hẳn với hôm qua. Bà ta thực sự là cao thủ diễn xuất. Tôi liếc mắt nhìn bà ta một cái, rồi bình thản bước vào phòng khách. Ba mẹ con bà Hồng ngồi cùng nhau trên chiếc ghế sofa dài. Đối diện với bọn họ là vị luật sư trung niên, mặc bộ vest màu xám. Khi mọi người đã có mặt đông đủ, bà Hồng bắt đầu quay sang luật sư nói:
- Mọi thành viên trong nhà tôi có mặt đủ cả rồi, mời luật sư công bố di chúc.
Luật sư gật đầu, mở cặp lấy tập tài liệu đã được dán tem niêm phong cẩn thận giơ ra trước mặt mấy người chúng tôi. Giọng nói khàn khàn:
- Đây là di chúc của ông Nguyễn Khoa Thiện, vẫn còn nguyên tem niêm phong, mời mọi người xem qua.
- Không cần đâu. Luật sư cứ bóc ra công bố đi, tôi và mọi người ở đây đều nhìn thấy tem niêm phong còn nguyên vẹn mà.
Luật sư liếc mắt nhìn qua tôi một cái rất nhanh. Sau đó ông ta đưa tay xé tem niêm phong, cầm bản di chúc ra ngoài bắt đầu đọc to, rõ ràng:
“ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam - Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc. Di Chúc. Hôm nay ngày 3 tháng 9 năm 20XX. Tôi là Nguyễn Khoa Thiện. Chứng minh nhân dân số….”
Luật sư mới đọc đến đây, Thanh đã sốt ruột không chịu nổi mà cắt ngang lời ông ta:
- Chú không cần đọc mấy cái rườm rà, lằng nhằng này đâu, cứ vào thẳng vấn đề quan trọng nhất đi. Chứ giờ ai thèm quan tâm đến ngày tháng năm sinh của bố cháu nữa?
Tôi nghĩ thầm trong bụng Thanh đúng là “con gái cưng” của bố tôi. Lúc ông ấy còn sống thì luôn miệng nịnh nọt, tới khi mất rồi lại chỉ quan tâm đến tài sản. Thậm chí một vài giây chờ luật sư đọc xong ngày tháng năm sinh của bố, cô ta cũng không chờ nổi mà luôn miệng giục giã:
- Chú nhìn mẹ cháu làm gì? Đọc nhanh lên đi.
Không còn cách nào khác, luật sư buộc phải bỏ ngắt quãng một đoạn để đọc vào mục chính:
- Tôi quyết định để lại 35% cổ phần công ty Hồng Thiện cho người vợ hợp pháp của tôi là bà Dương Thị Bích Hồng. Còn lại toàn bộ bất động sản dưới tên tôi sẽ chia đều cho hai con là Nguyễn Diệu Thanh và Nguyễn Đăng Bảo. Ngoài những người có tên trên đây, tôi không để lại tài sản thừa kế cho bất kỳ người nào khác. Việc phân chia tài sản trong mẫu di chúc này là hoàn toàn do ý nguyện của tôi, được xác lập trong trạng thái hoàn toàn minh mẫn sáng suốt, không bị bất cứ ai đe doạ hoặc lừa dối cưỡng ép.
- Người lập di chúc: Nguyễn Khoa Thiện.
- Người làm chứng: Trương V Minh. Trần Tiến Bình.
Công bố xong bản di chúc, luật sư Minh đứng dậy xin phép ra về. Bóng dáng ông ta vừa rời khỏi phòng khách, nụ cười trên môi Thanh càng nở rộ:
- Thế này mới đúng chứ. Bố thật là sáng suốt.
Bà Hồng ngồi bên cạnh Thanh cơ mặt cũng giãn hết cả ra. Nếu tôi và mấy người kia không có ở đây, chắc chắn hai mẹ con bà ta sẽ ôm lấy nhau la hét vui mừng. Tôi không ngờ trong di chúc của bố, tôi lại không được hưởng bất cứ thứ gì. Tôi nghi ngờ có người đã giở trò với bản di chúc luật sư vừa đọc. Nhưng hiện tại trong tay tôi không có bằng chứng. Cuối cùng miệng tôi chỉ buột ra được vài từ:
- Không…Không thể như thế được…
Thanh đang ngồi đứng bật dậy, hướng ánh mắt đắc ý nhìn về phía tôi:
- Tại sao lại không thể như thế? Mấy tháng trước bố đã chuyển nhượng cho mày 10% cổ phần công ty. Giờ ông ấy để lại cho tao với thằng Bảo đất đai, nhà cửa thì có gì sai?
Không để tôi trả lời, cô ta tiếp tục thao thao bất tuyệt:
- Tao biết thừa mày đang ghen tị nổ mắt với mấy mẹ con tao, khi được bố chia cho toàn bộ tài sản, còn mày lại chẳng được cái đinh gỉ gì. Thế sao mày không tự nghĩ xem, hồi bố còn sống mày ăn ở mất dạy đến chừng nào mà ông ấy không “xí” cho mày một xu dính túi.
- Mày im đi. Chưa biết đứa nào ăn ở mất dạy với bố đâu? Hôm bố đột quỵ phải vào viện cấp cứu, đứa nào cứ một mực đòi đi thử vai bỏ mặc bố không thèm hỏi han?
- Mày có lôi chuyện cũ ra kể cũng chẳng thay đổi được gì đâu. Mày nên nhớ ngôi nhà này bây giờ đã thuộc quyền sở hữu của tao. Mày có tin tao tống cổ mày ra đường như một con bốn chân biết sủa không?
Trước mấy lời “chợ búa” của Thanh, tôi không nhịn được mà trừng mắt lên quát:
- Tao thách mày đấy.
Mọi lần thấy tôi nổi khùng lên, Thanh đều không dám làm gì nhưng hôm nay cô ta vừa được hưởng bao nhiêu nhà cửa đất đai của bố tôi nên mặt mũi vênh váo hơn rất nhiều:
- Mày thách tao đúng không? Vậy hôm nay tao sẽ cho mày biết thế nào là lễ độ.
Dứt lời Thanh cầm cốc nước đang uống dở trên bàn, hất thẳng về phía tôi. Cũng may Dương nhanh tay, kéo tôi về phía anh ta nên mới kịp tránh được. Về phía Thanh, cô ta nhìn Dương bảo vệ tôi như thế thì sinh ra bực tức:
- Anh Dương. Sao anh còn bênh nó chằm chằm vậy? Giờ nó chỉ là con khố rách áo ôm không có một xu dính túi. Còn em là người được hưởng một nửa nhà cửa đất đai của bố. Chỉ cần anh ly hôn với nó, em sẽ sang tên toàn bộ tài sản của em cho anh. Được không?
Dương vốn dĩ không vừa mắt với Thanh nên anh ta chẳng ngại mất lịch sự mà thẳng thừng đáp lời:
- Cô nghĩ tôi thiếu tiền à? Bất động sản của cô tôi liếc qua đã thấy bẩn mắt chứ đừng nói là cô.
- Anh…
Thanh bị câu nói của Dương làm cho lặng câm, nhưng cô ta lại căm hận nhìn về phía tôi chửi bới:
- Có phải con hồ li tinh kia đã dùng chiêu trò bẩn thỉu hèn hạ gì mê hoặc anh rồi đúng không? Anh tỉnh táo đi, đừng để nó lừa hết lần này đến lần khác.
Bảo ngồi yên từ nãy đến giờ bỗng đứng bật dậy nói:
- Chị thôi đi. Chị quá đáng lắm rồi đấy.
- Mày bảo ai quá đáng? Chị ruột mày là tao đây nài, chứ không phải con khố rách áo ôm kia đâu.
- Bản di chúc này có thực là bố để lại không?
- Ý mày là gì? Bản di chúc có chữ kí của bố, luật sư là người làm chứng cũng đến tận đây rồi mày còn đòi hỏi gì nữa? Mày không thích tiền của bố thì để đấy cho tao với mẹ, đừng nói lăng nhăng.
Bà Hồng thấy Bảo bênh tôi thì như bị chọc điên. Mặt bà ta đỏ phừng phừng, chỉ tay vào thẳng mặt tôi quát tháo:
- Mày cút khỏi đây ngay. Nhà này không còn chỗ cho mày nữa. Từ giờ trở đi tao cấm mày về.
Tôi có thể không lấy tài sản của bố để lại, nhưng ngôi nhà này mẹ tôi từng ở khi còn sống. Bài vị của mẹ cũng ở đây, tôi sẽ không dễ dàng để mẹ con bà Hồng chiếm đoạt một cách ngang nhiên như thế.
Tôi kiên định nói:
- Nhà này có một phần tiền của mẹ tôi, nên bà không có quyền đuổi tôi đi. Trong di chúc có ghi bất động sản dưới tên bố để lại cho hai đứa con bà, tôi cũng chẳng thèm tranh giành. Tôi chỉ cần ngôi nhà này để có chỗ hương khói cho bố và mẹ tôi.
- Mày đừng có mơ. Tao nói cho mày biết, một viên gạch vỡ ở ngôi nhà này tao cũng không để mày mang đi.
- Lòng tham của bà đúng là vô đáy.
Bà Hồng nhếch môi hất cằm ra phía cửa:
- Tao biết thể nào khi công bố di chúc mày cũng sẽ giở trò nên tao đã thuê mấy người kia. Bọn họ toàn là dân anh chị, có máu mặt trong xã hội. Hai vợ chồng mày biết điều thì mau biến khỏi đây đi, không đừng trách tao ác. Còn bài vị của mẹ mày, tí nữa tao sẽ mang ra sọt rác vứt. Nhà này bây giờ do tao làm chủ, mọi việc đều phải nghe theo lời tao.
- Nếu bà dám động đến bài vị của mẹ tôi, tôi sẽ liều mạng với bà.
- Để xem mày làm gì được tao?
Nói xong, bà Hồng dõng dạc gọi mấy tên du côn kia vào ra lệnh:
- Lôi cổ hai người này ra ngoài cho tôi.
Một tên béo vạm vỡ tiến về phía tôi, giơ tay định tóm lấy cổ áo tôi nhưng bị giọng nói lạnh lùng của Dương doạ cho lùi về phía sau:
- Đứa nào dám động đến vợ tao?