Lọc Truyện
Từ ngày 12/7/2024: Metruyenhot sẽ chuyển sang dùng tên miền metruyenhotmoi.com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ chúng mình và nhớ tên miền mới này nhé!

Loạn Thần - Cố Hạnh Ch

Cố Hạnh Chi nghe vậy thì trái lại không thấy có quá nhiều bất ngờ. 

Trò lặng lẽ tẩu thoát, lấy cái chết để thoát tội chẳng phải chiêu mới gì, chàng gặp nhiều rồi. Chỉ là nếu kẻ đứng sau màn đã biết người đáng chết lại chưa hề chết, e là sẽ giành trước một bước giết người diệt khẩu. 

Thế nên vào thời điểm này, phải giành lấy nó. 

Chàng suy tính một chốc, buông quyển sách trong tay, đang định sắp xếp thì trông thấy Tần Chú không biết từ lúc nào đã chạy đến trước mặt mình. Tay hắn dò xuống tìm, túm được xấp đồ ban nãy bị nhét vào dưới bàn một cách chuẩn xác rồi kéo ra ngoài, giấy má lập tức rơi lả tả ra đất. 

Dù tính tình có tốt cỡ mấy, Cố Hạnh Chi cũng có phần tức giận, tiến tới tóm lấy Tần Chú rồi nhấc cả người hắn lên. 

“Oái! Oái! Thả ta ra! Giết người! Thị lang trung thư Cố Hạnh Chi ban ngày ban mặt ở trung thư tỉnh ngang nhiên  giết người!” Tần Chú thấy vùng vẫy vô dụng, bèn vừa kêu la vừa giật một tờ giấy trong đó ra, một hai muốn coi tường tận. 

“Đây là…” Tần thị lang bị người ta xách cổ áo lấy làm khó hiểu, nhìn thứ đồ giống bảng chữ mẫu kia, mặt hắn nhăn tít hệt quả mướp đắng. 

Tay bỗng trống không, đồ đã bị Cố Hạnh Chi cướp về. 

“Ngươi viết bảng chữ mẫu làm chi?” Tần Chú truy hỏi Cố Hạnh Chi đang cúi người nhặt lại giấy, khăng khăng hỏi cho ra nhẽ. 

“Luyện chữ.” 

Tần Chú ngơ ngác, cảm giác như mình đang nghe chuyện cười. 

Xem cả cái Nam Kỳ, thử hỏi ai mà không biết Cố Hạnh Chi con cháu của dòng chính Cố thị Kim Lăng, ngoài tài học tuyệt vời, quyền cao chức trọng ra thì cầm kỳ thi họa không gì là không biết. 

Đặc biệt là tay thư pháp mạnh mẽ như rồng, phượng loan phiêu bạt kia, lại còn là thiếu niên nổi tiếng, thậm chí cả tiên đế cũng phải ca ngợi chàng là đệ nhất thư pháp Nam Kỳ. Mà bây giờ đây, Cố hòa thượng này lại nói với hắn bằng khuôn mặt không cảm xúc, rằng chàng viết bảng chữ mẫu vì để luyện chữ. 

Tần Chú nghẹn lời, thế này thì có khác nào đang coi thường Hình Bộ, coi thường Tấn Chú hắn. 

Lời chất vấn toan thốt khỏi miệng, bên ngoài chợt vang lên tiếng gõ cửa. Tần Chú sửng sốt, nghe thấy giọng nói có phần sốt ruột của chủ bạ*. 

*Chủ bạ (主簿): tên một chức quan, làm công việc trong coi, cất giữ sổ sách. 

“Ngự sử tuần thành đến báo, nói là bờ Nam sông Tần Hoài có một quan viên say rượu gây chuyện.” 

Cố Hạnh Chi trông vẫn như thể dù trời có sập cũng chả sao, chàng quẳng bảng chữ mẫu đi, bước tới cạnh bàn mới hỏi một câu, “Là ai?” 

“Ty chức không biết…” Chủ bạ cúi đầu lau mồ hôi, “Thoạt nhìn người kia lạ mặt lắm, nhưng ăn vận lộng lẫy, ra tay hào phóng, trên người còn đeo ngọc bội mà chỉ con cháu hoàng thất mới có. Nên nha môn không dám tùy tiện bắt người.” 

Nghe thế, Cố Hạnh Chi chau mày, song vẫn bình tĩnh nói: “Vậy cũng nên tìm Hình Bộ, Đại Lý Tự hoặc là Ngự Sử Đài, tìm đến Trung Thư Tỉnh là có ý gì?” 

Chủ bạ ngập ngừng, chỉ đành nói tiếp: “Hắn… hắn ta chủ động đòi gặp Cố thị lang. Còn, còn hỏi Cố thị lang có dám so cờ với hắn ta hay không.” 

Bảng chữ mẫu trong tay không cầm chắc rơi phịch một cái xuống án thư, trong phòng thoáng chốc trở nên im ắng. 

Cố Hạnh Chi và Tần Chú liếc nhau, Tần Chú há hốc miệng, lặng lẽ chớp chớp cặp mắt hạnh. 

Say rượu, gây chuyện, con cháu hoàng thất, vào kinh gần đây, cộng thêm tật “nghiện cờ mê bạc”, ngoài người kia ra thì còn có thể là ai? 

“A… cái đó…” Tần Chú lại bắt đầu pha trò đùa cợt theo thói, “Chuyện của Ngu hầu ở Điện tiền ti* kia không kéo dài được, tình hình cấp bách, bây giờ ta phải quay về Hình Bộ một chuyến. Dù sao người hắn ta muốn gặp là ngươi chứ không phải ta, tự ngươi đi đi.” 

*Điện tiền ti: tên một cơ quan thời xưa.

Vừa nói xong đã biến mất dạng. 

Cố Hạnh Chi cười bất đắc dĩ, thản nhiên dặn dò với ngoài cửa một câu: “Chuẩn bị xe.” 



Cỗ xe ngựa chạy lộc cộc qua ngõ hẻm và phố xá náo nhiệt, đi vào bờ Nam sông Tần Hoài sôi nổi nhất thành Kim Lăng. Tuy màn đêm hẵng chưa buông nhưng người đi đường nơi đây đã qua lại chật cứng, ngựa xe như nước. 

Qua hai ngã tư, Cố Hạnh Chi bảo người cho xe dừng bên ngoài một nhà thổ lớn nhất bờ Nam. 

Như chàng dự liệu, đông đảo người đi đường vây quanh cửa nhà thổ, một đám nha dịch và mấy Ngự sử tuần thành đều bó tay bất lực nhìn kẻ đang khóc lóc ăn vạ trước mắt. 

Kẻ đó khoác cẩm bào màu vàng thu chín được thêu bằng kỹ thuật của Tô Châu, rõ ràng vừa tươi sáng mà vừa có vẻ già dặn, song mặc trên người hắn ta lại không tạo chút cảm giác mất hài hòa nào. Ánh mặt trời tỏa chiếu quanh người càng khiến hắn ta thêm phần rực rỡ. 

Cặp mắt hoa đào đong đầy sắc xuân nửa mở nửa khép, men say ngà ngà, da dẻ đỏ bừng, khiến người ta không kìm được muốn lại gần một chút, xem xem bên trong rốt cuộc giấu bao nhiêu là phong hoa tuyết nguyệt. 

“Đại nhân!” Chỉ huy sứ của Thành phòng ti* thấy Cố Hạnh Chi, như được đại xá, cúi người vội vã chạy sang, dùng ánh mắt lặng lẽ hỏi tới cùng là mình đã đụng phải thần thánh phương nào. 

*Thành phòng ti: tên một cơ quan thời xưa.

Mà người say chếnh choáng kia lúc bấy giờ đã nhìn về Cố Hạnh Chi, sau đó gọi một tiếng vừa ngạc nhiên lẫn vui mừng: “Trường Uyên huynh!” 

Tiếng gọi vang tận trời xanh, quả thực như có khả năng làm thức tỉnh cả kẻ ngu muội. Ánh nhìn của mọi người tự nhiên đổ dồn sang Cố Hạnh Chi. 

Nhưng chàng vẫn giữ vẻ điềm nhiên như không, cũng chẳng đáp lời chỉ huy sứ, lại còn vẫy tay cho tùy tùng lui xuống, cất bước đi tới chỗ kẻ kia. 

“Trường Uyên huynh ~” Giọng nói khi say rượu nghe rõ là khàn khàn mềm mại, một cánh tay thò ra khỏi ống tay áo rộng sắc vàng thu chín, vươn về phía Cố Hạnh Chi, cổ tay bị chàng giữ chặt bằng một thái độ công minh không thiên vị. 

Người đó lập tức rên lên một tiếng, “Trường Uyên huynh!” 

Cố Hạnh Chi mặc kệ hắn ta, tóm lấy tay hắn ta xách người dậy, lạnh giọng hỏi: “Ngươi muốn tự đi hay để ta giúp ngươi?” 

Ngữ khí ôn hòa, bình tĩnh, không chút dọa dẫm, như thật sự chỉ là tiện miệng hỏi. 

Tuy nhiên người nghe lại run bắn lên, giành giật hơi thở cuối cùng, nói: “Huynh và ta tốt xấu gì cũng quen biết từ nhỏ, còn học cùng thầy… A!!! Thả tay! Gãy rồi! Gãy rồi! Ta đi, ta đi với huynh là được chứ gì!”

Lúc này Cố Hạnh Chi mới giảm bớt lực ở tay, giương mắt liếc nhìn nhà thổ phía sau hắn ta, nhẹ nhàng dặn dò gã hầu: “Một phòng kín, không cần cô nương hầu hạ.” 

“Huynh không cần thì ta…. cầ… Được rồi, ta cũng không cần…” 

Hai người một trước một sau đi lên tầng hai. 

Hiện vẫn chưa phải giờ làm ăn của nhà thổ, khách trong lầu không nhiều, hơn nửa là phú thương rồi con cháu quý tộc yêu thích phong nhã mới đến chỗ này nghị sự, thế nên hoàn cảnh cũng không quá ồn ào. 

Ngồi trên sạp nơi hương trà nghi ngút mịt mùng, Cố Hạnh Chi yêu cầu thêm một bếp lò gốm có hoa văn tựa lông chim đa đa. Khói trắng lượn lờ lấp đầy gian phòng. 

Hai người trầm mặc ngồi đối diện nhau, một lúc lâu sau, cuối cùng Cố Hạnh Chi cất giọng hỏi: “Đến đây khi nào?” 

Người kia nghiêng người tựa vào tháp, gập một chân lên, dáng ngồi chả ra làm sao, đáp một câu: “Hôm nay, vừa mới xuống thuyền.” 

“Vừa mới xuống thuyền đã gây chuyện, ngươi chê một đời lừng lẫy của Yến vương không đủ cho ngươi xài sao?” Cố Hạnh Chi châm trà, chậm rãi nói. 

Yến vương, ấy là Tứ đệ của đương kim hoàng thượng, là vương gia mà tiên đế thân phong, rất được vua thiên vị. Tiếc rằng qua đời khi còn trẻ, đã vùi xương ở dốc Bạch Mã trong cuộc Bắc phạt. 

Ông bà có câu cha nào con nấy. Vậy nên, có lẽ là người thì sẽ không một ai tin kẻ phong lưu quần lụa áo là, ăn chơi đàn đúm, sống mơ mơ màng màng trước mặt đây lại chính là đứa con trai duy nhất của Yến vương đã mất. 

Thế tử Tống Dục của Yến vương. 

Người đối diện thờ ơ khịt mũi, cướp lấy chén trà nhỏ từ tay Cố Hạnh Chi, uống một ngụm không buồn khách sáo, vẫn nói với điệu bộ tí ta tí tởn: “Cố Trường Uyên, huynh tàn nhẫn lắm! Ta mới từ đất phong vào kinh đã muốn tới gặp huynh, huynh không mời ta uống hoa tửu* thì thôi, thế mà vừa gặp đã đánh người, đánh người xong lại dạy đời người ta. Ngày xưa thái độ của huynh lúc có việc tìm ta đâu có như thế.” 

*Hoa tửu: rượu có kỹ nữ hầu.

Cố Hạnh Chi nhíu mày nhìn hắn ta, “Ta có việc tìm ngươi?” 

Tống Dục thấy chàng qua cầu rút ván thì cáu tắt cả thở, bèn mò từ trong ngực ra một quyển sách dạy đánh cờ, giờ trang đầu tiên, chỉ vào ba chữ đằng trên, nói: “Cố, Hạnh, Chi, đây chẳng phải sách dạy đánh cờ của huynh ư?”

Cố Hạnh Chi nhận lấy quyển sách, lát sau lắc đầu bảo: “Tuy viết tên của ta, nhưng rõ ràng không phải chữ ta viết.” 

“Cái gì?!” Tống Dục giật quyển sách lại, sửng sốt nói: “Đây chẳng phải sách huynh tặng cảm ơn vì ta đã giúp lão người hầu già nhà huynh lá rụng về cội, sống nhớ nhà trong những ngày cuối đời ư?”  

“Sao cơ?” Lần này đến lượt Cố Hạnh Chi kinh ngạc, “Ngươi giúp ta làm chuyện như vậy lúc nào?” 

Tống Dục khó hiểu trợn mắt nhìn chàng, đôi mắt hoa đào mông lung đảo hai vòng, “Là… khoảng nửa tháng trước đấy… Hai mươi sáu tháng một, ngày thứ bảy…” 

Số ngày ấy khiến tim Cố Hạnh Chi bỗng hẫng một nhịp không rõ nguyên do. 

Chàng lấy quyển sách dạy cờ Tống Dục cầm qua, cẩn thận xem xét nét chữ trên trang giấy, kết cấu phức tạp, nhạt ngang đậm dọc, bút lực mạnh mẽ, khoáng đạt khỏe khoắn… 

Đây là!

Giờ phút này, có sợi dây từ từ kéo căng rồi như bị búng một phát tạo ra âm vang trong óc. 

Đây là chữ viết của Trần tướng. 

Chàng được Trần tướng dạy dỗ hơn mười năm trời, không thể không nhận ra chữ của ông. 

Hồ nước tĩnh lặng thoáng chốc bị khuấy đảo, Cố Hạnh Chi nhìn Tống Dục với vẻ nghiêm trọng, trầm giọng hỏi, “Người đó là ai? Tên là gì? Ngươi đưa hắn đi đâu rồi? Còn tìm được nữa không?” 

Tống Dục choáng váng trước một đống vấn đề chàng đưa ra, phất tay ý bảo chàng cứ bình tình trước đã, kế đó làm bộ làm tịch hớp ngụm trà, nói: “Tìm thì tìm được, lúc nào huynh muốn tìm hắn ta cũng được, dù sao hắn ta chẳng đi chỗ nào nổi. Chỉ là, tìm hắn rồi e cũng không có tác dụng gì.” 

Cố Hạnh Chi nhìn Tống Dục, không nói lời nào. 

“Khụ khụ…” Tống thế tử bị chàng nhìn đến độ chột dạ, đành thành thật nói: “Lúc hắn ta được đưa tới Dịch Châu của ta thì đã chết, huynh muốn đi tìm, cũng chỉ tìm thấy một phần mộ.” 

Siết chặt chén trà trong tay, Cố Hạnh Chi trầm giọng xác nhận lại lần nữa, “Ngươi chắc chắn hắn ta chết rồi?” 

“Đương nhiên là chắc!” Tống Dục trợn trắng mắt, “Đích thân ta xác nhận, trông có vẻ đã chết bốn, năm ngày rồi. Ta còn đặc biệt phái người tìm nơi để đào mộ, nếu không phải vì bức thư huynh tự tay viết, đường đường một thế tử vương gia như ta sẽ làm những chuyện phí sức thế ư?” 

“Lá thư ta tự tay viết kia còn không?” 

Tống Dục ngớ người, nhìn Cố Hạnh Chi bằng vẻ ghét bỏ, nói: “Ta giữ thư của huynh làm gì, có phải yêu thầm huynh đâu…” 

Cố Hạnh Chi lười tranh luận với hắn, tiện tay lật xem sách dạy đánh cờ, xâu chuỗi lại tuyến thời gian Trần tướng bị sát hại. 

Tống Dục bảo hắn nhận được thư của chàng vào ngày hai mươi sáu tháng một, sau đó tìm nơi chôn người. 

Cùng ngày, Trần tướng bị giết ở con đường trước cung. 

Từ Kim Lăng đến Dịch Châu ít nhất cũng phải mất bốn ngày đi, Tống Dục nói khi hắn gặp người kia thì kẻ đó đã chết bốn ngày. Vậy lúc rời Kim Lăng rất có thể kẻ đó đã chết rồi. 

Sau đó, Trần tướng mượn danh nghĩa Cố Hạnh Chi viết thư cho Tống Dục, muốn hắn giúp chôn cất người hầu trong nhà, rồi cho hắn thêm một quyển sách dạy đánh cờ có đề tên Cố Hạnh Chi làm quà cảm ơn.  

Chuyện hẳn là thế không sai, nhưng đầu đuôi sự việc lạ ở chỗ, vì sao Trần tướng phải làm vậy? 

Bất luận là mượn danh nghĩa Cố Hạnh Chi để chôn cất gia nô, hay là mượn danh nghĩa Cố Hạnh Chi tặng sách dạy cờ, có lẽ đều có mục đích chung là muốn khiến Tống Dục đi tìm chàng. 

Nhưng tìm chàng làm gì chứ? 

Rốt cuộc Trần tướng muốn Tống Dục nhắc nhở chàng điều gì đây? 

Tâm trí xoay vòng vòng, quyển sách trong tay bị chàng lật xoèn xoẹt. Bỗng nhiên trước mắt trống huơ, bàn tay lật sách khựng giữa không trung. 

“Ôi! Đúng, chính là trang này.” Tống Dục thò đầu sang, chỉ vào trang giấy mà chữ nghĩa đã bị nhòe mực đến mức chẳng còn nhận ra nguyên trạng, nói: “Ta đã bảo con người huynh suy nghĩ kín đáo, tặng người ta sách dạy cờ lại còn bôi mất một trang. Huynh sợ ta học xong treo huynh lên đánh, sau đó độc cô cầu bại chứ gì?” 

Giọng nói quang quác bên tai dần trở nên mơ hồ, tầm mắt Cố Hạnh Chi neo lại nơi vết mực hoen, băn khoăn thật lâu. 

“Trường Uyên.” Tai chợt nghe thấy giọng nói xen lẫn ý cười của Trần tướng, ông ngồi trong mảnh rừng trúc loang lổ nắng vẫy tay với chàng, chỉ vào bàn cờ trên chiếc bàn đá, hỏi chàng, “Biết vì sao mình thua không?” 

Chàng của năm đó mới độ mười lăm, chứng kiến thế cờ chuyển từ chiến thắng vững vàng sang thua thảm bại chỉ trong vòng ba chiêu, im lặng lắc đầu. 

Trần tướng cười vang, khẽ vỗ lưng chàng, nói: “Vì con quá muốn thắng, chỉ nhìn mục tiêu cuối cùng mà quên trù tính mỗi bước.” 

Dứt lời, ông thả quân tướng đã bị Cố Hạnh Chi ăn lại vị trí ban đầu, ôn tồn nói: “Quân cờ này, con không thể ăn. Nếu ăn, sẽ thua ngay.” 

“Đây gọi là “khí tử nhập cục”.”*

*Khí tử nhập cục: thuật ngữ cờ tướng, thường chỉ nước đi tấn công trận địa của đối phương để tạo thành cú hạ gục.

Khí tử nhập cục. 

“Hy sinh quân cờ phá vỡ phòng tuyến của đối phương, mượn nó để phơi bày lão tướng của đối phương, dễ dàng cho quân bên ta tấn công sát phạt.” Cố Hạnh Chi lẩm bẩm, càng nắm chặt hơn quyển sách dạy đánh cờ. 

“Hóa ra là thế.” Vẫn là chất giọng nhẹ nhàng quen thuộc, Cố Hạnh Chi ngẩng đầu nhìn Tống Dục. 

“Trần tướng dùng chính bản thân bố trí ván cờ, lấy cái chết để mời chúng ta bước vào trong đó.” 
Nhấn Mở Bình Luận