Ông ngoại của Tưởng Dực, tôi cũng chỉ mới gặp qua video call.
Ông cụ cao gầy, trông quắc thước, học thức, dáng người của Tưởng Dực như đúc từ ông ra.
Cả đám bọn tôi đứng sắp hàng ở cửa nghênh đón, cả Quan Siêu cũng chỉnh trang quần áo, trông nghiêm túc ra trò. Ông cụ chống gậy, phía sau là anh chàng nghiên cứu sinh đang thở hồng hộc vác hành lý: "Cụ Phùng gượm đã, chờ cháu với."
Quách Tĩnh đi tới cầm vali, nhường đường cho anh ta: "Anh vào đi."
Tưởng Dực nói: "Sao ông còn đem theo cả va li? Nhà cháu không có chỗ để mời ông ở đâu."
Anh chàng nghiên cứu sinh bảo: "Không ở, không ở, lãnh đạo trường mang theo rượu Mao Đài đợi sẵn ở khách sạn rồi đấy, này là đồ mang cho em."
Tưởng Dực rờ rờ mũi, hô theo sau ông cụ đang chẳng nói chẳng rằng đi thẳng vào coi xét tứ phía: "Ông mang gì thế, ở đây bọn cháu không có chỗ để." "Mẹ cháu bảo mang, không lấy thì cháu gửi trả về cho mẹ cháu." Ông cụ soi hết một vòng cả căn nhà, quay lại ngồi xuống sofa.
Quan Siêu nói: "Thế tốn công lắm, để cháu giúp cậu ấy sắp cho." Nói xong bèn xách vali vào phòng sách. Anh chàng nghiên cứu sinh tức thì lấy từ trong người ra gói hạt cà phê: "Có máy pha không, không cần đường sữa." Niệm Từ nhận lấy: "Em pha cho nhé."
Quách Tĩnh cùng Niệm Từ đi vào bếp, tiểu Phàm bưng đĩa hạnh nhân lúc nãy đã bóc vỏ cho Quan Siêu tới đặt trên bàn trà trước mặt ông cụ: "Ông ăn ạ." Ông cụ lễ độ gật đầu: "Cám ơn cháu."
Tiểu Phàm toét miệng cười, tung tăng chạy qua chỗ vali. Ông cụ ngẩng đầu nhìn tôi: "Doanh Tử sao có vẻ không nhận ra ông thế?"
Tôi ngồi vào, hai tay đặt lên đầu gối, trả lời siêu khuôn phép: "Nhận ra ạ, nhưng mà ông dữ hơn trên video call." Ông cụ cười khà: "Ông doạ Tưởng Dực thôi."
Tưởng Dực ngồi xếp bằng kế bên, "Vậy ông không doạ nổi cháu đâu." Cậu ấy vừa ngủ dậy, giờ đâm buồn ngủ lại, tiếng nói ra nghe lẫn âm mũi giông giống hồi còn bé.
Ông ngoại trừng mắt: "Ông đã bảo ông nội cháu từ sớm là phải tịch thu cái nhà này, không có chỗ trú xem thử cháu huênh hoang được bao lâu." "Ông nội cháu chả nỡ."
Ông ngoại hừ một tiếng: "Ông ấy mà biết bây giờ cháu ở Bắc Kinh sắp uống gió Tây Bắc rồi, xem có nỡ hay không?"
Tưởng Dực ngoẹo đầu nói: "Ông làm khoa học bao nhiêu năm mà chả có logic thường thức gì cả. Ông nội cháu biết cháu sắp phải uống gió Tây Bắc thì ông xót còn không hết. Không chừng còn mặc kệ vườn cảnh lên tận Bắc Kinh gặp cháu, còn ân cần hỏi thăm cháu cơ."
Cậu ấy xưa nay nói chuyện chuyên chọc người khác tức nổ đom đóm mắt, chẳng qua vỏ quýt dày có móng tay nhọn, giờ lại đụng trúng đối thủ cao tay hơn nhiều.
Ông ngoại cười lạnh: "Vậy cháu cứ gọi điện cho ông ấy, nói cái công ty chả đâu ra đâu mà cháu mở giờ chẳng những bán đứt rồi còn chẳng kiếm được xu nào, hai bàn tay trắng làm lại từ đầu. Để ông ấy với bà ngoại cháu đến Bắc Kinh chăm sóc nâng niu thằng cháu mày như chăm cái vườn cảnh nhà hai ông bà ấy xem."
Tưởng Dực mặt mày âm u nhìn ông, nín bặt.
Tôi bấm bụng cái này gần như là công kích cá nhân rồi còn gì nữa, với lại sao ông nắm tin nhanh thế cơ chứ.
Ông ngoại ác miệng thắng trận đầu nhẹ không, ung dung nói tiếp: "Trước giáng sinh ông bay về, cháu đi chung luôn, về rồi thì chuẩn bị ôn tập, năm sau thi nghiên cứu sinh bên chỗ dượng cháu, sau đó vừa học vừa đi thực tập ở công ty cậu cháu."
Tôi đơ người.
Đầu mày Tưởng Dực xoắn lại, y như cơn bão chực chờ bùng phát, may sao vừa lúc đó Niệm Từ tình cờ (?) từ nhà bếp đi ra: "Có cà phê rồi, cháu mời ông."
"Cám ơn." Giáo sư Phùng nói rất nghiêm trang, đoạn ngoái đầu hỏi tôi: "Doanh Tử làm visa chưa? Chi bằng lần này cùng làm luôn, để ông hỏi viện trưởng xem ghi cháu vào danh sách nghiên cứu sinh trao đổi được không, làm visa sẽ nhanh hơn. Ông nghe nói cháu viết tạp chí rất xuất sắc, tiếng Anh cũng không tệ. Bên Mỹ tạp chí rất nhiều tờ nổi, để ông nhờ bạn ông bên mảng tin tức giới thiệu việc cho cháu."
A ha? Sao lại có cả tôi ở đây nữa?
Tưởng Dực bực mình cười một tiếng: "Ông còn chả quản được cháu mà còn định quản cậu ấy?"
Ông ngoại cười gằn: "Tôi chả muốn quản ai đâu. Nhà mình chỉ có mỗi thằng cháu mày là không kiếm nổi bằng thạc sĩ, cái này ông đã không buồn nói. Bỏ bê sự nghiệp chính chạy về nước chả làm được gì nên hồn, ông cũng coi như mày yêu đương trí thông minh sụt giảm thì kệ thân, nhưng mày yêu đương cái kiểu gì mà ì ạch mãi không xong thế hả con!"
... Câu này đúng là chê như hắt nước vào mặt.
"Đợt hè ba mẹ Doanh Tử đi Úc du lịch, nhà người ta có anh thanh niên cất công lái xe đưa đón đi chơi từ đầu đến cuối mày có biết không?" Mặt Tưởng Dực tái mét.
Tôi thầm kêu khổ trong bụng, muốn nói đâu phải là hẹn sẵn gì đâu! Chỉ là khéo cái đoàn du lịch mà hai ông bà đặt đoàn trưởng là chị họ của Liêu Tinh, Liêu Tinh biết chuyện nên cũng làm tròn vai chủ nhà hiếu khách thôi, sao nghe ra cứ như là cậu ấy với tôi còn vương tơ lòng gì gì ấy. Mà cái này không phải trọng tâm, trọng tâm là nhà Tưởng Dực chẳng lẽ đều tưởng cậu ấy về nước là để yêu đương với tôi à? Đâu có phải như thế đâu, hai đứa bọn tôi cực kì trong sạch luôn nhé...
"Con..."
Anh chàng nghiên cứu sinh rất biết nhìn tình hình, chạy lại ngắt ngang câu chuyện, chỉ điện thoại nói: "Cụ ơi, bên kia dọn tiệc rồi, mình đừng để lãnh đạo trường đợi lâu."
Ông cụ đứng dậy buông một câu: "Mau giải quyết xong chuyện trong nước rồi theo ông về."
Tưởng Dực không nhúc nhích, "Chọn sống ở đâu là chuyện riêng của cháu."
"Cháu chọn không xong thì người lớn trong nhà có nghĩa vụ giúp cháu."
"Đó không phải câu mà người học thức cao như ông nên nói." Tưởng Dực nói rành mạch.
Ông ngoại chựng lại, giọng cũng dịu hơn: "Hồi xưa vì chuyện này chuyện kia không đem được mẹ cháu theo, để nó lớn lên một mình bên này, ông và bà cháu đều nợ mẹ cháu, giờ bảo cháu về cháu lại không chịu, coi như là trách nhiệm tại ông bà."
"Mẹ cháu sống ở đây rất ổn, không phải giờ cũng về bên ông rồi đấy à?"
"Chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều, không thể cùng nó lớn lên... Cháu cũng thế. Mấy năm trước rõ ràng cháu đã hoà nhập được vào cuộc sống bên kia, cho dù có muốn sản xuất hoạt hình không phải cháu cũng có nhiều thành tựu bên ấy rồi sao? Cớ gì nhất định lại phải về nước làm?"
Tưởng Dực bị gạn hỏi, nín thinh không nói.
Ông ngoại đạt được mục đích, thở dài nói: "Cái thằng nhóc này, tại cháu quá thông minh, cái gì cũng làm được, cho nên cái gì cũng háo thắng, muốn ôm đồm, thông minh bị thông minh hại, ông không thể cứ mở mắt nhìn cháu như thế. Hơn nữa, rõ ràng cháu rất thích không khí ở Mỹ, tại sao cứ phải về nước? Cái kiểu không đen thì trắng của cháu rơi vào giữa xã hội đầy quan hệ phức tạp này, còn sống đến bây giờ là đã phải tạ trời tạ đất rồi biết chưa."
"Cháu đương rất ổn..."
Ông ngoại quay người đi: "Cháu hiện tại thế này là ổn à?" Tưởng Dực nín lặng.
Ông ngoại thở dài nói: "Hồi cháu đại học năm ba ở Mỹ cái gì cũng hứa hẹn cũng thuận lợi, cháu bảo muốn dùng năm năm để làm chuyện mình thích, nếu thấy không OK thì quay lại đường nghiên cứu, dượng cháu vẫn rất tin cháu, để chỗ cho cháu trở về. Bây giờ hãy còn một năm, nếu cháu thấy vẫn làm tiếp được ông không cản. Sau một năm ông cũng chẳng nhắc chuyện hứa hẹn với cháu làm gì, nhưng đến lúc đó cháu cũng phải lớn rồi, biết người trưởng thành lựa chọn cái gì."
======