Ngoại giới.
Không đợi thời hạn 72 giờ qua đi, ngay trong ngày nhận được công hàm của Dương Tứ đã có một vài tờ báo thuộc liên minh công kích Ninja Studio đăng tải bài viết xin lỗi công khai.
Trải qua một hồi bình tĩnh cân nhắc thiệt hơn, những người nắm quyền quyết sách của những tờ báo này cảm thấy “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Người ta đã mang binh hùng tướng mạnh đánh đến cửa rồi, thêm vào đó chứng cứ do Sao vàng – Đức đưa ra cũng đã làm sụp đổ luận điệu hoang đường mà bọn họ đã xây dựng nên khi trước, cho nên hiện tại bọn họ chẳng còn lý do gì để tiếp tục một cuộc chiến cầm chắc thất bại.
Thế là những tờ báo này nhanh chóng cắt đứt thỏa thuận hợp tác trước đó với TKgame và tập đoàn Thiên Không đứng sau, với lý do chính phía bên đó đã chơi bọn họ một vố khi cung cấp thông tin không đúng sự thật về bối cảnh của Dương Khoa.
“Vi phạm thỏa thuận? Không không không, chính các ông mới là những kẻ vi phạm! Cái gì mà thanh niên này tứ cố vô thân, không có bối cảnh gì nên cứ bôi đen vô tư đi, có bị kiện cáo đi chăng nữa cũng chẳng sao các ông lo liệu được hết. Các ông có biết nhà người ta thuộc vào hàng ngũ có chức có quyền nhất cái đất nước này không? Người ta chỉ cần thở mạnh một cái là cả đám các ông cũng tiêu tùng hết chứ đừng nói đến tôm tép như bọn tôi! Thỏa thuận chấm dứt ở đây, chúng tôi không thể tự đạp đổ bát cơm của mình chỉ vì mấy lời hứa hão huyền của các ông được!”
Cứ từ thân phận hiển hách của luật sư Dương Tứ cộng thêm việc người này có cùng họ với Dương Khoa mà suy xét, không khó để những người đứng sau cuộc công kích Ninja Studio lần này nhận ra được mình vừa mới dây vào một gia tộc quyền thế lâu đời bậc nhất đất nước. Không một chút phân vân do dự nào, họ ngay lập tức lớn tiếng chửi bới đồng thời tuyên bố cắt đứt thỏa thuận với những kẻ chủ mưu bên phía tập đoàn Thiên Không khi được hỏi đến tại sao lại phản pháo vào giờ khắc quan trọng.
Dù vậy, khác với Sao vàng – Đức có thể vô tư nhận lỗi một cách công khai vì trò đùa của mình thì những tờ báo này lại không thể làm được như thế. Đối với bọn họ mất thể diện chỉ là một phần, quan trọng hơn là nó có thể gây ra ấn tượng xấu nơi độc giả, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm manh áo của tòa soạn. Thế nên dựa theo lẽ thông thường, đối với những chuyện xin lỗi công khai như thế này bọn họ sẽ dùng mọi biện pháp để giảm tầm ảnh hưởng của nó xuống mức thấp nhất có thể.
Từ việc đăng bài xin lỗi vào lúc nửa đêm về sáng cho... ma xem, cho đến nội dung bài xin lỗi chỉ có vỏn vẹn hai ba câu ngắn gọn lấy lệ vân vân..., tất cả những chiêu trò gian trá có thể dùng để hấp dẫn càng ít ánh mắt cư dân mạng càng tốt đều được những tờ báo này thực hiện đầy đủ. Dù sao thì công hàm của Dương Tứ chỉ yêu cầu bọn họ xin lỗi công khai trong vòng 72 giờ mà thôi, ngoài ra không có yêu cầu cụ thể nào đi kèm nên họ chẳng ngại gì mà không sử dụng chúng hết.
Có điều lần này vận may rõ ràng không đứng về phía bọn họ, sau khi những bài xin lỗi công khai được đăng tải sóng gió vẫn cứ nổi lên như thường.
“Xin lỗi vì đã đưa tin không đúng sự thật?... Tingame hôm nay ăn phải bả à? Từ bé đến giờ mình chưa thấy cái tờ báo lá cải này xin lỗi lần nào đâu nhé.”
“Không tìm thấy bài viết bôi đen cũ đâu nữa, chắc là bị xóa đi rồi. Bọn DelayVN này nhanh thế!”
“Xin lỗi chả thành khẩn tý nào cả. Mà thôi kệ, báo với chí vớ vẩn chả quan tâm.”
Ban đầu các độc giả coi chuyện xin lỗi công khai thế này chẳng có gì to tát. Đời người mà, ai chả có lúc mắc sai lầm. Lại nói chính bọn họ cũng đâu có khác gì mấy tờ báo này để mà phán xét, cho nên họ chỉ chửi bới bâng qươ vài câu rồi thôi.
Thế nhưng rất nhanh chóng những độc giả này phát hiện ra rằng, không chỉ có tờ báo bọn họ hay đọc đăng bài xin lỗi Ninja Studio mà một loạt các tờ báo khác cũng có hành động tương tự. Điều này bắt đầu khiến cho họ cảm thấy có gì đó không bình thường đang xảy ra.
“Sao mấy tờ báo này lại đồng loạt xin lỗi thế nhỉ? Lời lẽ đã giống nhau rồi giờ giấc đăng tải cũng chỉ chênh nhau có vài phút. Trùng hợp?”
“Vãi, bây giờ còn có cả tệ nạn đi sao chép cả bài xin lỗi của nhau nữa à? Tưởng ăn cắp bài báo, phim ảnh hay tiểu thuyết gì đó thôi đã là tệ lắm rồi chứ?”. Truyện Võng Du
“Hay là đúng như bên Vgame phân tích, cuộc tranh cãi liên quan tới “Flappy Bird” lần này quả thực có gì đó mờ ám? Kiểu như là mấy tờ báo này vào hùa với nhau bôi đen trò chơi?”
Vô số những lời suy đoán bắt đầu nổi lên, cư dân mạng khắp mọi nơi bắt đầu chia sẻ những thông tin mình có được cho nhau biết. Và rồi, khi mà gần như toàn bộ mười bốn cái tên trong danh sách Dương Khoa lập ra đều đã đăng tải bài viết xin lỗi của riêng mình thì họ đi đến kết luận rằng: khả năng lớn những tờ báo này liên kết với nhau để vùi dập một phòng làm việc non trẻ trong suốt nửa tháng qua.
Chẳng mấy chốc, những tờ báo liên kết với TKgame và Thiên Không tập đoàn công kích Ninja Studio phải nhận vô số gạch đá đến từ phía cộng đồng mạng. Những nỗ lực làm nhạt tầm ảnh hưởng của họ coi như đổ xuống sông xuống biển, chỉ trong vài ngày kể từ khi đăng tải lời xin lỗi công khai số lượng độc giả thường xuyên của những tờ báo này giảm sút đi trông thấy.
Và đến đây thì cuộc chiến dư luận tốn nhiều giấy mực báo chí nhất năm 2025 trong lĩnh vực trò chơi đã phần nào ngã ngũ. Dương Khoa và đồng bọn là những kẻ cười cuối cùng, mặc dù tranh cãi kịch liệt liên quan tới “Flappy Bird” vẫn đang tiếp tục diễn ra ở khắp mọi nơi.
Tại trang web livestream TwiTV.
“Hả? Anh nghĩ sao về việc hàng loạt tờ báo đăng tin xin lỗi tác giả “Flappy Bird”? Anh nghĩ là MÁ SAO LẠI CHẾT VẬY? RÕ RÀNG LÀ MÌNH ĐÃ CANH ĐÚNG TẦM RỒI CƠ MÀ?” Trên kênh phát sóng trực tiếp của mình, streamer Trần Minh Thế chợt phẫn nộ hô to khi thấy con chim xấu xí trên màn ảnh đâm đầu vào bụi tre. Nhìn sang bên cạnh thấy con chim của đối thủ vẫn đang bay nhảy luồn lách qua khe hở, anh buồn bực ngửa người ra ghế thừ mặt ra.
Phải nói thêm, kể từ khi những lời buộc tội Ninja Studio dùng chiêu trò bịp bợm để thu hút người chơi bị chứng minh là vô căn cứ các streamer trong nước đã có thể thoải mái đưa “Flappy Bird” vào trong lịch trình livestream của mình mà không sợ khán giả trên kênh phản đối nữa. Còn về tại sao họ lại quyết định đưa nó lên màn ảnh, đơn giản là vì họ bị màn so tài xem chim ai bay xa hơn giữa huychu113 và Tisco kích thích.
“Flappy Bird” là một trò chơi rất khó, điều này thì bất kỳ người chơi nào cũng đều công nhận. Nhưng cho dù khó đến đâu đi chăng nữa thì luôn sẽ có những người chơi lão luyện xuất hiện, họ có thể đạt được những điểm số cao chót vót một cách không mấy khó khăn. Và điều này vô hình chung gây ra sự ganh đua trong cộng đồng những người chơi hiếu thắng, nhất là đối với những người cố gắng mãi mà thành tích của bản thân vẫn lẹt đẹt.
Con gà tức nhau tiếng gáy, mang theo tâm lý nó chơi được thì mình cũng phải chơi được những người này bắt đầu quay trở lại với “Flappy Bird” để “phục hận”. Trong số những người này tất nhiên là không thể thiếu được các streamer trong nước, họ thậm chí còn đi đầu trong việc tổ chức những cuộc so tài tay đôi tay ba để cho toàn thiên hạ thấy ai là tay mơ ai là dân “pro” (viết tắt của professional – chuyên nghiệp, thành thạo). Cứ việc trò chơi hoàn toàn không hỗ trợ chế độ multiplayer, song đối với các streamer tháo vát của chúng ta thì chuyện đó không thành vấn đề. Chỉ cần tập hợp màn hình livestream của những người chơi lại với nhau là toàn bộ khán giả sẽ được trực tiếp thưởng thức những pha thi đấu đỉnh cao và kịch tính.
Dần dần, cộng đồng streamer trong nước lại rộ lên một trào lưu mới: đó là khẳng định kỹ năng chơi trò chơi bá đạo của mình bằng cách hạ bệ đối thủ trong trò chơi khó nhằn này.
“Không trình bày, 5 – 4. Giờ chơi tiếp hay muốn nghỉ?” Trong loa chợt truyền ra thanh âm của người bạn Thế, hiển nhiên người đó cũng là một streamer và là đối thủ vừa mới đánh bại anh xong.
“Tiếp! Chơi lên 15!” Nghe thấy lời khiêu khích của bạn mình, bản tính hiếu thắng trỗi dậy Thế không chút do dự tiếp tục khiêu chiến. Anh tập trung trở lại vào chiếc điện thoại trong tay, chăm chú đến nỗi câu hỏi vừa rồi của khán giả cũng quên đi luôn không thèm trả lời. Mà ở ngoài kênh chat giờ phút này các vị khán giả cũng đang bàn tán xôn xao với nhau:
“Cái trò này trông vớ vẩn thế này mà lại thành công cụ phân loại trình độ game thủ hiệu quả ra phết đấy chứ? Ai ngu ai khôn biết ngay!”
“Ờ, nói chung là từa tựa “Slither”. Đơn giản thuần túy.”
“Không được, trông thấy người ta đạt thành tích này thành tích nọ ghê quá, mình cũng phải tải về chơi lại thôi.”
“Trông mấy ông streamer này chơi với nhau mà ham quá các bạn ạ. Hay là mình kiến nghị nhà sản xuất trò chơi bổ sung chế độ multiplayer nhỉ?”
“Ý hay đấy, hay là mấy ông cùng tôi lên trang chủ Ninja Studio dọa dẫm tý đi. Nếu như bổ sung kịp thời chế độ so tài giữa người chơi với nhau vào “Flappy Bird” thì chúng ta sẽ bỏ đi đánh giá 1 sao trước đó.”
Tại bất cứ kênh livestream nào cũng vậy, mặc dù phần lớn khán giả trong lòng vẫn còn mang thành kiến với “Flappy Bird” thế nhưng trông thấy những cuộc tranh tài hào hứng trên màn ảnh ai nấy đều cảm thấy động tâm. Thế là bên cạnh những người chơi mới tò mò tìm đến, trò chơi nay lại bất ngờ chào đón thêm sự trở lại của rất nhiều người chơi cũ. Và cứ từ sự hăm hở trong mắt họ thì có lẽ, họ sẽ gắn bó với trò chơi này thêm một đoạn thời gian không ngắn nữa.
Đến đây, chú chim xấu xí môi dày của Ninja Studio chính thức cất cánh.
...
- ---------
Chuyện về “Flappy Bird” coi như tạm thời có một cái kết đẹp.
Có điều mối lo này vừa mới được giải quyết xong thì mối lo khác đã lại tới. Dương Khoa còn chưa kịp vui mừng vì “Flappy Bird” đi lên quỹ đạo thì lại phải lập tức cân nhắc giải bài toán tương lai của “Fruit Ninja”, khi mà giờ đây một kẻ cạnh tranh đáng gờm đã xuất hiện.
“Đúng là vừa đủ khác biệt để không bị Cục Bản quyền sờ gáy, sợ thật!”
Sau một hồi chém qua chém lại đống rau củ bay tứ tung trên màn hình, Dương Khoa thả điện thoại xuống bàn thở ra một hơi. Mặc dù đã có sẵn đối sách cho trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, thế nhưng ngày hôm nay hắn vẫn ôm tâm lý may mắn tải trò chơi “Kỵ sĩ rau củ” của BFG Company về để xem liệu có phát hiện được sai lầm tương tự như “Snek Aztec” không.
Làm Dương Khoa tiếc nuối là, có vẻ như đối thủ lần này đã thông minh lên trông thấy. Trò chơi trước mặt này là một bản sao chép gần như hoàn chỉnh của “Fruit Ninja”, không còn bất cứ tính năng dư thừa hay chi tiết bất hợp lý nào. Nếu như không phải bối cảnh hai trò chơi khác nhau quá nhiều thì e rằng ai cũng sẽ nghĩ chúng có cùng một nhà sản xuất.
Có điều, cũng chỉ là “gần như” mà thôi.
“May mà mình đã có đối sách.” Bật máy tính lên, Dương Khoa mỉm cười lạnh lùng nhìn phiên bản mới của “Fruit Ninja” đã sẵn sàng để lên sóng. Với chiêu bài người đi tiên phong lần này¸ hắn sẽ trả đủ thù mới hận cũ với đám người BFG Company.
“Sao mới sáng ngày ra đã ngồi cười một mình thế sếp Khoa?”
Một giọng nói có phần thơ ngây vang lên, thế rồi Thanh Lam mang theo một chiếc túi cồng kềnh trên vai tiến vào gian phòng. Thấy vậy Dương Khoa lập tức đứng lên đỡ lấy chiếc túi giúp cô.
“Chào chị Lam, trông thấy chị đến em vui quá nên cười đấy! Mấy ngày vừa qua chị đi tìm cảm hứng thế nào, có thành quả gì không?”
“Có chứ, chị cũng đang định khoe với em đây.” Dứt lời Thanh Lam kéo khóa chiếc túi lôi ra một tập bản thảo phác hoạ cây cối rõ dày đưa cho Dương Khoa xem. Chúng là thành quả của chuyến đi thực địa đi tìm cảm hứng sáng tác của cô ba ngày trước, tất nhiên là chuyến đi ấy đã được hắn đồng ý.
“Chà chà, đẹp lắm chị ạ. Chưa có tý nét mặt nào trong này mà em đã thấy có thần rồi.” Lật qua một vài trang đầu tiên Dương Khoa trầm trồ khen ngợi. Đúng là họa sỹ chuyên vẽ truyện tranh có khác, xem ra hắn không còn phải lo lắng gì về việc giao cây cối trong trò chơi “Plants vs Zombies” cho cô thiết kế nữa rồi