Lọc Truyện
Từ ngày 12/7/2024: Metruyenhot sẽ chuyển sang dùng tên miền metruyenhotmoi.com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ chúng mình và nhớ tên miền mới này nhé!
Vừa mới tra ra kết quả không bao lâu, Phương Tuyển điện thoại cho Trần Hân, thông báo: "Em là trạng nguyên ban khoa học tự nhiên toàn tỉnh, vài ngày sắp đến sẽ có rất nhiều cán bộ tuyển sinh của các trường đại học gọi điện chiêu dụ em về trường của họ. Bây giờ em nên nghĩ kỹ xem mình muốn học trường nào, ngành nào, đừng để đến lúc đấy bị các cán bộ tuyển sinh làm dao động, cuối cùng rối trí không quyết được."

Trần Hân không ngờ mình lại là thủ khoa toàn tỉnh, bởi cậu biết trong tỉnh có nhiều trường hay trò giỏi, mà thành tích của mình cũng không phải không thể vượt qua. Nhưng thi cử là như thế. Một lần thi tuy không hoàn toàn đánh giá được thực lực một con người, tuy nhiên kết quả đã rành rành, giấy trắng mực đen thì làm cách nào phủ nhận? Huống chi thi đại học là một kỳ thi nhanh gọn, dứt khoát quyết định tiền đồ học sinh, thế nên có người bảo "được ăn cả, ngã về không".

Rất nhanh, toàn trường từ trên xuống dưới đều hay tin vui lớn này. Tất cả học sinh lớp 12A6 nhao lên, ai cũng đùa muốn "bám víu" Trần Hân, bảo rằng cậu hiển đạt thì bọn họ cũng được thơm lây. Hồi vừa nghỉ Tết xong, Trần Hân có tặng mỗi bạn một bức tranh chữ nhỏ làm kỷ niệm, bây giờ ai cũng nói sẽ giữ gìn thật cẩn thận, vì sau này đó là bút tích của danh nhân, có thể làm của báu gia truyền.

Trần Hân còn đang ở nhà, nhiều phóng viên đã gọi điện đến trường học xin hẹn phỏng vấn. Lúc này cậu thực sự đã trở thành danh nhân trong tỉnh. Trần Hân không mấy hứng thú với danh vọng, nhưng thi đạt hạng đầu vẫn rất vui, bởi như thế cậu có thể vào trường nào tùy thích. Nên chọn Bắc Đại hay Thanh Hoa đây nhỉ? Khoa sinh học của Bắc Đại có bề dày lịch sử, giáo sư hùng hậu, xếp hạng nhất cả nước. Nếu muốn học ngành này thì Bắc Đại là sự lựa chọn số một. Thế nhưng Trình Hâm sẽ vào Thanh Hoa, Trần Hân muốn theo "chàng", vả lại gần đây khoa sinh học của Thanh Hoa cũng phát triển thần tốc, một số lĩnh vực thậm chí vượt qua Bắc Đại.

Lúc chưa có điểm, Trần Hân còn có thể né tránh quyết định khó khăn này. Bây giờ có điểm rồi, không thể không cân nhắc. Trần Hân còn cảm thấy khó chịu hơn mấy ngày chờ kết quả.

Trong lòng cậu còn đang rối như canh hẹ, bỗng nhận được một cuộc điện thoại từ một số máy lạ, mã vùng Bắc Kinh. Nhấc máy lên, cậu nghe bên kia tự giới thiệu là cán bộ tuyển sinh của Bắc Đại, giọng điệu vô cùng thân thiết, đầu tiên là nhiệt liệt chúc mừng Trần Hân đạt điểm cao, sau đó hỏi cậu thích học ngành gì. Trần Hân vừa bảo định học ngành sinh học, bên kia như bắt được vàng, hết sức hồ hởi nói rằng khoa sinh học rất hoan nghênh Trần Hân, rồi cho biết hôm nay bên họ sẽ đến thành phố, hy vọng ngày mai có thể gặp mặt Trần Hân nói chuyện. Trần Hân đồng ý, trong lòng hơi phấn khích: Bắc Đại đã chủ động gọi điện cho cậu rồi này!

Vừa gác máy không bao lâu, đại diện ban tuyển sinh đại học Thanh Hoa đã gọi đến, lời lẽ không khác bên Bắc Đại là mấy, cũng nhiệt tình mời Trần Hân ghi danh vào học Thanh Hoa, còn cho biết ở Thanh Hoa có hai giáo sư đầu ngành sinh học hiện đại rất nổi tiếng là Thi Nhất Công và Nhan Ninh, hùng hồn tuyên bố Thanh Hoa chính là sự lựa chọn tốt nhất dành cho cậu. Trước nhiệt tình như lửa ấy, Trần Hân không thể nói gì hơn là câu cửa miệng: Để em bàn bạc với mẹ đã có được không? Đầu dây kia vội nói được chứ, cứ thế em nhé, sáng mai ta sẽ gặp nhau ở trường Nhật Thăng!

Trần Hân bảo muốn bàn với mẹ dù là mượn cớ, nhưng cũng không hẳn là nói dối, bởi mẹ cậu quả thực đang trên đường về. Lúc Trần Hân thông báo kết quả, mẹ đang trên tàu, nghe tin con trai thi đỗ thủ khoa, mừng quá quay sang khoe với những người ngồi cạnh, làm tất cả hành khách cùng toa trầm trồ thán phục. Trời còn chưa tối, mẹ Trần Hân đã về đến nhà. Bà con trong thôn túa ra vây lấy bà cười cười nói nói, làm mẹ cậu cười tít, đôi mắt hằn lên vết chân chim.

Mẹ con gặp lại, trò chuyện rất vui. Trần Hi tan học về nhà, nghe tin anh thi đỗ thủ khoa thì hết sức tự hào, vỗ ngực: "Còn con, con cũng thi đỗ trạng nguyên mới được!" trêu bà nội cười ha hả, rồi bà vào làm gà vịt ăn mừng.

Sáu giờ chiều hôm ấy công bố điểm sàn trúng tuyển. Trường đại học hạng nhất chính quy lấy 536 điểm ban tự nhiên, Trình Hâm còn thừa những 36 điểm. Với ban khoa học xã hội, trường đại học hạng nhất lấy 531 điểm, trường hạng nhì lấy 480 điểm. Tốp trường hạng nhất, ban khoa học xã hội: Khối nghệ thuật biểu diễn yêu cầu 378 điểm, khối thể thao là 392. Thế là Từ Tuấn Thưởng và Tạ Thế Kiệt thừa sức đỗ. Tốp đại học hạng ba lấy điểm sàn là 436 cho ban xã hội, Tào Kế còn kém xa. Các trường trung cấp chuyên nghiệp chỉ thông báo điểm sàn vỏn vẹn 200 nên Tào Kế còn có một con đường, thế nhưng những trường vào loại khá thì đều yêu cầu mức điểm cao hơn hẳn.

Nhóm bạn đều thành công toại nguyện, ngoại trừ Tào Kế. Lúc này đây, y đang ở nhà nghe bố mẹ mắng té tát, cúi mặt không nói được gì. Ông bà Tào cứ chì chiết mãi, rằng con với cái, cho mày ăn học chỉ phí công thôi, hai đứa sinh đôi mà sao khác nhau thế hử, đáng đời mày, hễ bảo học đi là cứ ngồi lì ra đấy, vân vân và vân vân. Cuối cùng bố mẹ Tào Kế cũng đành tìm trường trung cấp hạng xoàng cho y học.



Bữa tối, bà và mẹ xuống bếp nấu một bàn thức ăn ngon. Cả nhà ăn mừng Trần Hân thi đỗ. Trần Hi ăn đến thỏa thích, mồm bóng loáng, còn Trần Hân trái lại, không ăn bao nhiêu, vì vài tuần nay ăn nhiều đồ bổ nên hơi nóng trong người.

Cơm xong, mẹ cậu bảo: "Chờ điền xong nguyện vọng, Hi Hi cũng nghỉ hè, hai đứa lại đến Quảng Châu chơi nhé. Dượng với Khải Khải mong lắm đấy."

Trần Hân do dự một chút, lắc đầu: "Có lẽ, con không đi được, bố Trình Hâm, bảo sẽ tìm giúp con, việc làm gia sư. Hay là mẹ, cứ dẫn Hi Hi đi đi."

Mẹ Trần Hân nhìn cậu: "Có phải con lo lắng chuyện học phí và sinh hoạt phí hay không? Dượng con bảo đừng ngại, học phí để ông ấy lo, lại cho con mỗi tháng nghìn rưỡi đồng ăn ở. Trên Bắc Kinh thì như thế hơi ít, dưới tỉnh thì cũng đủ dùng."

Trần Hân ngẫm nghĩ một chút: "Học phí, mẹ và dượng, giúp con nhé, còn phí sinh hoạt, con tự lo liệu được." Thật ra tiền tiết kiệm của Trần Hân thừa sức đóng học phí, thế nhưng nghĩ cảnh ông bà già yếu, em trai còn nhỏ, trong nhà không thể không có một khoản phòng xa.

Mẹ Trần Hân nhìn đứa con hiếu thảo, xoa đầu: "Ừ. Thế cũng được."

Chuyện trường lớp Trần Hân không muốn làm người nhà bận tâm, tối hôm ấy bèn gọi điện kể cho Trình Hâm. Hắn hỏi: "Nhưng em đã định vào Bắc Đại mà? Do dự gì nữa, cứ ghi khoa sinh học Bắc Đại thôi."

Trần Hân lúc ấy đang trên mái nhà hóng gió, nhìn bầu trời đầy sao, chầm chậm nói: "Tôi muốn học cùng trường với cậu." Trình Hâm vì mình mà đâm đầu vào chơi bóng, luyện thi cả hai năm ròng, bây giờ mình chỉ việc nhấc tay lựa chọn, lòng dạ nào bỏ hắn một mình.

Trình Hâm nói tiếp: "Hay em muốn vào Thanh Hoa? Hình như khoa sinh học Thanh Hoa không bằng Bắc Đại đâu."

Nhớ đến cuộc điện thoại từ Thanh Hoa gọi đến lúc chiều, Trần Hân đáp: "Thật ra, Thanh Hoa cũng tốt, vài năm qua đã tiến bộ nhiều."

"Thế nhưng vẫn có chỗ khác nhau. Bây giờ tìm hiểu thế mạnh của mỗi trường ở chuyên ngành nào, và bản thân em muốn đi hướng nào nữa. Lúc ấy hãy quyết định."

Trần Hân phát hiện ra Trình Hâm đã chín chắn hẳn, vui vẻ ừ một tiếng.

Trình Hâm nói thêm: "Anh biết em đang băn khoăn chuyện gì. Không muốn học khác trường với anh, đúng chứ? Thực ra Trần Hân à, Thanh Hoa và Bắc Đại đối diện nhau, chỉ cách mỗi con đường, muốn gặp nhau thì có gì khó đâu? Giả sử hai đứa học cùng trường chăng nữa thì cũng không thể quấn lấy nhau như trước. So với trường đại học thì trường Nhật Thăng bé như lỗ mũi ấy, từ lớp học về ký túc xá đi vài bước đã đến rồi, muốn tìm ai thì thét một tiếng dễ cả trường đều nghe cả. Đại học diện tích hàng nghìn mẫu, mỗi khoa đều riêng biệt, lớp học, ký túc xá, nhà ăn đều cách xa nhau. Sau này em sẽ thấy, mỗi lần lên lớp hay đi ăn đều phải chạy thục mạng, trừ phi ta có xe đạp!"

Nghe Trình Hâm kể chuyện, Trần Hân không khỏi chờ mong. Lên đại học rồi sẽ ra sao nhỉ? Thật ra, cậu yêu thích những thắng cảnh trong khuôn viên đại học Bắc Kinh như hồ Vị Danh, tháp Bác Nhã, nên từ lâu thầm mơ ước ngôi trường này. Bây giờ thì vì Trình Hâm mà do dự. Cuối cùng Trần Hân bảo hắn: "Ngày mai, gặp các thầy, Thanh Hoa và Bắc Đại, rồi xem sao."

Trình Hâm nói: "Sáng mai à, được rồi, anh đến đón em."

Trần Hân hỏi: "Cậu, cậu thi bằng lái chưa đấy?" Mới hơn nửa tháng, chẳng lẽ đã học xong?



Trình Hâm cười khà khà: "Rồi chứ, vừa nhận được bằng hôm qua. Anh đã sớm ghi danh sẵn đấy, chỉ chưa luyện chưa thi thôi. Yên tâm đi, tay lái anh mà em còn không tin à? Chờ đấy, sáng mai anh đến đón, bây giờ thì ngủ sớm đi. Ngủ ngon nhé, chụt!"

Trần Hân cười ngây ngô, thấy trong lòng ngọt ngào, quên cả lo nghĩ.

Sáng sớm tinh sương, chưa đến bảy giờ Trình Hâm đã đến. Bà nội còn đang nấu cơm sáng, Trần Hi hôm nay thi tốt nghiệp còn chưa lên đường. Trần Hân cũng vừa dậy không được bao lâu, tròn mắt nhìn Trình Hâm: "Sao, sao cậu đến sớm thế?" Bảy giờ đã đến, muộn lắm năm giờ đã phải dậy rồi!

Trình Hâm bảo: "À, mừng quá không ngủ được, năm giờ đã dậy, không có việc gì làm nên đến đón cậu. Cháu chào cô ạ, cô về lúc nào đấy ạ?" Thấy mẹ Trần Hân từ bên ngoài xách rổ đậu đũa vừa rửa sạch, Trình Hâm mau mắn chào hỏi, đỡ hộ cái rổ to.

Mẹ Trần Hân vẫn còn nhớ hắn: "Ôi, Trình Hâm đấy à! Hôm qua cô vừa về. Cháu lại đến đón Hân Hân à, sớm thế, có mệt không?" Hôm qua Trần Hân đã bảo mẹ rằng sáng nay có bạn Trình Hâm đến đón, khỏi phải ra trạm đáp xe.

Trình Hâm gãi gãi đầu: "Cô cần cháu giúp gì không?"

Mẹ Trần Hân lắc đầu: "Cháu cứ ngồi nghỉ ngơi, để cô vào bếp, tí nữa là có điểm tâm rồi! À này, Trình Hâm cũng thi đỗ chứ?"

Trần Hân bảo: "Vâng ạ, cậu ấy, đỗ Thanh Hoa."

Mẹ Trần Hân giật mình quay lại nhìn hắn: "Trời ơi, giỏi thế! Chúc mừng cháu nhé!" Bà hơi choáng váng, hai thằng bé này sao mà lợi hại, có thể đỗ vào trường đại học hàng đầu cả nước.

Trình Hâm cười bảo: "Cám ơn cô ạ. Cô ơi, cháu không bằng Trần Hân đâu, đỗ được là do may mắn đấy! Cháu dự đặc tuyển bóng rổ ạ."

Mẹ Trần mím môi gật đầu: "Thế cũng giỏi lắm rồi! Thanh Hoa cơ đấy, có phải muốn vào là vào đâu! Sau này hai đứa lên Bắc Kinh học, Trình Hâm giúp cô trông chừng Hân Hân nhé, em nó nhút nhát lắm!"

Trần Hân ngượng ngập trộm nhìn Trình Hâm, mỉm cười. Trình Hâm nháy mắt với cậu, cười bảo: "Cô cứ giao cho cháu. Mà bây giờ Trần Hân cũng không nhút nhát như trước đâu, cậu ấy thay thầy giáo đứng lớp suốt một học kỳ đấy nhé!"

Nếu Trình Hâm đứng gần một chút là đã bị cậu véo rồi. Mẹ Trần Hân quay sang nhìn con trai, mắt mở to kinh ngạc: "Thật ư, Hân Hân bây giờ giỏi đến thế à?"

Trần Hân vung tay qua lại: "Đấy, đấy chỉ là giúp thầy một tí. Mẹ, mẹ đi làm cơm đi.."

Mẹ vui mừng nhìn con, gật đầu: "Ừ, ừ, chao ôi, để mẹ vào xem đã. Cứ tự nhiên nhé cháu."

Có Trình Hâm, bữa sáng tràn đầy tiếng cười rôm rả. Trần Hi đâm lười nhác, kêu đau chân. Trình Hâm bật cười, nhận lời chở nó đến trường thi.



Ăn cơm sáng xong, Trình Hâm đưa Trần Hi đến trường, sau đó chở Trần Hân vào thành phố, mẹ cậu cũng đi theo. Có ba ngày để suy nghĩ điền nguyện vọng. Trình Hâm vốn muốn học tài chính hoặc quản trị kinh doanh, bây giờ đỗ Thanh Hoa rồi, điểm lại đủ cao để vào ngành ấy nên không còn gì vướng mắc. Trần Hân thì chỉ băn khoăn chọn giữa hai trường, còn ngành học thì hoặc là sinh học, hoặc là công nghệ sinh học, dù sao chỉ mới là bước đầu chập chững bước vào chuyên môn, kiến thức cơ bản hai ngành giống nhau, học ngành nào cũng thế, đến khi lên nghiên cứu sinh mới phải quyết định chọn chuyên ngành.

Lúc họ đến trường là hơn chín giờ. Cổng trường giăng biểu ngữ đỏ chói với mấy chữ to: "Nhiệt liệt chúc mừng bạn Trần Hân trường ta đạt 728 điểm, trạng nguyên khoa học tự nhiên toàn tỉnh." Mẹ Trần Hân nhìn biểu ngữ mà nước mắt chực trào ra. Có đứa con giỏi giang như thế, người làm mẹ thật nở mày nở mặt.

Cán bộ tuyển sinh hai trường đã có mặt ở phòng giáo viên, các phóng viên cũng đã chờ từ sớm. Vừa thấy Trần Hân, ai cũng ùa lên. Trần Hân tận mắt nhìn thấy cảnh đại chiến hai trường, đúng là không hổ danh cán bộ Thanh Hoa Bắc Đại, hai bên vận dụng toàn bộ năng lực văn học ngôn ngữ, khi thì nói bóng nói gió, lúc lại trực tiếp đả kích, bài bác đối phương, khói súng mù trời, cuối cùng đi đến thỏa hiệp rằng từng bên chia nhau gặp riêng Trần Hân. Trong lúc hai trường đang quyết liệt giành giật thì các phóng viên lại không vội vã. Bọn họ đã tính sẵn chờ gặp mặt xong sẽ phỏng vấn Trần Hân, hỏi xem cậu chọn trường nào rồi mới đưa tin chi tiết.

Thầy giáo bên Bắc Đại gặp mẹ con Trần Hân trước. Trần Hân hơi hồi hộp, ấp úng nhiều hơn. Thầy rất thông cảm, hết sức kiên nhẫn, nhẹ nhàng dẫn dắt, cũng khéo léo bày tỏ tinh thần bao dung truyền thống của trường, nói rằng tất cả học sinh đều có thể tìm được vị trí dành cho mình ở Bắc Đại. Mặt khác, ông trình bày những ưu điểm của Bắc Đại so với Thanh Hoa, nào là giáo sư xuất chúng, danh tiếng thâm hậu, còn ý tứ bảo rằng nền tảng lâu đời của khoa sinh học mũi nhọn của Bắc Đại "không dễ gì vượt qua chỉ trong mấy năm ngắn ngủi", cuối cùng không quên thuyết phục cả mẹ Trần Hân.

Sau đó đến lượt thầy giáo bên Thanh Hoa, giải thích cũng không khác mấy cuộc điện thoại hôm qua. Ông còn trưng ra thành tích nghiên cứu vài năm gần đây của trường, bảo Viện công nghệ sinh học do giáo sư Nhâm lãnh đạo đã và đang "phát triển như vũ bão", "hiện đã đạt đến trình độ của Bắc Đại và trong tương lai không xa chắc hẳn sẽ vượt qua". Trường Thanh Hoa cam kết tạo điều kiện tốt nhất hậu thuẫn cho các sinh viên tiếp cận thực hành nghiên cứu, được các giáo sư trứ danh cầm tay chỉ việc vân vân. Nói chung cũng rất hấp dẫn.

Sau buổi gặp mặt, Trần Hân cân nhắc một hồi lâu, cuối cùng vẫn quyết định chọn Bắc Đại. Nếu hai trường gần nhau như thế, hẳn cũng không đến nỗi xa mặt cách lòng.

Ngày hôm ấy, mọi người cùng điền nguyện vọng. Trần Hân lựa chọn ngành công nghệ sinh học của Bắc Đại, Trình Hâm ghi khoa tài chính của Thanh Hoa, Từ Tuấn Thưởng thì lại càng đơn giản, còn những người khác vẫn chưa quyết định.

Ở trường, Trần Hân gặp lại nhiều bạn cùng lớp đến đăng ký nguyện vọng. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng. Tính ra thì kết quả thi của lớp 12A6 rất khả quan, 43 người đỗ đại học chính quy, trong đó 20 bạn vào các trường đại học hạng nhất, đây là một thành tích rất tốt đối với một trường tư. Phải nói rằng, trong kỳ thi năm nay trường Nhật Thăng thắng lớn, tỷ lệ đỗ đã cao hơn năm ngoái, mà còn có người đỗ trạng nguyên, lo gì chuyện vận động tuyển sinh năm tới nữa? Chủ trường hết sức hài lòng.

Đăng ký nguyện vọng xong, Trình Hâm dò hỏi Trần Hân: "Thế cậu có định ở lại thành phố không?" Hỏi thế thôi chứ hắn biết khó mà giữ Trần Hân ở lại, vì có mẹ cậu về thăm, mà các trường tiểu học, trung học còn chưa nghỉ hè, chuyện gia sư phải chờ tuần nữa.

Trần Hân nhìn mẹ, giọng hơi do dự: "Tôi, về nhà trước vài ngày."

Trình Hâm gật gù: "Ừ. Cô ơi, bây giờ cháu chở hai mẹ con về nhé. Trần Hân này, chờ bố tôi hỏi thăm xong về việc gia sư, tôi sẽ gọi điện cho cậu sau." Bây giờ đã "bảng vàng thi đỗ cao" rồi, mà "động phòng đêm hoa chúc" thì đành gác lại. Vì có mẹ vợ ở đây nên Trình Hâm không tài nào "làm ăn" gì được cả.
Nhấn Mở Bình Luận