Kỳ nghỉ hè của Trần Hân đã bắt đầu như thế. Mỗi sáng, cậu thức dậy lúc sáu giờ, chơi bóng rổ một lát với Trình Hâm. Thể thao xong, ăn điểm tâm, rồi mỗi người lên một chuyến xe đi về hai hướng. Trên xe, Trần Hân vẫn nghe băng tiếng Anh, đến trạm thì xuống, bắt đầu một ngày làm việc. Nam sinh lớp 10 rất sáng dạ, học ở trường trung học số 1, học lực khá và có triển vọng vươn lên giỏi, bố mẹ mới tìm gia sư để giúp con mình.
Trần Hân thi đỗ thủ khoa toàn tỉnh, nay đã nổi tiếng trong giới học sinh. Cậu học trò này cũng biết chuyện hồi lớp 10 Trần Hân chuyển trường, vì thầy giáo vật lý trong lớp cậu bé đã từng dạy Trần Hân, không ngớt lời khen cậu, đồng thời chê bai trường trung học số 1 quá ki bo, không chịu cấp học bổng cho học trò nghèo học giỏi, cuối cùng để mất trạng nguyên về tay trường khác.
Nghe tiểu học đệ nói thế, Trần Hân chỉ cười. Nếu như không sang trường Nhật Thăng, cũng chưa chắc ngôi trạng nguyên đã về tay cậu. Chứng kiến Trình Hâm ngày ngày cố gắng, Trần Hân cũng tự đốc thúc bản thân phải nỗ lực vươn lên.
Tiểu học đệ rất thích cách giảng bài của Trần Hân, khen dễ hiểu hơn thầy giáo giảng, giúp cậu bé có thể tiếp thu bài nhanh chóng.
Ông bà cậu bé rất quý Trần Hân, mỗi ngày đều có cơm trưa phong phú. Cơm nước xong, Trần Hân nghỉ ngơi chốc lát rồi lên đường sang nhà cô học trò kia. Những ngày nắng nóng, cậu cũng cảm thấy mệt mỏi, chỉ ước sao được chợp mắt một lúc. Nhưng chả nhẽ lại ngủ ở nhà học trò? Trần Hân chỉ có thể gà gật trên xe buýt.
Không biết có phải vì học vào đầu giờ chiều dễ uể oải, hay vì bản thân không đủ thời giờ nghỉ ngơi, mà Trần Hân luôn cảm thấy phụ đạo cho cô bé kia không được hiệu quả như cậu bé. Lẽ dĩ nhiên, nền tảng kiến thức có sự khác biệt, sức học cô nhỏ này chỉ trung bình, lại có chiều sa sút. Đó là một cô bé rất hoạt bát, trong đầu luôn tràn đầy ý tưởng, miệng cũng liến tha liến thoắng, nên cô không thể tập trung vào bài. Chốc chốc lại hỏi Trần Hân những chuyện linh ta linh tinh như chuyện con trai con gái, chuyện ngôi sao này, xì-căng-đan nọ, làm Trần Hân chẳng biết trả lời thế nào. Mà ở nhà này, người lớn hóa ra cũng hay thăm dò xét nét. Trong giờ học, ông bà sẽ bất thần xuất hiện, có khi đưa nước, đưa hoa quả, có lúc lại tìm món gì đấy trong phòng. Đã vài lần, bà nội gặp lúc cô bé đang huyên thuyên những chuyện không đâu, làm Trần Hân rất chi khó xử.
Một ngày nọ, Trần Hân trong lúc chơi bóng không cẩn thận làm rơi vỡ kính, phải tạm mang đôi kính sát tròng mà Trình Hâm mua cho. Buổi chiều Trần Hân sang dạy, vừa nhìn thấy cậu, cô học trò liền thảng thốt, rồi ngây ngẩn một lúc lâu, sau đó gương mặt dần dần ửng đỏ. Ngày hôm ấy cô ít nói hơn nhiều, cử chỉ, dáng ngồi cũng khép nép hơn, lại rất ân cần đưa khăn rót nước, làm Trần Hân chẳng hiểu con bé có chuyện gì. Bà nội nhận ra nét khác thường của cô cháu gái, rồi nhìn đến gương mặt của Trần Hân, sau đó bèn ngồi cạnh dự cả giờ học, làm Trần Hân cảm giác như có gai nhọn sau lưng.
May mà buổi học chỉ kéo dài hai tiếng. Vừa hết giờ, Trần Hân đã chào tạm biệt về ngay. Cậu cảm thấy đôi kính sát tròng này đúng là rắc rối. Suốt buổi học, con bé cứ nhìn chằm chằm vào mặt cậu, tấm tắc khen không mang kính trông đẹp quá. Trần Hân chờ Trình Hâm xong việc về nhà, nhờ hắn dẫn đi mua kính mới. Trình Hâm bảo: "Hay cậu cứ đeo kính sát tròng vậy, vừa đẹp lại vừa nhẹ, đeo mãi sẽ thành quen. Hơn nữa trời nóng, cứ đeo kính gọng mãi, hai bên mũi bị kẹp đỏ rồi này."
Trần Hân ấp úng: "Nhưng, tôi quen, đeo kính có gọng rồi."
Trình Hâm chăm chú nhìn cậu rất lâu, cuối cùng đồng ý. Hai người đến cửa tiệm kính mắt thời trang nổi tiếng nhất thành phố, bỏ ra tám trăm đồng. Trình Hâm giành trả tiền, bảo phải cho bạn trai em có cơ hội thể hiện chứ, đây là món quà đầu tiên anh mua bằng lương tháng đấy. Trần Hân không từ chối được, đành nghe theo, thầm nghĩ đến lúc nhận thù lao cũng phải mua gì hay hay cho Trình Hâm mới được.
Vài ngày sau, Trần Hân nhận được điện thoại của phụ huynh cô bé kia, bảo cô bận chút việc riêng, không học được, Trần Hân không cần đến nữa, họ sẽ chuyển khoản thù lao những buổi đã dạy. Trần Hân dù hơi ngạc nhiên nhưng cũng không buồn, trái lại còn nhẹ nhõm.
Trình Hâm nghe chuyện, lờ mờ đoán được chút gì, liền gọi điện thăm dò xem sao. Hỏi ra mới biết cô bé nhà nọ thích Trần Hân, người lớn trong nhà không muốn cô yêu sớm, liền cho cậu thôi việc. Trình Hâm đùng đùng nổi giận: Khá khen cho con nhóc không biết giời cao đất dày, người của ông mà cũng dám tơ tưởng à! Thật là không thể không phòng bị! Hắn lập tức ra quyết định Trần Hân mà tìm chỗ dạy thì dứt khoát không được nhận nữ sinh!
Trần Hân mất một việc, thu nhập bị hụt đi, nhưng cậu cũng không lấy làm buồn, vì đã xác định trước rằng chỉ là việc làm thêm vụ hè, được bao nhiêu tiền thì hay bấy nhiêu. Trình Hâm dự định tự tìm một chỗ khác cho cậu. Hắn không tin thủ khoa toàn tỉnh dạy kèm mà không có ai đoái hoài. Bên này Trình Hâm còn chưa kịp làm gì thì Phương Tuyển đã giới thiệu một học sinh trong trường Nhật Thăng, năm nay lên lớp 12, toán lý hóa sinh đều phải phụ đạo, mỗi ngày ba giờ, mỗi giờ 70 đồng. Cậu ta có một yêu cầu, rằng ban ngày trời nóng, muốn học buổi tối. Trần Hân nghĩ học sinh này đã cuối cấp, hẳn sẽ nghiêm túc học, bèn nhận lời dạy từ bảy giờ tối đến mười giờ đêm.
Vì thế, Trần Hân dạy xong buổi sáng rồi về nhà Trình Hâm nghỉ trưa, sáu giờ chiều lại lên đường đi dạy. Trình Hâm không mấy vui, vì hắn đi làm về đến nhà thì Trần Hân đã đi mất. Thế nhưng cậu muốn kiếm tiền, hắn không thể ngăn cản, rầu rĩ một chút rồi thôi, sau đó nhận nhiệm vụ đưa cậu về nhà mỗi tối. Trình Ức Viễn áy náy vì giới thiệu cho Trần Hân nữ sinh nọ, nên thấy con trai lái xe đón Trần Hân cũng không phản đối, dù sao về trễ như thế, đi một mình trên phố cũng không được an toàn.
Trung tuần tháng bảy, Trình Hâm và Trần Hân nhận được giấy báo trúng tuyển nguyện vọng 1 của hai trường Thanh Hoa và Bắc Đại. Lúc lên trường lĩnh giấy báo, cả hai đều bị xếp đặt nhận phỏng vấn, nhận lời là vì nhà trường trao thưởng một số tiền không nhỏ. Trần Hân đỗ thủ khoa được thưởng 20.000 đồng, đỗ Bắc Đại được thêm 30.000 nữa, tổng cộng được 5 vạn đồng. Còn Trình Hâm thi đỗ Thanh Hoa, mặc dù thông qua con đường đặc tuyển, thế nhưng cũng làm rạng rỡ cho trường, nên được 3 vạn đồng tiền thưởng.
Lần đầu Trình Hâm được món học bổng nhiều đến thế, lại được lĩnh cùng lúc với Trần Hân, khỏi nói cũng biết mừng rỡ đến mức nào. Phóng viên phỏng vấn lại nhận xét rằng tên hai người đọc gần âm, ngồi cùng bàn, và cùng ký túc xá, bây giờ lại cùng được rỡ ràng khoa cử, thật là mối duyên hiếm gặp!
Món tiền thưởng này nằm ngoài dự liệu của Trần Hân. Có năm mươi nghìn đồng, cậu không cần lo nghĩ tiền ăn ở suốt mấy năm đại học. Trình Hâm cười hì hì với cậu: "Có câu" Trong sách có lầu son gác tía, Trong sách có người đẹp ngọc ngà ", quả nhiên người xưa nói không ngoa. Nhờ học tập mà Trình Hâm này vừa được tiền tài, lại vừa có người đẹp đây!"
Trần Hân nghe thế, hai tai đỏ bừng: "Không được nói linh tinh!" Ai là người đẹp hả?
Trình Hâm đắc ý. Học giỏi thì tình, tiền đều có cả!
Hai người tái ngộ Trương Diệp Huy ở trường. Đúng như ý nguyện, Trương Diệp Huy đỗ khoa luật Đại học nhân dân, còn bạn gái cậu ta đỗ khoa tiếng Pháp trường Đại học ngoại ngữ Bắc Kinh, hai người song kiếm hợp bích, chắc chắn uy chấn giang hồ. Phóng viên cũng tiện thể phỏng vấn Trương Diệp Huy và bạn gái, hết sức biểu dương tình cảm hai người, hứa sẽ về viết nên câu chuyện tình yêu tuổi học trò mẫu mực, cùng giúp đỡ nhau tiến bộ, không như người lớn thường lo âu rằng yêu đương sẽ làm dang dở học hành.
Trình Hâm thấy thế, khịt mũi coi thường: "Hứ! Hai đứa đấy đã là gì chứ! Bọn mình mới thật sự là yêu đương thắm thiết, cùng nhau đỗ vào đại học oách nhất đây này!"
Trần Hân nín cười: "Cậu, đến nói thế thử xem!"
Mắt Trình Hâm to tròn: "Em mà cho phép thì anh nói ngay đấy!"
Trần Hân trừng hắn: "Này, đùa tí! Chuyện mình, mình biết là được rồi!"
Trình Hâm ôm Trần Hân thân mật: "Ừ, đóng cửa bảo nhau là được, không cần lộ ra ngoài."
Để ăn mừng cậu quý tử chính thức đỗ đại học, Trình Ức Viễn dùng rượu thượng hạng trong cửa hàng bày tiệc lớn. Mẹ Trình Hâm và em gái Hề Kỳ của hắn cũng từ Thượng Hải về. Nói là làm, cô đã đưa chìa khóa căn hộ ở Bắc Kinh cho Trình Hâm, còn giấy chứng nhận sở hữu nhà thì chờ lúc khai giảng sẽ làm nốt ở đấy. Trình Hâm lại nhận được thêm một núi tiền mừng mà hắn gọi là "tiền cưới", đã giàu nay càng giàu hơn.
Sau khi Trần Hân nhận được giấy báo trúng tuyển, bà nội cũng định làm tiệc rượu cho cháu. Cảnh nhà họ Trần thê lương, nhiều năm qua không có dịp vui nào, nhân mừng Trần Hân thi đỗ, bà cụ muốn mở tiệc cho không khí náo nhiệt hơn. Trần Hân hiểu lòng bà, không nỡ trái ý cụ, xin nghỉ dạy một ngày cuối tuần về nhà. Đó chính là ngày tốt mà nhà cậu cất công chọn lựa. Dĩ nhiên, bữa tiệc này đơn sơ hơn nhà Trình Hâm nhiều, nhưng lại rất ấm áp vì mọi người thân quen tề tựu đông đủ cả.
Gia đình nhỏ của dượng và mẹ cũng lặn lội đường xa đến, vừa đưa Trần Hi về, vừa dự tiệc vui. Mọi người giờ đây xem nhau như người nhà cả, gặp nhau tay bắt mặt mừng. Thái Bác Khải phục Trần Hân sát đất, một điều anh Hân hai điều cũng anh Hân, đến mức làm Trình Hâm tị nạnh. Lúc đầu bà nội định đãi ba bàn, sau phải thêm hai bàn nữa là năm, vì có thêm không ít láng giềng mang quà, mang pháo sang chúc mừng. Nhóm bạn thân của Trần Hân đều có mặt. Trình Hâm thì khỏi phải nói, đã đến sớm hẳn một ngày. Sáng hôm sau, Tạ Thế Kiệt lái xe đưa Từ Tuấn Thưởng và anh em sinh đôi đến.
Bà Trần mời người chuyên làm đám tiệc trong thôn sang nấu nướng. Thức ăn thơm lừng, pháo nổ rền vang, bầu không khí náo nhiệt chưa từng thấy. Người trong thôn ai nấy đều hâm mộ. Xem đấy, bây giờ dù trường đại học đầy rẫy ra chứ không khó khăn như trước, nhưng mà thi vào Bắc Đại thì có bao giờ dễ đâu? Huống chi con người ta ở làng quê mà lên thành phố học, rồi đỗ thủ khoa toàn tỉnh, làm chòm xóm cũng được thơm lây.
Một ngày tưng bừng trôi qua. Tiễn xong tân khách, Trần Hân cùng giữ các bạn lại ăn cơm tối rồi về, sẵn xe muốn đi đâu cũng dễ.
Bố dượng tặng Trần Hân một chiếc điện thoại Apple, Trần Hân không nhận vì cái di động đang dùng vẫn còn tốt lắm. Dượng bảo: "Bây giờ con nhà ai cũng thế, lên đại học là phải có Macbook và di động. Máy vi tính thì con dùng tạm bộ kia, còn di động thì phải nhận cho đi dượng vui."
Mẹ Trần Hân cũng khuyên cậu nhận. Thái Bác Khải cũng nói thêm vào, bảo cậu ta cũng đang dùng di động Apple đấy (tuy là đồ cũ của bố). Trần Hân đành nhận.
Các bạn cũng lần lượt nhận được thư báo, việc xét tuyển nói chung đều suôn sẻ cả, chỉ có Tào Kế phải đổi ngành, nhưng y cũng không nề gì việc ấy, theo lời tự giễu thì y học "Đại học Bôn Ba". Đầu tháng tám là sinh nhật Trình Hâm, Trần Hân tặng hắn bức thư tình dài 20 nghìn chữ như đã hứa, ngoài ra còn đồng ý với yêu cầu của hắn: Trước ngày khai giảng hai đứa sẽ đi du lịch vài ngày.
Trường Thanh Hoa khai giảng sớm hơn Bắc Đại, ngày 20 tháng 8 đã nhập học, sau đó không lâu là khóa huấn luyện quân sự. Trình Hâm không mấy vui, vì không được cùng Trần Hân lên Bắc Kinh đã đành, mà lúc cậu đến trường nhập học, hắn lại đang phải học quân sự không đi đâu được. Trình Hâm lên đường trước hai ngày, sau đó vài ngày là ba tuần học quân sự, thế là một tháng xa nhau! Vậy nên chuyến du lịch cuối hè nhất định phải có!
Nhóm bạn thân ai cũng đi du lịch mừng tốt nghiệp phổ thông. Tuấn Thưởng sang châu Âu xem nhạc kịch, song sinh làm một chuyến xuống Vân Nam, Tạ Thế Kiệt lên vi vu hồ Thanh Hải. Còn mỗi hai đứa ở nhà, "sáng cắp ô đi tối vác về", Trình Hâm bứt rứt quá đi thôi! Lên đại học đến nơi rồi, sao có thể không làm một cú thật tưng bừng giã từ thời cấp ba sôi nổi?
Trần Hân quen lo chuyện tiền nong, những hoạt động vui chơi tốn kém vốn là điều xa xỉ, chưa bao giờ cậu có nhu cầu du lịch cả, dù có đủ tiền rồi vẫn thế. Lúc Trình Hâm nhắc đến chuyện đi chơi, cậu ngơ ngác: "Đi, đi đâu cơ?"
Trình Hâm nói: "Thì đi chơi đây đó. Lúc sinh nhật anh, em đã đồng ý rồi mà. Em còn bận làm gia sư, ta đi đâu gần đây thôi. Đi Trương Gia Giới nhé, gần thế mà anh chưa từng đến đâu."
Trần Hân đắn đo: "Mất, bao nhiêu tiền thế?"
Trình Hâm bảo: "Không đáng là bao, khoảng vài nghìn, học sinh còn được giảm nửa giá vé, chuyện tiền nong cứ để anh lo!"
Trần Hân vội nói: "Thôi, để tôi tự trả." Nhà trường thưởng tiền nhiều như thế, lại thêm tiền đi dạy kèm, bây giờ Trần Hân không túng thiếu, có "vung tay" một lần cũng không đến nỗi chật vật.
Vì thế hai người đồng lòng quyết định. Trình Hâm đã xong việc tại công ty của bố, lên kế hoạch chuyến đi, sắp xếp lịch trình đâu vào đấy, chỉ chờ Trần Hân xin nghỉ. Không còn nhiều thời gian, Trần Hân tuy rất ngại ngùng, cũng phải xin phụ huynh học sinh nghỉ thêm hai ngày, thêm ngày cuối tuần được nghỉ nữa là ba. Cả hai ngồi tàu hỏa thâu đêm, buổi sáng là đến ga, còn trẻ nên có sức khỏe, nghỉ một buổi liền trực chỉ Trương Gia Giới.
Vì có giấy báo nhập học cùng chứng nhận điểm thi đại học nên hai đứa mua vé tàu xe và vé tham quan đều được giảm một nửa, tiêu pha chủ yếu là chi phí ăn ở mà thôi. Mỗi ngày thật ra cũng không dùng đến mấy trăm đồng, đi chơi ba ngày, mỗi người tiêu không đến hai nghìn bạc, thấp hơn Trần Hân dự tính. Mà đấy là còn chưa thật tiết kiệm, vì Trình Hâm bảo đã du lịch thì phải hưởng thụ mới bõ công, nên đặt phòng khá tốt, ăn uống đủ những món ngon. Trần Hân không có ý kiến gì, tất cả đều nghe theo hắn.
Phong cảnh Trương Gia Giới thật là kỳ vĩ, núi non trùng điệp, rừng cột đá đâm toạc trời xanh, cốt cách thanh kỳ, làm khách phương xa ghi lòng tạc dạ. Giữa trưa hè oi ả cháy da mà chốn sơn lâm lại mát mẻ lạ lùng, ban đêm đôi khi phải đắp chăn bông, quả không hổ danh chốn bồng lai tiên cảnh.
Trình Hâm vốn nghĩ hai đứa ra ngoài du ngoạn thì có thừa thời gian làm "chuyện ấy", thế nhưng sau đó mới biết đã lầm to. Ngoại trừ sáng hôm đầu nghỉ ngơi vài giờ trước khi lên Trương Gia Giới, mấy ngày sau cơ bản đều là thể dục: Lên núi, xuống núi, bộ hành ngắm cảnh không ngơi nghỉ. Hầu như toàn bộ hành trình đều là đi bộ, đêm về mệt lử, đặt lưng xuống đệm là ngủ ngay, quả thật không còn dục niệm.
Nhưng mấy ngày này cũng không vô ích. Lần đầu tiên Trình Hâm thấy Trần Hân hoàn toàn thả lỏng, có lẽ là nhờ cách xa người quen, bản quán, trong lòng cất đi gánh nặng triền miên. Cậu không tỏ vẻ kiêng dè như trước, cười rạng rỡ hơn, lúc ra ngoài cũng không ngăn cản một vài động tác âu yếm của Trình Hâm, thậm chí còn có thể sờ soạng công khai những khi lơ đễnh, làm hắn sướng mê tơi.
Tuy đang là mùa du lịch, trên đường người người chen vai thích cánh, thế nhưng giữa chốn rừng núi bao la, cũng có thể tìm được một khoảng trời riêng nho nhỏ. Trong khoảnh rừng dốc núi, hai người có thể tay trong tay dạo bước, thu đầy trong mắt màu xanh của lá của trời, ngưỡng vọng núi đá cheo leo, ngắm nhìn kỳ hoa dị thảo, tận hưởng những phút giây tĩnh lặng nồng nàn. Có đôi khi gặp vài du khách lạc bước đến gần cũng không sao cả, biển người mênh mông, đâu ai quen biết. Thế nhưng thời gian có hạn, cả hai đều chưa thỏa chí lãng du, bèn hẹn nhau sau này nhất định sẽ trở về đây tìm kỷ niệm.
Từ Trương Gia Giới trở về, thân thể lẫn tinh thần đều phấn chấn, đôi bạn trong lòng tràn ngập nhiệt huyết và dũng khí cùng nhau đón chờ tương lai xán lạn.