[Dành tặng Ah Mei, người đã giúp mình lên ý tưởng "phượng hoàng nhỏ máu"]
Thái hậu nhận lời chúc thọ xong bèn chậm rãi cất tiếng đa tạ tấm lòng hiếu thảo của chúng phi. Những tiết mục giúp vui cho thọ yến cũng có thể bắt đầu. Để thêm phần hào hứng, hoàng hậu sai Xuân Linh mang ra một ống thẻ tre. Thứ tự biểu diễn sẽ được cung chủ mỗi cung rút thăm từ trong ống. Minh Du là người may mắn rút được thẻ chữ nhất. Nắm trong tay tấm thẻ chữ nhị, ta tự nhủ cũng không quá tệ. Minh Du nổi danh vì cầm nghệ. Hôm nay chắc cũng sẽ biểu diễn đánh đàn. Đợi người ta nghe nàng đàn xong, tâm hồn thư thái, tiếp tục xem Bạch Diệu Hoa thi triển thủy ấn thì vô cùng hoàn hảo. Nhược bằng xui xẻo rút trúng thẻ lục, phải đợi đến sau cùng, đã xem qua năm màn biểu diễn rồi, ai còn hứng thú nhìn nàng vẽ tranh nữa.
Đúng như ta suy đoán, khi thái giám hô vang tên Lạc Mai cung, liền có mấy tiểu cung nữ khệ nệ khiêng bàn ghế lên sân khấu. Minh Du ôm đàn trên tay, áo lụa màu thiên thanh phối với váy dài trắng muốt như sương khói. Nàng nhẹ bước lên đài cao, duyên dáng cúi chào rồi ngồi vào vị trí. Ánh mắt chuyên chú đọng trên dây đàn, mười ngón tay thanh mảnh đặt xuống, từng chuỗi âm thanh trong vắt vang lên thanh tân như sương sớm. Hoàng cung phù phiếm, lòng người vẩn đục, trong khoảnh khắc được tiếng đàn của nàng gột rửa thành trong trẻo vô ngần.
Trong tiếng đàn phong nhã tuyệt thế kia, một bóng váy áo phấn hồng từ cửa hông uyển chuyển tiến vào. Thân người nàng mảnh mai mà khỏe khoắn, từng bước nhảy mềm mại mà dứt khoát, chẳng mấy chốc đã lên đến giữa sân khấu. Người trong điện đương bị tiếng đàn kì ảo của Minh Du đưa vào mộng đẹp, giờ như trong chiêm bao được nhìn thấy tiên nữ giáng trần. Trong mắt người nào cũng chứa đầy kinh ngạc.
Tiếng đàn của Minh Du đột nhiên vút cao. Âm vận chuyển biến, vũ điệu càng linh hoạt, tựa hồ tâm ý tương thông. Tiên nữ váy hồng khẽ kiễng mũi chân, tung mình lên cao, tóc dài vương vấn, váy lụa tầng tầng tung bay như một đóa sen hồng nở rộ. Chân ngọc chạm đất nhẹ tênh tựa chuồn chuồn đạp nước, chín bước Bộ Bộ Liên Hoa hiện ra đầy mê hoặc. Ngay cả ta cũng không thể tin vào mắt mình. Điệu nhảy này có bao nhiêu khó khăn, bao năm lớn lên ở chốn hậu cung, ngoại trừ mẫu thân ra, đây là lần đầu tiên ta nhìn thấy có người nhảy trọn chín bước mà gương mặt vẫn tươi tắn hân hoan.
Nàng dùng Bộ Bộ Liên Hoa làm điệu kết, chín bước nhảy hoàn thành cũng là lúc tiếng đàn từng chút nhạt dần. Thân hình nàng uyển chuyển xoay tròn, vô số hoa giấy màu hồng nhạt theo tay áo phiêu diêu của nàng tung bay trong gió, hòa thành một vẻ đẹp rực rỡ xán lạn.
Vũ điệu đã kết thúc, mà người trong điện vẫn còn ngẩn ngơ chưa tỉnh.
Nàng múa hồi lâu, mồ hôi lấm tấm đầy trán, gò má ửng hồng, diễm lệ khôn xiết. Nhìn thế nào cũng không giống vị chiêu nghi Tiệp Tuyết kiêu kì, hời hợt ngày thường. Tiệp Tuyết thường thích tô vẽ diêm dúa, lúc này vì để hợp với hình ảnh liên hoa mà chỉ điểm sơ son phấn, càng lộ ra nét trẻ trung sống động.
Dù là giành được quyền biểu diễn thứ nhất, lại thành công như thế, nhưng người mà nàng nhìn đầu tiên không phải hoàng đế hay thái hậu mà lại là Minh Du. Tiệp Tuyết nhoẻn cười với Minh Du, ánh mắt tràn ngập vui mừng như đứa trẻ nhỏ lần đầu đọc thuộc một bài tam tự kinh, chờ được mẫu thân khen ngợi. Minh Du cũng đáp lại bằng một nụ cười. Nụ cười này không điềm đạm, không xa cách mà ấm áp và rạng ngời hãnh diện. Bất giác ta giật mình nhận ra, hai người này sao lại có nụ cười giống nhau đến vậy?
Chỉ là, nụ cười chân thành hiếm gặp trên môi Minh Du cũng chỉ kéo dài trong gang tấc. Nàng thong thả đứng dậy, bước đến cùng Tiệp Tuyết dập đầu bái lạy ba vị chủ nhân trên cao.
Màn biểu diễn đầu tiên đã tuyệt mỹ như thế, chúng phi không khỏi sững sờ, nhất là những người phải biểu diễn sau đó thì càng lo sợ. Đại điện yên lặng như tờ, thứ âm thanh duy nhất ta nghe được là tiếc hừ lạnh tức tối của Liễu Yến Yến ở phía bên kia.
Hoàng đế là người đầu tiên lên tiếng. Hắn vỗ tay, cười nói:
Đọc tiếp tại metruyenhot.com nhé !
- Minh phi và Tiệp chiêu nghi đúng là đã tốn nhiều công sức. Vũ điệu này thực sự rất đẹp mắt, sao trước đây trẫm chưa được thưởng ngoạn lần nào nhỉ?
Tiệp Tuyết cúi đầu, lí nhí đáp:
- Thần thiếp chỉ biết cố gắng vì Lão Phật Gia.
Hoàng đế đã khen, hoàng hậu tất nhiên không thể im lặng. Nàng nói với thái hậu:
- Nhi thần cũng cảm thấy hai vị muội muội thực có lòng. Mẫu hậu cảm thấy sao?
Thái hậu gật đầu, điềm đạm đáp lời:
- Có lòng là tốt. Ai gia rất thích.
Triệu Lam Kiều nghe thái hậu nói xong, cũng hùa theo khen ngợi. Mấy người Dương Ngọc Huệ, Quỳnh Tử Yên, Giang Tiểu Ái thấy thế, chẳng hẹn mà cùng tranh nhau nói mấy lời tốt đẹp. Ai lại không muốn tỏ ra hiền đức trước long nhan?
Hoàng đế thích, thái hậu rất thích, chúng phi đều thích. Như vậy bất luận thắng thua thế nào, đương nhiên là phải trọng thưởng trước đã. Hoàng hậu chẳng ngần ngại tự mình ban thưởng cho Minh Du và Tiệp Tuyết mỗi người một bộ thoa ngọc tiến cống từ phương bắc.
Lạc Mai cung đã hoàn thành nhiệm vụ, chúng phi đồng loạt nhìn về phía cung chủ Cẩm Tước cung, háo hức chờ xem trò xấu.
Tiết mục của Bạch Diệu Hoa không dùng đến đài biểu diễn. Các thứ vật dụng cần thiết được chính Tư An và Tư Dao bưng đến trước ngự tiền để thái hậu, hoàng đế và hoàng hậu tiện thưởng lãm.
Ngay khi nhìn thấy cung nữ mang màu vẽ ra, đã có người thở dài thất vọng. Phong Thể Minh hay ta vẽ tranh hiến thọ là việc không thể xảy ra, trừ phi Cẩm Tước cung đều chán sống cả rồi. Người đủ bản lĩnh làm được chuyện tao nhã này ở Cẩm Tước cung chỉ có mình Bạch Diệu Hoa. Nữ nhi nhà quyền quý từ nhỏ đều đã học qua cầm kỳ thi họa, nhưng chẳng phải cứ học là giỏi được. Ngay như Liễu thái phó đức cao vọng trọng, không nhớ nổi đã dạy thành tài bao nhiêu danh sĩ cũng phải bó tay với con gái của mình. Liễu Yến Yến tuy biết đọc biết viết nhưng đối với làm thơ hay bình văn thì dạy thế nào cũng trơ trơ như đá, ngay cả thi thư để lấy lòng hoàng đế cũng phải thuê người viết hộ rồi học thuộc. Bởi vậy, khi nhìn thấy Bạch Diệu Hoa rảo bước về phía trước, chúng phi cũng chẳng lấy làm lo lắng. Chỉ có mỗi mình hoàng đế là hơi nhỏm người ngồi thẳng lên. Hắn nheo mắt nhìn khay nước lớn trước mặt Bạch Diệu Hoa, ngạc nhiên hỏi:
- Bạch tiểu nghi biết thủy ấn họa sao?
Bạch Diệu Hoa cúi chào theo đúng lễ nghi xong, mới cung kính đáp:
- Thần thiếp từng học qua một chút.
Trong điện không có nhiều người thực sự biết thủy ấn họa là thứ gì. Vì thế, khi hoàng đế hào hứng vẫy gọi toàn bộ phi tần cùng bước đến gần để xem cho rõ, mọi người không khỏi hoang mang.
Đứng trước ba vị chủ nhân cao quý nhất Bách Phượng, thế mà Bạch Diệu Hoa chẳng hề lộ một chút lo âu. Nàng mặc váy gấm màu tím nhạt, trên tà váy thêu mấy đóa cúc giản dị. Thủ công cũng tạm coi là cẩn thận, nhưng lễ phục phi tần lục phẩm kiểu dáng lẫn chất liệu đều không được tinh tế, nếu xét riêng thì bộ váy áo này trông thực tầm thường. Chỉ không ngờ, một bộ lễ phục đơn giản mặc trên người Bạch Diệu Hoa trông lại đẹp đẽ, cao nhã hơn mấy lần. Ta như nhìn thấy dáng vẻ Bạch phi tôn quý không màn thế sự, nhàn nhã thưởng trà ở Triêu Lan cung một năm về trước.
Chúng phi theo lệnh hoàng đế cùng rời chỗ đến đứng xung quanh, cách chỗ Bạch Diệu Hoa chừng một trượng. Vì giữ lễ nghi, chúng ta không thể chen chúc nhau mà lại gần xem, vì vậy chẳng nhìn rõ được cử động của Bạch Diệu Hoa. Dẫu vậy, chỉ cần nhìn ánh mắt ngời sáng của hoàng đế cũng đủ hiểu kĩ thuật vẽ tranh của Bạch Diệu Hoa thực không tồi. Chúng phi lắm người đã như đứng trên than đỏ.
Liễu Yến Yến nhấp nhổm, vịn hẳn lên vai Lạc Linh Chương cố nhìn mà không thấy được gì, bực dọc xẵng giọng:
- Chẳng có gì hay ho.
Phía trước mặt, Bạch Diệu Hoa đã nhỏ xong màu lên khay nước, đang bắt đầu vẽ những đường nét cơ bản. Từ vị trí ta đứng, dẫu có nhón chân cũng chỉ thấy loáng thoáng mấy vệt màu đỏ thắm trên mặt nước. Bạch Diệu Hoa nói với ta, nàng định vẽ một bức Phượng Xuyên Mẫu Đơn gì gì đó. Ta không hiểu lắm, nhưng cả Tạ Thu Dung nhìn thấy tranh của Bạch Diệu Hoa tập vẽ mà cũng khen ngợi, ta chẳng còn gì phải lo lắng.
Ngọn bút tre trong tay Bạch Diệu Hoa uyển chuyển lướt nhẹ từng nét trên mặt nước. Dưới bàn tay tài hoa của nàng, một đóa mẫu đơn dần dần hé nở. Từ một chấm màu bắt đầu bung ra từng lớp cánh hoa. Người ta ngắm mẫu đơn thường là lúc hoa khoe sắc, còn khoảnh khắc chuyển giao kì diệu giữa nụ hoa e ấp và một đóa hoa nở rộ kiêu hãnh, có lẽ ngày hôm nay chúng ta mới được thưởng ngoạn một lần.
Thời gian chậm rãi trôi qua, trên khay nước đã xuất hiện một rặng mẫu đơn diễm lệ và dáng phượng hoàng giương cánh. Tư An và Tư Dao đợi sẵn dưới đài, vừa nhìn thấy Bạch Diệu Hoa ngẩng đầu lên liền nhanh nhẹn mang đến một vuông lụa trắng chuẩn bị sẵn từ sớm, thuần thục căng lên khay nước. Chẳng mấy chốc, màu vẽ đã in lên mặt lụa, hiện rõ đường nét một cánh phượng hoàng uy nghi giữa mẫu đơn phú quý. Lụa Phong tộc mềm như sương, mỏng như khói, trắng mịn tựa mây trời. Thủy ấn họa in trên lụa Phong tộc càng thêm phần kì ảo. Khi Tư Dao và Tư An nhấc tấm lụa treo lên giá gỗ, mỗi một làn gió nhẹ thổi qua, tầng tầng lớp lớp cánh hoa lại như lay động, dường như sắp sửa bị gió cuốn bay đi mất.
Ngay cả những kẻ không hiểu biết về thư họa cũng phải sững sờ. Xa xa, ta nghe tiếng Giang Tiểu Ái thốt lên:
- Chỉ vẩy tay mấy cái mà xuất hiện một bức tranh đẹp như vậy, nàng ta biết yêu thuật à?
Đối diện với một tuyệt tác như thế, những lời ngọt ngào giả dối thường trực trên môi hoàng đế không cánh mà bay. Hắn nghiêm túc nhìn Bạch Diệu Hoa:
- Bạch tiểu nghi, tranh này vẽ rất tốt.
Hoàng đế thực lòng tán thưởng tài năng của Bạch Diệu Hoa.
Bạch Diệu Hoa chắc hẳn cũng nhận ra điểm ấy. Nàng nâng váy quỳ xuống, cung kính đáp:
- Thần thiếp tạ ơn hoàng thượng khen ngợi.
Họa tiết phượng hoàng phức tạp, không thể vẽ toàn bộ bằng thủy ấn. Vậy nên, tranh của Bạch Diệu Hoa phải đợi màu nước khô đi, tô điểm thêm một số chi tiết mới có thể hoàn thành.
Để không lãng phí thời gian, hoàng hậu cho phép tiết mục tiếp theo thượng đài. Bạch Diệu Hoa cùng bức Phượng Xuyên Mẫu Đơn của nàng được đưa vào hậu điện chờ đợi.
Người rút được thẻ tam là Triệu Lam Kiều.