*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
37.Vòng thứ hai.Ở vòng thứ hai của cuộc thử vai tập trung cho "Sơn Hải Kinh", đội ngũ đạo diễn đã đưa mọi người đến một ngôi làng phía nam được bao quanh bởi sông ngòi núi bạc.
Làng nghề trồng gai kéo sợi* bao đời nay, những vùng đất bằng và đồi núi thoai thoải quanh làng đều trồng cây gai. Lúc này đang là vụ xuân gieo hạt, cây gai mới xuống giống nên đâu đâu cũng trông thấy màu xanh nhạt như những vì sao rải trên đất bãi.
[1] Mình giới thiệu một chút về nghề dệt sợi Gai ở nước mình nhé. Dệt sợi Gai là nghề tồn tại khá lâu đời của người Thổ Thanh Hóa. Cây Gai là nguồn nguyên liệu chủ yếu cho việc dệt thành những tấm chăn, chiếc váy và nhiều đồ dùng, vật dụng khác. Trải qua năm tháng, nghề dệt sợi Gai đã trở thành tập quán, nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào Thổ nơi đây.
Trên trực tế, làng này rất ít người chịu trồng cây gai. Bây giờ máy móc thịnh hành, các loại sợi nhân tạo đều tiện lợi và nhanh chóng hơn. Dệt sợi gai thủ công truyền thống vừa tốn nhiều thời gian, vừa không có lãi; trình độ văn hóa thấp khiến thôn dân không biết tận dụng cái mác sản phẩm thiên nhiên như một mánh lới quảng cáo. Cuộc sống của mọi người luôn lâm vào cảnh khó khăn, nhiều người trẻ đã quyết định rời làng ra ngoài làm công.
Đoàn đạo diễn đã giới thiệu về lịch sử làng nghề trên đường đưa các nghệ sĩ đến thử vai. Họ cũng tình cờ phát hiện ngôi làng, nên đã ký hợp đồng sử dụng sản phẩm sợi gai của nơi đây trong hai năm. Tất cả trang phục trong "Sơn Hải Kinh" đều được thôn dân dệt bằng tay nhằm khôi phục lại phong cách giản dị và mộc mạc của thời Thượng Cổ*. Giá cả hợp đồng tương đối phải chăng, ít hơn so với số tiền bỏ ra để thuê một đội ngũ thiết kế thời trang có tên tuổi. Nhưng đối với người dân địa phương, đây đã là một cái giá cao ngất trời. Sau khi có trong tay khoản cọc đầu tiên, họ vui vẻ lao đầu vào thực hiện nghề thủ công do tổ tiên truyền lại; chứ không tất cả những gì bạn thấy vào thời điểm này là những cánh đồng bạt ngàn phủ đầy cỏ dại.
[2] Thời Thượng Cổ ở Trung Quốc: có thể xem là thời kỳ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc trong thời kỳ từ năm 2852 TCN tới 2205 TCN (cũng là bối cảnh của Sơn Hải Kinh). Do không có di tích đủ lớn để khảo cứu nên mô tả về thời kỳ này mang tính truyền thuyết, huyền thoại nhiều hơn là thực tế lịch sử. Thời Thượng Cổ ở Việt Nam là thời gian từ khi bắt đầu có lịch sử cho tới khi bắt đầu của Bắc Thuộc Thời đại. Nó có liên quan tới nguồn gốc và tổ tiên của người Việt Nam chúng ta trong thời Tiền Sử.
Nơi Lý Tùng Nhất và những người khác tạm thời sinh sống được cải tạo từ một trường tiểu học bỏ hoang hai tầng: các nam nghệ sĩ ở tầng một, còn nữ nghệ sĩ ở tầng hai. Phòng ốc tuy không lớn nhưng khá sạch sẽ, có tiện nghi sinh hoạt đầy đủ nên không làm họ khó xử. Vì diện tích có hạn, thành ra các nghệ sĩ phân thành hai người một phòng với hai chiếc giường đơn nhỏ.
Bạn cùng phòng với Lý Tùng Nhất tên là Hà Gia, trông còn nhỏ tuổi. Hỏi thăm mới biết cậu ta đang là sinh viên năm cuối của trường Sân khấu Điện ảnh, cũng thử vai nhân vật Phỉ Kỷ.
Khang Kiều từng nói với Lý Tùng Nhất, rằng chỉ có sáu người lọt vào danh sách thử vai Phỉ Kỷ cho vòng hai. Ngoại trừ cậu và Tưởng Nghiêu, hầu hết những người còn lại đều là nghệ sĩ ít tiếng tăm.
Hôm nay trên đường tới đây, Lý Tùng Nhất đã cẩn thận quan sát những đối thủ còn lại. Thái độ thì câu nệ; về mặt khí chất và tướng mạo thì quả tình chẳng ai có thể qua mặt Tưởng Nghiêu. Chẳng trách hắn sẵn lòng lấy ra con bài tẩy cốt ép buộc Lý Tùng Nhất phải thể hiện qua quýt trong buổi thử vai cuối cùng. Nếu không có cậu, nhân vật kia ắt thuộc về hắn. Đặc biệt Khang Kiều còn bảo rằng, Tưởng Nghiêu có khả năng quen biết với đạo diễn Vương Thủy Hoán. Bởi lẽ Vương Thủy Hoán là giám chế cho phim cổ trang đầu tiên của Tưởng Nghiêu, nghe đâu lúc đó Vương Thủy Hoán còn rất tán thưởng năng lực của hắn.
Lý Tùng Nhất cảm thấy mình thật may mắn khi không chung phòng với Tưởng Nghiêu, thành ra cậu hết sức vừa lòng với bạn trẻ Hà Gia.
Hà Gia có vẻ ngoài thanh tú, đôi mắt to tròn đen lay láy; nổi bật nhất là chiếc cằm nhòn nhọn nhưng chẳng khó ưa, khiến người ta muốn vươn tay chạm vào.
Thoạt nhìn Hà Gia hăm hở lắm, nhất là khi ở một mình với Lý Tùng Nhất. Cậu ta còn ăn nói trúc trắc nữa kìa: "Lý... Anh Tùng Nhất, em xem hết phim của anh rồi. Anh diễn Giang Tầm Dương siêu hay luôn, em cực thích anh!"
Lý Tùng Nhất cười nhẹ, vừa thu dọn hành lý vừa bảo: "Muốn chữ ký không?"
"Muốn ạ, muốn ạ!" Hà Gia gật đầu lia lịa.
Lý Tùng Nhất thoắt cái bày ra dáng vẻ lạnh lùng tàn nhẫn: "Nhưng, tôi không muốn."
"Dạ?" Hà Gia ngớ ra.
Lý Tùng Nhất nói: "Tôi cũng casting Phỉ Kỷ. Bây giờ chúng ta là đối thủ của nhau."
"Sao em so với anh Tùng Nhất được." Hà Gia cười bẽn lẽn. "Em không ngờ mình lọt vào vòng hai, còn không ngờ được ngủ chung với anh. Tính ra, em nghe lời bạn tham gia casting là quyết định đúng đắn!"
"Đạo diễn chọn cậu trong cả trăm người, chứng tỏ cậu phải có điểm độc đáo nào đó." Lý Tùng Nhất mỉm cười với cậu ta, đoạn nằm xuống chiếc giường đã trải phẳng.
Hôm nay là ngày công chiếu phim điện ảnh "Chết đi sống lại" của Thai Hành. Vốn dĩ lịch chiếu là nửa tháng sau, song nhằm vào Tưởng Nghiêu nên Thai Hành đã nghĩ cách đẩy thời gian lên.
Lý Tùng Nhất gửi tin nhắn hỏi thăm hắn.
Thai Hành trả lời rằng: Đổi ngày gấp, nên giờ suất chiếu còn ít. Doanh thu phòng vé ở mức trung bình nhưng cũng không tới nỗi nào. Douban hiện là 8,9. Check bên mấy web bán vé thì doanh thu đang leo lên. Các rạp chiếu cũng thêm suất cho mai mốt rồi.
Vậy là ổn.
Lý Tùng Nhất thở ra, đăng một bài tuyên truyền cho bộ phim lên Weibo.
Trước khi bước vào buổi thử vai tập trung, cậu đã nhờ Khang Kiều tặng vé "Chết đi sống lại" cho fans, đồng thời cũng giúp Thai Hành tăng cường quảng bá.
Lý Tùng Nhất vừa tải lại trang chủ đã trông thấy bài đăng mới của Châu Nghệ, hóa ra cô cũng góp tay tuyên truyền cho phim của Thai Hành: Sau khi xem "Chết đi sống lại" của người bạn cũ, tôi nhận ra trên đời này vẫn có người không "bị thay đổi". Anh ấy chỉ "thay đổi" mà thôi. Phim hay, đề cử cho các bạn.
Tuy lời lẽ đơn giản, nhưng tình cảm ẩn giấu bên trong lại phức tạp vô ngần.
Lý Tùng Nhất nhấn nút "Thích", đoạn chụp ảnh màn hình gửi cho Thai Hành.
Thai Hành không trả lời, có lẽ hắn chẳng biết phải nói gì.
Thấy Lý Tùng Nhất đang chơi nghiêm túc, Hà Gia cũng không dám lên tiếng quấy rầy. Cậu ta ngồi xuống mép giường, vừa lướt điện thoại vừa dòm ngó lung tung. Chợt, ánh nhìn của Hà Gia va phải góc nghiêng của Lý Tùng Nhất.
Lúc họ đến thôn thì trời đã sẫm tối, trong phòng không bật đèn nên có vẻ u ám. Ánh sáng từ màn hình điện thoại chiếu thẳng vào mặt Lý Tùng Nhất, làm nổi bật đường nét sắc sảo và vẻ trầm tĩnh của anh.
Hà Gia nhủ bụng, Lý Tùng Nhất ngoài đời còn đẹp hơn trên TV nữa.
Lý Tùng Nhất bỗng ngẩng đầu lên.
Hà Gia giật bắn mình như thể bị giám thị bắt quả tang.
Lý Tùng Nhất hỏi: "Hình như nãy giờ chưa có ai bên phía đạo diễn tới tìm mình?"
Hà Gia vội đáp: "Vâng, hình như vậy ạ."
"Lạ thật." Lý Tùng Nhất bật đèn, đoạn mở cửa ra. Ngoài cửa là sân tập thể dục của trường tiểu học trước đây, nền bê tông tuy gồ ghề nhưng diện tích khá lớn, chỉ là thoạt nhìn chẳng có ai ở sân cả.
Lý Tùng Nhất lần lượt nghe thấy tiếng mở cửa, e rằng các nghệ sĩ ở phòng khác cũng có thắc mắc tương tự nên chạy ra nghe ngóng; rồi sẵn tiện tụm năm tụm bảy, thảo luận xem đoàn đạo diễn đưa mọi người tới đây cốt làm gì.
Tầm bảy giờ tối, nhân viên kêu mọi người ra dùng bữa. Nhà ăn cũng là căn tin cũ của trường, không gian thoáng đãng với năm bàn bát tiên* chính giữa; còn cơm nước là do dân làng xung quanh mang đến.
[3] Bàn bát tiên (八仙桌): bàn vuông to, mỗi phía ngồi được hai người.
Một vài nghệ sĩ lên tiếng hỏi về đề mục phỏng vấn, song các nhân viên luôn miệng bảo rằng không biết gì cả. Trong bữa ăn cũng chẳng thấy bóng dáng đạo diễn, các nghệ sĩ thấy vậy bèn bắt đầu cau mày nhăn nhó.
Và sau một đêm hoang đường như thế, đoàn đạo diễn vẫn không đưa ra bất kỳ thông báo nào.
Bảy giờ sáng hôm sau, Lý Tùng Nhất định tranh thủ khí trời mát mẻ đi dạo trong thôn. Xuất phát từ phép lịch sự tối thiểu, cậu lên tiếng mời Hà Gia đi cùng.
Hà Gia do dự: "Lỡ đạo diễn tới đây thì sao?"
"Vậy cậu cứ chờ ở đây. Nếu đạo diễn tới, nhớ báo tôi một tiếng." Lý Tùng Nhất để lại thông tin liên lạc cho cậu ta rồi ra ngoài một mình.
Ở nông thôn dậy sớm là chuyện thường, bấy giờ khói bếp đã thoang thoảng sau lưng nhiều nhà. Chốc chốc thì vang lên tiếng lách tách từ củi lửa do có người đun bếp nấu nước, chốc chốc là tiếng nói chuyện bằng giọng địa phương của các cô các chị.
Lý Tùng Nhất thích lắm một bầu không khí trong lành yên tĩnh thế này. Cậu đi dọc lối mòn cho đến khi trông thấy cánh đồng cây gai, và những nhà kính đang tụ tập nhiều người.
Lý Tùng Nhất tò mò bước tới, hóa ra những người này là bộ phận hóa trang của đoàn phim "Sơn Hải Kinh"; còn nhà kính là do đoàn phim dựng lên dành riêng cho ngôi làng. Bên trong nhà ấy cũng trồng cây gai, nhưng bây giờ đã có thể thu hoạch.
Nhân viên bộ phận hóa trang đang cùng dân làng chẻ sợi gai, và tước thành từng sợi mảnh. Bộ phận hóa trang kết hợp với kịch bản để thiết kế trang phục phù hợp cho thủ lĩnh bộ tộc, dũng sĩ và tộc nhân bình thường; sau đó thử dệt một phần vải cốt xem thành phẩm. Đến khi tổng đạo diễn đồng ý thì coi nó như khuôn mẫu, chờ cánh đồng cây gai đến mùa thu hoạch là dân làng có thể đan dệt với quy mô lớn.
Hay nhỉ?
Lý Tùng Nhất bèn ngồi chồm hổm sang một bên, dõi mắt nhìn những đôi tay thoăn thoắt đang làm việc.
Cây gai trưởng thành cao khoảng một mét, thuộc dạng cây bụi. Thân cây mảnh, dày chừng ngón út; lá màu xanh có hình bầu dục.
Họ dùng chày gỗ đập dập sợi, ngâm nước đến khi còn tơ; tiếp theo luộc sợi gai trong nồi đồng khoảng hai giờ rồi vớt ra; sau đó dùng dao tước nhỏ và phơi trên các tấm lót ở sân, đến khi khô ráo thì tước thành từng sợi mảnh. Thỉnh thoảng họ lại vẩy nước lên rồi phơi khô, cứ lặp lại nhiều lần như thế thì diệp nhục* bị mất hết, dân làng gọi đây là quá trình "tẩy trắng sợi gai".
[4] Diệp nhục (thịt lá): Giữa hai lớp biểu bì là diệp nhục (mesophyll), các tế bào diệp nhục chứa nhiều lục lạp nên còn được gọi là lục mô (chlorenchyma), và là mô chính tham gia vào sự quang hợp của cây. Diệp nhục thường chia thành hai phần: lục mô hàng rào ở phía trên (palisade mesophyll), gồm những tế bào hình trụ xếp thẳng đứng, và lục mô xốp (khuyết) (spongy mesophyll) gồm những tế bào có hình dạng không nhất định và sắp xếp bất định.
Lý Tùng Nhất quan sát một cách chăm chú, thoáng cái mà buổi sáng đã trôi qua.
Khi thôn dân trở về ăn trưa, Lý Tùng Nhất mới nhớ xem điện thoại của mình —— Chẳng có tin tức gì, có vẻ như đoàn đạo diễn vẫn chưa phát thông báo.
Cậu trở lại nơi mình ở, trông thấy Hà Gia ngồi ủ rũ góc phòng.
Hà Gia vừa thấy Lý Tùng Nhất đã mếu máo: "Đạo diễn bị gì hả anh? Từ qua đến giờ không nói gì hết, em sốt ruột quá."
"Mọi người đều vậy, không có việc gì phải sốt ruột." Lý Tùng Nhất an ủi.
Nhưng rõ ràng lời an ủi chẳng "xi nhê" chút nào với Hà Gia. Trông cậu ta vẫn lo sốt vó thế kia, hễ làm gì cũng đổ bể.
Trưa, Lý Tùng Nhất phát hiện những người khác cũng ở trong tình trạng tương tự như Hà Gia. Mấy người họ kháo nhau mắng mỏ đoàn đạo diễn: "Đau dài chi bằng đau ngắn, sao còn nhây mãi thế?"
Tưởng Nghiêu chẳng còn hơi sức đâu mà theo dõi Lý Tùng Nhất có tuân thủ lời hứa hay không. Hắn đang gửi tin nhắn cho Thi Tiểu Sơn, kêu gã tìm cách móc nối với đoàn đạo diễn "Sơn Hải Kinh" đặng hỏi cho ra nhẽ —— Rốt cuộc mấy người đó đang làm cái quái gì?
Chiều muộn, Lý Tùng Nhất ra ngoài xem tiếp quá trình tước sợi gai của dân làng. Cậu cũng làm thử, còn có cảm giác thành tựu lắm.
Anh nhân viên bộ phận hóa trang vừa tước vừa nói với Lý Tùng Nhất, rằng dân lao động sao mà giỏi quá, chẳng biết tổ tiên ta lấy cảm hứng từ đâu mà nghĩ ra sợi gai có thể dệt thành quần áo. Ngoài cây gai, còn có cây lanh*, cây bông vải* và muôn loài cỏ cây hoa lá nhuộm màu. Người cổ đại có thể biến hóa cây cỏ thành những thứ mình cần, quả tình là một điều phi thường.
[5] Cây lanh: Cây lanh là cây công nghiệp ôn đới thân thảo được trồng làm thực phẩm và cây lấy sợi ở các vùng trên thế giới có khí hậu ôn hòa. Ở Việt Nam, cây lanh là biểu tượng văn hóa của người Mông.
[6] Cây bông vải: Từ thời xa xưa, con người đã biết trồng cây bông vải để lấy quả dệt sợi. Khi quả cây bông vải chín thì sẽ tự bung ra và người ta nhu về kéo sợi, dệt vải may quần áo.
Chợt, một tia sáng lóe lên trong đầu Lý Tùng Nhất. Sau đó cậu nghe thấy những tiếng nói ồn ào đang tiến lại đây. Cách đó không xa, vài nghệ sĩ chờ thử vai đang đi đến. Có lẽ họ không tài nào chết gí trong phòng thêm nữa, bèn xúm nhau ra ngoài đi dạo.
Khi họ nhìn thấy nhà kính và biết những người này thuộc bộ phận hóa trang của đoàn phim thì vội vã xáp lại gần với ánh mắt long lanh, thể như các nhân viên ở đây là NPC đại diện cho nhiệm vụ ẩn.
Anh nhân viên ngỡ ngàng khi hàng loạt ngôi sao lớn bu quanh mình, luôn miệng thốt ra những câu như "Tôi không biết gì hết", "Tôi không biết thật mà", "Hả? Gì cơ?" và những câu từ thể hiện sự bất lực khác. Trông anh ta còn ngu ngơ hơn những nghệ sĩ kia nữa.
Mọi người cho rằng anh nhân viên giả đò, chứ thực chất đang muốn kiểm tra bọn họ. Thế là cả đám chuyển sang mục tiêu khác, hướng ánh mắt nóng hừng hực về phía cây gai trong tay anh. "Ầy, anh đang làm gì thế? Để tụi em giúp cho!"
Trong vòng chưa đầy một phút, toàn bộ sợi gai đã được tước mảnh.
Anh nhân viên nở nụ cười chất phác: "Tôi cứ thấy tước sợi gai chán phèo. Ai dè có mấy cô cậu giúp đỡ, vui ghê."
Mọi người nghe vậy thì càng hăng hái hơn nữa.
Lý Tùng Nhất đang yên đang lành bị đẩy ra tít ngoài cửa, chẳng biết nên cười hay nên khóc. Cậu không muốn giành với họ bèn múc gáo nước rửa tay, đoạn dạo loanh quanh ở những nơi khác đến khi trời sập tối.
Suốt bữa cơm, mọi người bàn tán về nhân viên bộ phận hóa trang trong nhà kính. Nhiều nghệ sĩ lười ra ngoài phơi nắng nên đã bỏ lỡ sự kiện kia, thành ra ảo não không thôi.
Lý Tùng Nhất thử tưởng tượng viễn ảnh ngày mai, nhà kính trồng cây gai ắt hẳn quá tải và trở thành một địa điểm có tính chất như danh lam thắng cảnh nhỉ?
Một vài người không cam lòng, thừa dịp trời chưa tối hẳn bèn lật đật chạy tới nhà kính. Chẳng qua nhân viên đã đi hết, họ không biết làm gì hơn đành ôm nỗi bực tức trở về.
Hà Gia thuộc hội những người bực tức này.
Lý Tùng Nhất cười khẽ khi trông thấy cậu ta về phòng.
Hà Gia đỏ bừng mặt, chẳng những cảm thấy mình đã làm một chuyện khờ khạo mà còn xui xẻo bị bắt sống tại trận.
May sao tiếng gõ cửa đã làm giảm bớt bầu không khí lúng túng. Hà Gia mở cửa ra, và rồi sững sờ khi trông thấy một cô gái xinh đẹp gợi cảm đang đứng bên ngoài.
"Tôi tìm Lý Tùng Nhất." Cô nói.
"À à." Hà Gia nhanh chóng bước sang một bên.
Hết chương 37
Chú thích:[1]
Dệt sợi Gai là nghề tồn tại khá lâu đời của người Thổ Thanh Hóa. Cây Gai là nguồn nguyên liệu chủ yếu cho việc dệt thành những tấm chăn, chiếc váy và nhiều đồ dùng, vật dụng khác. Trải qua năm tháng, nghề dệt sợi Gai đã trở thành tập quán, nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào Thổ nơi đây.
Đây là
hình ảnh cây gai trồng trên đất bãi của anh Toàn.
Còn đây là
sản phẩm sợi gai được thu mua.
[3] Bàn bát tiên (八仙桌): bàn vuông to, mỗi phía ngồi được hai người.
[5] Cây lanh: Cây lanh là cây công nghiệp ôn đới thân thảo được trồng làm thực phẩm và cây lấy sợi ở các vùng trên thế giới có khí hậu ôn hòa. Ở Việt Nam, cây lanh là biểu tượng văn hóa của người Mông.
[6] Cây bông vải: Từ thời xa xưa, con người đã biết trồng cây bông vải để lấy quả dệt sợi. Khi quả cây bông vải chín thì sẽ tự bung ra và người ta nhu về kéo sợi, dệt vải may quần áo.