“Em là vì lo cho anh nên mới đến, không phải sao?” – Thấy tôi im lặng, anh ấy dứt khoát hỏi thẳng.
“Tôi…” – Tôi thì thào mở miệng, nhưng lại không nói ra được.
Tại sao tôi lại đến đây?
Khi tôi nghe Lưu Tử Nghiên nhắc đến tên anh trong điện thoại, sự căng thẳng và bức bối kì lạ đó rốt cuộc là vì sao?
Trên đường đến đây, sự thấp thỏm và bất an trong lòng rốt cuộc là vì sao?
“Tôi là lo… gần đây anh có thời gian chăm sóc Y Hợp không thôi....”
Nghe được câu trả lời này, Lý Thanh Yến sững người tại chỗ, ánh sáng trong mắt nhạt hơn một chút so với khi nãy. Sắc mặt anh tái nhợt, không biết có phải do mấy ngày nay làm việc vất vả không, bóng người trước mắt vô cùng nặng nề, trên cằm còn lún phún vài sợi râu.
“Nếu anh không để ý, tôi sẽ bảo dì Triệu chăm sóc thằng bé giúp anh một thời gian, đưa tới nhà tôi hoặc để dì Triệu đến nhà của anh đều được.”
“Vậy làm phiền em rồi.”
Đi thăm Diêu Tông Thịnh, mặc dù Lưu Tử Nghiên tiều tụy, nhưng vì thằng bé đã khỏe lên nên tâm trạng của cô ấy rất tốt. Diêu Tông Thịnh hơi bối rối khi nhìn thấy tôi, nhưng khi thấy mẹ mình trò chuyện với tôi một cách lịch sự và hòa nhã, thằng bé rụt rè gọi tôi một tiếng "Dì".
Tạm biệt Lưu Tử Nghiên, tôi đi theo Lý Thanh Yến rời khỏi bệnh viện, cho đến lúc tách ra anh ấy cũng không chịu nói tình trạng của La Thư Ngữ. Anh ấy vừa cử động cổ vừa vươn vai, nói với tôi rằng mấy ngày này anh ấy đều về nhà nấu ăn cho Lý Y Hợp, rồi qua chỗ La Thư Ngữ.
“Nếu em lo cho thằng bé thì hôm nay đi thăm nó đi, anh phải về bệnh viện rồi.”
Tôi gật đầu, chăm chú nhìn anh ấy quay người rời đi. Chỉ thấy anh ấy đi chưa được vài bước thì đột ngột dừng lại. Tim tôi ngay lập tức như muốn nhảy lên cổ họng.
Do dự một chút, cuối cùng anh ấy vẫn không nhìn lại, sải bước đi về phía trước.
Tôi hơi hụt hẫng, cảm thấy cơ thể nặng trĩu một cách khó hiểu, hoàn toàn không biết bản thân đã vào siêu thị mua đồ bằng cách nào, cũng không biết từ khi nào đã bước đến nhà của Lý Thanh Yến.
Tôi nhấn chuông, nghe thấy bên trong vang lên tiếng động nhỏ, hình như là đang di chuyển cái gì, đợi thêm một lúc mới nghe thấy tiếng mở khóa.
Cửa nhà mở ra, Lý Y Hợp nhỏ từ sau cánh cửa xông ra, tôi chưa kịp chào hỏi thì thằng bé đã bổ nhào tới ôm lấy chân tôi. Sau lưng thằng bé là một cái ghế đẩu, chắc là vừa nãy giẫm lên nó để nhìn người ngoài cửa qua mắt mèo.
Tôi đặt túi nguyên liệu trong tay xuống đất, ngồi xổm xuống đỡ lấy vai của thằng bé, nhìn khuôn mặt nhỏ nhắn của nó, trong lòng tôi trào dâng một nỗi xót xa.
“Đói rồi phải không?”
Thằng bé gật đầu.
Dắt tay Lý Y Hợp vào nhà, tôi đặt nó lên ghế ăn, cho thằng bé món trứng Onsen tamago* ăn liền, rồi bận rộn bắt tay vào nấu ăn.
*Onsen tamago: Món trứng nguội truyền thống của Nhật Bản. Ban đầu, trứng được luộc chậm trong nước ở suối nước nóng. Quả trứng có cấu trúc đặc biệt: lòng trắng có vị như bánh custard, mềm béo vị sữa; lòng đỏ đông cứng nhưng màu và vị như lòng đỏ sống.
Lúc nấu ăn, thỉnh thoảng tôi quay đầu nhìn thằng bé, chỉ thấy nó nghiêm túc cẩn thận lột vỏ trứng, cầm muỗng lên xúc từng miếng nhỏ.
Mặc dù Diêu Tinh Nam cũng là một đứa nhỏ yên tĩnh, nhưng so với con bé, Lý Y Hợp y như một cậu bé câm.
Thằng bé ăn một cách thong thả, cẩn thận nếm mùi vị của trứng. Đột nhiên, tay nhỏ bị nghiêng, lòng đỏ trong muỗng bị rớt xuống bàn.
Giống như gặp phải đả kích rất lớn, Y Hợp nhỏ cầm muỗng ngơ ngác nhìn miếng trứng trên bàn, đôi môi nhỏ mím chặt, hệt như đang tiến hành một cuộc đấu tranh tâm lý gay gắt.
Tôi bưng món rau xào tới bàn, lấy một miếng vỏ trứng nhỏ dính trên mặt thằng bé ra, cười nói: “Rớt trên bàn rồi thì không thể ăn được nha!”
“Nhưng mà…”
“Dì biết Y Hợp thích ăn món trứng này.”
Thằng bé nghiêng cái đầu nhỏ: “Sao dì biết ạ?”
Tôi cười với thằng bé, không trả lời câu hỏi của nó.
“Dì đã mua thêm cho Y Hợp rất nhiều, bỏ trong tủ lạnh rồi. Ngày mai có thể ăn tiếp, được không?”
Thằng bé cười rất vui vẻ.
Tôi chậm rãi ăn cơm cùng thằng bé, nói với nó rằng mấy ngày này dì Triệu sẽ chăm sóc nó, còn hỏi thằng bé có muốn qua đó không hay là để dì Triệu qua đây.
Thằng bé nghĩ một chút, đột nhiên hỏi: “Nếu ở đây đợi thì dì sẽ vẫn đến thăm con chứ?”
Mí mắt tôi giật giật, nhìn thằng bé thật kĩ, khóe miệng nó dính hai hạt cơm, đôi mắt sáng long lanh nhìn tôi đầy mong đợi.
Tôi duỗi tay ra, ôm thằng bé vào lòng.
“Cho dù con ở đâu, dì cũng sẽ đến tìm con.”
***
Rời khỏi nhà Lý Thanh Yến, tôi gửi cho anh ấy một tin nhắn, nói rằng Y Hợp buổi sáng và buổi tối sẽ đến nhà tôi ăn cơm, khi anh ấy không tiện về nhà thì để Y Hợp ở lại nhà tôi.
[Cảm ơn em.]– Anh ấy trả lời.
Trên đường trở về khách sạn, tài xế taxi dẻo miệng nói với vẻ ngưỡng mộ: “Những người có thể sống trong khách sạn Ritz đều là những người giàu có! Nghe nói những người có máu mặt ở thành phố của chúng ta, nếu không đặt được phòng ở khách sạn này thì sẽ mất giá trị bản thân!”
Tôi gật đầu, chỉ nói một câu: “Tôi chỉ tình cờ có cơ hội ở hai ngày, những điều anh nói tôi không hiểu lắm.”
Đối phương không quan tâm tôi trả lời như thế nào, chẳng qua là tán dóc thôi, anh ta tự kể vài điều thú vị những lúc lái xe.
Lúc xuống xe, tôi không cẩn thận đụng đầu vào khung cửa, chiếc mũ lưỡi trai rơi ra, tôi đưa tay chụp thì mới nhớ ra cái mũ của Lý Thanh Yến tôi vẫn chưa trả lại.
Để lần sau vậy.
Tôi nghĩ thầm, sau đó lại đội mũ lên, một bóng người chợt lướt qua khóe mắt, tôi ngẩng đầu nhìn, là Trương Niệm Chi.
Tâm trạng của anh ta hình như rất tốt, tư thế đi lại của anh ta khiến người khác nhìn ra vẻ tự đắc.
Ngay lúc tôi đang quan sát anh ta, anh ta giống như cảm nhận ra điều gì đó, liếc mắt về phía tôi. Tôi vội vàng kéo vành mũ xuống, giả vờ bản thân chỉ là tình cờ nhìn.
Trương Niệm Chi chỉ dừng chân một chút rồi bước xuống cầu thang, rời khỏi khách sạn.
Mở cửa phòng 1819, trong phòng khách chỉ có ánh sáng dịu nhẹ của chiếc đèn bàn. Vừa định giơ tay bật đèn, tôi đột nhiên nghe thấy tiếng ngáy nhỏ trong phòng khách.
Tiếng ngáy phát ra từ bóng hình hơi xiêu vẹo trên ghế sô pha.
Diêu Kế Lai ngồi trên ghế sofa đơn, tay phải chống lên tay vịn, đỡ lấy đầu của mình. Tay trái buông thõng trên đùi, trên tay đang cầm một bản hợp đồng. Điện thoại rơi trên thảm, ánh đèn đỏ nhấp nháy báo hiệu điện thoại sắp hết pin.
Tôi rón rén bước tới, nhặt điện thoại lên, định đặt lên bàn cà phê thì vô tình nhìn thấy dòng chữ trên bìa hợp đồng: Chuyển nhượng cổ phần.
Điện thoại tuột khỏi bàn tay, phát ra một âm thanh "đanggg" trên bàn cà phê, tôi giật mình vội vàng nhìn Diêu Kế Lai.
Nghe thấy tiếng động, Diêu Kế Lai giật mình tỉnh dậy, hít một hơi thật sâu, dùng tay phải đang đỡ đầu để xoa xoa đôi mắt, cố gắng dụi vài cái rồi mới buông ra.
“Về rồi à.” – Anh ấy cười nhạt, ném hợp đồng trong tay trái lên bàn, rồi giơ tay về phía tôi.
Tôi chỉ đứng đó, không đặt tay vào trong bàn tay anh như anh ấy muốn.
Không khí xung quanh tay trái anh ngưng tụ, khí lạnh lan đến bên môi, nụ cười nhàn nhạt vừa nãy cũng tiêu tán.
“Tinh Nam đâu?” – Tôi hỏi.
“Ngủ rồi.” – Anh ấy liếc về phía phòng ngủ, đứng dậy khỏi ghế sô pha, buông thõng bàn tay đang giơ ra của mình xuống.
“Anh muốn… bán xưởng nội y?”
“Ừ. Bây giờ xưởng nội y nằm trong tay tôi sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực rất lớn, nếu cứ tiếp tục như vậy, tuy không ảnh hưởng lớn đến tài sản của tôi, nhưng chung quy vẫn là một sự phiền toái. Chẳng thà để cho người khác phát huy giá trị của nó. Hơn nữa... Niệm Chi đã quen thuộc với nhãn hiệu Lan, quen thuộc xưởng nội y, giao nó vào trong tay cậu ta thì nhất định sẽ không như bây giờ.”
“Nhưng ông Hứa đã giao xưởng nội y cho anh, chẳng phải ông ấy mong nó tiếp tục được phát huy trong tay anh sao?”
Giọng anh ấy trầm trầm: “Nhưng sẽ tốt hơn là hỏng trong tay của tôi.”
Hai người không hẹn mà cùng nhìn vào bản hợp đồng. Tôi hít một hơi thật sâu, thăm dò: “Nếu tôi nói… Tôi có cơ hội giúp Nội y Lan cải tử hoàn sinh, anh có muốn thử không?”
Anh ấy có chút không hiểu nhìn tôi.
Tôi đi nhanh về phòng sách, lấy bản thảo thiết kế đã hoàn thiện ra và đưa cho anh ấy.
Vẻ mặt anh ấy càng thêm khó hiểu, nhưng thay vì đặt câu hỏi, anh lại xem bản thảo thiết kế một cách nghiêm túc.
“Đây là loại nội y có đặc điểm dễ mặc vào và cởi ra, đối tượng chủ yếu là người trung niên, cao tuổi và phụ nữ bệnh liệt giường quanh năm.”
Anh khẽ thở dài, dường như có chút đau lòng: “Em là… vì mẹ của em?”
Tôi bối rối nhìn anh ấy, phải mất một phút sau tôi mới nhận ra rằng anh đã hiểu lầm. Theo anh ấy, tôi là Tống Cẩm Du hiếu thảo với mẹ, để chữa bệnh cho mẹ mà đã gánh một món nợ khổng lồ và phải bán bản thân mình.
Làm sao anh ấy biết, tôi thiết kế bộ đồ lót này hoàn toàn là do bệnh người già của tôi, tôi thường xuyên phải nằm viện, mặc đồ lót một ngày cũng là một cực hình. Hơn nữa, kiểu áo lót thông thường cài nút phía sau là một thách thức đối với người già và một số bệnh nhân.
Những người phụ nữ bất đắc dĩ phải nằm trên giường bệnh, vì không còn có thể bước vào bất kỳ cửa hàng nội y nào để mua một chiếc áo lót thoải mái nên đã khiến ngực của họ không được bảo vệ trong nhiều năm. Chưa kể, cũng không có đồ lót nào được thiết kế đặc biệt cho họ.
Trong hoàn cảnh khó khăn này, tôi mới nhận ra rằng so với mấy chục năm trước mình là một người phụ nữ có lòng tự trọng mỏng manh, nhạy cảm hơn cần phải chăm sóc.
Với ý tưởng này, tôi đã dồn hết tâm sức để thiết kế ra bộ đồ lót này.
Nhưng những điều này… không cần thiết phải nói với anh ấy.
“Anh cảm thấy triển vọng của loại nội y này với thị trường như thế nào?” – Tôi trốn tránh câu hỏi của anh, hỏi ngược lại.
Lông mày Diêu Kế Lai hơi nhíu lại, nhưng trong giọng lộ ra một chút chắc chắn: “Thực sự trước nay chưa từng có thị trường đồ lót chủ yếu nhắm đến đối tượng là người trung niên, cao tuổi và bệnh nhân nằm liệt giường. Nếu có thể chiếm trước thị trường... Ừ! Ngày mai tôi sẽ đưa cái này cho bộ phận thiết kế và bộ phận marketing để cùng nghiên cứu và thảo luận. Em tự mình thiết kế ra cái này sao?”
“Đúng, tôi có thông tin tương đối đầy đủ về dữ liệu thiết kế, các loại vải và phụ kiện cho loại đồ lót này. Nhưng những thứ này tôi sẽ không đưa không cho anh.”
Lo lắng anh ấy sẽ có vướng mắc về lý do tại sao tôi thiết kế đồ lót, tôi đã tiết lộ mục đích của mình.
“Tôi muốn giao dịch với anh.”