Lọc Truyện
Từ ngày 12/7/2024: Metruyenhot sẽ chuyển sang dùng tên miền metruyenhotmoi.com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ chúng mình và nhớ tên miền mới này nhé!


Buổi sáng thứ 6 ở ngoại ô thành phố Phan Thiết, nắng dịu nhẹ hòa vào không khí mát lạnh của cơn mưa đêm qua mang cho người ta cái cảm giác thoải mái, dễ chịu. Ở dưới mặt đất cỏ cây còn hãy ướt đẫm, tàu lá hiện lên cái vẻ màu xanh mơn mỡn tươi tốt. Còn phía trên là những đám mây trắng muốt vắt ngang nền trời xanh thẳm, đẩy không gian lên cao vời vợi. Cảnh vật buổi sáng bình yên, ấm áp đến lạ.
  
Tôi vừa lái chiếc cub của nội vừa thong thả ngắm nghía cảnh vật xung quanh và dòng người trên đường. Suy nghĩ một chút xem hôm nay mình sẽ làm gì đây. Sau một hồi đấu tranh nội tâm để lựa chọn thì tôi quyết định hôm nay sẽ theo ông rong rảo khắp nơi trong thành phố để nhặt ve chai. Tôi còn dự định sẽ nhận vé số để đi bán kèm, kiếm thêm một ít. Đấy là một công đôi việc.
  
Hai ông cháu ăn sáng no nê xong thì bắt đầu hành trình “dạo chơi” trong thành phố. Quả thật vừa nhặt vừa bán thu vào khá hơn so với những ngày trước đó mặc dù ngày đầu tôi bán vé số vẫn còn dư đôi chục tờ. Ông nội bảo “Ngày đầu đi bán như thế là tốt rồi.”. Còn khen tôi khéo mời khách, có tài buôn bán, sau này lại khéo mà giàu. Tôi cười xuề xòa cho qua chuyện. Biết đâu hôm nay ăn may thì sao? Mà thôi kệ, tôi nghĩ rằng mình bán chỉ vì đam mê.
  
Hai ngày sau đó cứ diễn ra như thế. Ban ngày tôi làm việc với nội, tối thì lại ra biển chơi với hy vọng có thể gặp lại Trinh một lần nữa để thỏa mãn lòng mong đợi được nhìn ngắm khuôn mặt xinh đẹp ấy. Nhưng khi tôi đến và đi khắp bờ biển, hay dạo khắp công viên vẫn không gặp được. Có lẽ Trinh đã về Sài Gòn với gia đình rồi. Mỗi lần ra biển như thế tôi đều đi dạo một chút rồi ôm tâm trạng thất thểu ra về. Tuy buồn nhưng dẫu sao mới gặp một lần, không có gì phải đáng tiếc cả. "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng" mà.
  
Sáng thứ hai của tuần mới.
  
- Phong! Dậy đi con, 6h rồi.
  
Tôi nghe tiếng ông nội gọi liền giật mình tỉnh dậy, trở mình lăn qua trái thì bị lọt từ trên giường xuống đất. Lồm cồm ngồi dậy mà ôm lưng rên rỉ, tôi thắc mắc không ngớt tại sao hôm nay tôi lại nằm trên giường. Chẳng phải mọi hôm đều ngủ võng hay sao? Đêm qua cũng rõ ràng là tôi ngủ võng mà? Nội gọi tôi một lần nữa:
  
- Phong! Dậy đi học, trễ rồi.
  
- Con học chiều mà nội.
  
-
 Thế à, vậy ngủ tiếp đi. Tao tưởng mày đi học sáng.
  
Tôi nhìn ra bên ngoài thấy ông nội đang ngồi cặm cụi lau thật kĩ chiếc xe, liền hỏi:
  
- Ơ thế nay nội không đi làm hả?
  
- Nay tao đi công chuyện, trưa mới về. Ở nhà coi nấu cơm ăn rồi đi học, khỏi chờ nội.
  
Tôi dạ ran rồi leo lên võng, nhắm mắt vùi đầu ngủ tiếp. Dự định đánh một giấc nữa đến trưa rồi đi net chơi, đến giờ thì đi học thôi không cần nghĩ ngợi gì nhiều cả. Nghe tiếng xe máy của nội vang lên rồi nhỏ dần, tôi thầm nghĩ:
  
“Nay nội đi đâu mà bảnh thế nhỉ?”
  
Chợt nhớ ra tôi chưa đem sách vở vào thành phố. Không có chúng thì nhất định trưa nay tôi sẽ là cái tên khai trương “bảng phong thần” của lớp rồi.
  
Tôi vội vàng dọn dẹp giường chiếu, chạy ra sau vệ sinh cá nhân rồi vào mặc áo khoác với cái quần dài vào, vai đeo cái balo không và chạy bộ ra vòng xoay lớn đón xe buýt để về nhà. Đợi tầm 10 phút thì đã có xe. Tôi lên xe, tìm chỗ trống rồi ngồi vào đó đánh một giấc. Xe chạy băng băng trên quốc lộ, gió lùa vào cửa sổ mát rượi đem tôi về không gian tĩnh lặng trong lòng.
  
Rất lâu sau, trong cơn mơ màng tôi nghe có tiếng người lay gọi:
  
- Dậy! Dậy mày thằng quỷ.
  
Tôi mở mắt, đưa tay dụi thì thấy rõ khuôn mặt lão Minh lơ xe buýt.
  
- Có xuống không? Sắp tới rồi!
  
- Tới rồi à? Xuống, dừng chỗ cũ cho em.
  
- Ngủ nữa tao cho mày ra Phan Rí luôn.
  
Tôi cười trừ, nịnh lão mấy câu cho có lệ. Lúc xuống xe, tôi đang ngang thì bị lão Minh đá vào mông một cái rõ đau.
  
- Lần sau ta cho ra Phan Rí nha mày!
  
- Đi miễn phí sướng.
  
Tôi cười láu cá nhảy xuống xe, vẫy tay chào. Cha nội này bựa lắm, đi xe lão hoài riết quen mặt. Hành trình xe buýt kết thúc và tới hành trình đi bộ về nhà. Căn nhà màu trắng, không hàng rào, không cổng ấy hiện ra trong mắt tôi. Cảm giác sao đỗi nhớ nó dù mới có mấy ngày đi xa. Căn nhà được đóng cửa kín mít, cái ổ khóa vẫn một chỗ không có khác gì, vườn nhà phía sau vẫn vậy nhưng khác ở chỗ rác và cỏ nhiều hơn.
  
Tôi thả balo xuống rồi mở cửa ra. Mùi không khí vắng lặng của căn nhà xộc vào mũi tôi, thấy xao xuyến và nghèn nghẹn ở cổ. Mấy ngày nay đi, bỏ nhà không ai lo nhang khói cho bàn thờ, thấy u ám và lạnh lẽo quá. Tôi vội thắp nén nhang cho bàn thờ ông bà ngoại với bàn thờ phật Quan Âm, khấn vái rồi lạy lụp, thành khẩn cầu xin họ độ trì phù hộ cho tôi được an vui, mạnh khỏe.
  
Xong thì tôi đem balo vào phòng, cho sách vở đồ đạc vào thật gọn. Ấy thế mà vẫn thiếu chỗ. Tôi đành phải dùng túi nilon đựng chồng sách giáo khoa, còn balo thì chèn nhét vở với thêm vài bộ quần áo. Xong xuôi đâu vào đấy thì tôi cầm chổi bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa từ trước ra sau. Hy vọng nhà cửa luôn sạch sẽ tươm tất như thuở còn sum vầy, sung túc với ông bà ngoại.
  
Lúc trước ngày nào tôi cũng sống như thế, sống một mình trong căn nhà rộng này. Mấy hôm rồi không dọn, nhà dơ lắm. Cỏ mọc um tùm ở vườn cây sau nhà, rác ở đâu tụ tập về với lá ổi rụng đầy khiến tôi dọn mệt bở hơi tai. Đến trưa tầm 10 giờ thì mới xong từ trước ra sau. Căn nhà lại sạch sẽ, mọi thứ lại tươm tất và gọn gàng.
  
Tôi nằm thả mình trên phản vài phút, nhìn vào hư không mà nghĩ ngợi. Sự nhỏ bé trong tôi lúc này là cuộc sống một mình. Và sự lớn lao trong tôi lúc này là những khó khăn sắp tới mà tôi phải đối mặt. Bất giác nước mắt chảy dài, từng giọt nóng hổi lăn trên gò má khiến tôi cảm thấy đau đớn và buồn tuổi. Trong vô thức tôi nghe thấy chính mình gọi "Mẹ".
  
Tôi không rõ mình đã nằm đó bao lâu. Thời gian lúc đó trôi qua nhanh mà chậm, chỉ là vài phút nhưng cảm giác rất thật rằng tôi đã trôi qua hàng thế kỷ trong không gian cô độc, vắng lặng.
  
Bước ra khỏi căn nhà, tôi âm thầm khoá cửa. Trong thâm tâm tôi là một tâm trạng nao nao, không nỡ rời xa căn nhà mà vốn dĩ đã từng có hạnh phúc đơn sơ trước kia.
  
- Mày về đấy hả Phong?
  
Có tiếng gọi tôi ở phía sau. Tôi quay lại :
  
- Dạ! Dì Hai. Con về lấy sách vở.
  
- Coi như ngoại con nhờ dì ha!
  
Dì Hai dúi vào tay tôi tờ 500 nghìn rất dứt khoát, vẻ mặt rất cương quyết.
  
- Dạ thôi dì ơi. Con còn tiền mà!
  
- Cầm đi, lo ăn uống đàng hoàng. À mà đưa chìa khoá nhà cho dì, tối dì sang lo nhang khói cho. Chứ bữa giờ mày bỏ bê quá. Tội chết con ạ!
  
- Dạ vậy nhờ dì trông nom nhà hộ con.
  
Tôi đưa chìa khóa cho dì Hai, cảm ơn rối rít. Xong rồi chào tạm biệt. Tôi quay đi, vai vác balo to đùng, tay xách nách mang thêm hai túi nilon đồ đạc. Tôi muốn bật khóc nhưng làm sao có thể? Khóc vì cái gì chứ? Tôi phải vui mới đúng!
  
Chuyến xe buýt đưa tôi về lại căn nhà đặc biệt của nội. Tôi thôi nghĩ ngợi nữa, lo sắp xếp đồ đạc và thay quần áo chuẩn bị đi học.
  
Thấy còn sớm, tôi đạp xe xuống quán net hôm trước solo với lão chủ quán, đặng thăm hỏi rồi tranh thủ làm ván game cho đỡ ghiền tay.
  
Tôi bước vào quán thì một cảnh tượng hãi hùng đã xảy ra. Trước mắt tôi là tụi quần xanh áo trắng, cổ khăn quàng đỏ đang ngồi la hét, bát nháo như cái chợ. Đứa thì đập đập, giật giật con chuột. Thằng thì gõ bôm bốp xuống bàn phím. Chẳng khác nào cái nơi tra tấn tù nhân cả. Tôi bàng hoàng đứng đơ người ở cửa, đảo mắt một lượt tìm máy trống nhưng chẳng thấy đâu.
  
Thấy tôi đứng ngóng ở cửa, lão chủ quán hú:
  
- Ê nhóc, lại đây.
  
Tôi tới khu vực máy chủ của lão, tôi làm bộ ngơ ngác.
  
- Nay đông thế anh?
  
- Tụi nhóc này tí về ngay ấy mà. Chú mày đợi tí.
  
- Em sắp đi học rồi. Tính ghé qua chơi mà xem ra tình hình này không ổn.
  
Lão thoáng nghĩ ngợi rồi nhanh nhảu bảo tôi ngồi máy chủ trông quán giúp, muốn chơi gì cũng được.
  
- Anh không sợ em cuỗm tiền bỏ chạy hay sao?
  
Tôi làm mặt gian nhìn lão.
  
- Sợ cái đầu mày. Nhìn cái camera phía sau mày đi.
  
Tôi quay lưng lại thì thấy camera treo trên tường đang chỉ tận mặt tôi.
  
- Đùa thôi, em coi cũng được mà không dám chơi game đâu, giật máy con chúng nó chửi cho chết.
  
- Thôi tuỳ chú mày, máy đó cứ việc mà làm.
  
Nói rồi lão ra lấy xe vọt mất, trông gấp gáp lắm. Tôi liền ngồi vào ghế, chễm chệ hệt như ông chủ, cái ghế xoay thích thật. Vào máy tính mở bản mấy bản nhạc trẻ tôi hay nghe, vặn volume thật to tạo chút không khí cho quán nét. Thỉnh thoảng nhìn quanh thì có người nhịp nhịp chân theo điệu nhạc, có người lại kêu mở bản khác. Nhưng đau lòng nhất là tụi trẻ ranh kia vẫn không thôi gào thét, chửi rủa át cả tiếng nhạc. Tôi bực mình quát lớn:
  
- La cái đầu chúng mày. Trật tự cho người khác chơi chứ?
  
Tụi nó nhìn tôi nhíu mày rồi thì thầm to nhỏ với nhau, đoán xem tôi là thằng nào.
  
- Nó coi quán hộ anh Tấn đấy.
  
- Thôi chơi đi, đụng chạm kẻo mệt.
  
Tôi bắt đầu run sợ với cái bọn này rồi. Nhiều khi nghĩ không sợ đầu to chỉ sợ mấy thằng đầu nhỏ mà gan thì to. Định thần lại chuẩn bị chơi Pikachu giết thời gian thì chợt thấy một thằng choi choi nữa đang bức xúc và có hành động đập con chuột một cách bạo lực. Tôi chạy lại vỗ vai nó, hỏi:
  
- Định phá quán này hả? Mày có tiền đền không? - Không đợi nó trả lời, tôi nói nốt. - Chứ tao thì không rồi đó.
  
- Dạ đâu có anh, em tức quá. Thằng chó kia hack game, bắn ảo quá.
  
Sẵn đang ngứa tay, tôi nói:
  
- Đâu? Đưa đây tao trả thù cho.
  
Nó nhích người sang một bên, tay đẩy bàn phím và chuột về phía tôi. Và cứ thế tôi lao vào đồ sát. Được pha giết ba đẹp mắt nên tôi bắt đầu nổ:
  
- Mày thấy chưa, bắn thế mới gọi là bắn. Im lặng và chơi đi.
  
- Dạ, vậy anh đưa em bắn đi. Anh chơi nãy giờ rồi!
  
Tôi ngượng người trả lại "đồ chơi" cho nó rồi chuồn đi, về ngồi an phận ở máy chủ. Một lúc sau thì anh Tấn quay lại, đi vào cười cười thoải mái lắm. Tiến tới cái tủ nước, anh Tấn mở ra và lấy một lon nước ngọt ném về phía tôi.
  
- Sao nhóc? Có gì lộn xộn không?
  
- Không đâu anh. Chán thí mồ.
  
- Mày nói thế thì thôi chứ anh tính nhờ mày coi quán hộ, anh cho tiền.
  
Tôi như mèo mù vớ cá rán, mừng quýnh lên mà cười nịnh.
  
- Thế à? Nhận chứ, chán cũng làm. Em làm được.
  
- Nhưng có ảnh hưởng gì tới việc học của mày không?
  
- Anh muốn em làm cả ngày hay sao?
  
- Không. Mày rảnh khi nào thì làm cũng được.
  
Tôi đi ra nhường lại chỗ cho anh Tấn. Mở lon nước ra tu một hơi cho đã khát.
  
- Em học chiều, rảnh buổi sáng. Trừ sáng thứ tư thì bận học thôi.
  
-
 Được đấy. Sáng 8 giờ mày cứ tới đây coi quán cho anh tới 11 giờ rồi mày về đi học. Tối rảnh thì tới cũng được, anh tính thêm tiền. Một ngày như thế anh cho mày 100 ngàn. Chịu không?
  
Nghĩ nhanh, một ngày được 100 nghìn, một tháng cũng ngót ngét được ba triệu rồi. Số tiền ấy với tôi mà nói là lớn, dư dả so với mức cần thiết chi tiêu.
  
- Chịu chứ, đang cần tiền mà lại.
  
Anh Tấn nhìn tôi với anh mắt nghi hoặc:
  
- Chích xì ke hay sao mà cần tiền?
  
- Bậy rồi…
  
Tôi nói chuyện với anh Tấn thêm một lúc thì đến giờ đi học. Lão có gửi tôi 50 nghìn tiền công hôm nay nhưng tôi từ chối khéo. Rồi xóc xỉa lão thêm mấy câu thì chuồn ngay.
  
Anh Tấn tốt tính với tôi đến mức tôi cảm thấy đầy rẫy sự nghi ngờ trong cuộc sống này. Mới mấy hôm trước thôi cuộc đời còn vùi dập đến nỗi tôi luôn ví mình là chiếc lá vàng úa bị cơn gió mùa xâu xé cho tơi tả. Nay lại thế này, đáng sợ đến đáng ngờ.
  

Nhấn Mở Bình Luận