Một pha kiện cáo thất bại đầy cay đắng. Bao nhiêu uất ức cứ dồn nén lại vào trong người tôi, đến nỗi muốn nói nhưng chẳng thể. Chỉ sợ mở miệng ra thì lại òa lên mà khóc. Thằng Huy vỗ vai tôi thở dài:
- Thôi Phong ơi, chịu thôi. Tao nói rồi, mình không có chơi lại nhà nó đâu. Quyền thế ghê gớm lắm.
Tôi không nói gì. Nó im lặng, rồi quay sang an ủi cô Vân. Trong phòng còn lại tôi, thằng Huy, cô Vân và hai thằng khác đang ủ rũ nhìn tôi. Hai đứa nó đi tới, cũng vỗ vai tôi mà nói:
- Tụi tao xin lỗi nha Phong, không giúp gì được cho mày. Tao cũng ghét cái cách nó thể hiện lúc nãy lắm. Hách dịch quá đáng.
- Thôi bọn tao về lớp trước đây.
Nói rồi tụi nó rời khỏi phòng. Tôi ngồi thừ người ra suy nghĩ. Quyền thế, tiền bạc là thứ mà đời này người nào chẳng ham muốn, theo đuổi. Nhưng một khi họ có rồi thì lại lấy ra để đè nén chèn ép người khác, biến sai thành đúng, hóa trắng thành đen. Càng nghĩ càng cảm thấy phẫn uất. Tôi vò đầu bứt tai, tức tối không chịu được. Trông thấy tôi đang ôm tâm trạng rối bời, cô Vân cố lấy bình tĩnh, nén nước mắt mà nói:
- Phong! Cô cần biết mọi chuyện rõ ràng hơn. Em hãy nói rõ cho cô nghe?
- Cô cần biết để làm gì? Chẳng phải cô cùng mọi người đã sợ ông ta hay sao? Cô biết rồi thì giúp gì được cho em?
- Sao em lại nói như thế? Chuyện này phức tạp, em không hiểu được cũng không nên nói như vậy!
- Đúng, em không hiểu. Thế thì chuyện của em cũng chẳng ai hiểu. Cô đừng hỏi.
Cô Vân vẫn mãi gặng hỏi, xuống nước hết mức, nhỏ nhẹ mà từ tốn, ánh mắt của cô bật lên một chút ấm áp, hiền dịu khiến tôi cũng bất chợt xiêu lòng.
- Cô thương hại em à? - Tôi hỏi.
- Cô không thương hại ai cả. Chuyện này liên quan nhiều người, em là người trong cuộc, em phải có trách nhiệm với bản thân mình và những người khác chứ? Em có nghĩ đến việc vì mình mà bạn Huy, Tuấn với Hùng phải xuống đây làm tường trình với em hay không? Em có cảm thấy xấu hổ khi mà các thầy cô phải bỏ dở công việc để ngồi đây cả buổi giải quyết chuyện bọn em gây rối hay không?
Tôi chợt nhận ra cô Vân đang tức giận. Cô giận vì sự ương ngạnh và cứng đầu của tôi. Và kèm theo đó là một chút bất lực, mệt mỏi và buồn phiền. Tôi im lặng, né ánh mắt hiền từ của cô Vân. Cô nói tiếp:
- Em phải nói ra là em đã gặp phải chuyện gì thì cô mới biết được để giúp em giải quyết chứ? Vừa rồi em có thấy rằng mình bị bất công không?
Tôi giật mình khi bị cô Vân chất vấn rằng tôi có cảm thấy bị bất công hay không. Tôi muốn bật khóc ra đến nơi nhưng cố gắng mím môi, kiềm chế cảm xúc dữ dội ở trong lòng. Tôi quay sang hướng khác như muốn trốn tránh thực tại, trốn tránh món đòn tra xét cảm xúc của cô Vân và thằng Huy.
- Phong, mày nói ra cho cô với tao biết đi. Tao cũng đang nóng lòng lắm đây. Chứ để bọn nó nói mày ăn trộm thì tao lại thấy vô lý, mà tức quá không biết làm gì được. Xin mày đấy!
Cô Vân và Huy Beo thay phiên nhau năn nỉ tôi. Một hồi tôi cũng đành cam lòng kể lại mọi chuyện trong ngày hôm qua và hôm nay, trừ việc được ông nội giúp đỡ như thế nào. Có những lúc tôi như muốn bật khóc, tôi đau đớn đến nghẹn họng, mắt đỏ hoe nhưng vẫn cố gắng, vẫn tỏ ra bình tĩnh để không phải nấc lên trước mặt người khác. Tôi cho rằng mình không phải một kẻ như thế, một kẻ chi biết yếu đuối và hèn nhát. Cô Vân nghẹn ngào nói:
- Cô đã hiểu rồi và cô tin vào lời em nói! – Cô vuốt nước mắt đang chảy dài trên sóng mũi, đoạn nói tiếp. - Chuyện này có còn ai biết nữa không?
- Biết em là thằng ăn trộm thì nhiều đấy, chứ biết em bị oan chắc chỉ có mỗi mình em!
Cuộc trò chuyện giữa ba cô trò rơi vào khoảng lặng, ai nấy cũng đều chạy theo suy nghĩ của riêng mình. Bỗng cô Vân nói:
- Cô sẽ không để chuyện này xảy ra đâu. Về lớp cô sẽ chấn chỉnh và làm việc riêng với Hưng. Cô cũng mong Phong trong thời gian này không làm việc gì sốc nổi thêm nữa. Em hãy bình tĩnh, dưỡng bệnh đã. Cô sẽ chịu trách nhiệm và giải quyết giúp Phong.
Nghe thấy thế tôi chuyển từ bất ngờ sang hoang mang rồi về lại sự xúc động, kéo theo là một nỗi niềm xấu hổ. Việc tôi làm, sao lại để người khác chịu trách nhiệm cơ chứ? Tôi gây chuyện kéo theo những người bạn học và cả giáo viên chủ nhiệm vào đã không đáng trách thì sao lại thành đáng thương được. Tôi liền hỏi:
- Cô chịu trách nhiệm giúp em, lỡ chẳng may cô bị kỷ luật hay bị phạt thì làm sao?
Cô Vân mỉm cười, khẽ lắc đầu tỏ vẻ không sao. Nhưng chí ít thì tôi cũng biết, xử lý không khéo cô Vân lại bị hạ thi đua thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghiệp giáo viên của cô mất.
- Tao thấy cô nói phải đó Phong. Việc của mày bây giờ là dưỡng bệnh, rồi chịu phạt. Yên tâm, Huy này sẽ đồng cam cộng khổ cọ toilet với mày. Với cả mày phải lo học thật tốt để lấy thành tích gỡ hạnh kiểm lại kìa. Hạnh kiểm trung bình thì cho dù mày xảy ra lỗi gì thì không ai đỡ nổi đâu!
- Bạn Huy nói đúng đó Phong. Hạnh kiểm trung bình sẽ đánh giá học sinh như thế nào trong nhà trường đó. Em đừng để các giáo viên phải có cái nhìn ác cảm về em chứ.
- Nhưng chính trong chuyện này họ đã nhìn em như thế rồi còn gì? – Tôi cãi lại, lớn tiếng một chút.
- Vậy thì em phải biết phấn đấu, chứng minh mình trong sạch? Tại sao em không làm như thế mà cứ ôm buồn phiền và tiếp tục suy nghĩ tiêu cực như vậy? Chẳng khác nào em đang cố dấn mình vào con đường sai lầm một lần nữa?
Tôi lặng im, cúi mặt xuống. Đấy là lần đầu tiên cô lớn giọng. Ấy thế trông cô vẫn hiền hậu biết bao, lại thêm cái nét nghiêm nghị trên khuôn mặt còn xuân ấy khiến tôi muôn phần xấu hổ, thẹn thùng.
- Thôi, các em về lớp đi. À mà Phong hãy nói với gia đình vào thứ sáu tuần sau đến đây gặp cô để nói chuyện. Dù sao gia đình em cần phải biết và quan tâm đến em hơn, không thể như thế này mãi được.
- Chuyện của em sao phải để gia đình em bận tâm? Sao không giải quyết với em luôn một thể? – Tôi lại lớn tiếng, dù mới đó thôi còn cảm thấy mình sai vạn lần với cô Vân.
- Em sao thế? Cô chỉ muốn biết về gia đình em thôi mà?
- Em không có gia đình. Cô đừng hỏi nữa.
Tôi quay mặt đi tránh ánh mắt dò xét của cô. Nhưng tôi biết, chắc hẳn cô và thằng Huy đang rất ngạc nhiên và khó hiểu.
- Nhưng ít nhất phải có người quen, cô bác họ hàng gì đó. Em hãy gọi họ đến đây cho cô. Cô không cần biết lý do không thể của em! – Cô Vân cương quyết.
- Em đã bảo là em làm sai thì em chịu, sao cô cứ phải đá động đến họ vậy?
- Em sợ gì sao hả Phong?
Cô dò xét và tìm kiếm trong ánh mắt đang hung tợn của tôi.
- Em không sợ, nhưng em đã nói em không có gia đình và tốt nhất đừng lôi họ vào. Em không muốn!
- Em có vấn đề gì về gia đình sao? – Cô hỏi.
Tôi im lặng thừa nhận. Trong lòng tôi dâng lên một thứ cảm xúc vô cùng ức chế và buồn bã. Là khi đó, khi người ta nói về gia đình của tôi. Là khi họ gợi nhắc cho tôi về hai chữ “gia đình”. Và là khi tôi cảm thấy mình thật bất hạnh biết bao trong những tháng ngày đã qua đó.
Cảm thấy tình hình có vẻ căng thẳng hơn, Huy Béo cũng chen vào góp lời để giảm nhiệt. Nhưng tiếc thay, thằng này mồm đi trước não rồi.
- Ê Phong, mày đang vô lễ với cô đấy. Nếu mày không muốn đá động đến gia đình thì sao mày không gọi xe ôm. Tao biết…
Tôi liền nghía qua cô Vân, thấy cô đang nhìn nó với ánh mắt hình viên đạn. Tôi muốn cười vỡ tung cảm xúc mình ra nhưng phải cố nén, quay sang nhìn nó một cách châm chọc. Về phần nó, khi biết mình bị hớ, nó đưa tay lên miệng, vỗ vài cái rồi lèm bèm cái gì đó, cười ngu ra:
- Em… em giỡn. Em bức xúc quá mà.
- Em mà gọi mấy chú xe ôm đi họp thay phụ huynh thì coi chừng cô nha Huy.
- Dạ! - Nó xụi mặt.
- Còn Phong, em làm sao thì làm, sáng thứ sáu tuần sau phải có người đại diện đến gặp cô. Nếu người đó mà không liên quan gì tới em thì cô sẽ phạt em nặng hơn.
Tôi không kịp nói gì thêm thì cô Vân đã chặn đứng họng:
- Không nhưng nhị gì hết. Cô nói rồi đấy.
Đúng lúc thì nhỏ Mai thập thò ló đầu từ ngoài cửa vào.
- Mẹ! Lớp làm xong nên con cho về rồi. – Mai nói.
- Mai đấy à, ở lớp có xảy ra chuyện gì nữa không?
- Dạ không! - Mai đi vào tới gần cô Vân. – Mẹ! Tên kia xử sao rồi?
Hình như nhỏ Mai đang cố tình nói to để cho tôi và Huy Béo nghe thấy.
- Hạ hai bậc hạnh kiểm, dọn nhà vệ sinh một tháng, viết hai bảng kiểm điểm.
- Phạt nặng thế! - Mai cảm thán.
- Quậy quá mà. Thôi mẹ xuống phòng hiệu trưởng tường trình cùng giám thị rồi. Con ở lại với bạn, có đi chơi thì nhớ về sớm đấy!
Nhỏ Mai “Dạ” rang, đợi cô Vân đi khỏi rồi mới ùa tới ngồi xuống cái ghế bên cạnh tôi.
- Đáng đời nhà ngươi.
Và thế là nhỏ Mai lại xả một tràng cười với giọng điệu đầy hả hê mà chín mười phần là giễu cợt tôi.
- Làm bộ ác ôn không được thì đừng làm, đây lại tưởng là con điên. – Tôi làm bộ mặt không quan tâm.
Thằng Huy mới cười phá lên trêu lại nhỏ Mai:
- Này người nhà quê có thấy quê chưa?
- Cười như mày cũng tệ nốt, hẳn hai đứa đều điên!
Tôi lạnh lùng buông lời đao kiếm khiến nó nín bặt. Sau đó là bầu không khí im lặng đến đáng sợ. Huy Béo đang làm bộ hầm mặt và cả nhỏ Mai cũng đang ra vẻ tức tối. Thế là tôi ở giữa hai con người đang nở nụ cười rất ác quỷ. Hai đứa nó nhào vào người tôi. Tôi chỉ kịp giật mình la lên bài hãi và cười một tràng dài đầy thống khổ.
Nhỏ Mai dùng hai tay bóp cổ tôi rồi lắc lắc. Còn thằng Huy Béo thì tranh thủ cù lét vào hai bên hông. Tình huống dở khóc dở cười đang xảy ra với tôi. Phải năn nỉ trong nửa tiếng khóc nửa tiếng cười thì bọn nó mới tha cho.
- Giết luôn đi, giết luôn đừng để tao sống nữa! - Tôi nổi điên quát ầm ĩ.
- Giết được thì đã giết rồi. – Mai cười khúc khích.
- Bóp cổ người ta, không giết thì là gì? – Tôi nổi quạu. - Lao động xong chưa mà xuống đây?
- Xong rồi mới xuống. Mà tui xuống đây để gặp mẹ chứ không phải mấy người đâu. Đừng mơ mộng tưởng, ha!
Nghe nói thế tôi sôi máu, liền miếng đáp miếng với nhỏ Mai.
- Thế à? - Tôi nói cộc lốc.
- Ừ, thế đó!
- Thế ở đây chi nữa?
- Tò mò mới ở đây?
- Con gái lắm chuyện thế?
- Kệ tui, tui thích thì sao? – Mai kênh mặt lên.
- Thích như thế nào?
- Như thế đó!
- Thế…
- Thôi thôi, anh chị dẫn nhau về nhà rồi đóng cửa mà cự cãi. – Huy Béo cắt ngang lời.
- Con nít vô phép vô lối, im lặng cho người lớn nói chuyện.
Tôi quay sang nạt thằng Huy, nhưng không nén được cười.
- Mày lớn chắc. Vô phép vô tắc, dám bật cả ba thằng Hưng và thầy giám thị.
Huy Béo cười khoái chí khiến nhỏ Mai cũng tò mò theo. Đúng là con gái, chúa tò mò.
- Hỏi nó đi, nó là anh hùng của mọi thời đại. Không sợ kẻ có quyền uy và lắm tiền nhiều của. Một siêu anh hùng…
Tôi im lặng không nói gì, nghĩ lại một chút về những chuyện đã xảy ra. Bất giác tôi cũng mỉm cười nhẹ như khinh rẻ. Chợt có tiếng giám thị ở bên ngoài.
- Này mấy đứa kia. Có ra khỏi phòng không hay đợi thầy nhốt lại cả đám đây hả!
Một thầy giám thị bước vào, tiến tới cái tủ lấy ổ khóa và nói.
- Dạ tụi em xin lỗi thầy! Tụi em về ngay. – Mai đứng dậy lễ phép thưa.
Bọn tôi đi ra khỏi phòng giám thị, trời đã trưa, nắng lên nóng hầm như lò bát quái.
- Đi uống nước nha Phong? – Mai lên tiếng đề nghị.
- Sao tốt thế? – Tôi ngờ vực.
Nhỏ Mai cười khì, bảo rằng muốn biết chuyện gì xảy ra tại phòng giám thị khi nãy. Tôi tỏ thái độ chán nản, buông lời hỏn lọn:
- Thôi dẹp!
- Đi mà! – Mai năn nỉ.
- Đi đi Phong, tao đang khác.
Huy Béo cười, nó lại còn giả vờ ho khụ khụ lấy mấy tiếng làm tin. Thôi thì vẫn còn sớm, quay về cũng không biết làm gì cả nên tôi đồng ý. Thế là cả bọn vừa đi bộ ra bãi gửi xe vừa tranh thủ tán dóc, cũng chỉ là luyên thuyên mấy lời xàm xí.