Nghe được vậy tôi gật đầu chạy nhanh xuống dưới. Lòng mừng thầm vì không bị cậu ta ném đồ hay chửi bới gì. Tính mát hẳn chứ không thì tôi chết mất, ăn đao thôi. Mà giờ nghĩ lại thấy tôi tệ hại thật, chả làm gì nên hồn. Trước giờ toàn mẹ làm cho, bây giờ ra ngoài va chạm đời mới thấy mình ngốc nghếch và vụng về vô cùng. Từ giờ phải nhờ dì Tư hướng dẫn thêm, rảnh rang học nấu nướng nữa, chứ xưa nay là chiên trứng mà thôi. Haizz.
Lon ton xuống dưới thấy dì Tư đang pha mắm tôm, rổ bún để sẵn, trên bếp là chảo đậu phụ đang chiên thơm phức. Tôi hỏi ngay:
— Dì cần con phụ gì không?
— Con trở đậu phụ trong chảo dùm dì.
— Dạ.
Tôi vừa chiên vì líu lo:
— Chiều nay con đi công chuyện với cậu Khôi rồi, dì ở nhà có nhớ con không?
Dì Tư xoay lại hỏi tôi:
— Ủa con đi đâu với cậu chủ vậy?
— À nghe cậu ấy nói ghé công ty, lâu lắm rồi không lên đó nên giờ vô coi tình hình công ty thế nào.
— Vậy hả con? Trời ơi, mừng quá! Công con chuyến này thật lớn lao.
Tôi không hiểu liền hỏi ngay:
— Là sao dì? Con không hiểu.
— Trời, con nhỏ này khờ ghê! Từ lúc cậu Khôi bị tai nạn đến giờ, rời khỏi phòng nửa bước thôi là đã khó, chứ đừng nói chuyện lên công ty. Đây là bước tiến vượt bậc, ông bà chủ chiều nay ắt sẽ bất ngờ dữ lắm! Con giúp cậu ấy trở về hiện trạng như xưa thì sau ông bà chủ sẽ giúp con hết sức có thể. Lúc đó con có thể xin ông bà vào công ty làm một việc gì đó, ngày đi làm đêm đi học. Đảm bảo ông bà sẽ hỗ trợ con nhiệt tình.
Tôi lắc đầu, giọng đượm buồn:
— Con chỉ mong cậu chủ khỏi bệnh là con mừng lắm rồi. Còn chuyện đi học lại đó là một vấn đề quá đỗi xa vời. Huống chi mơ đến việc vào công ty ông bà chủ làm thì con không dám đâu.
Dì Tư vỗ vỗ lưng tôi vài cái:
— Con cứ ước mơ, không ai cấm cản cả, huống chi ước mơ ấy rất chính đáng mà con. Ông bà chủ thì dì sống với họ lâu rồi nên hiểu rõ. Họ rất tình cảm, giàu lòng nhân ái. Chưa kể con giúp họ như vậy thì dì nghĩ… À mà thôi, đến đâu hay đến đó. Rồi con sẽ hiểu họ.
Vừa lúc tiếng xe hơi chạy vào sân, tôi chạy ra nhìn thấy ông bà chủ về liền nhanh nhảu:
— Con chào ông bà ạ!
Xong tôi chạy nhanh lên lầu để báo tin cho cậu hai Khôi. Không kịp gõ cửa phòng, tôi đẩy cửa chạy vào, hơi thở hổn hển. Nhưng mà lúc này cậu chủ đang thay đồ. Cả người chỉ mặc độc chiếc quần bé tí xíu, gần như là kho.ả thâ.n rồi, da thị.t lộ rõ, thân hình vạm vỡ. Tôi hốt hoảng hét to, mặt đỏ qué lên:
— Ôi trời, cậu làm gì vậy?
Hoàng Khôi bình thản đáp:
— Phòng tôi thì làm gì đó là quyền tôi. Trách cô vô ý xông vào không gõ cửa thôi.
Lúc này tôi mới thấy sự vô lý của mình nhưng tính hiếu thắng trỗi dậy, tôi đáp trả:
— Nhưng chí ít cậu cũng nên vào phòng tắm thay đồ cho đúng phép lịch sự chứ? Phòng cậu hay có người ra vào mà.
— Tôi là vậy đó, cô tập dần cho quen.
Tôi há hốc miệng:.
— Ý cậu kêu tôi tập nhìn cảnh cậu mát mẻ á!
— Đúng vậy. Giờ tôi sẽ thoát y, cô muốn thưởng lãm không thì đứng đây xem.
— Tôi … Đồ vô duyên. Ông bà về rồi đó.
Nói xong tôi bỏ chạy ra ngoài, ngồi ngoài bậc tam cấp thở phì phò. Chu cha, lần đầu nhìn cảnh này tôi ngượng trân. Người gì mà đẹp thế, cao ráo, vạm vỡ, múi nào ra múi đó, vòm ngực rắn rỏi. Ỷ đẹp lại còn kêu mình thưởng lãm cậu ta. Mặt tôi đỏ hồng, cố nhắm mắt lại để quên đi cảnh ấy mà sao nó lại hiện rõ mồn một thế này. Tôi liền đưa tay véo lấy bắp tay mình để cho tỉnh táo lại. Lúc sau Hoàng Khôi chống nạng bước ra, thấy tôi ngồi đó liền ngạc nhiên:
— Sao chưa xuống? Còn ngồi đó luyến tiếc vì không được xem thân hình tôi?
Tôi nguýt một cái thật dài:
— Vô sỉ. Bộ cậu tưởng mình có giá lắm chắc? Tôi ngồi đây vì công việc đó là đi theo cậu. Thế nên bớt mơ đi.
— Vậy à? Thế thì đi xuống thôi.
Lò dò theo từng bước đi cà nhắc của cậu ta mà tôi xấu hổ. Tâm can của tôi đã bị cậu ta nhìn thấu mất rồi. Ai biểu đẹp trai quá làm chi.
Bước xuống phòng ăn, mọi người đã tụ tập đông đủ có cả Hoàng Đăng. Thấy anh hai đi xuống cậu ấy ngỡ ngàng thốt lên:
— Ôi ông anh quý hoá của tôi nay xuống tận đây ăn cùng sao? Điều gì khiến anh thay đổi vậy?
Hoàng Khôi không nói gì, chỉ cười cười chào ba mẹ rồi ngồi xuống ghế. Tôi cũng lặng xăng xuống bếp xem còn cần phụ gì nữa không, thì dì Tư xua tay:
— Lên dùng bữa đi con. Xong hết rồi. Bún đậu phải ăn nóng mới ngon.
— Dạ, con mời dì ăn trưa nha!
— Ừ, dì dọn cơm cho ông Tư ăn luôn đây.
Bước ra ngoài thì ông chủ bảo tôi:
— Bé Minh ngồi xuống ăn đi con. Nay có món bún đậu, ngon lắm!
— Dạ, con mời ông bà và hai cậu dùng bữa ạ!
Bà Tuyết cũng nói:
— Các con ăn đi.
Hoàng Khôi ăn từ tốn nhưng rất ngon miệng, sau đó ngẩng lên hỏi em trai:
— Dạo này công việc em thế nào?
Hoàng Đăng nhún vai đáp:
— Vẫn vậy thôi anh.
— Ừ, cố nha! Cũng đến lúc ba mẹ phải nghỉ ngơi rồi, tụi mình cũng không nên tựa vào ba mẹ nữa.
Nói xong anh quay sang phía họ đoạn thông báo trước:
— Chiều nay con sẽ vào công ty.
Ông Sang đang ăn phải buông đũa xuống. Còn bà Tuyết dường như không giữ nổi bình tĩnh nữa, giọng vui sướng hỏi lại:
— Vậy sao con?
— Dạ, con phải vào công ty coi lại mọi thứ. Chứ thời gian qua con xao lãng quá lâu rồi, giờ đến lúc phải chấn chỉnh lại mọi thứ. Nên từ giờ con sẽ vào công ty vào buổi sáng, buổi chiều sẽ ở nhà để luyện tập thêm. Trước mắt cứ tạm vậy đã.
Hai ông bà lặng thinh không nói nên lời, đôi mắt lưng tròng. Còn niềm vui nào hơn khi thấy con mình sống tốt hơn? Ông bà chỉ biết nhau với ánh mắt chứa chan niềm hi vọng nhất.
Bún ngon nên tôi ăn nhanh sau đó bưng chén mình vô trong bếp. Trong chén còn ít mắm tôm thừa, đổ bồn rác thì hôi tôi bèn mang vô toilet đổ xong nhấn nút dội. Hoàng Đăng là người ăn xong sau tôi mới đi vào toilet, lát sau cậu ta hét toáng lên:
— Ai? Ai đổ mắm tôm vào bồn vệ sinh vậy?
Tôi ở dưới bếp nghe thấy liền trả lời:
— Tôi mới đổ đó.
Mặt đỏ bừng lên, cậu ta quát um:
— Cô bị điên à? Khi không đổ mắm tôm vào? Thiệt là oái ăm.
— Tôi sợ đổ mắm vào bồn rửa gây hôi nên mới đổ vào bồn vệ sinh thôi mà.
— Cô vào mà xem tác phẩm của mình đi. Đúng là cái đồ điên khùng, đồ dân quê.
Bà chủ chạy vô hỏi:
— Sao mà con la lối um sùm vậy?
Hoàng Đăng vò đầu bứt tóc:
— Không biết mẹ rước cái của nợ này ở đâu về. Ai đời đổ mắm tôm vào bồn vệ sinh chứ.
Tôi liền phân bua:
— Dạ con sợ đổ vào bồn rửa gây hôi nên… nên con…. Con xin lỗi ạ!
Bà Tuyết hiểu ra ngọn ngành liền nói với Hoàng Đăng:
— Con bé đang nhỏ, chưa biết thì con có thể hướng dẫn bảo ban em mà, sao lại dùng những lời lẽ khó nghe vậy? Lời nói như vậy sẽ làm tổn thương con bé.
— Haizz, mẹ thiệt là… Cứ vậy có ngày nó ngồi lên đầu mẹ cho coi.
Nói xong cậu ta hậm hực bỏ đi. Còn lại hai người, bà Tuyết nhẹ nhàng hướng dẫn tôi:
— Bữa sau còn dư mắm tôm, mắm ruốc gì đó, con có thể đổ vào túi ni lông rồi cột chặt miệng túi như thế này sẽ không còn mùi, con nhé!
Tôi lúc này vỡ lẽ ra mà reo lên:
— Trời, đơn giản như thế này sao con không nghĩ ra ta? Con cám ơn bà ạ!
— Con đừng để ý lời Hoàng Đăng nói nha! Nó xưa nay lời nói rất thẳng dễ khiến người ta phật lòng. Bác cũng rất buồn lòng về cái tính của nó.
— Dạ, cũng lỗi do con sai lè mà. Thôi bà chủ đi nghỉ trưa đi.
— Uh, con cũng đi nghỉ sớm nhé!
Lát sau dì Tư bưng dọn chén bát đi vô dường như cũng biết được sự tình, dì bật cười:
— Con cũng thiệt là…. Để đó rồi lát dì rửa dọn, ai đâu phát minh sáng kiến đổ mắm tôm vô bồn cầu.
Tôi dậm chân bình bịch:
— Dì còn cười ghẹo con nữa. Con biết là mình nhiều khi ngố lắm, mẹ con la hoài à! Với ở quê con cũng chẳng động tay động chân làm gì, giờ mới thấm cái nết của mình.
— Hihii. Ai cũng có những phút giây dại khờ mà. Thôi lên nghỉ đi cô nương, chiều còn đi lên công ty với cậu Khôi kìa.
— Dạ để con dọn đồ vô đây cho dì rửa nha! Rồi đưa ông cậu Khôi lên phòng nữa.
— Ừ. Mà cậu ấy đi lên lầu nãy giờ rồi.
Tôi ngạc nhiên:
— Ủa nay ổng không đợi con vậy ta?
Dọn xong tôi nhảy lên lầu vào phòng đáp thẳng cả thân người xuống chiếc nệm một cái ầm. Nằm quay qua quay lại tôi chợt nhớ ra phải hẹn chuông báo thức. Tôi vớ lấy cái điện thoại cùi bắp hẹn một giờ mười lăm. Vì cậu ấy dặn tôi là hai giờ sẽ xuất phát.
Nằm thiêm thiếp một lúc thì điện thoại báo thức. Tôi bật dậy vào nhà tắm rửa mặt cho tỉnh táo. Rồi thay cái áo sơ mi trắng, quần tây đen mà tôi vẫn hay mặc đi học. Tóc tai chải gọn gàng chỉn chu tôi mới đi lên phòng cậu Khôi gõ cửa vài cái. Sau đó đi vào đã thấy cậu ấy thật ngời ngời trong bộ đồ tây, phong thái thật đĩnh đạc. Tôi nhìn chăm chăm không chớp mắt, cái miệng há hốc ra mà ngây nhìn. Tiếng nói trầm trầm hàng ngày vang lên nửa đùa nửa thật:
— Nhìn tôi đẹp trai lắm à mà sao cô mắt chữ O mồm chữ A nhìn chằm chằm vậy? Hồi nào giờ chưa nhìn thấy trai đẹp à?
Tôi tỉnh người vội nói tránh:
— Không phải, thường ngày nhìn bộ dạng cậu trong quần sooc, áo thun nay thấy nghiêm trang thế này thật lạ nhưng cũng rất đẹp nữa. Thật không uổng công ông bà sinh mà.
Xoay qua xoay lại trước gương ngắm ngía một lúc, cậu chủ hỏi:
— Ờ. Nhìn tôi ổn chưa?
— Rất bảnh trai. Cậu thế này ra đường khối cô theo đứt đuôi nòng nọc chứ.
Tôi biết là cậu ấy đang tự ti về cái chân của mình nên cố tình nói bông lơn để khoả lấp.