Ngoại truyên 1: Cuộc sống hậu hôn nhân
Cố kìm nén cơn “nghén” để hoàn tất đám cưới, nhìn Lâm tôi hạnh phúc tới mức môi chẳng tắt nụ cười. Vậy mà chẳng hiểu sao lúc trao nón mắt mẹ tôi lại đượm buồn. Bà gượng cười chúc phúc cho vợ chồng tôi, còn dặn dò rất kỹ:
– Cơ địa con vốn yếu, phải cố gắng giữ gìn. Nếu thật sự là có thai tự nhiên cũng mừng… nhưng con mới mổ tròn năm, lúc đi khám nhớ hỏi thật kỹ ý kiến bác sĩ nghe không.
– Con biết rồi mà mẹ, con lớn rồi, mẹ không cần phải quá lo lắng thế đâu.
Mẹ gật đầu sau đó quay sang Lâm nói tiếp:
– Bây giờ hai đứa đã chính thức là vợ chồng rồi, phải yêu thương, nhường nhịn nhau làm sao sống thật hạnh phúc để còn lo cho mấy đứa trẻ, Mẹ trao cái Hường cho con, mong là con sẽ giữ đúng những lời đã hứa với mẹ.
Ngay cả bố tôi cũng dặn dò tôi đi đứng cẩn thận, bây giờ chưa biết chắc có bầu hay không thì đừng uống rượu hay đồ kích thích, đám cưới toàn người thân nên không ai chê trách gì cả.
Tôi ôm chặt hai người thân sinh ra mình, rất muốn nói với họ vài điều:
– Con gái của cha mẹ có thể bé bỏng trong vòng tay của bố mẹ nhưng bố mẹ hãy yên tâm rằng, cô con gái bé bỏng ngày nào ấy của hai người nay đã thật sự trưởng thành và vững vàng trước sóng gió cuộc đời. Chẳng gì có thể quật ngã được con khi con đã có cha mẹ luôn dõi theo đằng sau và cả một bờ vai ấm áp luôn luôn sánh bước cùng con trên chặng đường đời còn lại.
Bố tôi mỉm cười đáp lại:
– Dù có theo chồng rời xa chúng ta thì con vẫn mãi luôn là con gái cưng của bố mẹ, hãy nhớ bố mẹ luôn ở cạnh con, nếu có bất cứ chuyện gì, dù vui dù buồn, bố mẹ cũng luôn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ cùng con.
Phải đến khi đã trở thành mẹ của những của những đứa con nhỏ bé, tôi mới hiểu được công ơn trời biển của bố mẹ nuôi nấng trưởng thành. Lúc thấu hiểu thì cũng là lúc tôi phải dành nhiều thời gian hơn cho gia đình nhỏ, chẳng còn nhiều thời gian bên bố mẹ. Suy nghĩ đó làm tôi bật khóc, bố tôi dù là người đàn ông cứng rắn chưa từng rơi lệ cũng phải bật khóc khi cầm tay tôi trao cho Lâm.
Cảm ơn bố mẹ, vì đã luôn là người cho con động lực để cố gắng và phấn đấu sống tốt hơn. Bố mẹ mãi là tấm gương sáng cho con noi theo. Công ơn này con sẽ khắc cốt ghi tâm và con sẽ là người vợ, người mẹ thật tốt như lời bố mẹ đã dạy.
Chẳng có niềm vui nào hơn niềm vui được sánh bước bên người bạn đời trăm năm để nên duyên, xây dựng tổ ấm. Đó là giây phút mà bất kỳ ai cũng mong mỏi khi khôn lớn trưởng thành. Ấy thế mà, khi ngày hạnh phúc đó tới, ai ai cũng rơi lệ, nhưng những giọt nước mắt ấy không phải giọt nước mắt khổ đau mà là giọt nước mắt của hạnh phúc bắt đầu cho cuộc sống mới.
Khóc vì đã trải qua tình yêu đầy sóng gió để đến với nhau và rồi thầm ước với nhau sẽ luôn yêu thương, che chở và ở bên nhau suốt cuộc đời. Nếu sóng gió trước đó đã chẳng thể làm đôi ta chia lìa thì ngày mai và ngày sau nữa cũng chẳng thể ngăn được đôi ta sánh vai cùng nhau.
——–*——-*——
Khi chiếc váy cưới vừa được tháo bỏ, ngay lập tức tôi cùng anh tới viện kiểm tra, tôi muốn biết chắc chắn xem mình có thai hay không, tôi thật sự không chịu được cái cảm giác hồi hộp mong chờ này nữa rồi.
– Thai nhi tương đương 7 tuần 6 ngày, đã có tim thai, hiện tại không phát hiện có gì bất thường cả.
Một lần nữa hạnh phúc lại nở hoa trên môi tôi, tôi được làm mẹ, được làm mẹ một cách hoàn toàn tự nhiên. Niềm vui, niềm hạnh phúc tới dồn dập trong ngày khiến trái tim bé nhỏ của tôi run lên từng nhịp.
Đây là vị bác sĩ mà tôi đỡ đẻ cho Tít, Mít, bởi vậy bác cũng nắm được một phần về thể trạng của tôi. Khẽ đẩy cao gọng kính bác sĩ nghiêm giọng hỏi:
– Hai vợ chồng đã bàn bạc chưa, định giữ hay bỏ?
– Tất nhiên là giữ chứ ạ, con của cháu mà, làm sao lại bỏ được.
Bác sĩ không nói gì lặng lẽ ra dấu cho Lâm vào Phòng, nhìn hai chúng tôi một lượt rồi nói:
– Bác hiểu tâm trạng của hai vợ chồng, nhưng đây là việc quan trọng cần phải bàn bạc thật kỹ. Tử cung của cháu khá mỏng và yếu, vết mổ cũng hồi phục chậm hơn người khác, cũng có tuổi rồi, nếu cố giữ tới khi thai to gây áp lực lên vết mổ e là sẽ nguy hiểm.
– Nhưng mà khó khăn lắm cháu mới…
– Bác hiểu, hai vợ chồng cứ về bàn bạc thêm rồi trả lời sau. Nếu cố giữ thì từ tháng thứ 5 cháu phải đi kiểm tra liên tục, tháng thứ 7 nên tiêm một số mũi trưởng thành sớm cho thai nhi, sau đó mổ bắt con sớm để tránh nguy hiểm cho cả mẹ, cả con. Nói thì thế nhưng sẽ rất vất vả đấy, cháu còn có tiền sử tiểu đường và huyết áp thai kỳ nữa nên có rất nhiều vấn đề khó nói.
Tôi lặng người, bản thân từng trải qua biết bao gian nan trên hành trình tìm con, đứa con này tôi vô cùng trân trọng. Những lần trước mất con tim tôi đã như vỡ vụn, làm sao mà lúc này tôi có thể bỏ con được chứ. Vì con tôi có thể đánh đổi cả mạng sống của bản thân. Nhưng mà.. Tít, Mít và cả bé Nhím cũng cần tôi, ba đứa trẻ tội nghiệp ấy sẽ ra sao khi không có tôi bên cạnh. Lựa chọn này thật sự quá khó đối với tôi.
Lâm trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu rồi khó khăn hỏi:
– Vậy… bác khuyên vợ chồng cháu… lựa chọn thế nào ạ?
– Bây giờ bỏ cũng nguy hiểm mà giữ lại càng nguy hiểm hơn… theo bác hai vợ chồng đủ nếp đủ tẻ rồi, mạo hiểm lắm.
Thấy tôi rơm rớm nước mắt như muốn khóc, bác nhẹ đặt tay lên vai tôi nói tiếp:
– Bác khuyên thế thôi còn quyết định thế nào vẫn là ở hai vợ chồng. Cứ về suy nghĩ thật kỹ.
Trái ngược với vẻ háo hức khi tới, lúc rời khỏi bệnh viện tôi với Lâm như hai kẻ mất hồn. Ngay cả việc về nhà bằng cách nào tôi cũng chẳng nhớ.
Thấy thái độ khác lạ của vợ chồng tôi, bố mẹ hai bên vội gặng hỏi, khi nghe Lâm thuật lại tình hình mẹ tôi đã ôm tôi vào lòng bật khóc:
– Sao cái số con tôi lại khổ thế này con ơi.
Bố tôi cũng thở dài và khuyên vợ chồng tôi hệt như bác sĩ ban nãy:
– Nếu chưa có đứa nào thì khác, chứ bây giờ ba đứa rồi, đừng mạo hiểm với tính mạng của bản thân, kẻo rồi ba đứa lại nheo nhóc tội nghiệp.
Bố mẹ chồng thì tôn trọng quyết định của tôi, nếu tôi lựa chọn giữ con mẹ chồng tôi sẽ phụ tôi chăm sóc ba đứa lớn, còn ngược lại ông bà vẫn sẽ ủng hộ tôi.
Vừa thương đứa con đỏ hỏn mới thành hình trong bụng, vừa lo lắng cho ba đứa lớn khiến lòng tôi rối như tơ vò. Chỉ có Lâm là kiên quyết phá bỏ, anh không đồng ý để tôi mạo hiểm tính mạng của bản thân.
– Anh thương con, nhưng anh cũng cần em. Nếu chúng ta không phải chỉ có một mình nên không thể mạo hiểm.
– Nhưng nó là con chúng ta, em không nhẫn tâm được.
– Vậy em nghĩ anh nhẫn tâm hay sao, ở hoàn cảnh này chúng ta không thể lựa chọn khác em hiểu không. Nghe anh một lần có được không, anh xin em đấy, vì bố con anh lần này thôi.
Ngày hôm ấy anh đã lớn tiếng chỉ vì tôi cố chấp muốn giữ lại con, tôi biết anh không hề muốn như thế, chỉ là muốn tạo áp lực để tôi phải lựa chọn thương bản thân mình. Không muốn ngay đêm tân hôn mà hai vợ chồng đã giận hờn nên tôi đành dịu giọng xuống nước:
– Em biết anh thương em, lo cho em và các con. Anh cũng biết Tít và Mít em phải khó khăn thế nào mới có được, bây giờ bảo em giết con làm sao em có thể làm được.
– Bây giờ sức khoẻ của em mới là quan trọng nhất, ngộ nhỡ… anh nói rồi, anh không đồng ý giữ lại.
– Thôi thế này, anh cho em 1 tuần để cả em và anh đều suy nghĩ thật kỹ rồi quyết định. Như vậy sau này có thế nào chúng ta cũng không phải hối hận. Được không anh.
– Được rồi, anh cho em 1 tuần để chuẩn bị tâm lý, còn anh sẽ không thay đổi đâu.
Khẽ thở dài đặt tay lên bụng, nơi này đang có một sinh linh bé nhỏ hình thành. Chỉ tiếc là đứa bé ấy lại tới không đúng lúc… Hết đau lòng vì đứa nhỏ, tôi lại trằn trọc vì ba đứa lớn ngoài kia. Lựa chọn này quá khó khăn với tôi, tôi phải chọn lựa con đường nào để bớt đau thương?
Một tuần suy nghĩ là một tuần tôi mất ăn mất ngủ vì thương con, đã có lúc tôi thuận theo ý Lâm, vì chính bản thân tôi cũng lo sợ những rủi ro mà tôi gặp phải khi quyết định giữ thai. Tôi lo không phải cho mình, mà lo cho ba đứa nhỏ ngoài kia, tôi sợ nếu tôi có mệnh hệ gì ba con bé bỏng của tôi lại phải sống quãng thời gian giống bé Nhím khi trước. Sợ Lâm sẽ không ở vậy nuôi con mà tiếp tục đi bước nữa, dù tôi cũng là “ dì ghẻ” nhưng tôi lại sợ câu “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”, mâu thuẫn quá phải không?
Buổi chiều tôi quyết định sẽ bỏ con, đến đêm tôi lại mơ thấy tôi của ngày trước, ở trong chính phòng sinh quen thuộc, tôi đang ôm đứa con gái xấu số khóc đến cạn nước mắt. Cảm giác mất đi đứa con bé bỏng ấy tới bây giờ nghĩ lại tim tôi vẫn còn tê dại vì đau đớn. Rồi cả những nỗi đau khi tôi chửa ngoài tử cung, khi thai chết lưu… Hàng vạn nỗi đau chồng chéo trong giấc mơ mộng mị ấy. Trong cơn mơ mọi thứ đều mờ nhạt, chỉ có duy nhất nỗi đau là rõ nét. Cơn mơ ấy nhắc tôi nhớ về nỗi đau khi mất con nhiều năm trước, đồng thời khơi gợi tình mẫu tử trong tôi.
Tỉnh cơn mê, nước mắt cũng ướt đầm gối, bé con của tôi không có tội, nó cũng có khát khao sống mạnh mẽ như tôi. Làm sao tôi có thể vì sợ mình chết mà tước đi mạng sống của con mình đây?
Khẽ đặt tay lên bụng tôi thì thầm:
– Con à, có phải con hiểu được suy nghĩ của mẹ nên đang cố nhắc nhở mẹ không con? Mẹ xin lỗi, mẹ sẽ không bao giờ nghĩ bậy bạ như thế nữa, con yên tâm ở trong đó đủ ngày đủ tháng rồi ra với cả nhà nha con.
Sau hôm ấy tôi kiên quyết giữ lại con, mặc cho việc đó sẽ nguy hiểm cho bản thân, mặc lời khuyên cản của mọi người, tôi quyết bảo vệ con mình tới cùng. Lâm hiểu tính tôi ngang bướng, một khi đã kiên quyết điều gì sẽ không thay đổi, phần nữa anh cũng thương con nên chỉ còn cách chăm sóc, lo lắng cho mẹ con tôi mỗi ngày.
Giữ lại con đồng nghĩa với việc gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai anh thêm một chút, nhìn anh vất vả ngày đêm lòng tôi không khỏi xót xa.
Sức khỏe thai kỳ của tôi vốn không tốt, để giữ được con tôi cần thêm một người phụ trông lũ nhóc. Vậy là bà nội bà ngoại lại thay phiên nhau ra ở cùng vợ chồng tôi, thêm 1 cô giúp việc nữa mà nhiều lúc tôi vẫn cảm thấy đuối.
Tít, Mít đang tuổi khám phá thấy gì lạ là cho luôn vào mồm nếm thử mùi vị, vì thế không lúc nào dám rời mắt khỏi hai đứa. Nhím thì đỡ hơn, đã lớn và tự biết chăm sóc bản thân, duy chỉ có việc học là khiến tôi đau đầu, quãng thời gian trước con bé vì buồn chuyện gia đình, lại thêm cô giáo không quan tâm nên học hành sa sút. Mỗi lần kèm con học thôi cũng đủ khiến tôi đau đầu. Lâm sợ tôi mệt nên nói con tự học, nhưng tôi không yên tâm nên lúc con học luôn ngồi bên cạnh con, dù mệt cũng không muốn nghỉ một ngày.
Chẳng biết có phải bé con trong bụng tôi cảm nhận được sự hi sinh của mẹ hay không mà ngoan hơn hẳn anh chị của nó trước đó. Hàng ngày tôi tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn của bác sĩ đồng thời đi khám đều đặn theo lịch. Nhờ vậy bé con phát triển khỏe mạnh, là một tiểu hoàng tử, cu cậu khá hiếu động, tháng thứ 5 là cu cậu trườn bò, rồi giãy đạp trong bụng mẹ liên tục.
Sang đến tháng 7 cơ thể tôi bắt đầu nặng nề hơn, lại phải thăm khám liên tục không có nhiều thời gian dành cho các con nên buộc phải thuê gia sư kèm bé Nhím vào buổi tối.
Các mũi tiêm cần thiết tôi đều tiêm đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Tháng thứ 8 tôi gần như là vào viện mỗi ngày vì bác sĩ nói vết mổ cũ của tôi có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào. Lúc này nỗi lo lại bắt đầu bao trùm lên tất thảy mọi người trong nhà, khoảng thời gian trong ngày của tôi đa phần là dành để tới viện và nghỉ ngơi. Ngay cả đến việc đi lại cũng phải hạn chế.
Dấu mốc tuần 36 cũng nặng nề tới, lúc này bác sĩ đề nghị tôi nhập viện, một ngày đích thân bác thăm khám cho tôi 3 lần.
Bác nói:
– Mổ lúc này cũng được nhưng em bé sẽ phải nằm lồng kình và các nguy cơ cũng cao hơn. Vậy nên hai bác cháu mình cùng cố gắng thêm 1 tuần nữa, lúc ấy em bé đã đủ sức để có thể ra ngoài khỏe mạnh thì ta tiến hành mổ.
Vì vết mổ của tôi bị dính nhiều, bác sĩ phẫu thuật phải loay hoay mất thời gian hơn. Vết mổ lại chảy máu không ngừng, phải mất hơn 1 tiếng mới có thể cầm máu. Thành ra ca mổ của tôi kéo dài gần 2 giờ đồng hồ với biết bao căn thẳng. Đến bác sĩ cũng phải toát mồ hôi nói:
– Thôi nhé, đừng đẻ nữa, nguy hiểm lắm.
Tôi khẽ thở phào, tôi và Lâm đã có 4 mặt con, 2 trai, 2 gái, tôi cũng không có ý định sinh thêm nên bác sĩ đề nghị:
– Thắt ống dẫn trứng luôn, kẻo lại lỡ dính bầu thì nguy hiểm lắm, tử cung này yếu lắm rồi, dính lần nữa là chết đấy.
Tưởng như đã thở phào nhẹ nhõm, thì bỗng nhiên cu Tin đang nằm trên ngực tôi bỗng trở nên tím tái, bác sĩ thăm khám kiểm tra một hồi thì yêu cầu cho cậu bé vào lồng kính theo dõi. Hóa ra cu cậu vẫn giữ thói quen trong bụng mẹ nên “quên thở”. Nằm lồng kính theo dõi 2 ngày, khi mọi chỉ số đều tốt thì được ghép với mẹ.
Lúc tôi được đẩy từ phòng mổ ra Lâm đã bật khóc, anh nắm chặt tay tôi không chịu buông, tới khi mỏi quá tôi phải nhắc:
– Anh, em mỏi.
– Anh xin lỗi, em ở trong đó lâu quá, anh cứ sợ… sẽ không còn cơ hội được nghe em cằn nhằn nữa. Lúc đó anh sợ lắm, anh đã ước gì mình có thể gánh thay em.
– Chẳng phải bây giờ em và con đều ổn rồi sao?
Chẳng phải riêng Lâm, mà ngay cả bản thân tôi trong giây phút sinh tử ấy cũng vô cùng hoảng sợ. Gần như tất cả các bác sĩ của bệnh viện đều tập trung lại chỉ để xử lý ca mổ của riêng tôi, rồi tiếng nhịp tim, tiếng dụng cụ va vào nhau càng khiến cho lồng ngực tôi thắt lại. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều, xin ông trời cho tôi và con được bình an, tôi còn quá nhiều dự định dang dở, còn đàn con thơ cần chăm sóc, tôi chưa thể ra đi lúc này được.
Ông trời đã nghe thấu lời nguyện cầu của tôi, cuối cùng ca mổ cũng thành công. Cuối cùng tôi cũng gặp lại mọi người.
Mất máu nhiều nên cơ thể tôi rất mệt, cố gắng mỉm cười trấn an mọi người rồi tôi cũng chìm dần vào giấc ngủ. Cho tới khi bị cơn đau đánh thức tôi mới nhăn nhó mở mắt, quả nhiên mọi người nói đúng, mổ lần 2 đau gấp 1000 lần lần 1. Mẹ thấy tôi đau đớn thì xót xa vô cùng, còn Lâm thì vội chạy đi gọi bác sĩ. Bảy ngày nằm viện là bảy ngày như địa ngục đối với tôi, cơn đau đến dồn dập, chưa đầy 3 tiếng tôi đã phải vật vã xin bác sĩ thuốc giảm đau. Bác sĩ kiểm tra chưa đủ thời gian quy định nên tôi buộc lòng phải chịu đựng tới khi khoảng cách đủ 4 tiếng mới có thể dùng tiếp một liều giảm đau thứ 2.
Lâm lúc này da dáng là “chồng nhà người ta” khi hết bế con, thay tã cho con, lại xoa bóp tay chân cho vợ đỡ mỏi khiến mọi người ai nấy đều xuýt xoa khen tôi tốt phước. Không chỉ ở viện, mà về nhà anh cũng tranh thủ thời gian chăm các con, dù đã có giúp việc và bà nội ngoại hai bên, nhưng anh lúc rảnh anh vẫn tự tay chăm con. Anh bảo:
– Thế này cho vợ có cái mà khoe với thiên hạ.
Tôi nhìn bố con anh ôm nhau mà phì cười, chỉ chờ có thế anh lại nói tiếp:
– Đời này nhiệm vụ của anh là chăm sóc và đem lại hạnh phúc cho mấy mẹ con. Khó anh không sợ, khổ anh cũng không màng, chỉ sợ mấy mẹ con thua thiệt với người ta mà thôi.
Hiện tại bé Nhím đã có thể tự học, hai chị em Tít Mít thì con nhỏ nên vẫn ở nhà. Nhất là con bé Mít rất hay tủi thân, chỉ cần mẹ mắng nhẹ 1 câu thôi là mếu máo khóc. Thế là tôi lại phải co kéo thời gian dành cho con bé nhiều hơn để khỏi tủi. Còn cu Tít thì chỉ nghịch, cả ngày không ngơi chân tay lúc nào trừ khi ngủ, lúc thì phá đồ, khi lại la hét làm em thức giấc nên thường xuyên bị bà nội mắng. Thế nhưng cu cậu cũng biết bản thân sai nên không khóc lóc hay ăn vạ như chị, mà rất đàn ông, cúi đầu khoanh tay xin lỗi bà và mọi người.
Dẫu vất vả nhưng nhìn các con vui vẻ, khỏe mạnh nô đùa cùng nhau đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với tôi. Lúc này tôi chẳng mơ ước gì cao sang, chỉ mong các con mỗi ngày đều ăn ngoan, chơi giỏi, bình an vậy thôi.
Tôi tuy không phải bà mẹ tuyệt vời nhưng nhất định sẽ cho các con những gì tuyệt vời nhất. Bởi chúng chính là tài sản quý báu nhất cuộc đời tôi.
Không một gia đình nào là hoàn hảo… vẫn có cãi vã, vẫn có chiến tranh, thậm chí là sự lạnh lùng trong một thời gian rất dài, nhưng cho đến cuối cùng, gia đình vẫn là gia đình… nơi tình yêu luôn luôn hiện hữu.
– Em chăm con mệt rồi ngủ sớm đi, cu Tin để đó anh đưa nôi cho.
– Nhưng mà… thiếu hơi anh em khó ngủ.
– Lại bắt đầu đi, ai là người hôm trước ở trong viện cào cấu anh, cấm anh không được động vào người em?
Đúng là tôi có nói thế, nhưng lúc đó là đau quá nên nói năng linh tinh. Bây giờ cu Tin đã 7 tháng, mỗi đêm được anh ôm vào lòng, cảm nhận hơi thở của anh phả sau gáy cơ thể tôi thật sự ngứa ngáy.
Bạn đang đọc truyện mới tại Metruyen HotMoi. Vào google gõ: Metruyen HotMoi để vào nhé! Bên khác copy sẽ thiếu nội dung chương đó ạ!